Vì sao sông Hồng liên tục trơ đáy?

Một cộng tác viên của BVN, Kỹ sư Lê quốc Trinh, đã nêu vấn đề này một cách nghiêm túc và đầy lo lắng với chúng tôi từ khá lâu, và ông dự đoán rất chính xác là nguyên nhân chủ yếu chắc chắn do việc điều tiết nước của các đập thủy điện trên thượng nguồn bên phía Trung Quốc. Nhưng hồi ấy, vì chưa đủ dữ liệu nên người viết chưa thể đưa ra một kết luận cụ thể, sát sườn như trong bài viết này. Đây lại thêm một cảnh báo quan trọng cho chúng ta trong việc đối phó rất phức tạp với ông bạn láng giềng. Trong khi có những ngài quan chức thoải mái ăn chơi, sẵn sàng giơ hai tay khom mình bắt tay hữu hảo mỗi khi “tiếp sứ” phương Bắc, thì không hiểu họ có chịu biết rằng đất nước thực tế đang trong tình trạng “tứ bề thọ địch”?

Bauxite Việt Nam

(Toquoc)-Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa ra loạt dữ liệu về sông Hồng cạn nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống.

Mưa ít, thủy điện… hại sông Hồng

Theo báo cáo về tình hình hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2009-2010 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sông Hồng tại nhiều vị trí, từ thượng nguồn tới hạ du, trên dòng chính và các sông nhánh đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử.

Cơ quan này cũng đưa ra các mức nước để chứng minh rằng nguồn nước thượng nguồn từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam ở mức thấp nhất trong lịch sử. Trong thời điểm mùa khô 2009-2010, dòng chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam trên cả ba nhánh sông Đà, Thao, Lô đều ở mức thấp nhất trong lịch sử đặt biệt là trên sông Thao và sông Lô.

Lưu lượng nước thấp nhất vào tháng 11/2009 và tháng 3/2010 của sông Đà tại Lai Châu lần lượt là 23m3/s và 56m3/s, trong khi, mức nhỏ nhất trong lịch sử là 332m3/s và 103m3/s; sông Thao tại Lào Cai là 141m3/s và 130m3/s so với mức nhỏ nhất trong lịch sử là 161m3/s và 97m3/s.

Ngoài ra, nguồn nước từ biên giới trở về tới trung lưu và hạ lưu, lượng nước tại các trạm trên các sông nhánh chính và trên dòng chính của sông Hồng, lượng nước đến các hồ chứa đều thấp hơn trung bình nhiều năm và cũng đạt những giá trị thấp nhất trong lịch sử.

Đây chính là nguyên nhân khiến mực nước trong các hồ chứa lớn trên sông Hồng đều thấp hơn so với thiết kế. Mực nước hồ Hòa Bình cao nhất chỉ ở mức 116,44m, thấp hơn mức thiết kế 0,56m; hồ Tuyên Quang 107,6m, thấp hơn 12,4m; hồ Thác Bà: 53,4m, thấp hơn thiết kế 4,5m.

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội cạn trơ đáy (Ảnh: Nam Phương)

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội cạn trơ đáy (Ảnh: Nam Phương)

Nguyên nhân của việc sông Hồng cạn nước trong những tháng mùa khô 2009-2010 được chỉ ra đó là do:mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm, lượng mưa ở Bắc Bộ ít, nhiều ngày không mưa, nắng nóng kéo dài.

Một nguyên nhân quan trọng khác được chỉ ra nữa là: các nhà máy thủy điện phía Trung Quốc đã làm biến đổi sâu sắc chế độ dòng chảy phía Việt Nam, làm căng thẳng thêm tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên các sông trong mùa cạn này.

Ngoài các con số  về mực nước sông tại các vị trí trạm đo gần biên giới Trung Quốc, báo cáo này cho hay, tại các địa điểm đoàn kiểm tra của trung tâm tới làm việc, người dân tại địa phương cho biết đã quan sát được bằng mắt thường những biến đổi rất bất thường của dòng chảy, chứng tỏ có sự tác động của các hồ chứa thủy điện tại Trung Quốc đến dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam.

Đáng lo ngại, mực nước sông lên xuống rất nhanh trong ngày. Tại công trình Thủy điện Sơn La có hiện tượng nước dao động lên xuống rất nhanh với biên độ khoảng 10-20cm trong vòng 2-3 giờ. Tại Lai Châu, dòng chính sông Đà và tại Hà Giang, sông Lô cũng có diễn biến tương tự.

Ngoài ra, chất lượng rừng không cao, các nhà máy thủy điện tích nước muộn vào cuối mùa lũ nên đã không tích đủ nước trong mùa khô, nước ngầm bị suy giảm, đáy sông bị  hạ thấp… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn.

Sông Hồng sẽ còn tiếp tục cạn trong những năm tới

Phó Giám  đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn trung ương Nguyễn Lan Châu dự báo, nếu không có các giải pháp thích hợp thì trong những năm tới sông Hồng còn tiếp tục lập thêm những kỷ lục cạn kiệt mới.

Theo bà Châu, cần tăng cường giám sát nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam và giám sát việc khai thác, sử dụng nước, đặc biệt là ở hạ du các hồ chứa.

Trước mắt, cần cấp bách trang bị thiết bị quan trắc mực nước tự động tại các trạm sát biên giới Trung Quốc như  Mường Tè (Lai Châu), Hà Giang, Lào Cai và hạ lưu sông Hồng tại Sơn Tây, Hà Nội. “Hiện các trạm này đang quan trắc thủ công và chịu tác động mạnh mẽ từ sự điều tiết các hồ chưa phía Bắc Trung Quốc đặc biệt trong mùa cạn, biên độ dao động mực nước trong ngày rất lớn có khi gần 1-1,5m. Quan trắc như chế độ hiện nay (vào các thời gian: 1h,7h,13h và 19h) sẽ để lọt lưới chân, đỉnh mực nước” – bà Lan giải thích.

Ngoài ra, cần thay đổi chế độ vận hành xả nước và tích nước của các hồ chứa góp phần giải hạn cho hạ du.

Vào mùa lũ, trong điều kiện nguồn nước biến động bất thường do tác động của biến đổi khí hậu và việc sử dụng nước phía Trung Quốc cần xem xét tích nước các hồ sớm hơn vào cuối mùa lũ để có thể tích đầy nước các hồ. Còn vào mùa kiệt, các hồ chứa cần xây dựng chế độ vận hành hợp lý, hài hòa giữa yêu cầu phát điện và các nhu cầu nước khác dưới hạ du và phù hợp với chế độ dòng chảy thượng nguồn và hạ du các hồ chứa.

“Với thời kỳ cấp nước khẩn trương cho đổ ải, cần kết hợp lợi dụng thời kỳ triều cường kết hợp với việc tăng xả nước của các hồ chứa để đảm bảo các công trình lấy được nước tưới và tránh nước xả chảy nhanh ra biển” – bà Châu gợi ý.

Về lâu dài, biện pháp trồng rừng làm tăng diện tích rừng có  khả năng giữ nước, thủy sinh trong mùa khô  để giữ nước trên các khu vực đầu nguồn, khôi  phục nguồn nước ngầm đang bị suy giảm và thay đổi cơ cấu sử dụng nước, thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước… cũng là cách để giảm tình trạng cạn kiệt hiện nay.

Nguồn: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/Vi-Sao-Song-Hong-Lien-Tuc-Tro-Day.html

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.