Ngày thứ nhất
Ngày 9 tháng 7 năm 2014 – Hồi 2 giờ sáng: chợt nhớ ra là chưa gửi cho Cu Cậu số điện thoại của mình.
Nói qua vì sao tôi gọi André Cương Quyết là Cu Cậu. Chỉ vì cu cậu kêu tôi là “anh”, và tôi cũng hay kêu cu cậu là “thằng em”.
Mấy năm liền, tôi chỉ gặp André Cương Quyết qua mạng Internet. Anh Cu gửi bài, nhờ tôi dịch, và chuyển cho một trang blog thích hợp chịu đăng. Thường là trang Bauxite đăng luôn, sau đó Ba Sàm đăng lại. Bây giờ có Văn Việt nữa.
Hình như lần đầu tiên hai anh em “mày tao chi tớ” với nhau là lần Cu Cậu viết nhại câu đầu quốc ca Pháp: Allons, marchands de la patrie… để giễu tổ quốc 1 của anh vì những lý do lợi lộc kinh tế đã quay lưng lại với cái Đẹp Pháp để làm vài chuyện xấu xí Pháp-Việt, đụng chạm đến tư cách và tình cảm công dân Pháp-Việt của André. Bữa đó, tôi cao hứng nhại Tố Hữu dịch Hỡi những con buôn của giống nòi – có lẽ vì thỏa mãn sự phục thù Pháp-Việt của André Cương Quyết, nên anh đã tặng tôi danh hiệu “võ sĩ nhào lộn ngôn ngữ”.
Trở lại ký sự: 2 giờ sáng mình gửi cu cậu số điện thoại.
Ngày 9 tháng 7 năm 2014 – Hồi 6 giờ: chuông điện thoại reo và một giọng cố tình ồm ồm “à lố”, và mình biết ngay là ai rồi. “Anh đến khách sạn em ở nha. Nhưng không đến bây giờ. Em phải ra Nội Bài đón thằng con trai và bạn nó. Anh đến em lúc trước 11 giờ nha”.
Tôi gọi Phạm Xuân Nguyên. Đường phố loanh quanh mắc kẹt, 11 giờ hơn chúng tôi mới đến khách sạn số 29 Hàng Mắm. Cu cậu cũng không cao to lừng lững, so với “ông anh” thì cao hơn chút chút, nhưng người chắc nịch, ôm rất chặt, nét mặt không bao giờ nằm im mà khi nói thì nhảy nhót lung tung – nét mặt này bọn vô cảm ghét lắm đấy! – và khi nói chuyện bao giờ cũng sẵn sàng thêm vài ba động tác… Bàn tới việc đến thăm lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đang ngồi André Cương Quyết đứng phắt dậy, lấy bàn tay phải đưa ngang mắt chào, miệng hô “Mon général… André Menras Hồ Cương Quyết à vos ordres!” (“Thưa tướng quân, André Menras Hồ Cương Quyết nhận lệnh của Ngài!”) sau đó mới tiếp tục chuyện khác… Tôi báo cho André Cương Quyết một vài hoạt động thêm vào lịch Lai kinh của anh. Khi nói đến lịch phỏng vấn của TV Quân đội, André Cương Quyết lại đứng phắt dậy, hệt một chú binh nhì mới nhập ngũ được gọi nhận bộ quân phục đầu tiên trong đời…
Sau khi thống nhất công việc sáng hôm sau, Phạm Xuân Nguyên mang đĩa gốc đi in, bỏ lại hai chúng tôi ngồi tán gẫu. Nói là “tán gẫu” nhưng có khi nào lại chỉ là tán cho qua thì giờ. Trong câu chuyện, André Cương Quyết hết sức thuyết phục tôi không được bi quan. Anh thuyết phục tôi: “Làm sách giáo khoa, đổi mới công cuộc dạy dỗ trẻ em, thế là rất lạc quan rồi, đừng nói ra những ý tưởng bi quan”…
Tôi tiếp tục nhìn gương mặt André Cương Quyết, thấy cu cậu hao hao giống anh chàng Cyrano de Bergerac trong bộ phim cùng tên. Nếu cái mũi anh dài hơn chút nữa… và cái vẻ hoạt bát sôi sùng sục kia cùng cái tính “hề” tinh tế ấy sẽ càng khiến André Cương Quyết bất hủ.
