Ngày 31.3.2014, báo RFI, trong bài viết có tựa đề “Việt Nam cần nỗ lực chống đập Don Sahong tại Lào”(1), ở phần nhấn mạnh, bài báo viết: “Chính phủ Lào đã phớt lờ phản đối của Việt Nam và Cam Bốt để đẩy mạnh dự án xây dựng đập thủy điện thứ hai trên dòng chính sông Mêkông: Đập Don Sahong, gần biên giới Cam Bốt. Công trình có khả năng được khởi động ngay vào tháng 12/2014. Một khi được xây xong, con đập này sẽ tác hại nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, đặc biệt là tại Cam Bốt và Việt Nam. Giới bảo vệ môi trường cho rằng hai quốc gia này cần nỗ lực nhiều hơn để ngăn cản dự án Don Sahong”.
Trong quá trình tìm hiểu để viết bài, được biết phản đối dự án xây đập Don Sahong của Lào đã có nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng. Riêng với người Việt, ngay từ cuối năm 2013, tổ chức Viet Ecology Foundation (VEF), một tổ chức dân sự (NGO) tại California, Hoa Kỳ, do Ks Phạm Phan Long, một người Việt làm chủ tịch, đã gửi thư ngỏ đến Thủ tướng Lào, ông Thongsing THAMMAVONG, với nội dung “Yêu cầu ngừng xây Đập Don Sahong”.
Vị trí Đập Don Sahong
Nguồn: http://www.vietecology.org/Home.aspx
Tác hại của Đập Don Sahong đối với môi sinh, môi trường, nguồn thủy sản… của nhân dân hai nước CPC và Việt Nam ở hạ lưu, thì đã có nhiều bài viết để cảnh báo, mà bài đăng trên RFI và thư ngỏ của tổ chức VEF đề cập là những ví dụ. Ở bài này, người viết chỉ đề cập đến nguy cơ (rất có thể đến từ Trung Quốc) đối với 3 nước Đông Dương (VN-Lào-CPC) từ dự án này.
Bản đồ vị trí Đập Don Sahong và các QL13-Lào và QL7-CPC.
Rất có thể sẽ hình thành một thị trấn người Trung Quốc tại khu vực này với những ý đồ quân sự lâu dài.
Những nguy cơ về an ninh-quốc phòng đối với Việt Nam-Lào-Campuchia khi đầu tư thủy điện Don Sahong.
1. Mặc dù, Chủ đầu tư của công trình là Cty Mega First Corporation Berhad (MFCB) của Malaysia, Tư vấn kỹ thuật là hãng AECOM của Mỹ(3), sản lượng điện chủ yếu là để xuất khẩu sang Thái Lan, nhưng rất có thể, đứng sau tài trợ vốn công trình thủy điện Don Sahong này cho Chủ đầu tư lại là Trung Quốc, và nhà thầu thi công cũng sẽ lại là Trung Quốc (Công ty Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh là ví dụ). Nếu đúng như vậy, thì Trung Quốc đang bằng mọi cách hợp pháp để có mặt tại khu vực rất nhạy cảm này.
Một kịch bản rất có nhiều khả năng sẽ diễn ra, đó là, trong quá trình thi công Do Sahong, Chủ đầu tư sẽ bán lại công trình cho doanh nghiệp Trung Quốc, và Trung Quốc không chỉ có mặt tại vị trí này trong 5 năm thi công, mà là có mặt vĩnh viễn để vận hành nhà máy.
2. Đập Don Sahong chỉ cách biên giới Lào-CPC khoảng từ 1 đến 2 km về phía Bắc. Để thi công công trình Don Sahong trong thời hạn 5 năm, và để vận hành Nhà máy thủy điện sau này [công suất 260-380 MW chủ yếu cung cấp điện sang Thái Lan(3)], thì công trình buộc phải kết nối với QL13 của Lào. Và đương nhiên sẽ hình thành một thị trấn ở dọc QL13-Lào, giáp với biên giới CPC, và không võ đoán, nhiều khả năng đó chính là thị trấn của người Trung Quốc.
Nhìn từ bản đồ trích lục trên đây, ta thấy QL13-Lào đồng thời cũng kết nối với QL7-CPC, đây cũng là tuyến cao tốc quốc gia số 7 của CPC (National Hight way7), đồng thời đây cũng là đường cao tốc xuyên Á-AH11 (Asean Hight way11-AH11), chạy xuôi xuống phía Nam và giáp với tỉnh Tây Ninh của Việt Nam, sau đó chạy về phía Tây-Tây Bắc nối vào QL5-CPC để về thủ đô Phnompenh.
