LỜI GIẢI CỦA ĐẲNG THỨC!

Trong toán học, hiểu nôm na, đẳng thức có 2 biểu thức nối với nhau bằng dấu bằng. Mỗi vế có cách giải riêng tùy thuộc vào biểu thức. Kết quả của 2 vế cuối cùng phải bằng nhau. Theo cách thông thường, người ta chuyển chung về 1 vế để vế bên kia bằng 0 rồi giải phương trình.

Ngược lại, trong lĩnh vực xã hội, đẳng thức thường phức tạp khó giải hơn nhiều so với bên toán học. Một người đàn anh lớn tuổi, từng trải đưa ra đẳng thức:

“Cũng có thể kiệm lời, chỉ cần lật ngược lật xuôi vấn đề: “xã hội hóa chính trị = tiến bộ & chính trị hóa xã hội = lạc hậu “!?

Có thể có 3 cách giải đẳng thức nói trên như sau:

Cách giải thứ nhất

Có thể hiểu xã hội hoá chính trị sẽ bao hàm cái ý là người dân ai cũng có thể tham gia chính trị tức là có Dân Chủ. Còn chính trị hoá xã hội tức là thu hẹp phạm vi hoạt động Dân Sinh vốn là nội dung chính của cuộc sống xã hội vào chỉ có đơn thuần là chính trị tức là một sự tước đoạt, loại bỏ quyền Dân Sinh. Rõ ràng như thế là lạc hậu !?

Cách giải thứ hai

Đẳng thức nói trên có thể  dễ mắc vào cái “bẫy ngôn từ” để tạo ra những tai hại khác không ngờ. Ví dụ: khái niệm xã hội hóa là gì? Hiện nay với cách đang dùng ở nước ta, khái niệm này có hàng trăm cách hiểu và bị lạm dụng một cách ghê gớm, trốn tránh hay che đậy nhiều sự thật. Nói nghiêm khắc, khái niệm này trong trường hợp nhất định còn là khái niệm của ngôn ngữ lừa đảo.

Ví dụ: Nhà nước không đủ ngân sách làm đường của địa phương thì kêu gọi xã hội hóa! Nghĩa là kêu gọi dân bỏ tiền ra tự làm hay bù vào phần còn thiếu. Cách làm này thực ra chứa đựng một sự mù mờ. Nước ta có cái bệnh trốn tránh sự thật.

Một ví dụ khác: Tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước thì lại gọi là cổ phần hóa?. Cách gọi này chứa đựng một sự mù mờ cho ăn cắp. Thật ra muốn cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước thì trước hết phải làm xong cái việc tư nhân hóa đã, từ đó mới có cơ sở để cổ phần hóa vv…

Cách giải thứ ba

Thật khó hiểu nội hàm của công thức “xã hội hóa chính trị” và “chính trị hóa xã hội”?  Tuy nhiên, có thể tra trên mạng có nói về nội hàm của phạm trù “chính trị”. Qua những phân tích khác nhau, bổ sung cho nhau, có thể hiểu nội hàm “chính trị là xác lập các mối quan hệ xã hội giữa người với người nói chung, giữa các giai cấp và các tầng lớp xã hội nói riêng”.

Từ đó, liên hệ thấy khi xác lập được sự thống nhất lợi ích thì xã hội phát triển ổn định, bền vững. Khi không đảm bảo được sự thống nhất lợi ích thì xã hội mất ổn định, rối loạn … Do đó, nội hàm chính trị luôn có sự biến đổi cho phù hợp với điều kiện lịch sử – xã hội cụ thể. Có thể xem xét đến một số sự kiện sau đây để rút ra kết luận cần thiết.

– Các quan điểm chi phối quan hệ trong nội bộ gia đình như khi chồng còn sống thì người phụ nữ phải tòng phu nhưng khi phu tử thì tòng tử. Hoặc quyền huynh thế phụ ….  Ngoài ra,  là các quan điểm chi phối quan hệ ngoài xã hội như “trung quân ái quốc”, “vua là thiên tử”. Phải chăng đó là những nội hàm cụ thể của phạm trù “chính trị” ?