Ăn trưa xong, tán gẫu lát nữa thì đã hai giờ chiều. Cho André Cương Quyết ngủ trưa một giấc con con để 3 giờ chiều anh còn đến đài Tiếng nói Việt Nam làm cuộc phỏng vấn đầu tiên đánh dấu cuộc Lai kinh lần thứ hai vào năm nay 2014.
Nước mắt nhà văn Hà Nội
8 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 7 năm 2014, hội trường 19 Hàng Buồm đã đông đủ. Nét mặt Phạm Xuân Nguyên có vẻ hơi căng. Phần vì cái máy chiếu thiếu tin cậy. Phần nữa, rất có thể, cũng lo như Chu Hảo khi anh gọi điện hỏi tôi “Phim có giấy phép chiếu chưa ấy nhỉ?”. Lo chớ, ngộ nhỡ có ai đó “hỏi thăm khéo” xem đã có giấy phép chiếu phim chưa. Chắc là chưa ai “hỏi thăm”, nhưng như vậy lại càng căng, thà cứ bùng ra một phát…
9 giờ, bà con yên lành im phăng phắc cùng lặng người nghe tiếng hò não nuột “Hoàng Sa trời nước mênh mông, người đi thì có mà không thấy về” và cùng đọc thầm câu chuyện bằng hình dài 59 phút của André Cương Quyết. Anh ngồi cạnh tôi. Khi thấy trên màn hình những tờ biên lai Ngân hàng Việt Nam thu tiền phạt ngư dân Việt Nam để chuyển trả cho Trung Quốc, tôi dứ dứ ngón tay ra vẻ nói với anh “Đễu… đễu nhé!”. “Đễu” (chứ không phải “đểu”) là một đặc ngữ anh em chúng tôi bịa ra với nhau từ những năm 1960-70 thế kỷ trước. Khi nào tức quá, mà lại buồn quá, muốn gầm lên mà không gầm được, như bây giờ tạm gọi là “bức xúc”, thì chúng tôi bịa ra một chuyện đùa, và là đùa rất “đễu”. Thì đó, trên màn hình, ngư dân thì chết, mất tàu thuyền, mất ngư cụ, mất cá, nhưng lại còn bị “nước lạ” chúng nó phạt, và Ngân hàng Việt Nam lại đóng vai thu ngân và chuyển ngân, đưa chuyện đó thật cụ thể tỉ mỉ lên phim, thế chẳng “đễu” thì là gì? Nói phỉ thui, phim bị cấm chiếu từ năm 2011 là đúng – “đúng” theo nghĩa đễu!
Người biết đùa thì cũng biết cách bộc lộ cảm xúc chân tình: tôi thực sự bị cuốn hút vào cảnh người dân nhào đất sét với bông gòn rồi nặn hình nhân làm lễ tế các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa và vô số ngư dân ra đi không về chỉ để lại cho vợ con những mộ gió nơi quê nhà. Tôi khẽ nắm chặt cánh tay André Cương Quyết và chỉ buông ra khi tiếng hò lại cất lên kết thức bộ phim, Hoàng Sa trời nước mênh mông…
Nhà văn Hoàng Quốc Hải mở đầu giao lưu sau câu chuyện chừng mươi phút của André Cương Quyết. Hoàng Quốc Hải nghẹn ngào đừng một lát mới cất lời được. Các diễn giả sau bình tĩnh hơn, mỗi người một ý, tất cả đều cảm mến tấm lòng yêu tổ quốc thứ hai của André Cương Quyết. Ai ai cũng thấy người “đồng bào” mới của mình đã đem mình tới gần hơn với những đồng bào ngư dân đau khổ ở miền Trung. Có nhà văn còn đề nghị in băng này ra bán cho bà con hoặc đề nghị Đài Truyền hình Hà Nội phát băng này thay cho việc phát phim Tàu (hoặc phim Hàn). Mục sư Nguyễn Trọng Việt lịch sự và nhã nhặn nói tới công cuộc Giáo dục. Có vài nhà văn, cùng với đạo diễn Trần Tiến Đức, bàn về việc Việt Nam cần có đồng minh, cần kiện bọn Hán tặc ra Tòa quốc tế…
André Cương Quyết đáp lại những tình cảm của các nhà văn Hà Nội bằng một câu chuyện tiếng Việt cực chuẩn. Chỉ một lần anh phải dừng lại hỏi ông anh trợ lý về một từ cần nói bằng tiếng Việt. André Cương Quyết nói đại ý thế này:
- Anh không chú ý đến chính trị. Trong vấn đề Hoàng Sa, anh chú ý nhiều hơn đến đời sống ngư dân miền Trung. Nhìn cuộc sống của họ mà đau lòng quá.
