Gia đình trước bàn thờ ông Ngô Thanh Kiều, nạn nhân vụ án công an dùng nhục hình đánh chết dân ở Phú Yên.
Thêm một trường hợp công an dùng nhục hình đánh chết dân gây chấn động dư luận sau khi tòa sơ thẩm tuyên các bản án khiến công chúng bất bình và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải lên tiếng chỉ đạo xử nghiêm vụ này.
5 sĩ quan công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 3/4 bị tuyên phạt các mức án từ 1 năm tù treo đến 5 năm tù ở về tội “dùng nhục hình” dẫn tới cái chết thương tâm của một cư dân địa phương tên Ngô Thanh Kiều cách đây gần 2 năm.
Ông Kiều bị giải về đồn công an lúc 3 giờ sáng ngày 13/5/2012 dù không có lệnh bắt. Chỉ 14 giờ đồng hồ sau, gia đình ông được tin báo tử đến bệnh viện nhận thi thể nạn nhân đã bị tra tấn bầm dập, với trên 70 vết tích ‘kinh hoàng’.
Người đưa ra ánh sáng vụ công an giết người dã man này là một luật sư trẻ, chủ nhân một văn phòng luật sư khiêm tốn đặt tại một vùng quê hẻo lánh ở Phú Yên, cách tỉnh lộ hàng cây số, không truy cập được internet hay email, bốn bề bao phủ bởi cây cối ruộng vườn.
Luật sư Võ An Đôn, ngoài 30 tuổi, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, là người tình nguyện giúp đỡ pháp lý hoàn toàn miễn phí cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều ngay từ buổi đầu.
Ông đã hướng dẫn gia đình ông Kiều chụp ảnh khi khám nghiệm tử thi, giúp họ làm đơn tố cáo để đưa thêm một vụ công an tra tấn, giết người ra ánh sáng giữa tình trạng leo thang nạn bạo hành trong ngành công an Việt Nam.
Gia đình ông Kiều cho biết họ đã tìm tới nhiều luật sư nhưng bị từ chối vì ngại các vụ án dính líu tới công an, nhưng ngay từ lần gặp đầu tiên luật sư Đôn đã nhận lời giúp đỡ họ không công.
Ông tuyên bố sẵn sàng gánh chịu mọi rủi ro để làm sáng tỏ công lý, bảo vệ người nghèo ‘thấp cổ bé họng’. Ông nói ông không sợ hiểm nguy vì đấu tranh cho một xã hội công bằng là hạnh phúc của một luật sư chân chính.
Tại tòa, bất chấp những áp lực, luật sư Đôn nhất mực đề nghị khởi tố sĩ quan cao cấp nhất liên quan trong vụ án là ông Lê Đức Hoàn, Phó công an thành phố Tuy Hòa, nhưng đã bị tòa bác bỏ.
Từ văn phòng luật sư Võ An Đôn ở thôn Phước Thịnh, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, luật sư Đôn chia sẻ với Tạp chí Thanh Niên nỗi bức xúc trước những gúc mắt trong bản án làm lung lạc niềm tin dân chúng về cán cân công lý tại Việt Nam, những trăn trở về môi trường pháp lý trong nước, và những ưu tư của người hành nghề luật trong điều kiện pháp luật không được thượng tôn.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn luật sư Võ An Đôn
Luật sư Võ An Đôn: Bản án vừa rồi xử không đúng pháp luật. Họ đã đạp trên dư luận, đạp trên pháp luật để ra một bản án trái pháp luật.
Trà Mi: Theo luật sự có những dấu hiệu sót người lọt tội nào cần phải làm rõ?
Luật sư Võ An Đôn: 5 công an Tuy Hòa đánh chết anh Kiều không phải là tội ‘dùng nhục hình’ mà là tội ‘cố ý gây thương tích’ dẫn tới chết người, hoặc tội ‘giết người’ mới đúng. Họ bắt anh Kiều bất ngờ, không có giấy tờ, theo quy định pháp luật bắt người như vậy là trái pháp luật. Thứ hai, họ dùng nhục hình đánh chết anh Kiều tại trụ sở, quá trình lấy lời khai cũng không đúng, không có một biên bản nào hết. Khi đưa ra xét xử, lẽ ra phải áp dụng cùng một khung hình phạt cho 5 bị cáo, nhưng Viện kiểm sát Tuy Hòa lại áp dụng 2 khung hình phạt khác nhau.
Trà Mi: Đó là những sai phạm từ khâu bắt giữ, điều tra, truy tố. Ngay tại phiên tòa hôm 3/4 vừa qua trong phần tranh luận giữa đôi bên có gì đáng chú ý không, thưa ông?
