GS. VS. Trần Đình Long: Các Tổng công ty lương thực lộ vai… con buôn

…Nông dân chúng tôi có gì?

Chúng tôi có lúa gạo.

Nhưng,

lúa gạo chúng tôi làm ra thuộc quyền sở hữu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, là những doanh nghiệp Nhà nước.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam muốn bán gạo của chúng tôi cho nước ngoài bao nhiêu thì bán.

Giá bán gạo là một bí mật, nông dân không bao giờ được biết.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam muốn mua lúa chúng tôi giá bao nhiêu thì mua.

Lợi nhuận hằng năm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là một bí mật, nông dân không bao giờ được biết.

Để ăn cướp hết lợi nhuận của nông dân – để bóc lột nông dân tận xương tủy – Hiệp hội Lương thực Việt Nam bày ra quỉ kế “mua lúa tạm trữ”.

Lừa bịp nông dân rằng mua lúa tạm trữ để giữ giá cho nông dân.

Đông xuân năm 2012,

giá lúa đang là 6.200 đồng/kg, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tuyên bố mua lúa tạm trữ với giá không dưới 5.000 đồng/kg, để giữ giá lúa.

Vậy là giá lúa xuống còn 5.500 đồng/kg.

Giữ giá lúa cái con… khỉ khô, ăn cướp thì có.

Chỉ có bọn thần kinh không bình thường, hay bọn độc quyền mới ăn nói ngang ngược như vậy.

Vậy mà Chính phủ lại tin và cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam vay không lãi để mua tạm trữ.

Cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam vay không lãi để mua lúa giá không dưới 5.000 đồng/ kg khi giá lúa đang là 6.200 đồng/ kg.

Trò hề này không biết còn diễn đến bao lâu.

Cơ chế xuất khẩu gạo bất nhân, bất trí và bất lương này sao cứ tồn tại ngang nhiên? Phải chăng vì “gởi giá”?

Chính sách bần cùng hóa nông dân này không biết còn thực hiện đến bao giờ?…

Hoàng Kim

(Thị trường) – Việt Nam đang bị tình trạng “vô chính phủ về giống” lúa, còn doanh nghiệp thì thể hiện vai trò con buôn kiếm lời khiến nông dân luôn bị thiệt.

GS. VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam đã nói như vậy và đưa ra những lý giải cho nghịch lý nông dân Việt Nam hay rơi vào tình trạng được mùa, mất giá còn lúa gạo thì khó cạnh tranh.

Giống lúa – Bộ NNPTNT không điều khiển được!

PV: – Thưa Tiến sĩ mấy ngày qua thông tin về một cuộc chiến giảm giá gạo trong châu Á đang hiện hữu khiến người dân rất lo ngại, bởi vốn dĩ giá gạo Việt Nam đã rất thấp. Người dân nhiều nơi đã bỏ ruộng nay giá lại thấp hơn nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Là nhà khoa học ông suy nghĩ gì và có hiến kế gì với Nhà nước để giúp người nông dân đứng vững được trên mảnh ruộng của mình?

GS. VS. Trần Đình Long: – Hiện gạo của chúng ta không chỉ cạnh tranh Thái Lan mà phải cạnh tranh với cả gạo Ấn Độ nữa. Thêm nữa lượng gạo bị ứ đọng nhiều nên việc giảm giá là tất yếu.

Vừa rồi thì Chính phủ đã đưa ra chính sách thu mua tạm trữ nhưng chính sách này cũng chưa phát huy được hết tác dụng của nó. Hơn nữa tạm trữ cũng chỉ mang tính chất tình thế. Thêm nữa doanh nghiệp cũng không mặn mà nên xu thế cũng giảm dần vì lý do tạm trữ thì sau này trả nợ cũng rất lo ngại.

Hiện nay các giải pháp cũng đang lúng túng cũng không biết cách nào khác. Nhưng do lúa gạo đang nhiều nên không thể bán đổ, bán tháo được. Do vậy trước mắt tạm trữ vẫn là tốt nhất.

Tuy nhiên từ trước đến nay Nhà nước vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhảy vào mua rồi dự trữ lúa gạo. Song tôi cho rằng tiền đó nếu hỗ trợ cho nông dân để người ta tự làm kho dự trữ có khi sẽ thuận lợi hơn.

Đây cũng là bài toán nếu nhà nước thực sự muốn xắn tay vào thì cũng phải có giải pháp ngoài các doanh nghiệp thì phải hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.

Tiếp đến là bài toán dài hạn. Ngay trước mắt vụ này phải tập trung liên kết nông dân theo vùng nào tập trung vùng đó không phải cứ tràn lan làm kiểu mỗi người một giống nữa.

Cả hai việc này phải làm song song, tức là vừa giữ lúa gạo để tránh bán đổ bán tháo, vừa tìm cách nâng giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo lên. Còn chuyện giảm giá tạm thời là bất khả kháng.

