Một số vấn đề về luật đất đai và tồn tại thực tế khi thu hồi đất

1.   Quyền sở hữu đất đai:

Quyền sở hữu đất đai trong lịch sử đều bao gồm các hình thức sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước. Nhưng từ khi Hiến pháp 1959 cho đến Hiến pháp 2013 thì chỉ còn một hình thức duy nhất là sở hữu toàn dân. Sở hữu toàn dân mặc nhiên được coi là sở hữu nhà nước và quyền thực thi cụ thể thuộc về Chính phủ, UBND các cấp. Từ đó cho đến nay những cá nhân, tập thể sở hữu đất đai đã bị tước quyền sở hữu đất đai mà không được bồi thường, hay đền bù gì cả.

2.   Thu hồi đất đai:

Luật đất đai cụ thể hóa Hiến pháp qua các thời kỳ đã cho phép Chính phủ, UBND cấp tỉnh, huyện theo thẩm quyền thu hồi đất đai trong xã hội một cách không có giới hạn. Nếu cá nhân, tập thể nào không chấp hành, không bàn giao mặt bằng sẽ bị cả hệ thống chính trị cưỡng chế thu hồi bằng mọi biện pháp. Bằng chứng thực tế như sau:

  • Luật đất đai 1993, Điều 27 quy định:

Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại.

Khái niệm thế nào là “trường hợp thật cần thiết” và “lợi ích công cộng thì không có một văn bản pháp luật nào quy định, giải thích rõ ràng. Nếu thực hiện nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền thực sự “Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” thì Chính quyền không được phép lấy lý do “trường hợp thật cần thiết” và “lợi ích công cộng để thu hồi đất ngoài các trường hợp khác mà luật quy định như vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia… Ngay cả khái niệm “mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia cũng bị lạm dụng vì không minh bạch và không được pháp luật quy định cụ thể.

  • Luật đất đai 2003:

Ngoài các trường hợp thu hồi đất đai khác thì khoản 1 Điều 40 “Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế”, quy định, trích:

Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.

Điều này có thể hiểu thu hồi đất để phát triển kinh tế trong các trường hợp được giới hạn hay được quản lý theo quy định của Chính phủ. Nhưng Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ, Điều 36 “Thu hồi đất và quản lý quỹ đất đã thu hồi” quy định các trường hợp được thu hồi đất, trong đó điểm đ, khoản 1: “Sử dụng đất để chỉnh trang, phát triển khu đô thị và khu dân cư nông thôn là một khái niệm mơ hồ đã bị UBND các cấp lợi dụng làm cho việc thu hồi đất đai không còn giới hạn nào nữa và quy định của Điều 40 Luật đất đai 2003 giao cho Chính phủ quản lý đã thành vô nghĩa. Song hành với quyền thu hồi đất không còn giới hạn và để hợp pháp hóa các quyết định đó là công tác quản lý phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch sử dụng đất đai của vùng, quy hoạch của các địa phương không được minh bạch, không được giám sát chặt chẽ.

  • Luật đất đai 2013:

Sẽ không có gì tiến bộ hơn, bằng chứng là điểm a khoản 1 Điều 16 “Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất”, quy định: “Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và tiếp tục được các văn bản dưới luật quy định không rõ ràng như trước đây.

3.   Biến trách nhiệm của Nhà nước thành lỗi của dân để không bồi thường khi thu hồi đất:

Hiến pháp 1992 và mới đây Hiến pháp 2013 đều ghi “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Điều này có thể hiểu là tất cả các cấp chính quyền trong điều kiện có thể phải đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Các nền dân chủ dựa trên nguyên tắc: Nhà nước tồn tại là để phục vụ nhân dân. Ngược lại, trong hệ thống chuyên quyền, Nhà nước yêu cầu người dân phải trung thành và phục vụ Nhà nước mà không cần biết người dân có đồng thuận hay không.

Luật đất đai 1993 và Luật đất đai 2003 quy định khi bị thu hồi đất người dân được bồi thường. Nhưng Điều 43 Luật đất đai 2003 cũng quy định những trường hợp không được bồi thường, trong đó điểm e khoản 1: “Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại Điều 50 của Luật này. Chính vì quy định này mà không ít UBND các cấp ở các địa phương đã biến trách nhiệm của Nhà nước đối với dân trong quản lý đất đai thành lỗi của người dân. UBND xã không xác nhận cho người dân là người sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, UBND xã, huyện không thực hiện trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình với nhiều lý do. Để đến khi có quyết định thu hồi đất thì cho rằng người dân không đủ điều kiện để được bồi thường.

Trên đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài, ở khắp các địa phương và đang là một mâu thuẫn cơ bản trong xã hội giữa người dân với chính quyền.

Hà Nội, 13/04/2014.

H. H. S.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.