Không thể “Thoát Trung” mà không “Thoát Cộng”!

Nhà báo Trần Quang Thành phỏng vấn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu

Từ hơn một tháng nay, giàn khoan Trung Quốc thăm dò dầu khí chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, nằm sâu trong khu vực mà Việt Nam khẳng định là vùng đặc quyền kinh tế, tạo sự phẫn nộ và lo lắng cho người Việt khắp nơi.

Vào chiều ngày 05/06/2014, tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra một cuộc hội thảo mang tên «Làm sao để thoát Trung?». Hội thảo do Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh tổ chức.

Về sự kiện này Tiến sĩ Hà Sĩ Phu trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành đã bình luận như sau:

(Audio PV Tiến sĩ Hà Sĩ Phu)

**************

Trần Quang Thành: Thưa Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, mấy ngày hôm nay dư luận rất quan tâm đến một cuộc hội thảo tổ chức tại 53 Nguyễn Du Hà Nội về vấn đề làm sao để thoát Trung, riêng Tiến sĩ nghĩ thế nào về vấn đề này?

   Hà Sĩ Phu: Bây giờ thì thoát Trung trở thành ý nghĩ chung của nhiều người rồi.Thấy mình bị phụ thuộc vào Tàu nhiều quá, bọn nó đè nén mình, thậm chí sẽ là một cuộc Bắc thuộc kiểu mới. Nó đến nơi rồi, gần quá rồi, cho nên kể cả những người từ những phía khác nhau cũng gặp nhau ở chỗ “thoát Trung”!

Thế nhưng đi vào cụ thể cũng còn khác nhau rất nhiều đấy. Thứ nhất về nội dung thoát Trung là thoát những gì thì cũng dễ hiểu thôi, thoát Trung là phải thoát cả từ ngày xưa cơ, trước khi có Cộng sản mình cũng đã bị ảnh hưởng Trung Quốc rất nhiều, phong kiến ngày xưa cũng chịu ảnh hưởng Trung Quốc rất nặng chứ không phải chỉ từ chủ nghĩa cộng sản ta mới bị Trung Quốc đè nén như thế đâu. Điều đó là rất đúng. Thoát Trung là cả một vấn đề rất lớn, nó kéo dài rất nhiều thế kỷ rồi.

Nhưng thoát Trung liên quan đến thoát Cộng như thế nào thì tôi thấy trong cuộc hội thảo đó chưa được đặt ra một cách cụ thể rõ ràng, tuy cũng có người nhắc đến. Nhưng quan trọng là thế này, bây giờ muốn thoát Trung thì gặp trở ngại gì? Chính cái chủ nghĩa cộng sản, đảng cộng sản là yếu tố cản trở cái việc thoát Trung hiện nay, vì thế trước mắt không thể thoát Trung mà lại không tấn công vào cái yếu tố cộng sản được, vẫn còn thể chế cộng sản này mà muốn thoát Trung thì khó, cực kỳ khó. Ví dụ đơn giản thế này, muốn biểu tình chống Trung Quốc thôi, một việc quá nhỏ trong chuyện thoát Trung, mà cũng bị cấm. Nhân ngày kỷ niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn, báo chí cũng muốn đưa một cái tin về sự kiện cách đây 25 năm rồi, ôn lại lịch sử Trung Quốc thôi, cũng phải rút bài xuống. Những việc nhỏ như thế cũng không làm được huống chi là một việc quá to lớn như việc thoát Trung? Tôi đồng ý thế này, thoát Trung là một vấn đề lớn kéo dài và liên quan rất nhiều, còn thoát Cộng chỉ liên quan đến một giai đoạn ngắn hơn, nhưng cái ngắn hơn này lại đang là trở ngại như cái núi Thái Sơn nó chặn cái đường thoát Trung, cho nên không thể thoát Trung mà lại không cần thoát Cộng! Tôi mới đọc bài của ông Ngô Nhân Dụng, tôi rất thích là sau khi đã giải thích nhiều ở phần trên rồi ông ấy mới kết luận rằng: vậy thời phải thanh toán chủ nghĩa cộng sản mới thoát Trung được. Tôi rất đồng ý với kết luận rất rõ ràng đó.

–       TQT: Thưa Tiến sĩ Hà Sĩ Phu,  ông đã khẳng định là “muốn thoát Trung trước hết phải thoát Cộng, vậy làm thế nào để thoát được Cộng?