– Lấy trường hợp thời đại nhà Trần để xem xét thì thấy, lúc khởi đầu, với Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng thì hoàng tộc nhà Trần đã đảm bảo được sự thống nhất lợi ích toàn dân tộc, chiến thắng đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thời đó. Thế nhưng đến cuối thời đại, hoàng tộc nhà Trần đi vào con đường suy thoái không bảo đảm sự thống nhất lợi ích toàn dân nên đã dẫn đến loạn lạc, mất nước vào tay nhà Minh ? Hoặc lấy việc Hồ Chủ Tịch đổi “trung quân ái quốc” thành “Trung với nước, hiếu với dân”  đều là sự biến đổi của nội hàm chính trị do điều kiện lịch sử xã hội đã thay đổi rồi. Hoặc như ngày nay, còn có chuyện “phụ tử tòng tử”, “quyền huynh thế phụ” như trước đây nữa không ?

Xuất phát từ đó, phải chăng đẳng thức nói trên nên cải thành “Chính trị thống nhất lợi ích toàn dân = tiến bộ, thắng lợi” và “chính trị vi phạm thống nhất lợi ích toàn dân = lạc hậu, thất bại” ?

Tôi loay hoay mãi về đáp số của đẳng thức nói trên vì cách giải thích tùy theo cách hiểu xã hội hóa và chính trị của mỗi người. Ngay cách hiểu và diễn đạt về các khái niệm này như ở trên cũng có chỗ thấy chưa được ổn. Ví dụ như mối quan hệ giữa tư nhân hóa và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoặc coi mối quan hệ trong nội bộ gia đình cũng thuộc phạm vi chính trị!?

Từ xã hội hóa ở Việt Nam không phải là dịch từ thuật ngữ socialization mà là tác phẩm của Việt Nam (hay có thể vay mượn từ Trung Quốc) ?.  Thật khó mà bình luận thực hư cái từ xã hội hóa ở Việt Nam. Phải chăng xã hội hóa là quy trình cá nhân hòa nhập vào xã hội để duy trì văn hóa xã hội?

Lời giải của người ra đề 

 

To Me

Today at 3:47 PM

Thân gửi bạn Trường,

Qủa thật đúng là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ vô duyên đối diện bất tương phùng”. Tôi và Bạn chưa hề được gặp nhau lần nào, nhưng vì tâm đắc và đồng cảm mà tôi đã quen hơi, bén tiếng Bạn khá lâu rồi !

Bạn thân mến,

Tôi xin phúc đáp lại là : ở câu cuối cùng Bạn muốn cải lại là “Chính trị thống nhất lợi ích toàn dân = tiến bộ, thắng lợi” và “chính trị vi phạm thống nhất lợi ích toàn dân = lạc hậu, thất bại” – hoàn toàn đúng với nghĩa mà tôi đã hiểu (“xã hội hóa chính trị = tiến bộ & chính trị hóa xã hội = lạc hậu”) nhưng câu của Bạn vẫn hơi dài dòng quá . Vì, nếu giải thích theo nghĩa Hán-Nôm thì: CHÍNH là chính sách (sách lược, phương thức, cách thức) và TRỊ là cai trị, vậy nên:chính trị = phương thức cai trị ; còn từ xã hội có nghĩa là cộng đồng, là toàn dân (thời xưa còn gọi là nhân quần) .

Vậy nên, ý tôi đâu có khác ý của Bạn: chính trị (phương thức cai trị) phải lấy xã hội (dân tộc, cộng đồng) làm đích, làm chuẩn – nhất cử nhất động đều phải phụng sự cho cái đích tối thượng đó. Và, ngược lại “chính trị hóa xã hội” có nghĩa là bắt xã hội (dân tộc, cộng đồng) phải tuân theo một phương thức cai trị nào đó (!?). Vậy nên, có câu mà trước đây người ta nói ra rả và bây giờ thì lờ đi : “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” (một chân lý tuyệt vời) vì ÁP là áp đặt và BỨC là cưỡng bức ! Tức là áp đặt bắt buộc người ta phải tuân theo (!?) .

Rất mong được tiếp tục trao đổi cùng Bạn và rất mong có lần được hội ngộ- mong Bạn thông cảm.

NĐL (Người Đà Lạt) 

T.V.T

Tác giả gửi BVN

 

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.