Ở các nước Á Đông chịu ảnh hưởng của Nho giáo – đặc biệt là ở Trung Hoa và Việt Nam, từ hàng ngàn năm nay đã hình thành một thói quen của tầng lớp kẻ sĩ: để xét lại học thuyết của một nhà tư tưởng đã lỡ được “phong thánh”, thay vì phê phán trực tiếp, người ta thường tìm cách lục lọi trong những phát biểu của vị thánh đó một vài ý kiến để làm chỗ tựa và tìm cách diễn giải học thuyết đó theo một cách mới. Ví như dưới thời nhà Tống, các nhà nho đã diễn giải học thuyết của Khổng Tử theo hai cách khác nhau, làm phát sinh hai trường phái: Lý học của Chu Hi và Tâm học của Vương Thủ Nhân (tức Vương Dương Minh).
Cái thói quen ấy ngày nayđược lặp lại trong những trí thức đã từng coi Marx như mộtnhà “minh triết”vĩ đại và chủ nghĩa Marx như con đường duy nhất đi đến chân lý. Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, người ta có thể diễn giải các học thuyết một cách dễ dãi, tùy tiện như thế hay không? Nhất là trong trường hợp của chủ nghĩa Marx – một học thuyết gắn liền với thực tiễn xã hội và được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ gần với ngôn ngữ của khoa học xã hội hiện đại chứ không phải bằng những câu chữ ngắn gọn, mơ hồ, đa nghĩa theo kiểu Kinh Dịch hay Đạo Đức Kinh.
Bài viết này chỉ nhằm mổ xẻ một vấn đề được dấy lên trong vài năm gần đâytrong giới trí thức nước ta: phải chăng vào lúc cuối đời, Marx và Engels đã “xét lại”chủ thuyết của chính mình?
* * *
Thật ra, quan niệm cho rằng “Marx và Engels vào lúc cuối đời đã chủ trương xét lại” không xuất phát từ một công trình nghiên cứu của người Việt, mà bắt nguồn từ một tác phẩm của Tân Tử Lăng – một đại tá quân đội hồi hưu ở Trung Hoa lục địa, được xuất bản lần đầu tại Hong Kong vào tháng 7 năm 2007.Vào năm 2009, Thông Tấn Xã Việt Nam đã cho dịch và xuất bản cuốn sách này, lấy nhan đề là Mao Trạch Đông ngàn năm công tội.Vì cuốn sách chưa được Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức công nhận, bản dịch nàychỉ được phát hành dưới dạng “lưu hành nội bộ” – chủ yếu dành cho các cán bộ trung và cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam đọc để “tham khảo”.Vào tháng 5 năm 2010, một ấn bản điện tử của bản dịch này đã được đưa lên mạng Internet và từ đó đến nay, tác phẩm của Tân Tử Lăng đã có ảnh hưởng đáng kể đến một số độc giả người Việt – nhất là các đảng viên cộng sản và giới trí thức trong nước.[1]
Điều đáng nói là ngoài những tư liệu về tình hình Trung Quốc, cuốn sách còn chứa đựng một phần lý luận về chủ nghĩa Marx và trào lưu dân chủ-xã hội trên thế giới. Bên cạnh những kiến thức đúng đắn và có ý nghĩa tích cực, cuốn sách cũng chứa đựng nhiều kiến thức sai lệch, không bảo đảm tính khoa học, vì vậy đã gây ra nhiều ngộ nhận, nhất là trong những người không có điều kiện nghiên cứu trực tiếp các tài liệu của trào lưu dân chủ-xã hội châu Âu.
Theo tác giả Tân Tử Lăng trong Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, vào cuối đời, Engels đã từ bỏ mục tiêu “chủ nghĩa cộng sản”. Ông viết như sau:“Chẳng có mục tiêu cao đẹp của “chủ nghĩa cộng sản” nào hết, đây là một mệnh đề do người sáng lập Chủ nghĩa Mác nêu ra hồi trẻ và đã từ bỏ vào những năm cuối đời. Tháng 10-1847, Ăngghen viết tác phẩm “Nguyên lý chủ nghĩa cộng sản” phác hoạ ước mơ của chàng trai 27 tuổi về một xã hội lý tưởng trong tương lai. Ngày 11-5-1893 khi 73 tuổi, nói chuyện với phóng viên báo Pháp “Le Figaro”, Ăngghen đã phủ định mô hình xã hội tương lai do mình thiết kế hồi trẻ.” (TTL, tr. 10)
Sau khi đã trích dẫn Lời nói đầucủa Engels (viết ngày 6-3-1895, nhân dịp xuất bản cuốn Đấu tranh giai cấp ở Phápcủa Karl Marx), Tân Tử Lăng viết tiếp:“Ngày 5-8-1895, không đầy 5 tháng sau khi đưa ra những ý kiến trên, Ăngghen qua đời.Nếu như cái quan định luận, thì đây là những ý kiến cuối cùng của Ăngghen về sách lược cách mạng của các nước châu Âu. Ông hy vọng thông qua cuộc đấu tranh hợp pháp của giai cấp công nhân giành được chính quyền, bảo lưu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, quá độ hoà bình lên chủ nghĩa xã hội. Phải nói đây là di ngôn cuối cùng của Ăngghen đối với phong trào xã hội chủ nghĩa ở các nước châu Âu, là sự sửa đổi quan trọng đối với “sách lược cũ” trong “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”. Như vậy, trong tác phẩm của Mác và Ăng-ghen có hai con đường xã hội chủ nghĩa: con đường chủ nghĩa xã hội bạo lực và con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ. (…)Mác và Ăngghen những năm cuối đời càng ngả sang con đường quá độ hoà bình. Coi cách mạng bạo lực là con đường chính thống duy nhất để thực hiện chủ nghĩa xã hội là trái với bản ý của Mác và Ăngghen.” (TTL, tr. 274)
Ở đây có hai ý kiến cần làm rõ: (1) Marx và Engels có hoàn toàn từ bỏ con đường cách mạng bạo lực để ngả sang con đường quá độ hòa bình hay không? (2) Marx và Engels có từ bỏ mục tiêu cuối cùng (tức là chủ nghĩa cộng sản) hay không?
