Ngày 11.3.2014, báo điện tử Đất Việt, đăng bài “Trung Quốc đầu tư nghìn tỷ vào tỉnh Nam định, thêm lo?” (1). Ngay đoạn mở đầu, bài báo cho biết:
“TTXVN đưa tin, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản).
Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng Phòng Quản lý Đầu tư Quy hoạch-Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, theo giấy chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (có trụ sở tại thành phố Tĩnh Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) sẽ triển khai xây dựng nhà máy trên diện tích 80.000m2 tại khu công nghiệp Bảo Minh, với công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm.
Dự án có tiến độ thực hiện từ nay đến tháng 6/2016, thời hạn sử dụng đất 46 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư”.
Băn khoăn về nỗi lo của người Việt, báo dẫn lời bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế của Việt Nam. Theo bà Lan thì:
“[…] nếu lĩnh vực bất động sản cũng mong người nước ngoài được tự do mua bán bất động sản Việt Nam thì có lẽ 5-10 năm tới Việt Nam sẽ là nước sẽ là của những họ Kim, họ Lee của Hàn Quốc, họ Tập, họ Đặng của Trung Quốc chứ không phải của người Việt Nam và chúng ta sẽ lại là những người làm thuê, làm thuê ở dạng gia công. Thậm chí thay vì mua nhà bằng gói 30.000 tỷ không được thì lại đi thuê nhà của nhà đầu tư nước ngoài.
“Lần này tôi cảm thấy rủi ro hơn rất nhiều khi ở Hà Tĩnh thời gian vừa qua, mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi thì những thách thức không chỉ vấn đề kinh tế, xã hội”.
Bản đồ vị trí tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
Sau đây là vài suy nghĩ sau khi đọc bài báo này, mong được nhiều người cùng suy ngẫm:
1. Cả ba ngành nghề mà Tập đoàn Dệt may YULUN đầu tư vào KCN Bảo Minh (sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm) đều là các ngành sử dụng công nghệ trung bình và thấp, đặc biệt là cần nhiều lao động phổ thông hoặc đào tạo ngắn hạn. Trong khi Trung Quốc là nước đông dân, thu nhập còn thấp như ở Việt Nam (tiền lương công nhân tương đương, hoặc chênh không đáng kể), vậy thì tại sao họ không đầu tư ở quê nhà, hoặc trên lãnh thổ Trung Quốc, mà lại đầu tư ở Việt Nam, cách xa so với Giang Tô khoảng 5.000 km?
2. Với quy mô thuê đất làm nhà máy là 8,00 ha, và với công suất như trên, rõ ràng, khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ có khoảng 10.000 lao động, chủ yếu là nữ làm việc. Trung Quốc sẽ bằng mọi cách đưa con trai (đang thừa) người Trung Quốc sang làm kỹ thuật và lấy vợ Việt, và sẽ có “nhiều làng Trung Quốc” xung quanh nhà máy và trên địa bàn tỉnh Nam Định (chỉ cần đút lót cho các cơ quan tỉnh là mọi thứ sẽ đúng như họ dự kiến), và thời gian thuê là 46 năm, và sau này sẽ là người Việt, lên đến cả triệu người.
3. Nam Định là một tỉnh nhỏ (diện tích 1.652 km2, dân số năm 2012: 1,837 triệu) (2); chỉ cách 60 km, rất nhạy cảm khi có biến (bài học Hoa Kiều năm 1978 vẫn ám ảnh người Việt) trong khi Khua công nghiệp Bảo Minh nằm ở vị trí án ngữ ba hướng giao thông quan trọng nhất của tỉnh Nam Định, được Wikipedia giới thiệu như sau (2):
“Khu Công nghiệp Bảo Minh: Thuộc địa bàn huyện Vụ Bản. Phía Bắc và phía Đông giáp xã Kim Thái, phía Tây giáp xã Liên Bảo, phía Nam giáp đường Quốc lộ 10, cách thành phố Nam Định 10 km, cách Thị trấn Gôi-Vụ Bản 5 km. Khu Công nghiệp Bảo Minh nằm ven trục đường quốc lộ 10 cạnh đường sắt Bắc Nam và Đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình nên giao thông từ Khu Công nghiệp đến các nơi khác như Hà Nội, cảng Hải Phòng có nhiều thuận lợi. Diện tích 200 ha đang quy hoạch chi tiết. Tổng mức đầu tư khoảng 300- 400 tỷ đồng”.