- Ngư dân hy sinh rất nhiều mà hầu như không bao giờ được che chở đầy đủ đúng mức.
- Anh đang vận động thành lập Hội Quốc tế đòi quyền sống cho nhân dân (ngư dân) Việt Nam.
- Muốn kiện Trung Quốc thì cũng phải có tiền và có người am hiểu luật pháp, Quỹ quốc tế sẽ giúp vào việc đó.
- Chưa cần nói tới chủ quyền, chỉ kiện về nhân quyền (chuyện đánh đập bắt bớ ngư dân) cũng đủ cho bọn Tàu tiêu ma danh dự rồi!
Hầu như cả Hội Nhà văn Hà Nội đã đứng lên vỗ tay hoan nghênh những lời lẽ vô cùng chính trị của André Cương Quyết, vì đó là lời lẽ của sự nhạy cảm đối lập với cái vô cảm của những gương mặt khó ai có nổi thiện cảm. André Cương Quyết đến và ngay lập tức thành người nhà vì có ngay những người bạn chia sẻ những tình cảm lớn.
Lúc ăn trưa với nhau, mới có dịp hỏi André Cương Quyết chuyện đài Tiếng nói Việt Nam hôm qua. Anh cho biết hôm qua quay từ 3 giờ chiều kéo tới 7 giờ 30 tối. Cả thu tiếng lẫn thu hình. Và anh cho biết đài hẹn sẽ phát sóng. Với thái độ bi quan thường lệ, tôi bảo anh: chờ xem, đừng tin ngay. Và đến quãng nửa đêm về sáng, tôi đã được coi đoạn ghi hình phỏng vấn André Cương Quyết – cô phóng viên xinh quá trời, thảo nào phỏng vấn kéo dài bao nhiêu thì anh cu André cũng vẫn cứ là người Cương Quyết!!!
Không nói đễu đâu đấy!
Hò reo ở hội trường tầng tư
Ngày 11 tháng 7, 14 giờ.
Hội trường tầng tư nhà xuất bản Tri thức, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, có khán giả đến xí chỗ từ lúc mới hơn 1 giờ. Đề phòng đông người không có chỗ gửi xe gây tắc đường, tạo cớ cho thế lực thù địch gây rối, Chu Hảo đã nhắn sớm cho bè bạn nên đến sớm để quãng 2 giờ thì cho đóng cổng cơ quan.
André Cương Quyết đến sát giờ, được đạo diễn Trần Văn Thủy đón và đưa vào phòng Chu Hảo.
Với sự nhẹ nhàng nhưng không kém phần đễu, Chu Hảo giới thiệu “cuộc chiếu phim hôm nay không có yếu tố nước ngoài, vì anh André Menras Hồ Cương Quyết là người Việt, được Chủ tịch nước Việt Nam cấp quốc tịch”.
Cuộc chiếu phim bắt đầu. Chiếu xong, những câu hỏi dồn dập đầu tiên là của Trần Văn Thủy: Sao lại cấm phim hay và hiền lành thế này? Ai cấm chiếu phim này? Có lệnh viết không? Họ lấy lý do gì để cấm?
Sau khi André Cương Quyết giải thích qua loa chuyện cấm chiếu phim này năm 2011 – khi hội trường đã đông đủ khán giả được mới thì có lệnh miệng cấm – và một ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sau này giải thích cho André Cương Quyết rằng thì là “Thế đồng chí không tin Đảng à?”.
