Chào Anh Bảy,
Xin chia sẻ với anh một số ý:
i– Nhà văn Nguyên Ngọc trên trang VietNamNet có phát biểu đại ý là muốn cải cách giáo dục trước hết phải xác định triết lý giáo dục, đó là (1) đào tạo con người chỉ biết chấp nhận chân lý đã được định sẵn, hay là (2) đào tạo con người có tư duy phê phán? Đến nay, chưa có tổ chức cá nhân nào tranh luận với Nguyên Ngọc về vấn đề này, chỉ nói vòng vo thôi.
Theo triết lý (1) đó là lối giáo dục thời Trung cổ ở Châu Âu, Kinh Thánh nói gì là phải chấp nhận, ai cãi lại thì bị lên giàn hỏa như Bru-nô, hay xử tội như Ga-li-lê. Châu Âu nhờ thoát ra khỏi triết lý này (chuyển sang triết lý 2) mới tiến bộ (từ thời Phục Hưng, thế kỷ Ánh sáng), dẫn đầu thế giới về khoa học, nghệ thuật cho đến nay.
ii– Loại hình bổ túc văn hóa, chuyên tu tại chức chỉ thích hợp trong thời kỳ kháng chiến, và có thể có độ trễ ít năm, nhưng nay đã kéo dài đến gần 40 năm là quá mức cần thiết, làm cho mặt bằng chất lượng giáo dục tụt hậu, không giống ai. Lê-nin nói đại ý là kéo dài ưu điểm quá mức thì trở thành khuyết điểm.
iii– Riêng chuyện sách giáo khoa, đã có nhiều tranh luận nên có chương trình chuẩn, từ đó soạn nhiều bộ sách giáo khoa để cho nhà trường chọn lựa, nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Nếu việc cải cách này thành công thì xét cho cùng đây là cuộc đổi mới để như cũ, là “phủ định sạch trơn” để rồi làm lại.
Vì sao mà nói như vậy?
Trước 1975, nền giáo dục ở miền Nam, Bộ Giáo dục và Thanh niên chỉ đưa ra chương trình, trên cơ sở đó, các nhà giáo soạn sách giáo khoa rồi nhà sách tư nhân xuất bản. Thầy giáo, học sinh tự do chọn lựa sách để mua dùng. Như vậy, có sự cạnh tranh về chất lượng sách giáo khoa, nhà nước không tốn tiền gì cả.
Năm 1972, Bộ Giáo dục Sài Gòn thực hiện cải cách chương trình toán lớp 12 ban B (ban Toán) đưa vào Tân toán học, Hình học giải tích, Giải tích, Điểm động học mà chỉ tốn công soạn chương trình mới. Đặc biệt là sách toán chương trình cũ vẫn tham khảo được chứ không phải vứt bỏ hẳn như bây giờ.
Đến năm 1974, Bộ Giáo dục Sài Gòn lại cải cách thi toàn bộ các môn học bằng lối thi trắc nghiệm trong kỳ thi Tú tài toàn phần (đã bỏ Tú tài 1 năm 1973) cho tất cả các ban A, B, C. Chương trình vẫn như cũ nhưng cách thi mới nên các tác giả đua nhau soạn sách giáo khoa + bài tập trắc nghiệm. Ngân sách nhà nước cũng không tốn kém gì cho việc in sách.
Năm đó chấm thi, cấp bằng in ra luôn bằng máy tính IBM nên gọi là “tú tài IBM” (lúc này cái máy tính IBM to bằng cái phòng chứ không phải nhỏ như bây giờ). Ưu điểm là chính xác, khách quan. Nha Khảo thí của Bộ ký chứ không phân cấp cho Sở Học chánh tỉnh nên không có nạn sửa thang điểm hay chấm lại để nâng tỉ lệ đậu của tỉnh. Bây giờ sau 40 năm mà tổ chức thi bề bộn, thủ công, thiếu khoa học, thiếu khách quan thì càng cải càng lùi chớ không phải cải tiến.
iv– Về đào tạo nhân tài: Có sự khác nhau trong chính sách.
Thi Tú tài trước năm 1975 ở miền Nam chỉ cho thêm 1 điểm nhân hệ số cho đối tượng chính sách (quân nhân, công chức, cô nhi quả phụ tử sĩ), còn thi tuyển vào đại học thì tất cả như nhau, không ưu đãi ai.
Tuy nhiên, đại học hồi đó có 2 loại:
– Loại thi tuyển để đào tạo chuyên gia thì căn cứ vào nhu cầu nhân lực các ngành như: sư phạm, kỹ thuật, nông nghiệp, y khoa.
– Loại ghi danh cho bất cứ ai có Tú tài 2 (Tú tài toàn phần) đều đăng ký học được như: khoa học, văn khoa, luật khoa. Loại này chỉ cung cấp kiến thức chung, giúp xã hội tiến bộ.
Trường đại học tự tổ chức thi tuyển, và có cơ chế tự trị đại học.
Đại học dù học theo loại ghi danh, hàm thụ (không điểm danh môn lý thuyết) thì cũng phải thi chung với sinh viên tập trung, cho nên chỉ có một loại bằng cấp chứ không phải nhiều loại như bây giờ (nào là từ xa, bổ túc, tại chức, chính qui…).
Mình bây giờ không giống ai nên bằng cấp ra ngoài không được công nhận là phải rồi (SV đi học tiến sĩ ở Úc có bằng cao học bị bắt phải học lại các môn chương trình cao học). Bây giờ mới chỉ thí điểm cho 4 trường đại học được tự chủ một phần (học phí tự qui định nhưng không quá 3 lần mức chung của Bộ) thì lạc hậu cỡ nào!
v– Việc lớn không lo, lại đi làm nhiều việc vụn vặt như cân cặp sách, xét tập, độc quyền giấy thi… thì ngành GD hành xử với các đối tượng của mình như con nít, rồi thì cũng thành con nít luôn, nhưng tệ hơn là không vô tư như con nít!
vi– Cũng như anh và chắc là nhiều người nữa, em rất lo khi con mình đi học từ cấp 1, mong rằng ngành GD thực hiện đúng như Mác dạy là học tập tinh hoa của nhân loại, nhưng cải hoài không tới đâu (chắc là gà mắc tóc ở chỗ triết lý giáo dục), nay lại bắt đầu lo tới cháu sắp vào lớp 1!
Đ.N.P.
TS Tô Văn Trường gửi cho BVN