4. Phải chăng, người Việt đã hoàn toàn bất lực, và đã vượt tầm kiểm soát trước mọi mưu tính của Trung Quốc trên tất cả lĩnh vực?
11.3.2014
H. M.
Tham khảo:
(1)Trung Quốc đầu tư nghìn tỷ vào Nam Định, thêm lo?
http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/trung-quoc-dau-tu-nghin-ty-vao-nam-dinh-them-lo-3003226/
(2) Nam Định
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_%C4%90%E1%BB%8Bnh
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
————————————–
Trung Quốc đầu tư nghìn tỷ vào Nam Định, thêm lo?
(Doanh nghiệp) – Trung Quốc đầu tư 1.400 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt tại Nam Định và không ngừng đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế khác.
TTXVN đưa tin, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản).
Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng Phòng Quản lý Đầu tư Quy hoạch – Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, theo giấy chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (có trụ sở tại thành phố Tĩnh Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) sẽ triển khai xây dựng nhà máy trên diện tích 80.000m2 tại khu công nghiệp Bảo Minh, với công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm.
Dự án có tiến độ thực hiện từ nay đến tháng 6/2016, thời hạn sử dụng đất 46 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trước đó nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo về việc doanh nghiệp dệt may Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, trên TBKTSG vị đại diện Vinatex cho biết lý do là doanh nghiệp Trung Quốc rất nhanh nhạy trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt khi thuế suất xuất khẩu may mặc của Việt Nam được đưa xuống 0% khi vào Mỹ – thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông này dự đoán, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sẽ tập trung chủ yếu vào ngành may mặc, ngành dệt nhuộm cũng sẽ có nhưng sẽ không nhiều. Vì vậy việc này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam khó khăn hơn trong cạnh tranh khi có hiệp định TPP.
Trong khi đó, hiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp may mặc Việt Nam rất yếu, vì chủ yếu vẫn là gia công và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trung Quốc đầu tư mạnh, lộ ý đồ kiểm soát thị trường?
Trước thực tế, Trung Quốc đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam, không chỉ lĩnh vực may mặc, TS Alan Phan từng lý giải điều này là do Trung Quốc đang tìm con đường để đầu tư do kinh tế Trung Quốc được dự báo là không có gì khả quan so với năm ngoái.
“Họ có sẵn tiền để đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam là nước láng giềng kế bên cũng giống như Việt Nam khi có sẵn tiền sẽ mang sang các nước như Lào, Campuchia, Myanmar để đầu tư. Tức là đầu tư ở nước gần trước”, TS Alan Phan nói.
TS Lê Đăng Doanh cũng giải thích lý do việc doanh nghiệp Trung Quốc tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước ngày càng nhiều vì nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính, để cải thiện tình hình đó một số doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa sở hữu, bán một phần vốn cho doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh lo ngại, sau một thời gian công ty sẽ biến thành công ty Trung Quốc, không còn là công ty Việt Nam nếu như họ mua được nhiều cổ phần và chiếm đa số ghế trong hội đồng quản trị.
“Đây là điều đáng chú ý vì chúng ta là nước láng giềng với Trung Quốc nếu để công ty Trung Quốc thao túng rất có thể thành công cụ cho một chính sách để gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát thị trường ở nước ta”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Không chỉ sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào nền kinh tế Việt Nam, hiện các doanh nghiệp nước ngoài khác cũng tham gia ngày càng sâu vào nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại hội thảo “Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014” mới đây, cũng đặt vấn đề về hoạt động của doanh nghiệp FDI có thể có lợi trước mắt nhưng về lâu dài Việt Nam lại đang đẩy kinh tế vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Phạm Chi Lan phân tích, nếu lĩnh vực bất động sản cũng mong người nước ngoài được tự do mua bán bất động sản Việt Nam thì có lẽ 5-10 năm tới Việt Nam sẽ là nước sẽ là của những họ Kim, họ Lee của Hàn Quốc, họ Tập, họ Đặng của Trung Quốc chứ không phải của người Việt Nam và chúng ta sẽ lại là những người làm thuê, làm thuê ở dạng gia công. Thậm chí thay vì mua nhà bằng gói 30.000 tỷ không được thì lại đi thuê nhà của nhà đầu tư nước ngoài.
“Lần này tôi cảm thấy rủi ro hơn rất nhiều khi ở Hà Tĩnh thời gian vừa qua, mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi thì những thách thức không chỉ vấn đề kinh tế, xã hội”, bà Lan nói.
Thu Phương