1) Phải chăng Marx và Engels từ bỏ con đường cách mạng bạo lực?
a) Marx và Engels có ủng hộ phái Lassalle hay không?
Tân Tử Lăng viết:
“Sau khi được công bố năm 1848, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” tuy đã làm chấn động tầng lớp thống trị các nước châu Âu, nhưng không được quần chúng nhân dân tiếp nhận rộng rãi. Sau này ôn lại tình hình lúc ấy, Ăngghen nói: “Tuyên ngôn tuy được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng, nhưng nó không ảnh hưởng gì tới các dân tộc khác”. “Từ năm 1852 khi người cộng sản Koren bị kết án đã kết thúc giai đoạn đầu của phong trào công nhân độc lập Đức”. Từ đó đã đánh dấu chấm hết giai đoạn đầu của phong trào công nhân Đức dưới ngọn cờ chủ nghĩa cộng sản.
Sau thất bại của cách mạng Châu Âu năm 1849, Chủ nghĩa xã hội ở Đức chỉ có thể tồn tại bí mật. Đến năm 1862, học trò của Mác là Lassall mới nêu ngọn cờ xã hội chủ nghĩa.Như chúng ta đã thấy, Chủ nghĩa xã hội của Lassall rất ôn hoà.Nhưng sự xuất hiện của nó trên vũ đài lại đánh dấu khởi điểm phát triển chủ nghĩa xã hội Đức giai đoạn 2. (…)
Để thay đổi tình trạng lý luận cao siêu ít người theo kịp, ngày 17-11-1852, Mác và Ăngghen đã giải tán Đồng minh những người cộng sản, hai ông không thành lập Đảng Cộng sản, mà chuyển sang ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa ôn hoà của Lassall. Đây là chuyển biến lớn của Mác và Ăngghen về chính trị, từ người cộng sản sang người dân chủ xã hội. Dưới sự chỉ đạo của hai ông, tháng 8-1869, Đảng Dân chủ Xã hội Đức – chính đảng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới – ra đời. Đây là giai đoạn 2 của phong trào công nhân Đức, giai đoạn chủ nghĩa xã hội dân chủ.” (TTL, tr. 264)
Trong đoạn văn trên đây, Tân Tử Lăng lập luận:
– Năm 1852 – thời điểm giải tán “Đồng minh những người cộng sản”, đánh dấu chấm hết giai đoạn đầu của phong trào công nhân Đức dưới ngọn cờ chủ nghĩa cộng sản;
– Năm 1862, Ferdinand Lassalle nêu ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, chủ trương đấu tranh ôn hòa. Marx và Engels sau khi giải tán “Đồng minh những người cộng sản” đã không thành lập Đảng Cộng sản mà “chuyển sang ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa ôn hòa của Lassalle”. Đây là “giai đoạn hai của phong trào công nhân Đức – giai đoạn chủ nghĩa xã hội dân chủ”.
Cả hai điểm này đều không đúng với sự thật lịch sử, vì những lý do sau đây:
– Trước hết, “Đồng minh những người cộng sản”phải tự giải tán là do vụ án ở thành phố Cologne diễn ra từ ngày 4-10 đến ngày 12-10-1852 (Cologne trong tiếng Đức viết là Köln, nhưng không hiểu do đâu mà trong bản dịch, dịch giả lại phiên âm thành Koren). Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Anh của Tuyên ngôn Đảng cộng sản (viết năm 1888), Engels đã nói rõ: “Lập tức sau khi vụ án đã xử xong, Liên đoàn đã bị những hội viên không bị bắtchính thức tuyên bố giải tán.” (Tuyển tập, I, tr. 512)
Mục đích của hành động giải tán tổ chức này thật ra chỉ nhằm đểbảo vệ phong trào cộng sản Đức,đối phó với sự đàn áp của nhà cầm quyền Đức lúc đó.Nhưng việc giải tán tổ chức mang danh nghĩa cộng sản đó không có nghĩa là Marx và Engels “không thành lập Đảng Cộng sản, mà chuyển sang ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa ôn hoà của Lassalle” như suy luận của Tân Tử Lăng. Trong thực tế, thay vì thu gọn hoạt động trong phạm vi của nước Đức và những kiều dân Đức, hai ông đã tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động, hình thành một tổ chức quốc tế.Sau những năm chuẩn bị,Hiệp hội Công nhân Quốc tế (International Workingmen’sAssociation, Association Internationale des Travailleurs),thường gọi là Quốc tế I, đã được thành lập vào ngày 29-9-1864 và đại hội đầu tiên diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào năm 1866. Quốc tế I hoạt động cho đến năm 1872 thì bị tê liệt và bốn năm sau (1876) phải tự tuyên bố giải tán vì sự chia rẽ giữa hai phe: phe theo Marx và phe vô chính phủ (anarchism) theo Bakunin.