Luật sư Võ An Đôn: Hội đồng Xét xử không dựa trên sự tranh luận tại tòa. Hình như có sự áp đặt nào đó, không dựa trên pháp luật. Thượng tá Lê Đức Hoàn, Phó Trưởng công an thành phố Tuy Hòa, phạm tới 3 tội: bắt người trái pháp luật, tòng phạm trong việc dùng nhục hình, và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi nhiều lần đề nghị khởi tố ông ta 3 tội danh này nhưng Hội đồng Xét xử lại bỏ qua. Vụ này giữa một bên là người dân thấp cổ bé họng, một bên là cơ quan quyền lực cao của nhà nước, cho nên xử rất khó.
Trà Mi: Những bản án nhẹ tay thế này sẽ gây hậu quả thế nào đối với xã hội?
Luật sư Võ An Đôn: Bản án vừa tuyên, dư luận trong nước rất phản đối, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm giữa lúc việc dùng nhục hình hiện nay đang diễn ra tràn lan. Bản án như vậy gây mất lòng tin của người dân đối với pháp luật. Bản án này vừa xem thường pháp luật vừa đạp trên dư luận.
Trà Mi: Ở môi trường luật pháp minh bạch, quan tòa không phải chịu một áp lực chi phối nào. Luật sư thấy yếu tố này trong môi trường luật pháp Việt Nam như thế nào?
Luật sư Võ An Đôn: Hội đồng Xét xử không được độc lập, bị nhiều yếu tố chi phối lắm, nói ra thì đụng chạm tùm lum, rất khó. Cả một cơ chế, bộ máy như vậy thì nói ra đụng chạm lắm chị à.
Trà Mi: Có người cho rằng không phải vụ án nào ở Việt Nam cũng như thế. Nhưng có người cho rằng đó là một sự thật hiển nhiên, tất cả đều tương tự như vậy, có điều không bị phơi bày ra ánh sáng hết mà thôi. Ý kiến luật sư thế nào?
Luật sư Võ An Đôn: Đa số thường xử không đúng luật pháp. Vụ này bị dư luận, báo chí tham gia rầm rộ vậy mà người ta vẫn đạp trên pháp luật để ra bản án thế thì những vụ bình thường không có báo chí đưa tin đương nhiên sẽ xảy ra kiểu vậy, rất bình thường chị ạ.
Trà Mi: Chánh án tòa án Tuy Hòa, ông Lương Quang, nhìn nhận tòa án cũng phải chọn ‘giải pháp an toàn’ để đành bỏ lọt tội phạm. Vai trò của chánh án, tòa án coi như bị trói tay. Còn vai trò người luật sư trong việc bảo vệ luật pháp, công lý ở Việt Nam như thế nào?
Luật sư Võ An Đôn: Luật sư vai trò rất mờ nhạt, rất yếu. Nói đúng luật pháp, Hội đồng Xét xử cũng chẳng nghe. Khó khăn như vậy chị à.
Trà Mi: Xét xử không dựa trên luật mà dựa trên những yếu tố ‘nhạy cảm’, theo lời chánh án Lương Quang, cho nên có người cho rằng ở Việt Nam có luật sư cũng như không. Ông có thấy người luật sư bị ‘thừa thải’ trong môi trường pháp lý ở Việt Nam?
Luật sư Võ An Đôn: Có nhiều vụ án có luật sư cũng như không, nhưng cũng có nhiều vụ cũng rất cần có luật sư. Ví dụ như trong vụ anh Ngô Thanh Kiều, nếu không có luật sư thì sẽ không bao giờ phơi bày ra những oan ức, dân không biết kêu ai vì tòa xử dựa trên các mối ‘quen biết’.
Trà Mi: 11 năm làm việc trong ngành luật, ông đúc kết cho mình những kinh nghiệm thế nào để vừa có thể giữ được an toàn tối thiểu cho bản thân vừa không vi phạm đạo đức nghề nghiệp?
Luật sư Võ An Đôn: Ở Việt Nam luật có rất nhiều, nhưng áp dụng một nẻo. Luật sư hiện nay đa số chạy theo vật chất, đồng tiền. Luật sư muốn giàu có, làm có tiền thì phải chạy án, phải liên kết với tòa án, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Những người luật sư không cần tiền mà cần công lý, lẽ phải thì số đó ở Việt Nam rất ít chị à.
Trà Mi: Luật sư chạy án, quan tòa bị chi phối, quá trình điều tra xét xử có nhiều vi phạm, và nạn bạo hành, dùng nhục hình trong ngành công an nhiễu nhương. Trước những khúc mắt đó, có giải pháp nào ông nhìn thấy có thể giúp giải quyết vấn đề nan giải hiện nay không?