Theo GS Trần Đình Long, việc tạm trữ lúa gạo cũng chỉ là giải pháp tình thế

PV: – Thưa ông, có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gạo Việt Nam mất giá là vì ta không có giống lúa tốt. Hiện nay Việt Nam việc cung ứng giống lúa đang gặp rất nhiều vấn đề. Người dân mạnh ai người đó trồng, doanh nghiệp thì chạy theo lợi nhuận, mua giống thương phẩm của Trung Quốc về bán cho nông dân với giá cao và phải phụ thuộc. Trong khi đó các Viện nghiên cứu lại chưa có những giống lúa để tạo được thương hiệu cho gạo Việt Nam, ông có đồng ý với ý kiến này không?

GS. VS. Trần Đình Long: – Tôi xin khẳng định là Việt Nam không phải thiếu giống lúa bán giá 600 USD/tấn. Trong số hàng trăm giống ở Đồng bằng sông Cửu Long thì ít nhất có tới 4-5 giống đáp ứng được yêu cầu trước mắt về năng suất, chất lượng và giá trị cao.

Nhưng về lâu dài vẫn phải làm tiếp để nâng cao giá trị giống lên. Vấn đề không phải khoa học kỹ thuật ở đây mà là câu chuyện quản lý tổ chức sản xuất. Tức là phải tổ chức từ khâu giống, chế biến sau thu hoạch, thương mại, quy hoạch vùng… để định hướng sản xuất.

Tôi biết có những nông dân cũng muốn trồng giống lúa giá trị cao nhưng khi trồng ra lại không bán được, không ai thu mua. Cho nên bài toán hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất từ khâu gì, đưa cán bộ khoa học về với nông thôn cùng làm với nông dân.

Còn về ý kiến cho rằng Việt Nam phụ thuộc vào giống lúa của Trung Quốc thì cũng chỉ là lúa lai. Tỷ lệ lúa lai chiếm khoảng 500-600 nghìn ha (tức là chiếm khoảng 10%) còn giống lúa thuần vẫn phải là giống lúa trong nước. Việt Nam có thể sản xuất một năm một triệu tấn lúa thuần.

Chỉ có điều như tôi đã nói ở trên trong số hàng trăm giống đó thì mỗi tỉnh, mỗi nơi ai muốn trồng giống lúa nào thì tùy chứ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng không điều khiển được. Các nhà khoa học cứ hay quen gọi là “vô chính phủ về giống”.

Thứ hai nữa là tỉ lệ giống tốt chỉ được 30% bởi vì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất nhiều người dân đã tự làm giống.

Hơn nữa việc tổ chức sản xuất cũng chỉ hô khẩu hiệu trong khi những việc này Việt Nam có thể làm được. Chính vì vậy lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời trên diễn đàn Quốc hội đến 5 năm nay vẫn tình trạng được mùa rớt giá nhưng giải pháp thì không cụ thể.

Tổng công ty Lương thực I và II chỉ là con buôn!

PV:  Thưa Giáo sư nhưng từng người dân thì không thể đứng ra đầu tư kho chứa hay công nghệ sau thu hoạch. Trong khi vai trò này đang được giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam song họ lại chưa làm tốt vai trò của mình. Theo ông cần phải thay đổi như thế nào?

GS. VS. Trần Đình Long: – Chính xác là như vậy. Hiện Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc đang đóng vai trò con buôn mà chưa nghĩ đến chuyện tạo vùng nguyên liệu, đầu tư tiền vào vật tư, công nghệ… để giải quyết đầu ra cho bài bản.

Đáng ra Nhà nước phải mạnh tay, can thiệp vào để hỗ trợ cho tổ chức sản xuất như thế nào nhưng đến giờ việc này rất mờ nhạt. Chính vì thế mỗi lần đăng đàn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lúng túng không trả lời được.

Sai lầm chiến lược phát triển nông nghiệp của mình là không đúng, không trúng, đầu tư kiểu giật gấu vá vai. Cứ hô chế biến sau thu hoạch nhưng chả có đầu tư gì. Đến nay đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch mới được 6% trong khi đáng ra phải là 20%. Còn các công ty thì nhảy vào đủ thứ để thu lợi nhuận theo kiểu mì ăn liền.

Do vậy phải tái cấu trúc 2 tổng công ty này như là một doanh nghiệp khoa học để bao tiêu từ sản xuất đến tiêu thụ chứ không thể làm kiểu đón lõng bán thóc và lấy lãi.

Cái khó là chính sách và cơ chế của ta đang hở sườn, giao quyền nhưng không quy trách nhiệm nên doanh nghiệp mới chỉ nghĩ đến bản thân chứ chưa nghĩ xa hơn.

Cái này là lỗi hệ thống!

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Bích Ngọc (thực hiện)

Nguồn: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/gsvs-tran-dinh-longcac-tong-cong-ty-luong-thuc-lo-vaicon-buon-3033975/

 

 

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.