Sở dĩ khi thành lập Quốc tế I, hai ông không gọi nó là cộng sản là do ý muốn mở rộng quy mô của phong trào nhằm lôi kéo nhiều xu hướng khác nhau, như Engels đã giải thích:“Nhưng hội này (Quốc tế I) – thành lập nhằm một mục đích rõ rệt là đoàn kết tất cả các lực lượng chiến đấu của giai cấp vô sản châu Âu và châu Mỹ thành một khối – lại không thể tuyên bố ngay tất cả những nguyên lý đề ra trong “Tuyên ngôn” được. Cương lĩnh của Quốc tế phải khá rộng rãi để cho cả những hội công liên ở Anh, những môn đồ của Proudhon ở Pháp, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha lẫn phái Lassalle ở Đức đều có thể chấp nhận được.”(Tuyển tập, I, tr. 512-513).Nói cách khác, việc hạ thấp khẩu hiệu và các nguyên tắc nền tảng của Quốc tế I không thể hiện sự từ bỏ mục tiêu cộng sản mà chỉ là vấn đề chiến thuật (tactics, còn được dịch là sách lược). Nội dung của Tuyên ngôn vẫn là cốt lõi của tư tưởng Marx.
– MarxvàEngelskhônghềủnghộLassallevànhữngngườithuộcpháiLassalle:
Vào năm 1863, nghĩa trước khi Quốc tế I được thành lập, Ferdinand Lassalle (1825-1864) đã sáng lập Tổng Hội Công nhân Đức (Allgemeiner Deutscher Arbeiterverein, General German Workers’ Union, Association générale allemande de travailleurs; viết tắt là ADAV). Mặc dù Lassalle mất sớm trong một trậnđấu kiếm vào năm 1864, phái Lassalle (Lassalleans) vẫn tồn tại dai dẳng trong lòng phong trào công nhân Đức và là nhân tố gợi hứng cho việc xét lại chủ nghĩa Marx tại Đức cũng như tại các nước Bắc Âu.
Song song với sự phát triển của ADAV, một nhánh khác của phong trào xã hội chủ nghĩa cũng hình thành tại nước Đức và đến năm 1869, thành lập Đảng Công nhân Dân chủ – Xã hội (Sozialdemokratische Arbeiterpartei, Social Democratic Workers’ Party, Parti travailliste social-démocrate, viết tắt là SDAP). Đại hội thành lập Đảng được tiến hành tại thành phố Eisenach (miềnTrung nước Đức); do đó phái này cũng được gọi là phái Eisenach, đảng Eisenach. Đây là phái chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx.
Hai phái Lassalle và Eisenach (mác-xít) vẫn cạnh tranh nhau mãi cho đến năm 1875. Vào năm này, hai tổ chức chính trị – ADAV của phái Lassalle và Đảng Công nhân Dân chủ-xã hội (SDAP) của August Bebel và Wilhelm Liebknecht, đồng ý hợp nhất với nhau để trở thành Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa (Sozialistische Arbeiterpartei, Socialist Workers’ Party, Parti ouvrier socialiste ; viết tắt là SAP). Đến năm 1890, đảng này đổi tên thành Đảng Dân chủ – Xã hội Đức (Sozialdemokratische Partei Deutschlands, Social Democratic Party of Germany, Parti social-démocrate d’Allemagne ; viết tắt là SPD) – một danh xưng tồn tại mãi đến ngày nay.
Mặc dù đồng ý hợp nhất thành một tổ chức, hai phái này vẫn tranh chấp nhau – nhất là về lập trường chính trị. Sự tranh chấp này chính là mầm mống của cuộc tranh chấp giữa hai phái cải cách và cách mạng nổ ra trong lòng Đảng SPD vào lúc giao thời giữa hai thế kỷ 19 và 20, bắt đầu từ chủ nghĩa xét lại của Eduard Berstein. Một điều đáng lưu ý nữa là khi hai phái hợp nhất, cương lĩnh được thông qua thường gọi là Cương lĩnh Gotha (1875).Marx đã phê phán một số điểm trong cương lĩnh này, và cho rằng phái Eseinach đã thỏa hiệp một cách vô nguyên tắc với phái Lassalle về các điểm ấy.