–       HSP:Hiện nay đây mới là bài toán khó nhất đấy, nói thoát Trung thì rất dễ nhưng nói đến chuyện thoát Cộng thì lại rất rắc rối, ý kiến lại phân tán rất ghê. Trong cuộc hội thảo vừa rồi không phải là không có người nghĩ đến cái điều là muốn thoát Trung thì phải thoát Cộng bởi vì Cộng chính là một cái núi Thái sơn nó chặn đứng quá trình thoát Trung, không thể tiến hành cái gì hết. Nhưng mà nói hết sự thật ấy ra bây giờ là rất khó. Chuyện đấu tranh dân chủ trong nước chính là chuyện thoát Cộng đấy. Đấu tranh để giành lấy độc lập dân tộc, giành chính quyền thì đó là chống ngoại xâm, còn thoát Cộng chính là chống nội xâm. Đây là quan hệ giữa chống nội xâm và chống ngoại xâm.

Trước đây, khi Trung Quốc nó chưa thò cái nanh vuốt quá lộ liễu ra thì vấn đề dân chủ trong nước là rất khó, không biết làm thế nào, không biết phất cái lá cờ gì để tiến hành việc dân chủ trong nước được. Vì vừa thò ra cái tư tưởng phê phán Đảng, đòi thanh toán cái độc tài Đảng trị, thì bị đàn áp dễ như không. Thế nhưng bây giờ rất hay, Trung Cộng nó chơi những trò vỗ mặt mình, thế nên nhà nước này cũng không thể im tiếng như trước được nữa cho nên cũng phải đồng thuận với nhân dân lên án Trung Cộng. Thêm một lá cờ chống ngoại xâm thì cái chống nội xâm mới phát triển lên được. Cho nên cái anh Tàu nó lại giúp mình, mặc dù nó chơi đểu thế. Nó làm cho mình cũng dễ đấu tranh cho cái dân chủ. Tóm lại là thế này: quan hệ giữa thoát Cộng và thoát Trung chính là quan hệ giữa chống nội xâm và chống ngoại xâm đấy.

Thế thì làm cái gì trước và sẽ làm như thế nào? Tôi nghĩ hai cái đó nó nhịp nhàng, tức là không thể nói làm cái này xong rồi mới làm cái kia được. Tôi biết nhiều anh em ở hải ngoại cho rằng phải thanh toán xong cộng sản trong nước thì mới tính đến chuyện chống Tàu được, nhưng như vậy thì làm không nổi đâu. Vì thứ nhất không biết bao giờ mới thanh toán được cái nội xâm, nội gián, trong khi chưa chống được cái nội xâm ấy thì ngoại xâm đã tấn công ta rồi, trong nước chưa có dân chủ thì lãnh thổ Tổ quốc đã mất rồi! Thế thì không thể nói cái nào trước cái nào sau được đâu mà hai cái phải đồng thời, nhịp nhàng và  tùy theo tình hình. Nếu Trung Quốc  gây hấn thêm nữa, thì ngay cả Trường sa cũng đang bị đe dọa, lúc nào cũng có thể bên miệng hố chiến tranh. Theo ý kiến của anh Ngô Nhân Dụng cũng không cần phải lo âu quá mà cũng đừng có ảo tưởng quá. Nhưng tôi nghĩ cũng phải nhịp nhàng mà tùy theo tình hình, không thể nói dứt khoát phải thoát Cộng trước hay thoát Trung trước, hai việc đó phải làm đồng thời nhịp nhàng và tùy theo tình hình.

–       TQT: Trong cuộc chống Trung Quốc  xâm lược hiện nay nổi lên một nhân vật là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông có nhiều tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề chống Trung Quốc xâm lược. Ông nói tình hữu nghị không thể viển vông, ông còn nhắm vấn đề phải kiện Trung Quốc ra quốc tế. Nhưng cũng có một vị cách mạng lão thành là cụ Nguyễn Trọng Vĩnh nói không hiểu được lời ấy nói thật hay giả, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nghĩ thế nào?

