Vai trò xã hội dân sự trong phát triển kinh tế

Theo Trí Thức Trẻ

Trong Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân năm 2014 được tổ chức tại Hạ Long vừa qua hội trường của diễn đàn đã nóng lên sau khi ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển cho rằng xã hội dân sự không những phải được thừa nhận mà còn cho phép nó đóng góp vào sự phát triển kinh tế như một trụ cột thứ ba sau vai trò của thị trường và nhà nước.

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng với Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam kết hợp Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP phối hợp tổ chức. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì đây là một diễn đàn kinh tế thẳng thắn, trung thực và quan trọng nhất Việt Nam hiện nay.

Trong diễn đàn lần này chủ yếu thảo luận về hai vấn đề, một là tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay và hai là cải cách vể thể chế, tạo ra bước đột phá để thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Qua các năm trước báo chí cho rằng diễn đàn này là nơi các tham dự viên có thể trình bày những vấn đề gai góc nhất cũng như các ý tưởng nhạy cảm từng được chia sẻ tại diễn đàn này đã chứng tỏ rằng không có vùng cấm nào xuất hiện ở đây.

Khi thảo luận về vấn đề cải cách thể chế, diễn đàn chờ đợi những ý kiến đột phá được đưa ra nhắm vào việc gỡ bỏ những mầm mống làm trì trệ trong khu vực tập đoàn, hay biện pháp ngăn cản sự trỗi dậy của nhóm lợi ích. Không ai ngờ trước một vấn đề cấm kỵ, vượt xa nhạy cảm đã và đang được xem là diễn biến hòa bình, phản động….được mang ra công khai giữa điễn đàn, đó là vai trò của xã hội dân sự trong sự vận hành kinh tế.

Người mang ngọn lửa xã hội dân sự tới diễn đàn là nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Vốn nổi tiếng là thẳng thắn và có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán quốc tế, ông đã trình bày trước hội trường ý tưởng mà nhiều người từng nghĩ tới nhưng không có dịp nói ra trước một cử tọa chuyên môn như tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm nay.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương) SGTT

Yếu tố quan trọng của xã hội dân sự

Khi được hỏi xã hội dân sự thường được cho là sinh hoạt của những nhóm cùng mục đích, chia sẻ cho nhau các kinh nghiệm vê nghề nghiệp,  ý thích hay công  tác xã hội vậy xã hội dân sự góp phần vào việc vận hành kinh tế dưới hình thức nào, ông Trương Đình Tuyển cho biết:

– Điều này cũng đơn giản thôi bởi vì nhà nước thất bại thì thị trường sẽ thất bại. Trong bối cảnh khó tìm một ranh giới chính xác để phân định vai trò nhà nước và thị trường một cách thật hợp lý vì vậy xã hội dân sự là một nơi để cung cấp từng thực chứng trên cơ sở va đập chính sách của người dân. Trên cơ sở chiêm nghiệm của mình, người ta sẽ đưa ra những ý kiến phản biện có giá trị thực rất cao. Đồng thời thị trường thì nó mang tính tự phát, rồi chất quan liêu và các lợi ích nhóm thao túng nữa cho nên không thể nào giải quyết việc thất bại của cả thị trường và xã hội dân sự nó bổ sung rất là cần thiết.

Kinh tế thị trường hiện đại phải dựa trên ba trụ cột chính. Một là thị trường, đương nhiên rồi. Thứ hai là nhà nước và thứ ba là xã hội dân sự. Mỗi trụ cột này nó thực hiện một chức năng và nó tương tác với nhau. Thị trường thì nó sẽ phân bố nguồn lực có hiệu quả. Nhà nước thì dùng công cụ điều tiết để có thể đầu tư thực hiện chính sách tăng trưởng bao trùm còn xã hội dân sự nó đóng góp vào việc xử lý xây dựng phản biện và giám sát thực hiện chính sách.

Vấn đề chỉ đơn giản thế thôi và tư tưởng này thì nó cũng đã thể hiện trong bài nói chuyện của Thủ tướng rồi.