Năm 1891, Engels đã công bố bản văn này của Marx, với nhan đề là Phê phán cương lĩnh Gotha. Trong Lời nói đầu giới thiệu tác phẩm này, Engels viết:
“Song bản thảo này còn có một ý nghĩa khác nữa, rộng lớn hơn nhiều. Trong bản thảo này, lần đầu tiên Mác đã trình bày rõ ràng và rành mạch thái độ của mình đối với đường lối mà Lassalle đã đi theo ngay từ khi ông ta mới tham gia công tác cổ động và hơn nữa, đối với cả những nguyên lý kinh tế lẫn sách lược của Lassalle.
Tính chất gay gắt không kiêng nể trong việc phân tích bản dự thảo cương lĩnh, tính cứng rắn trong việc nêu lên những kết luận đã rút ra, những chỗ yếu trong bản dự thảo bị bóc trần, – tất cả những cái đó, ngày nay, sau mười lăm năm, không có thể làm ai phật lòng nữa. Những môn đồ đặc biệt theo Lassalle chỉ còn tồn tại với tư cách là những đám tàn dư cá biệt ở nước ngoài, còn ở Halle thì Cương lĩnh Gotha cũng đã bị ngay cả những người thảo ra bỏ rơi, coi là hoàn toàn thiếu sót.”(Tuyển tập,IV, tr. 465-466)
Vì vậy, không thể kết luận như Tân Tử Lăng rằng “Marx và Engels chuyển sang ủng hộ chủ nghĩa xã hội ôn hòa của Lassalle” ngay từ đầu thập niên 1860.Ngược lại, cho đến cuối đời, hai ông đều coi quan điểm của phái Lassalle là biểu hiện lệch lạc của xu hướng tiểu tư sản trong phong trào công nhân.[2]
b) Marx và Engels có chủ trương từ bỏ hoàn toàn con đường dùng bạo lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội hay không?
Công bằng mà nói, Marx – và nhất là Engels, đã đề cập đến phương thức đấu tranh ôn hòa. Vấn đề đặt ra là: hai ông có hoàn toàn từ bỏ phương thức dùng bạo lực và quan niệm chuyên chính vô sản hay không?
Ngay từ đầu thập niên 1870, Marx đã nêu ra khả năng quá độ hòa bình để tiến lên chủ nghĩa xã hội.Trong bài diễn văn đọc tại Amsterdam – thủ đô của Hà Lan, nhân dịp bế mạc Đại hội của Quốc tế I năm 1872, thường gọi là Đại hội La Haye (Hague), Marx nói:
“Một ngày nào đó, người công nhân phải nắm quyền lực chính trị để xây dựng nên một tổ chức mới của lao động; họ phải lật đổ nền chính trị cũ là cái duy trì các thiết chế cũ, nếu họ không muốn đánh mất Thiên đường trên Trái đất giống như những người Ki-tô-giáo xưa kia đã bỏ bê và xem thường chính trị.
Nhưng chúng tôi không khẳng định rằng những con đường để đạt được mục đích đó ở nơi nào cũng giống nhau. Các bạn đều biết rằng cần phải lưu ý đến các thiết chế, tập tục và truyền thống của các nước khác nhau, và chúng tôi không phủ nhận rằng có những nước – như Mỹ, Anh và nếu tôi biết rõ hơn về các thiết chế của các bạn, có lẽ tôi sẽ tính thêm cả Hà Lan – là những nơi mà công nhân có thể đạt được mục đích của họ bằng các phương tiện hòa bình. Nhưng cho dù là như thế, chúng ta cũng phải thừa nhận sự thật rằng trong hầu hết các nước ở lục địa, cái đòn bẩy của cuộc cách mạng của chúng ta phải là sức mạnh; chính sức mạnh là cái mà vào một ngày nào đó chúng ta phải cần đến để dựng nên nền thống trị của lao động.”[3]
Điều đó có nghĩa là Marx thừa nhận có “một số quốc gia” mà ở đó, giai cấp công nhân có thể giành được thắng lợi bằng con đường ôn hòa, không sử dụng bạo lực.Nhưng như ông đã nhấn mạnhngay trong câu kế tiếp:ở hầu hết các nước tư bản chủ nghĩa khác trên lục địa châu Âu, vẫn phải dùng đến bạo lực; và bạo lực vẫn là phương pháp chủ yếu, bởi vì “một ngày nào đó chúng ta (nghĩa là những người vô sản) phải cần đến sức mạnh (tức là bạo lực) để dựng nên nền thống trị của lao động”. Nói cách khác, con đường đấu tranh ôn hòa vẫn không phải là con đường phổ biến. Hơn thế nữa, cho đến cuối đời, Marx vẫn chưa từ bỏ quan niệm chuyên chính vô sản (độc tài vô sản) mà ông tưởng đã nhìn thấy hình dạng của nó trong Công xã Paris năm 1871: một nền dân chủ trực tiếp của số đông, không thực hiện tam quyền phân lập, hoàn toàn tước bỏ các quyền chính trị của giai cấp tư sản. Sở dĩ ông còn khư khư ôm lấy quan niệm chuyên chính vô sản là bởi vì trong thâm tâm, ông vẫn nuôi dưỡng niềm tin “ngây thơ” (nhưng hết sức ngớ ngẩn) rằng chế độ độc tài tạm thời này sẽ mở đường cho sự tự tiêu vong của Nhà nước.Đó là chưa kể đến tình cảm thù ghét bộ máy thư lại (bureaucracy) một cách cực đoan mà ông đã nuôi dưỡng trong lòng ngay từ thời còn trẻ – một thứ tình cảm mà ông chia sẻ với những người theo chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism).