   HSP: Cái này cũng không mới gì: Bác Tấn Dũng thì cũng nói nhiều điều hay rồi nhưng mà đúng là nói xong lại chưa làm được cái đó, dù rất có cảm tình với Thủ tướng thì cũng không thể bênh vực vì ông ấy nói mà không làm gì cả. Tôi nghĩ thế này, trong tình hình hiện nay cả giới lãnh đạo họ quá kém về mọi mặt, kém về dân chủ đã đành rồi mà còn kém cả vấn đề chống ngoại xâm. Họ rất là nhu nhược, rất là hèn. Thế thì ai nói ra điều gì tốt một tý ta vẫn phải túm lấy những câu đó để ta động viên đã. Tất nhiên phải phân biệt lời nói với con người. Lời nói đó hay thì ta cũng ghi nhận, động viên, rồi ta yêu cầu là nói rồi thì phải làm. Thái độ hơi cực đoan là sổ toẹt, tức là bất cứ câu nói nào hay dở cũng sổ toẹt hết. Đã đành sổ toẹt cũng có cơ sở bởi ông này nói hay nhiều quá nhưng chẳng làm gì. Có khi ông cũng nhằm giành ghế trong Đại hội Đảng sắp tới thôi. Thế nhưng cũng cứ động viên để gợi mở một khả năng khác, có khi vì đang bị cả một cái hệ thống o ép nên ông ấy cũng bó tay chưa làm được? Dù sao nói ra một lời tốt cũng hơn là hèn mạt hoặc im lặng không nói gì hết. Thế nhưng mình cũng không thể nhẹ dạ để bị lừa hết cái nọ đến cái kia. Cho nên phải nói như cụ Vĩnh (Nguyễn Trọng Vĩnh), nói thẳng cũng rất cần thiết. Cụ phê bình ông Nguyễn Tấn Dũng nói dối, phê bình luôn cả ông Phùng Quang Thanh với tư cách một ông tướng cha dạy một ông tướng con, tôi thấy những thái độ như thế là đều có ích cả.

–       TQT:Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì bảo là kiên quyết chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Thế nhưng đại tướng Phùng Quang Thanh thì bảo cái việc giàn khoan chỉ là việc nhỏ thôi chứ tình hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam vẫn rất là đẹp đẽ, vẫn là 16 chữ vàng. Vậy có phải là trống đánh xuôi kèn thổi ngược không?

–       HSP: Thì đúng quá,ở cái hội nghị Shangrila rất lạ là Thủ tướng thì coi như là quan văn nhưng vẫn nói mạnh, còn quan võ thì rất kém, phải nói là cái câu của ông Phùng Quang Thanh kém, kém nhất! Thứ nhất là muốn xem có kiện hay không lại phải chờ xem thái độ của họ thế nào đã. Thứ hai là vẫn còn ôm cái 16 chữ vàng là cái mà cả thiên hạ họ chửi hết cỡ rồi, nên thái độ ông Phùng Quang Thanh này là không chấp nhận được.

Tôi xin mở ngoặc nói thêm thế này, anh có đọc bài của ông Phạm Đình Trọng, là người đồng đội với ông Phùng Quang Thanh trước đây? Trong một trận đánh ông Phạm Đình Trọng mô tảPhùng Quang Thanh cũng là một chiến sỹ dũng cảm cho nên mới được lên chức, tức là người cũng yêu nước và dũng cảm, vốn không phải là người hèn, tôi thấy chuyện ấy rất hay. Cái hèn, cái tồi tệ của một người vốn hèn vốn tồi tệ thì thực ra không có gì đáng quan tâm. Nhưng cái hèn, cái tồi tệ của người trước đây vốn không hèn không tồi tệ mới nói lên rằng cái hèn cái tồi tệ này không phải là của cá nhân nữa mà của cả một hệ thống, đã nằm ở trong cơ chế đó thì cũng phải tồi tệ thôi. Cái tồi tệ của cơ chế đã đến mức độ làm cho những người vốn tử tế cũng không tử tế được nữa, trước đây không hèn giờ cũng không thể không hèn, chứng tỏ cái hèn mạt tồi tệ không còn là của cá nhân nữa mà nó là của cái hệ thống. Tướng Phùng Quang Thanh nếu không phải nằm trong cái hệ thống này, cái Bộ Chính trị này, chắc ông ấy cũng không đến nỗi hèn như thế.

–       TQT: Tiến sĩ Hà Sĩ Phu vừa nói vấn đề cải cách cơ chế thì thông điệp đầu năm 2014 của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rất mạnh vấn đề cải cách cơ chế, nhưng mà gần 6 tháng của năm 2014 đã trôi qua, Tiến sĩ thấy vấn đề cải cách cơ chế như thế nào?