TS Lê Đăng Doanh cũng tham dự tại Diễn đàn lần này cho biết nhận xét của ông về ý kiến của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển:

-Ông Trương Đình Tuyển nói rằng không phải chỉ có nhà nước và thị trường mà còn có xã hội dân sự. Xã hội dân sự cần phải được thừa nhận bởi vì lâu nay ở Việt Nam vẫn có sự cấm kỵ với việc sử dụng khái niệm xã hội dân sự thậm chí là đã có một số bài báo chụp mũ cho rằng xã hội dân sự dẫn đến diễn biến hòa bình và coi xã hội dân sự là hoạt động của lực lượng thù địch. Tôi hoàn toàn ủng hộ và đánh giá cao phát biểu thẳng thắn và có căn cứ của ông Trương Đình Tuyển. Ông Trương Đình Tuyển nói rằng nhà nước quan liêu vì vậy cần xã hội dân sự để mà giám sát, để mà đóng góp vào chính sách, để mà tham gia vào quá trình tố tụng.

Xã hội dân sự là sức mạnh chung của xã hội và sức mạnh ấy nếu bị ngăn cản, đàn áp là thiệt hại cho đất nước. Vai trò của xã hội dân sự là thúc đẩy xã hội chứ không bao giờ là lực cản của xã hội. Nó góp sức hoàn thiện và phát triển những hoạt động nghề nghiệp không những theo nhu cầu tự nhiên mà còn làm bệ đỡ cho các chính sách xã hội của nhà nước. Hoạt động của nhiều hiệp hội có thể thay thế vai trò nhà nước và do đó chia sẻ bớt gánh nặng cho chính phủ. TS Lê Đăng Doanh đưa ra một ví dụ về khía cạnh này:

-Hơn thế nữa tôi muốn thêm vào rất nhiều chức năng mà nhà nước hiện nay đang làm có thể chuyển giao cho xã hội dân sự làm và nếu xã hội dân sự làm thì theo kinh nghiệm các nước sẽ có hiệu quả hơn.

Thí dụ như ở các nước thì không phải Bộ Y tế đứng ra đánh giá các bác sĩ và làm cái việc hàng năm bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho các bác sĩ, nhưng cái đó giao cho Y sĩ đoàn hay ở Việt Nam là Tổng hội y sĩ. Tổng hội y sĩ này gồm có tất cả các bác sĩ có trình độ chuyên môn, họ cập nhật, tổ chức các khóa học. Như ở Mỹ thì mỗi một năm các bác sĩ được cập nhật khóa học ba tháng và được cấp chứng chỉ. Như vậy tránh cái việc Bộ Y tế bổ nhiệm cán bộ, vừa cấp bằng cập nhật kiến thức rồi lại vừa đánh giá phòng mạch hay bệnh viện đó có đủ tiêu chuẩn hay không.

Theo nhận xét của TS Lê Đăng Doanh thì trong thời gian qua Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân đã được Ủy ban kinh tế Quốc hội dùng để tham khảo. Ngay sau khi diễn đàn kết thúc thì đã có cuộc họp để xem xét các báo cáo của Chính phủ cụ thể do Bộ Kế hoạch Đầu tư trình ra cho Ủy ban Kinh tế xem xét và Ủy ban này có những ý kiến hết sức thẳng thắn và xây dựng để trình cho Quốc hội.

Trong lần góp ý này, vai trò xã hội dân sự có lẽ sẽ được nhìn lại một cách bình tĩnh để tận dụng nó cho quyền lợi đất nước. Xã hội dân sự dù không được chính thức nhìn nhận thì nó cũng đã và đang phát triển. Nó là xu thế không thể cưỡng lại khi phương tiện thông tin Internet đã mở ra tầm nhìn rộng khắp để từ đó người dân thấy rằng sự đóng góp của xã hội dân sự là điều tất yếu và nếu cố tìm cho được lý do để cưỡng bức nó chỉ làm cho sức bật từ bên trong càng mạnh hơn mà thôi.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rol-civi-socie-in-econ-05012014080141.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.