Tôi đã phân tích khá đầy đủ quan niệm chuyên chính vô sản của Marx và hậu quả của nó trong cuốn Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong, công bố năm 2005.[4]
c) Về bài viết cuối cùng của F. Engels
Tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Phápcủa Marxnguyên là một loạt bài báo được đăng trên tạp chí kinh tế-chính trị Neue Rheinische Zeitung(Báo sông Rhin mới) vào năm 1850 với chủ đề Từ 1848 đến 1849. Năm 1895, theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo đảng SPD ở Đức, Engels đã cho xuất bản toàn bộ các bài viết này dưới dạng một tập sách với nhan đề Đấu tranh giai cấp ở Pháp1848-1850và nhân dịp này, ông viết Lời nói đầu để giới thiệu tác phẩm của bạn mình. Lời nói đầu này(viết xong ngày 6-3-1895, 5 tháng trước khi Engels qua đời) được xem là bài viết cuối cùng của Engels, một tác phẩm quan trọng chứa đựng một số ý tưởng mới của ông về phương pháp đấu tranh ôn hòa, hợp pháp. Bài viết cũng là nguyên nhân gây tranh cãi giữa hai phái cải cách và cách mạng trong nội bộ phong trào công nhân châu Âu – nhất là giữa những người những người chủ trương xét lại và những người kiên quyết bảo vệ “chủ nghĩa Marx chính thống”.
Trong bản văn này, Engels đã công khai ca ngợi phương thức đấu tranh ôn hòa của Đảng SPD và những thành tựu mà đảng này đã đạt được trong thập niên cuối thế kỷ 20.Có thể trích một vài đoạn quan trọng:
“Nhưng, ngoài cống hiến thứ nhất là mang lại cho bản thân một sự tồn tại với tư cách là một đảng xã hội chủ nghĩa, đảng mạnh nhất, có kỷ luật nghiêm minh nhất và trưởng thành nhanh chóng nhất, thì giai cấp công nhân Đức còn có một cống hiến lớn thứ hai cho sự nghiệp của họ. Trong khi chỉ ra cho những người đồng chí của mình ở tất cả các nước thấy nên sử dụng quyền đầu phiếu phổ thông như thế nào, công nhân Đức đã cung cấp cho những người đồng chí ấy một vũ khí mới, một trong những vũ khí sắc bén nhất.” (Tuyển tập, VI, tr. 609)
“Ngay từ bây giờ, chúng ta đã có thể trông cậy vào 2 triệu 25 vạn cử tri. Nếu tình hình đó cứ tiếp diễn như vậy thì từ nay cho đến cuối thế kỷ, chúng ta sẽ tranh thủ được bộ phận lớn nhất trong các tầng lớp trung gian trong xã hội, tức là những người tiểu tư sản và những người tiểu nông, và chúng ta sẽ lớn lên cho đến khi trở thành lực lượng quyết định ở trong nước, trước nó tất cả những lực lượng khác, dù muốn hay không, cũng đều phải chịu khuất phục. Không ngừng duy trì sự tăng trưởng đó cho đến khi tự bản thân lực lượng đó vượt ra ngoài phạm vi chi phối của chế độ thống trị hiện nay (không được làm hao mòn lực lượng của đội xung kích đang ngày càng lớn mạnh đó trong những trận chiến đấu tiền tiêu mà phải giữ gìn nó nguyên vẹn cho đến ngày quyết định) – đó là nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta.(…)Lịch sử thế giới trớ trêu đã làm đảo lộn tất cả.Chúng ta, những người “cách mạng”, những “người lật đổ”, chúng ta phát triển bằng những biện pháp hợp pháp thì tốt hơn rất nhiều là bằng những thủ đoạn bất hợp pháp và sự lật đổ.” (sđd, tr. 620)
Những đoạn văn trích dẫn trên đây làm cho người đọc tưởng chừng Engels mở đường cho phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường đấutranh ôn hòa. Thật ra, nếu đi sâu tìm hiểu bối cảnh ra đời của bài viết, chúng ta sẽ thấy vấn đề không hoàn toàn đơn giản như thế.
Tình hình thực tế là Đảng Dân chủ-Xã hội Đức đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn Luật chống-xã hội chủ nghĩa (Anti-socialist Laws) có hiệu lực, nghĩa là từ 1878 cho đến năm 1890. Tháng 9 năm 1890, khoảng 6 tháng sau khi Thủ tướng Otto von Bismarckqua đời, luật này mới bị hủy bỏ. Nhờ việc hủy bỏ luật này, uy tín của đảng SPD lên cao, thu được số phiếu bầu ngày càng lớn trong các cuộc bầu cử vào nghị viện.
