Trong buổi họp của 16 hội đoàn xã hội dân sự tại chùa Liên Trì (Sài Gòn) ngày 5/6 vừa qua, vấn đề hình thành công đoàn độc lập tại Việt Nam đã được đưa ra như là một nhu cầu thiết yếu hiện nay. Tại sao trong lúc đất nước đang có nhiều vấn đề nóng bỏng khác mà lại đề cập đến vấn đề này ? Nếu đó là nhu cầu của hiện tại thì mô hình sẽ như thế nào, phương thức phát triển ra sao ? Song song đó là vấn đề tổ chức và vấn đề nhân sự cũng cần phải được đặt ra để giải quyết. Đây là những điều được Tiến sĩ Phạm Chí Dũng trình bày trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành. Mời quý vị cùng nghe.
(Audio PV TS Phạm Chí Dũng)
– Trần Quang Thành: Xin chào Tiến sỹ Phạm Chí Dũng. Mấy hôm nay các tổ chức xã hội dân sự trong nước trong một cuộc họp bàn thảo tình hình đất nước có đề xuất vấn đề là cần phải có một công đoàn độc lập ra đời để đấu tranh bảo vệ các quyền lợi của người lao động, đặc biệt là của công nhân. Ông có thể cho biết nội dung tuyên bố được không ?
– Tiến sỹ Phạm Chí Dũng: Tuyên bố này xuất phát từ 16 hội đoàn dân sự độc lập tại chùa Liên Trì quận 2 vào ngày 5/6/2014. Đây là lần đầu tiên ở Việt nam từ năm 1975 đến nay diễn ra một hội nghị được coi là Diên hồng giữa các hội đoàn dân sự độc lập. Điều đó cho thấy động thái tương đối mở và thống nhất giữa các hội đoàn dân sự độc lập và của xã hội dân sự ở Việt Nam.
Chúng ta thấy từ đầu năm 2013 khi khởi xướng bằng Phong trào kiến nghị 72 và sau đó phát sinh hàng loạt tổ chức dân sự độc lập, thì đây là điểm nhấn đáng chú ý về tính thống nhất khá cao của các nhóm dân sự độc lập để hướng tới một vấn đề hết sức thiết thực đối với tình hình xã hội Việt Nam hiện nay, đó là làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người công nhân khi Tổng liên đoàn lao động Việt nam đã không thể bảo đảm được điều đó suốt bao nhiêu năm qua.
– TQT: Hiện tình đất nước có rất nhiều vấn đề cần phải bàn, cần phải tiến hành lúc này. Tại sao chúng ta lại đặt vấn đề công đoàn độc lập?
– PCD: Việt Nam có 5 triệu công nhân, là một con số rất đáng kể tạo ra sức sống cho nền kinh tế nước nhà. Nhưng nếu không biết huy động sức sống đó thì có thể làm cho nó bị hủy diệt. Trong những năm vừa qua có thể nói đời sống người công nhân rất thấp. Chúng tôi có những thống kê ước tính là ít nhất là từ 2011 đến nay mặt bằng giá cả ở Việt Nam đã tăng vọt từ 2-3 lần, trong khi đó mức thu nhập của người công nhân lại giảm đi từ 25-30% khiến đời sống của công nhân rất khó khăn. Anh có thể nhận ra là từ Tết 2011 đến 2012, đặc biệt năm 2013 và Tết 2014 công nhân thậm chí không có tiền mua vé tàu về quê ăn tết. Có hàng trăm ngàn công nhân phải ở lại các khu nhà trọ, không dám ra đường vì không có tiền. Cũng có hàng chục ngàn doanh nghiệp không có tiền để trả lương cho công nhân. Ở nhiều doanh nghiệp khác công nhân phải làm việc từ 10-12 tiếng đồng hồ một ngày và liên tục 6 ngày/tuần nhưng thu nhập chỉ ở mức 3-4 triệu/tháng, đây là mức sống khá thấp không đủ trang trải mà thậm chí còn bị nợ lương. Nếu tình trạng nợ lương xảy ra thường xuyên thì thu nhập người công nhân giảm đi còn 2 triệu, thậm chí có nơi chỉ còn 1,5 triệu/tháng thôi thì làm sao có thể sống được?