3. Q13-Lào, là tuyến Quốc lộ chính, trục xa lộ Bắc-Nam của Lào, thông với tỉnh Vân Nam Trung Quốc ở phía Bắc, chạy qua thủ đô Viêng Chăn (Vientiane), tiếp đó là chạy dọc sông Mê Kông theo biên giới Lào-Thái Lan, và nối với QL7-CPC ở phía Nam như đã nói trên.
Chưa có ai đưa ra số liệu, nhưng chắc chắn, Trung Quốc đang tìm mọi cách, thông qua đầu tư để đưa dân cư Trung Quốc lập làng, lập phố dọc theo QL13-Lào, trong một kế hoạch nhằm làm chủ đối với tuyến đường này, qua đó tạo nên một gọng kìm chia cắt Việt Nam từ phía Lào.
4. Tại khu vực Trung Lào, tương đương với đoạn dài gần 200 km từ cảng Vũng Áng vào cảng Cửa Việt, với hệ thống các đường quốc lộ của Lào gồm các tuyến QL8, QL12, QL9E (xem bản đồ), và nếu để Trung Quốc có mặt ở nơi đây và làm chủ tình hình, thì sẽ là một nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam.
Thông qua chiến lược đầu tư, QL13-Lào cùng với các tuyến đường theo hướng Đông-Tây là QL12-Lào, QL9E-Lào,
tạo thành một địa bàn chiến lược của Trung Quốc trên lãnh thổ Lào.
5. Đến đây ta rất dễ hình dung, QL13-Lào cùng với các tuyến đường ngang theo hướng Đông-Tây QL8, QL12, QL9E nói trên, tạo thành một địa bàn chiến lược của Trung Quốc trên lãnh thổ Lào. Cùng với tam giác căn cứ quân sự Du Lâm-Vũng Áng-Cửa Việt, mà có người đã đề cập, có thể chia cắt Việt Nam thành 2 miền khi ngoài Biển Đông Trung Quốc ra tay đánh chiếm Trường Sa.
6. Hiện nay, vượt lên trên Việt Nam, Trung Quốc đã là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào, đến cuối năm 2013 Trung Quốc đã đầu tư vào Lào là 5,10 tỷ USD(4). Với dân số gần 7 triệu người, GDP vào khoảng 15,70 triệu USD, không ngại để nói rằng, kinh tế Lào gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, và Lào là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc, giống như Việt Nam.
Trung Quốc đang hình thành một gọng kìm từ phía Lào cũng với chiêu bài như họ đã thực hiện tại Việt Nam, đó là: Mua chuộc quan chức từ trung ương đến các địa phương; thực hiện đầu tư và khai khoáng tìm kiếm lợi nhuận, và kết hợp di dân… May mắn cho nhân dân Lào là chưa bị Trung Quốc thực hiện diệt chủng như đối với CPC gần 40 năm về trước.
Từ những vấn đề nêu trên, ta dễ nhận ra là: Nguy cơ về môi sinh, môi trường và nguồn thủy sản nếu như Lào xây dựng đập Don Sahong tuy có ảnh hưởng như các tổ chức quốc tế đã nêu, nhưng vẫn không thể sánh được với nguy cơ về mặt an ninh-quốc phòng đối với 3 nước Đông Dương là Việt Nam, Lào và CPC.
Nên chăng, Việt Nam cần có một cuộc điều tra về tất cả các dự án mà Trung Quốc đầu tư tại Lào, để qua đó có những đối sách phù hợp?!
01-02.4.2014
H.M.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Bài tham khảo:
(1) Việt Nam cần nỗ lực chống đập Don Sahong tại Lào
(2) Yêu Cầu Ngừng Xây Đập Don Sahong
http://www.vietecology.org/Home.aspx
(3) Đập trên dòng chính Mekong: Don Sahong đang chuẩn bị để tiếp nối Xayaburi?[11/07/13]
http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=3337
(4) Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa tại Lào và Cam Bốt ?
—————————————————————————–
(1) Đập Don Sahong được xây dựng tại thác Khone (vùng Siphandone, tỉnh Champasak) chỉ cách biên giới Lào – Campuchia vài km. Đập cao 32m. Nhà máy thủy điện có công suất 260-380 MW chủ yếu cung cấp điện sang Thái Lan. Chủ đầu tư là Cty Mega First Corporation Berhad (MFCB) của Malaysia. Tư vấn kỹ thuật là hãng AECOM của Mỹ. Năm 2006, Chính phủ Lào ký bản ghi nhớ với MFCB lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Báo cáo này cùng với báo cáo ‘Đánh giá tác động môi trường (EIA)’ đã xong.
Dự án tuy mang lại nguồn điện năng nhưng sẽ tác động lớn đến thắng cảnh thiên nhiên thác Khone nổi tiếng, phá hủy môi sinh của nhiều loài cá quý hiếm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hạ du là vùng đồng bằng Mekong.