–       HSP: Nghe cái vấn đề cải cách cơ chế của ổng thì cũng nhiều người bàn đấy. Có phải là cải cách cái “thể chế chính trị” không hay là cải cách thể chế một cách chung chung? Mà cải cách thể chế chính trị thật tức là phải cải cách hệ thống, là hệ thống Cộng sản, hệ thống Mác – Lê nin. Cải cách hệ thống thật sự thì phải bỏ cái chủ nghĩa Mác – Lê nin, bỏ được CS thì thành một nước dân chủ văn minh như các nước bình thường! Nhưng tôi nghĩ nói như thế thì ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chưa thể làm được, không thể làm được, vì muốn làm được thì dũng khí cá nhân rồi phải có tổ chức, mà bao quanh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện nay chả có một lực lượng nào có thể tin cậy được, hoặc cùng là một cánh tham nhũng, cũng phi dân chủ đàn áp biểu tình. Còn có một cánh không nhỏ đảng viên có tiến bộ, người ta gọi là cánh “cải lương”, cũng hy vọng vào ông ấy, nay cũng mất lòng tin với ông Dũng rồi nên không có lực lượng nào đáng tin cậy đứng đằng sau Thủ tướng cả, vậy thì cá nhân Thủ tướng dẫu có những thiện ý cũng không có cái bối cảnh để mà triển khai.

Nhưng quan trọng nhất là bên cạnh vẫn có một thằng Tàu rất to, ta công nhận là Tàu hiện nay cũng không phải là mạnh đâu, nó cũng đang có rất nhiều khó khăn nội bộ, nhưng sức mạnh của nó vẫn đủ để kiềm chế VN, bởi VN hiện nay đang nằm trong tay nó rồi mọi thứ nằm trong ống tay áo của nó rồi! Dù đồng ý rằng TRUNG QUỐC không hề mạnh như chúng ta tưởng nhưng trong tình trạng yếu nó vẫn đủ sức kiềm chế VN! Ví dụ ông Dũng đòi cải cách thể chế mà bỏ cái CNCS này đi để khỏi có tình trạng hai đảng làm việc với nhau để quyết định số phận đất nước thì Tàu nó sẽ hủy ngay cái “chỗ” (nhân vật) đó. Nếu ông Dũng muốn thành Putin, bỏ cái Trung Cộng đi mà đi với nhân dân thì mới có một Putin thật, mới thoát Trung hoàn toàn, nhưng ở VN trong những điều kiện cụ thể hiện nay thì làm sao làm được như vậy? Thế nên những câu “cải cách thể chế” của ông Dũng cũng không ra ngoài cái quy luật chung (của ông) là chỉ nói thế chứ không làm được.

–       TQT: như vậy Thủ tướng có thể thoát Trung được không để nhân dân đứng sau Thủ tướng thưa Tiến sĩ?

–       HSP: thì tôi vừa nói rồi, nếu quả thật Thủ tướng mà muốn thoát Trung thật, không có ôm ấp một cái hữu nghị viển vông, nhân dân sẽ đứng sau ông ngay. Nhưng mà ông cũng chỉ nói thế chứ làm thì không làm, ví dụ ông nói là chống Tàu thì tại sao những người biểu tình yêu nước thôi ông lại bắt, ông lại không cho biểu tình diễu hành? Hiện ông là Thủ tướng ông điều khiển chứ ai nữa, dù Tổng bí thư thì đang nắm bí thư tổng quân ủy, thì thôi ông Dũng chưa tác động được vào mạng quân đội, nhưng ông vẫn đang điều hành chính phủ…, nhưng vừa nói xong thì ông làm ngược lại, thế thì có ai tin nữa? Mặc dù chúng ta rất là rộng lòng, sẵn sàng chờ đón những thay đổi nên ai nói lời nói tốt thì ta cũng muốn động viên ngay, thế nhưng một lần bất tín vạn sự bất tin, bất quá tam thì đâu có tin được? Đến cụ Vĩnh cũng là người rất rộng lòng nhưng cũng không thể tin nổi.

–       TQT: Xin chân thành cảm ơn Tiến sỹ Hà Sĩ Phu đã có những ý kiến rất thẳng thắn và quan tâm đến tình hình đất nước.

T.Q.T. – H.S.P.

Các tác giả gửi BVN

 

 

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.