Tình hình đó làm phát sinh các cuộc đình công, lãn công liên tục của các công nhân, đặc biệt là khu vực phía Nam, ở Bình Dương, ở TP.HCM và một số nơi khác. Trong khi hầu như không lo được về những bổ trợ cho mức thu nhập của người công nhân thì Tổng liên đoàn lao động Việt Nam lại cũng chưa từng giải quyết bất kỳ một cuộc đình công nào của công nhân. Theo quy định thì mỗi cuộc đình công đều phải thông báo cho công đoàn để họ giải quyết, nhưng trước đây từng có trường hợp công nhân làm đơn xin phép công đoàn cơ sở để được đình công nhưng tất cả những đơn đó đều được cho vào ngăn kéo và không hề có cuộc đình công nào được cho phép.
Số lượng các cuộc đình công từ 2006 đến nay tăng lên liên tục. Từ 2007 sau khi Việt Nam tham gia vào WTO là cơ hội để làm cho đời sống công nhân tăng cao, nhưng các cuộc đình công vẫn tăng lên, và cho đến năm 2013 thì đã tăng đến gần 1.000 cuộc đình công. Trong khi đó các quan chức của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vẫn ung dung hưởng thụ 2% trên quỹ lương của doanh nghiệp (cũng có thể coi là quỹ lương của công nhân). Liên đoàn lao động thực thi trách nhiệm một khâu trung gian và chỉ bảo vệ cho quyền lợi của giới chủ và giới quan chức mà thôi, họ không có một chút ngắm nghía tới quyền lợi của người công nhân.
Đó là lý do tại sao quyền lợi của người công nhân cần phải được bảo vệ. Nếu quyền lợi của họ không được bảo vệ bằng các cơ quan nhà nước thì phải có những tổ chức dân sự độc lập đứng ra tổ chức những chuyện này. Kinh nghiệm tổ chức những chuyện này đã có quá nhiều ở Mỹ, ở các nước phương Tây, ở Bắc Âu, họ đã lo được nhiều cho người công nhân. Trong những năm suy thoát vừa qua ở Mỹ cũng có chính sách là người công nhân có thời gian nghỉ việc đến 18 tháng và được trợ cấp đến 70%, ở Bắc Âu còn cao hơn nữa, phụ nữ có thai được nghỉ tới 2 năm và được trợ cấp gần 100% lương. Trong khi đó ở Việt Nam xảy ra tình trạng thậm chí chỉ đi vệ sinh cũng phải làm đơn xin phép, nghỉ không phép không có khoản bổ trợ nào… Cho thấy cần phải có tổ chức dân sự độc lập đứng ra như những tổ chức phi chính phủ ở Bắc Âu hỗ trợ đời sống cho công nhân, hỗ trợ tư vấn pháp luật và cả phương pháp đấu tranh sao cho ôn hòa mà vẫn có kết quả.
– TQT: Hiện các tổ chức xã hội dân sự ra tuyên bố thành lập công đoàn độc lập, có nghĩa là công đoàn độc lập đó đã sẵn sàng ra đời hay chưa?
