Gini Trung Quốc và Việt Nam: Dối trá và thực chất

Khác hẳn với Việt Nam là nơi luôn tuyên xưng “dân giàu nước mạnh”, Trung Quốc từ lâu nay đã bị giới quan sát phương Tây đặt cho biệt hiệu “nước giàu dân nghèo”.

Ông cựu Thanh tra chính phủ VN - Trần Văn Truyền nói rằng có "em kết nghĩa" biếu tiền xây biệt thự

Ông cựu Thanh tra chính phủ VN – Trần Văn Truyền nói rằng có “em kết nghĩa” biếu tiền xây biệt thự

Một nghiên cứu của Trường đại học Bắc Kinh công bố mới đây cho biết chỉ có 1% người giàu Trung Quốc đã kiểm soát đến hơn 30% của cải tại đất nước đông dân nhất hành tinh này. Trong khi đó, 25% số gia đình ở tận cùng xã hội chỉ có được khoảng 1% của cải đất nước.1% kiểm soát 30%!

Cần lưu ý là kết quả khảo sát trên chỉ tính đến cuối năm 2012, tức vào thời điểm mà một nghiên cứu khác cho tiết lộ có đến gần 20.000 quan chức Trung Quốc đã chạy sang các nước phương Tây, mang theo ít nhất 20 tỷ USD.

Nghiên cứu của Trường đại học Bắc Kinh còn tính cả hệ số Gini về chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc, hiện đang ở mức báo động cao là 0,73 trong năm 2012.

Theo đánh giá cho điểm trong hệ số Gini, chỉ số 0 có nghĩa là hoàn toàn không có chênh lệch giàu nghèo và chỉ số 1 chứng tỏ chênh lệch giàu nghèo ở mức cao nhất.

Tuy nhiên vào năm 2012, các số liệu của chính phủ Trung Quốc đưa ra chỉ số Gini chỉ có 0,47. Trước đó vào năm 2009, Ngân hàng Thế giới đánh giá Trung Quốc có chỉ số Gini là 0,56. Như vậy, đã xảy ra một sự chênh biệt rất lớn giữa các số liệu từ báo cáo trong nước và quốc tế, phản ánh thái độ giấu diếm và dối trá của các cơ quan thống kê Bắc Kinh.

Vào năm 2012, chính một cựu lãnh đạo ngành thống kê Trung Quốc đã phải thừa nhận rằng số liệu công bố trước đó về nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc là “không chính xác”. Theo báo cáo, số nợ này chỉ khoảng 1.450 tỷ USD, nhưng thực chất phải đến hơn 2.000 tỷ USD. Cho đến cuối năm 2013, lần đầu tiên Ngân hàng trung ương Trung Quốc mới chịu tiết lộ con số tương đối xác đáng về nợ của các chính quyền địa phương: chẵn 3.000 tỷ USD. Tức chỉ trong ba năm, loại nợ này đã tăng gấp đôi.

“Chủ nghĩa xã hội hài hòa” ở Trung Quốc thật ra chẳng có ý nghĩa gì lớn, nếu quy chiếu về tỷ lệ 0,73 của hệ số bất bình đẳng xã hội Gini. Trong thực tế, 0,73 là mức bất bình đẳng quá lớn, và khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có độ phân hóa giàu nghèo khủng khiếp nhất trên thế giới. Thực trạng này có thể được dễ dàng kiểm chứng bởi các thông tin liên tiếp về số đại gia mới nổi trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản.

Dù chỉ là nước sinh sau đẻ muộn trên thương trường thế giới, Trung Quốc lại sở hữu đến gần 300 tỷ phú đô la. Chỉ qua vài ba đợt tăng giá chứng khoán và nhà đất tại Bắc Kinh và khoảng 70 thành phố lớn tại quốc gia này, các đại gia đã bỏ túi một số tiền khổng lồ mà có thể so sánh với GDP quốc gia.

Dối trá ở Việt Nam

Điều đáng nói là mặc dù bị xem là một quốc gia vẫn còn “đang phát triển”, Việt Nam lại khá tương đồng với Trung Quốc về lớp giàu mới nổi và tình trạng Gini. Cho tới nay, con số báo cáo kiên định của Việt Nam về Gini vẫn chỉ khoảng 0,4, tức ở mức “khá lý tưởng”.

Nhưng lại không có được những con số công bố về người giàu và tỷ phú như Trung Quốc, cho tới nay báo cáo thống kê so sánh 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% số người có thu nhập thấp nhất ở Việt Nam vẫn dưới 10 lần.

Nông dân Hưng Yên kéo cày thay trâu. Ảnh: Tiền phong.

Nông dân Hưng Yên kéo cày thay trâu. Ảnh: Tiền phong.

Nhưng trước năm 2000, mức so sánh trên đã được một báo cáo độc lập chỉ ra là lên tới ít nhất 30 lần. Hai mươi năm sau, vào thời điểm này, nhiều chuyên gia đánh giá mức so sánh trên phải lên đến ít nhất 60-70 lần, nếu không nói là có thể đến hàng trăm lần. Khoảng cách này là tương xứng với thực trạng ở Trung Quốc, khi vào năm 2011, một nhà nghiên cứu phi chính phủ có tên là Vương Tiểu Lỗ đã công bố kết quả khảo sát cho thấy khoảng cách giữa 5% người giàu và 5% người nghèo lên đến chẵn bảy chục lần.

Căn bệnh báo cáo dối trá vẫn là nguồn cơn ung thư đang hủy hoại những giá trị đạo đức cuối cùng của xã hội Trung Quốc và Việt Nam – hai quốc gia được xem là “hai đảng anh em” và “đồng chí tốt”. Nhưng khác rất nhiều với Trung Quốc khi quốc gia này dù sao cũng đang tiến hành một chiến dịch tầm cỡ nhằm thanh loại các nhóm lợi ích, tổ chức đảng và chính quyền Việt Nam vẫn chìm trong giấc ngủ sâu với cơn mơ “không biết chủ nghĩa xã hội có thể kéo dài đến thế cuối thế kỷ 21?”.

T. S.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2014/08/vntb-gini-trung-quoc-va-viet-nam-doi.html

 

This entry was posted in Tố Cáo. Bookmark the permalink.