Kỳ vọng và thực tế nhiều khi trái ngược nhau, nhưng nếu như đương kim Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này không có một tầm nhìn biết vượt qua mọi lúng túng, vướng mắc, nhất là vướng mắc vào những thủ đoạn mua chuộc và chia rẽ tinh vi của Trung Quốc, để đi tới những quyết sách quan trọng cho ASEAN trong công cuộc quốc tế hóa biển Đông, thì sẽ khó còn cơ hội để giành được một lợi thế nào trong ván cờ Biển Đông mà lâu nay mình dường như rất lúng túng cả về đối ngoại cũng như đối nội (không trình bày được một chiến lược phân minh để làm an lòng dân chúng mà trái lại, chỉ lo giải tán và bắt người biểu tình chống Trung Quốc lấn cướp biển đảo,mặt khác hầu như vô kế khả thi trong việc ngư dân nước ta bị “tàu lạ” uy hiếp, trấn lột và giết hại).
Bauxite Việt Nam
Việt Nam tỏ ra quyết tâm thúc đẩy chủ đề Biển Đông trong bối cảnh đang xảy ra nhiều diễn biến dồn dập tại khu vực “nóng” này.
Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (Declaration of the Conduct of Parties – DOC) tại Biển Đông là một trong những chủ đề nằm cao trong chương trình thảo luận của quan chức ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh khối lần thứ 16 diễn ra tuần này tại Hà Nội.
Hôm thứ Ba 06/04, người phát ngôn cho hội nghị, ông Trần Ngọc An, nói với BBC: “DOC là câu chuyện về hòa bình, ổn định, hợp tác và xây dựng lòng tin, là lĩnh vực được tất cả các nước quan tâm”.
“Đây cũng là một trong 14 lĩnh vực ưu tiên trong việc thực hiện cộng đồng chính trị – an ninh của Asean và do đó nó cũng nằm trong chương trình nghị sự thảo luận của các quan chức ASEAN (tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 16)”.
Điều mà dư luận quan tâm, là liệu tuyên bố DOC vốn ký từ năm 2002 nhưng chưa có mấy hiệu quả vì không có tính pháp lý, có thể được đẩy lên thành một Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct – COC) với các ràng buộc chặt chẽ hơn hay không.
Nói về điều này, ông An cho biết: “COC là văn kiện được ký giữa Asean và Trung Quốc và nó là mục đích, mục tiêu các nước sẽ phấn đấu để tiến tới đạt được”.
Với yếu tố Trung Quốc trong việc hình thành COC, giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi bộ quy tắc này có thể đạt được trong thời gian gần.
Tuy nhiên, đưa DOC và tình hình Biển Đông ra bàn hội nghị là bước tiến mới trong quá trình quốc tế hóa chủ đề gai góc này của Chính phủ Việt Nam.
Quốc tế hóa
Trung Quốc, một trong những nước chính trong tranh chấp Biển Đông, luôn chủ trương đây là chủ đề đàm phán song phương với các nước liên quan, chứ không phải chủ đề đa phương để đưa ra các hội nghị quốc tế.
Nỗ lực “xé lẻ” vấn đề Biển Đông của Trung Quốc đã dẫn tới việc ASEAN hồi cuối năm ngoái không bàn về chủ đề này tại hội nghị thượng đỉnh Hua Hin.
Song song, Trung Quốc tiếp tục có những động thái ngày càng mạnh bạo trong việc khẳng định chủ quyền tại Biển Đông. Mới đây nhất, chính quyền đảo Hải Nam loan báo kế hoạch khảo cổ tại quần đảo Hoàng Sa trong tháng Tư này.
Tuy nhiên, quốc tế hóa Biển Đông là một trong những chủ trương rõ ràng của Hà Ǹội.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, một nhà ngoại giao kỳ cựu, bình luận: “Từ năm ngoái tới nay, quá trình quốc tế hóa Biển Đông diễn ra một cách tự nhiên và hợp lý”.
“Nếu thực hiện được, chắc chắn các bên liên quan, kể cả Việt Nam và Trung Quốc sẽ có cách tiếp cận mới để giải quyết căng thẳng khu vực”.
Ông Trường cho rằng Biển Đông là vấn đề quan trọng đối với an ninh khu vực và “liên quan tới tất cả các nước lớn”.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường cũng bày tỏ hy vọng đạt được COC trong thời gian sớm nhất, vì: “Sẽ phải có một thỏa thuận nào đó, nếu không sẽ gây bức xúc và thất vọng trong dư luận của các nước liên quan, trong đó có Việt Nam.”
Giới nghiên cứu nước ngoài thì tỏ ra thận trọng hơn. Họ cho rằng nếu không có sự hợp tác tích cực của Trung Quốc thì bất cứ cơ chế giải quyết bất đồng nào trong khu vực cũng khó có hiệu quả trên thực tế.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100407_viet_biendong_asean.shtml