– PCD: Trong hoàn cảnh Việt Nam gần 40 năm qua chịu sự chỉ đạo một chiều và áp chế với tất cả các tổ chức độc lập, đang hoàn toàn sẵn sàng ra đời một tổ chức độc lập về công đoàn. Hiện điều kiện và cơ hội đang tới, một trong những cơ hội đó là Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại xuyên Thái bình dương TPP mà Việt Nam đang lấp ló gần cửa cho đến cuối năm nay. Một trong những điều kiện then chốt mà TPP đặt ra là phải thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của người công nhân. Theo tôi biết thì vào cuối 2013 Việt Nam đã bắt đầu đáp ứng một số thỏa thuận với Hoa Kỳ và phương Tây về công đoàn độc lập. Cụ thể là họ đưa ra 2 phương án. Một là họ sẽ mở rộng quyền tự chủ hay còn gọi là “tự trị’ của công đoàn các cấp cơ sở với sự tham gia của người công nhân nhiều hơn ở các cấp cơ sở địa phương. Hai là họ xin một thời gian ân hạn khoảng 5 năm để thực hiện cải cách về hệ thống công đoàn, cũng giống thời hạn mà họ từng xin với vấn đề cải cách kinh tế để tham gia và hiệp định TPP vào 2013. Đó là cơ sở quan trọng cho thấy đây là điều kiện để có thể bắt đầu hình thành tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam.
Mặc dù chỉ là bước đầu và chưa có gì cho thấy sẽ có kết quả khả quan, nhưng người công nhân Việt Nam đã có lợi do sự hình thành ban đầu của xã hội dân sự. Xã hội dân sự có thể hình thành một vài tổ chức tư vấn về công đoàn độc lập cho công nhân, cụ thể là vấn đề pháp lý và thứ nữa là tư vấn phương pháp đấu tranh, và tốt hơn nữa là có thể hỗ trợ cho công nhân một phần về vật chất, bảo đảm mức sống hàng ngày và có thể cho một số phương tiện để đấu tranh.
– TQT: Dư luận cho rằng ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện một số tổ chức công đoàn độc lập như Hiệp hội công nông, Lao động Việt… Phải chăng những tổ chức đó làm tiền thân cho một công đoàn độc lập hay chúng ta phải thành lập một công đoàn độc lập thực sự ?
– PCD: Tôi vẫn đánh giá những tổ chức như vậy là tiền thân của hoạt động công đoàn độc lập ở Việt Nam. Những tổ chức này được thành lập từ những năm 2007-2008, trong đó có vai trò của những người như LS Lê Thị Công Nhân. Nhưng mà đó vẫn là những năm rất khó khăn. Có lẽ phải chờ đến thời gian này, khi mà những tổ chức xã hội dân sự manh nha hình thành và bắt đầu gần được chấp nhận bởi nhà nước, thì có lẽ hoạt động của các tổ chức như Công nông, Lao động Việt hay những tổ chức sau đó mới có thể theo bài bản. Nhưng cũng giống như các tổ chức công đoàn độc lập, các tổ chức này cần phải gắn kết với nhau thật chặt chẽ, có sự thống nhất với nhau về mục đích, về phương pháp đấu tranh, về khu vực hoạt động, làm sao để không giẫm chân chồng chéo lên nhau, thống nhất với nhau về quan điểm. Và một điều quan trọng nữa là không bị mua chuộc.
– TQT: Vậy phải làm sao để có một tổ chức công đoàn vững mạnh tiêu biểu cho quyền lợi hợp pháp của công nhân? Theo ông, chúng ta phải tiến hành theo mô hình nào hay là dựa trên cơ sở của những công đoàn sẵn có thì chúng ta phát triển ra những công đoàn độc lập khác?
– PCD: Có hai cách. Cách thứ nhất là tự phát. Hiện nay một số tổ chức xã hội dân sự đang đề nghị xây dựng một ủy ban hỗ trợ cho công đoàn độc lập về phương pháp đấu tranh về pháp luật. Cách thứ hai là nên chờ cho tới khi Việt Nam tham gia chính thức vào TPP và chấp nhận điều kiện về thành lập công đoàn độc lập của phương Tây và Hoa Kỳ.