Vào đầu năm 1895, khi những người lãnh đạo SPD nêu ý định xuất bản cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850và đề nghị Engels viết Lời nói đầu, ông đã tán dương phương pháp đấu tranh công khai hợp pháp bằng con đường nghị trường, bởi vì đó là con đường phù hợp với hoàn cảnh lúc đó. Mặc dù vậy, ông chỉ coi đó là chiến thuật (tactics) trong giai đoạn “chờ thời” – nhất là trong hoàn cảnh riêng của nước Đức. Mặt khác, ông vẫn luôn coi mục đích cuối cùng của phong trào công nhân là chiếm lấy chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu công hữu hóa các tư liệu sản xuất. Trong khi chủ trương sử dụng phương pháp đấu tranh ôn hòa, hợp pháp, ông vẫn không từ bỏ chủ trương dùng bạo lực khi cần thiết.
Sau khi Engels viết xong bản thảo Lời nói đầu, Richard Fisher – đại diện cho SPD, đề nghị ông sửa lại một số đoạn cho nhẹ bớt, vì họ lo rằng phe bảo thủ đang chuẩn bị một dự luật“chống – phá hoại” nhằm vào những người xã hội chủ nghĩa. Engels đồng ý sửa một số đoạn. Thế nhưng trong khi cuốn sách đang ở giai đoạnchuẩn bị, chưa kịp xuất bản thì Karl Liebneck đã cho công bố Lời nói đầu trên tờ Vorwarts, trong đó cắt xén thêm nhiều đoạn khiến người đọc nghĩ rằng Engels đã hoàn toàn mở đường cho một phương thức mới, từ bỏ con đường bạo lực. Engels rất giận về điều này và đã than phiền trong một số lá thư gửi cho một số người thân cận. Như trong lá thư gửi cho Paul Lafargue (con rể của Marx) vào ngày 3-4-1895, ông viết:
“… Liebknecht vừa mới lừa tôi một cú tài tình. Anh ta đã lấy từ Lời nói đầu của tôi (giới thiệu các bài báo của Marx viết về nước Pháp những năm 1848-1850) mọi thứ có thể phục vụ cho anh ta nhằm ủng hộ chiến thuật hòa bình với bất cứ giá nào và chống đối lại vũ lực và bạo lực – tức là những điều làm hài lòng anh ta để có thể rao giảng vào một lúc nào đó, đặc biệt là vào lúc này – khi mà các luật cưỡng chế đang được chuẩn bị tại Berlin. Nhưng tôi truyền bá những chiến thuật này chỉ nhằm dành cho nước Đức ngày nay, và thậm chí với một điều kiện quan trọng. Ở Pháp, Bỉ, Ý, và Áo, không thể tuân theo trọn vẹn các chiến thuật này và ở Đức, chúng có thể không áp dụng được vào ngày mai…”[5]
Về sau, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều đoạn cắt xén trong Lời nói đầu này, chứng tỏ cả ban lãnh đạo của SPD lúc đó đã tìm cách xuyên tạc ý kiến của Engels để tiến hành phương thức đấu tranh ôn hòa. Đặc biệt là Bernstein, cha đẻ của chủ nghĩa xét lại.Sau khi Engels qua đời, Bernstein đã coi Lời nói đầu như một di chúc chính trị của Engels, lấy đó làm cái cớ để phát triển tư tưởng xét lại của ông.
Trong khuôn khổ của bài viết, tôi không tiện đi sâu phân tích vấn đề lý luận khá tế nhị này. Độc giả nào muốn tìm hiểu kỹ vấn đề, có thể đọc bài viết của Paul Hampton về “di chúc chính trị” của Engels [6]hoặc mục từ “Marxisme” trong Từ điển bách khoa Larousse– phần nói về “các bản văn cuối cùng của Engels” (Les derniers textes de Engels).[7]
2) Marx và Engels có từ bỏ lý tưởng cộng sản vào cuối đời hay không?
Để chứng minh rằng vào cuối đời, Engels đã nhìn thấy sai lầm của mình và từ bỏ mục tiêu xây dựng xã hội cộng sản của thời trẻ, Tân Tử Lăng viết:“Chẳng có mục tiêu cao đẹp của “chủ nghĩa cộng sản” nào hết, đây là một mệnh đề do người sáng lập Chủ nghĩa Mác nêu ra hồi trẻ và đã từ bỏ vào những năm cuối đời. Tháng 10-1847, Ăngghen viết tác phẩm “Nguyên lý chủ nghĩa cộng sản” phác hoạ ước mơ của chàng trai 27 tuổi về một xã hội lý tưởng trong tương lai. Ngày 11-5-1893 khi 73 tuổi, nói chuyện với phóng viên báo Pháp “Le Figaro”, Ăngghen đã phủ định mô hình xã hội tương lai do mình thiết kế hồi trẻ. Ông nói: “Chúng tôi không có mục tiêu cuối cùng. Chúng tôi là những người theothuyết không ngừng phát triển. Không tính chuyện áp đặt cho loài người quy luật cuối cùng nào. Còn cách nhìn, dự định chi tiết trên phương diện tổ chức xã hội tương lai ư? Ngài không thể tìm thấy ở chỗ chúng tôi ngay cả hình bóng của chúng”. (TTL, tr. 10)
Độc giả có thể tìm đọc toàn văn bài trả lời phỏng vấn nói trên trên mạng Internet cả bản tiếng Pháp[8]lẫn bản dịch tiếng Anh[9]. Bài phỏng vấn này được thực hiện ngày 11-5 và được đăng trên tờ Le Figarovào ngày 13-5-1893.