Luật sư Võ An Đôn: Đó là một vấn đề lớn, cả một cơ chế, một bộ máy đòi hỏi phải cải cách cho phù hợp. Nói tới vấn đề đó thì đụng chạm, nhạy cảm lắm chị à. Luật sư biết nhưng không dám nói. Các cơ quan tiến hành tố tụng muốn làm theo công lý thì phải độc lập, không lệ thuộc vào ai thì mới có công lý được. Còn lệ thuộc như hiện nay, ông này ông kia chỉ đạo, bản án do người khác ấn định chứ không phải do ông thẩm phán. Ở Việt Nam khổ vậy chị à.
Trà Mi: Trong khi tòa xử cũng phải chọn ‘giải pháp an toàn’, như lời ông chánh án thành phố Tuy Hòa, người luật sư cứ nói lẽ phải như vậy, ông có sợ rủi ro cho bản thân?
Luật sư Võ An Đôn: Luật sư nói sự thật vì công lý thì rất nguy hiểm, nhưng tôi không sợ, cả tính mạng tôi cũng không sợ vì mình nói lên công lý-sự thật để bảo vệ người dân. Đó là hạnh phúc cho người luật sư chân chính. Tôi không sợ gì.
Trà Mi: Ông trông mong gì trong phiên phúc thẩm vụ án Ngô Thanh Kiều sắp tới đây?
Luật sư Võ An Đôn: Tôi mong bản án phúc thẩm xử đúng luật pháp không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm những người phạm tội để răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình trong thời gian tới. Tới giờ này thì tôi cũng chưa thấy gì khả quan. Muốn vụ án được khả quan phải có sự vào cuộc của các cơ quan trung ương. Nếu mong muốn của tôi không đạt được, tôi thất vọng, dư luận sẽ thất vọng. Người ta ví luật pháp Việt Nam như cái lưới chỉ bắt được những con cá bé, còn những còn cá lớn lại để sẩy. Tôi cũng hơi buồn.
Trà Mi: Tử thi nạn nhân Ngô Thanh Kiều có những vết thương kinh hoàng, theo lời mô tả của ông chánh án Lương Quang, so với những bản án vừa tuyên thì rõ ràng thấy được mức độ chênh lệch quá lớn, làm đau lòng những người yêu chuộng công lý và bảo vệ luật pháp. Vậy luật sư có thể làm gì hơn nữa để đấu tranh bảo vệ sự thật?
Luật sư Võ An Đôn: Làm rõ một vụ án đòi hỏi rất nhiều cơ quan, chứ một cá nhân luật sư nhỏ bé thì rất là khó, với tư cách một luật sư, tôi chỉ có thể nói lên những khúc mắt của vụ án đó.
Nạn nhân Ngô Thanh Kiều mất đi để lại bố mẹ già, người vợ trẻ và hai đứa con thơ, đứa nhỏ nhất chưa một lần nhìn thấy mặt cha.
Con của ông Ngô Thanh Kiều
Bà Ngô Thị Tuyết, chị ruột ông Kiều nói hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, nằm trong diện được cấp sổ ‘hộ nghèo’ ở địa phương:
“Các gia đình bị cáo, ví dụ như gia đình bị cáo Thành có điều kiện mướn tới 2 luật sư, mỗi luật sư 100 triệu. Trong khi em dâu tôi không có một hột gạo nấu cơm ăn, phải đi làm thuê tất cả các công việc, ai mướn gì làm nấy. Con thì nhỏ, ba mẹ thì già, còn phải đi làm mướn để nuôi cháu.”
Gia đình ông Kiều cho biết sẽ kháng án tới cùng với khao khát tìm kiếm công lý không chỉ cho mình mà cho những người cô thế chịu áp bức, bất công trong xã hội:
“Không phải tất cả các vụ án kiểu này được đưa ra ánh sáng hết. Cũng chính vì vậy mà gia đình tôi cố gắng tìm ra công lý để trừng trị thích đáng những người trong hàng ngũ công an dùng quyền hành của mình để đánh đập người dân đến chết như vậy. Chúng tôi làm vậy để sau này đừng xảy ra vụ việc như em tôi. Tôi hy vọng tòa tới đây sẽ xét xử công minh, trừng trị những người gây ra tội ác, lấy lại lòng tin của gia đình tôi và của toàn thể người dân sống trong đất nước Việt Nam để người dân yên tâm, tin tưởng vào pháp luật mà sống.”
Luật sư Võ An Đôn khẳng định ông sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình ông Kiều theo đuổi vụ án tới cùng.
Với 11 năm làm việc trong ngành luật pháp trong nước, luật sư Đôn hiện cũng là một cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp Pháp lý nhà nước ở tỉnh Phú Yên, chuyên nhận bào chữa miễn phí cho dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ mang thai, hay trẻ em dưới 18 tuổi.
T.M.
Nguồn:
http://www.voatiengviet.com/content/article/1892530.html