Hôm nay, trước khán giả ở hội trường tầng tư Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam này, đặc biệt sau hơn mười phút Trần Văn Thủy chiếm micro dốc bầu tâm sự của người đã làm xong phim thì bị cấm (mà lại phim hay, sau này ẵm bao nhiêu giải mới cáu chứ!) André Cương Quyết bỗng nói đùa nhiều hơn, cả hội trường vỗ tay rào rào khi thấy anh dùng chính xác cả những thành ngữ mới như Anh hùng “núp”, như trách nhiệm tập thể, như cả một câu ý nhị để cảm ơn khán giả đông vui, bằng cách nói một đoạn dài với những lời này: “Mình thấy rất biết ơn cái giàn khoan lưu manh HD981 lắm”…
Bữa chiếu phim hôm nay ở 53 Nguyễn Du André Cương Quyết nhận được nhiều quà lưu niệm: bộ sách nhiều hình ảnh minh họa của Hội Hữu nghị Việt-Pháp trong đó gọi André Menras Hồ Cương Quyết là một huyền thoại, sách của Viện Hán-Nôm do chú Tễu Nguyễn Xuân Diện tặng mang tên “Hoàng Sa và Trường Sa”, tờ ảnh ghép công phu những hình André Cương Quyết đến Hà Nội năm 2012 của nhà nhiếp ảnh Trần Định…
Cũng như mọi lần sinh hoạt, giáo sư Chu Hảo bao giờ cũng tiếc là các bạn trẻ còn ít bộc lộ trong những cuộc gặp gỡ tác động tới nhận thức công dân như thế này. Nhưng không sao, rồi cuộc sống sẽ tự biến chuyển, chưa kể là Chu Hảo chắc sẽ thông cảm hơn nếu biết chuyện này: một cô trợ lý giám đốc còn TRẺ của một cơ quan LỚN tại Hà Nội, trước khi ra về đã nhắn cho ban Tổ chức biết: cạnh cô là hai ba người giấu tên giấu mặt không phát biểu to trước công chúng mà chỉ dám phát biểu lầu bầu ấm ức với nhau: “Để mấy thằng cụ này nói cho sướng rồi lúc nào gô cỏ cả lũ các cụ lại”.
André phải đi ngay Đà Nẵng trong đêm thứ sáu. Hoãn không có mặt tại cuộc chiếu phim và giao lưu ở Trung tâm Đông Tây, hoãn đến thăm tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, bù lại anh sẽ có mặt để đi làm bộ phim mới anh nói sẽ mở đầu bằng hình ảnh cái giàn khoan lưu manh (nguyên văn lời André).
Tôi nhắn tin cho anh khi anh đang ở sân bay: “Tạm biệt em trai. Hãy làm phim này theo tư tưởng Hòa Giải Dân Tộc. Anh di chúc cho em điều đó.” Một phút sau, André nhắn lại: “Yêu anh. Chỉ dặn dò thôi. Không di chúc”. Tôi e rằng tôi sẽ không được vòng tay ôm nhau trong cuộc Hòa Giải Dân Tộc mà bao giờ tôi cũng viết hoa – vì thế mà tôi viết “di chúc” cho André Cương Quyết.
Già và thấm mệt thật sự rồi! Chỉ tính riêng ba người thôi thì chẳng biết giời xui thế nào, ba chúng tôi đều ẩn tuổi Khỉ của nhau, dĩ nhiên André ở giữa, còn Phạm Xuân Nguyên trẻ nhất.
Chứ chẳng nhẽ trẻ nhất lại là tôi à?
Hà Nội 12 tháng 7 năm 2014
P. T.
Tầng tư 53 Nguyễn Du chật ních
Đồng chí không tin ở Đảng à, đồng chí Núp?
Nhà Toán học Hoàng Xuân Phú – một blogger tuyệt vời
Trần Định và André
Nhà văn Ngô Thảo, năm nay có vẻ khỏe ra sau vụ xạ trị đầu trọc lốc.
Chúc Ngô Thảo vui lên, đi làm phim với André!
Với Phạm Toàn.
Với Phạm Xuân Nguyên.
Với nhà báo Kiều Sơn.
Tác giả gửi BVN.