Nguyên văn của đoạn trích dẫn nói trên như sau: “Nhưng chúng tôi không có mục đích cuối cùng. Chúng tôi là những người theo thuyết tiến hóa (évolutionnistes), chúng tôi không có ý định áp đặt cho nhân loại các quy luật cuối cùng. Về những dự kiến đối với vấn đề tổ chức một cách chi tiết xã hội trong tương lai?Các ông sẽ không tìm thấy dấu vết nào nơi chúng tôi.Chúng tôi sẽ thỏa mãn khi chúng tôi đã đặt các phương tiện sản xuất trong tay của cộng đồng, và chúng tôi biết rõ rằng đối với chính quyền quân chủ và liên bang hiện tại, điều đó là không thể có.”
Như vậy là Tân Tử Lăng đã cắt bỏ cả một đoạn sau (gạch dưới), qua đó chúng ta thấy Engels không hề từ bỏ mục đích “đặt các phương tiện sản xuất trong tay cộng đồng” (tức là công hữu hóa, xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất).
Hơn thế nữa, cần xem lại một đoạn trước đó của bài phỏng vấn:
“[Lời của phóng viên] Tuyên bố vừa rồi của Engels không thuyết phục được tôi, tôi nhấn mạnh về tình huống có thể xảy ramột cuộc đảo chính từ bên trong.
– Ồ, ông (tức Engels) trả lời: tôi không nói rằng điều mà tôi gọi là cuộc cách mạng từ bên trên (la révolution d’en haut) lại không phải là một mối đe dọa trong tương lai.Bebel và nhiều người bạn của ông ấy đã nói rằng họ đã dự kiến một cuộc tấn công chống lại quyền phổ thông đầu phiếu.
– Trong trường hợp đó, các ông sẽ dùng bạo lực để đáp trả bạo lực?
– Chúng tôi không điên đến mức sa vào cái bẫy mà chính quyền đã giăng ra cho chúng tôi, bởi vì chính quyền Đức không mong gì hơn một cuộc nổi dậy để có thể đè bẹp chúng tôi. Chúng tôi quá biết tình trạng hiện nay vềlực lượng chúng tôi cũng như về lực lượng của chính phủ để sẵn lòng liều mình làm điều đó. Vả lại, Guillaume II có dám hủy bỏ hoàn toàn quyền phổ thông đầu phiếu hay không? Tôi không tin điều đó. Có lẽ ông ta sẽ nâng cao giới hạn về tuổi và ban hành cho chúng tôi một thứ phổ thông đầu phiếu đã được xem xét và sửa chữa lại mà nước Bỉ sắp đem ra thí nghiệm (khi nói điều này, Engels bắt đầu cười).
Có thể nói nội dung trả lời của Engels mang tính chiến thuật nhiều hơn là chiến lược. Qua tờ Figaro (một tờ báo cánh hữu của Pháp), ông muốn “trấn an” nhà cầm quyền Đức rằng Đảng SPD sẽ đấu tranh một các hợp pháp bằng con đường hòa bình chứ không chủ trương dùng bạo lực, vì lúc này tương quan về lực lượng hai bên không cho phép phong trào công nhân ở Đức sử dụng bạo lực. Tuy nhiên, cách trả lời khôn khéo của ông không cho thấy ông thật sự có ý định từ bỏ con đường bạo lực. Việc tạm thời từ bỏ bạo lực chỉ nhằm đối phó với tình hình trước mắt, khi mà lực lượng của công nhân còn yếu so với chính quyền của giai cấp tư sản.
Những dẫn chứng trên đây cho thấy Engels chưa hoàn toàn từ bỏ con đường bạo lực, mặc dù tán đồng sử dụng phương pháp đấu tranh ôn hòa như một sách lược (chiến thuật) để thích ứng với hoàn cảnh. Vì vậy, không thể kết luận: Marx và Engels vào lúc cuối đời đã chuyển sang phương thức đấu tranh ôn hòa, càng không thể kết luận hai ông đã từ bỏ mục tiêu cộng sản mà hai ông đã đề ra lúc còn thanh niên.
Trong thực tế, việc xét lại chủ nghĩa Marx chỉ bắt đầu sau khi Engels qua đời, với việc Eduard Bernstein đã cho công bố một số bài viết gây tranh cãi trong lòng Đảng SPD trong thời gian từ 1896 đến 1898. Đặc biệt là vào năm 1899, với việc xuất bản công khai cuốn Die Voraussetzungen des Sozialismus und die Aufgaben der Sozialdemokratie (The Prerequisites for Socialism and the Tasks of Social Democracy, Những điều kiện tiên quyết của chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ của trào lưu dân chủ-xã hội), chủ nghĩa xét lại đã xuất hiện trong lòng phong trào công nhân thế giới như một xu hướng muốn sửa đổi chủ nghĩa Marx cho phù hợp với tình hình mới.