Nhưng theo tôi thì việc gì cần làm thì phải làm ngay thôi. Ngay bây giờ cần có một ủy ban hỗ trợ về công đoàn độc lập, xây dựng một tổ chức phi chính phủ theo mô hình những tổ chức công đoàn độc lập lớn nhất Hoa Kỳ. Họ đã có kinh nghiệm rồi, họ có phương pháp đấu tranh bài bản và thực ra họ đã là một tổ chức có tính chi phối rất mạnh không chỉ đối với giới công nhân mà đối với cả giới chính khách trong Quốc hội của Hoa Kỳ. Tôi nghĩ là nên bắt đầu ngay từ bây giờ, tất cả những nơi nào có thể thành lập được các tổ chức công đoàn độc lập hay hỗ trợ công đoàn độc lập thì nên thành lập ngay, và cần có một cái khung nhà để cho người công nhân thấy hình dáng của ngôi nhà, từ đó họ sẽ tham gia. Và khi có một ủy ban hỗ trợ công đoàn độc lập thì những người công nhân có tinh thần đấu tranh nhất sẽ tìm đến ủy ban đó đề nghị phối hợp và nhận sự hỗ trợ, khi ấy có thể bắt tay làm việc với nhau.
– TQT: Như vậy theo Tiến sỹ Phạm Chí Dũng thì hiện nay muốn thành lập một công đoàn độc lập ở Việt Nam thì việc đầu tiên là phải thành lập một ủy ban như Tiến sỹ vừa nói. Nhưng trên thực tế hiện nay thì một số tổ chức đã hình thành, họ khẳng định họ là công đoàn độc lập rồi. Vậy chúng ta có nên tiến hành phối hợp các tổ chức đó với nhau hay thế nào?
– PCD: Tôi cho là vẫn nên tiến hành, bởi vì dù là tổ chức đó đã hình thành trong quá khứ nhưng họ cũng chỉ là theo dõi hoặc là đảm trách một vài khu vực nhỏ nào đó thôi chứ chưa phải tất cả các vùng miền của đất nước. Trong khi đó hoạt động đình công của công nhân và lợi ích của công nhân bị xâm hại xảy ra ở rất nhiều vùng miền, khu vực trên đất nước ta. Ngay cả những khu vực biên giới phía Bắc hay phía Nam – Cà Mau vẫn có thể hình thành những tổ chức công đoàn độc lập mà không phụ thuộc vào những tổ chức trước đây. Nhưng tốt nhất là những tổ chức công đoàn độc lập trước đây nên ngồi lại với những tổ chức công đoàn độc lập mới để cùng tìm một tiếng nói chung, như vậy hiệu quả hoạt động sẽ tốt hơn.
– TQT: Ai sẽ góp phần để đứng ra họp mặt tất cả những tổ chức đang hình thành để tạo nên một tổ chức công đoàn vững mạnh?
– PCD: Tôi nghĩ là không ít người có tâm huyết và có trình độ sẽ làm việc này. Đó là Đỗ Thị Minh Hạnh như chúng ta đã biết, trước đây là một nhà đấu tranh nhân quyền cho công nhân. Cùng với Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, họ đã tạo ra một bộ ba về đấu tranh cho công đoàn độc lập đầu tiên ở Việt Nam và có kết quả đặc biệt là trong những cuộc đình công của công nhân giày Mỹ Phong. Như vậy nếu Đỗ Thị Minh Hạnh với Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng được trả tự do trong thời gian tới theo như một thỏa thuận nào đó giữa nhà nước Việt Nam với nhà nước Hoa Kỳ, thì đó là một tín hiệu tốt cho thấy không những nhà nước Việt Nam cần phải chấp nhận sự tồn tại sự hình thành xã hội dân sự mà còn chấp nhận cả tính độc lập và tính hợp pháp, hợp lý của công đoàn độc lập, cũng như những nhân tố hoạt động cho công đoàn độc lập. Đó chính là điều kiện để xây dựng những lãnh đạo công đoàn độc lập cho phong trào công đoàn độc lập của Việt Nam trong tương lai.
– TQT : Xin cảm ơn Tiến sỹ Phạm Chí Dũng