Cuộc đấu tranh giữa hai phái mác-xít (chính thống và xét lại) đã diễn ra trong lòng nhiều đảng công nhân, nhất là Đảng Dân chủ – xã hội Đức (SPD).Tuy trường phái chính thống thắng lợi trong giai đoạn trước mắt, nhưng ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại vẫn tiếp tục mở rộng trong lòng phong trào công nhân Đức cũng như trong lòng Quốc tế II. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự chia tách phong trào công nhân trên thế giới thành hai xu hướng: cách mạng và cải cách. Cách mạng tháng 10 Nga thành công vào năm 1917 đã dẫn đến sự hình thành và lớn mạnh của phong trào cộng sản (dựa vào bạo lực) tách ra khỏi trào lưu dân chủ-xã hội (dựa vào phương thức đấu tranh ôn hòa, chấp nhận nền dân chủ tự do và hệ thống đa đảng).
Kết luận:
Từ những phân tích trên đây, chúng ta có thể rút ra những kết luận sau đây:
– Marx và Engels cho đến cuối đời không hề từ bỏ mục tiêu lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản (mà giai đoạn đầu được gọi là chủ nghĩa xã hội). Để làm được điều này, hai ông chủ trương (1) phải xóa bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và (2) phải hủy bỏ toàn bộ bộ máy Nhà nước cũ để xây dựng một Nhà nước mới – một Nhà nước chuyên chính vô sản mang tính tạm thời để tiến tới một xã hội không có giai cấp, không có Nhà nước.
– Việc Marx và nhất là Engels vào lúc cuối đời bật đèn xanh cho một phương thức đấu tranh ôn hòa thật ra chỉ là một sách lược (chiến thuật) dùng cho một giai đoạn hoặc trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó. Hai ông không hề có ý định từ bỏ hoàn toàn con đường dùng bạo lực để lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập nền chuyên chính vô sản.
Vì vậy, mặc dù trong tư tưởng của hai ông có những mầm mống của tư duy tích cực, xây dựng, nhưng những mầm mống phôi thai, yếu ớt đó vẫn không lấn át được những yếu tố tiêu cực của dòng tư duy mang tính “phủ định”, “phá hoại” đã ăn sâu vào toàn bộcác trước tác của hai ông. Đó chính là lý do khiến cho khiến cho việc “xét lại” chủ nghĩa Marx trở nên khó khăn. Trong thực tế, những yếu tố góp phần vào việc hình thành chủ nghĩa xét lại (revisionism) thường có nguồn gốc từ những trào lưu tư tưởng phi- mác-xít như: phái Lassalle ở Đức, học phái Fabian (Fabianism) ở Anh, v.v… chứ không đến từ bản thân Marx và Engels.
Đà Lạt ngày 17-4-2014
M.T.L.
Tài liệu tham khảo chính:
-Mác-Ăng-ghen, Tuyển tập, 6 tập, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà nội và Nxb Dietz Verlag (Berlin, Đông Đức), 1980-1984.
– F. Engels, Lời mở đầu cho tác phẩm lẻ của Các Mác “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850”:bản dịch tiếng Việt in trong Tuyển tập Mác – Ăng-ghen(sđd, tập 6, tt. 594-624).Có thể tham khảo bản dịch tiếng Anh: Friedrich Engels, Introduction to Karl Marx’s The Class Struggles in France 1848 to 1850:
http://www.marxists.org/archive/marx/works/1895/03/06.htm
– Tân Tử Lăng, Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, Thông Tấn Xã Việt Nam, 2009, 328 trang.Bản điện tử đầu tiên được đưa lên Việt Nam Thư quán ( http://vnthuquan.net ) vào ngày 1-5-2010, sau đó được đưa lên trang Viet-sudies của Gs Trần Hữu Dũng vào ngày 10-5-2010:
http://www.viet-studies.info/kinhte/MaoTrachDong_NganNamCongToi.htm
[1]Do bản điện tử có một số lỗi đánh máy, những dẫn chứng trong bài này dựa trên bản in của TXXVN.
[2] Có thể xem thêm: Mai Thái Lĩnh, “Dân chủ- xã hội là gì?” © 2007 talawas .
[3] Karl Marx, La Liberté Speech, delivered by Karl Marx on September 8, 1872, in Amsterdam, printed: September 15, 1872, in La Liberté. Source: K. Marx and F. Engels, On Britain, Foreign Languages Press, Moscow, 1962: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1872/09/08.htm
[4] Mai Thái Lĩnh, Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong, © 2005 talawas.
[5]Engels to Paul Lafargue in Paris, 3 April 1895: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1895/letters/95_04_03.htm
[6]Paul Hampton, “Engels’ political testament”, Workers’ Liberty 1 April, 2005:
[7]“Marxisme”, EncyclopédieLarousse:
[8]Conversation avec F. Engels (1893), Article paru dansLe Figarodu 13 mai 1893:
http://bataillesocialiste.wordpress.com/2009/05/06/conversation-avec-f-engels-1893/
[9]Le Figaro Interviews Engels, Le Figaro May 13, 1893:
http://www.marxists.org/archive/marx/bio/media/engels/93_05_13.htm
Tác giả gửi BVN