Kế hoạch thằng Bờm “lấy lại lòng dân”

Trong những lúc quá bi phẫn, người ta phát hiện ra niềm vui.

Vì chẳng phải đã có câu: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười!”?

Đây là cái cười ngày 17 tháng 2 vô cùng đặc biệt của Việt Nam: Một cuộc khiêu vũ và ca hát được công khai tổ chức ở công viên tượng đài Lý Thái Tổ Hà Nội ngày Chủ Nhật 16/2, để đối ứng lại lễ tưởng niệm 35 năm, ngày mà 60.000 dân quân và đồng bào Việt Nam bỏ mạng trong cuộc chiến đấu chống bọn xâm lược Bắc Kinh.

Thật là khó hiểu và buồn cười đến nhức nhối. Lễ tưởng niệm thì do nhân dân tự tổ chức trong sự canh phòng của an ninh. Cuộc nhảy múa và hát ca thì do bộ máy cầm quyền Thủ đô Hà Nội “cho” thực hiện, kèm theo với việc bày bán áo quần dưới ngay tượng đài, chẳng giống ai. Nhưng lại không minh danh, là do ai tổ chức, nhằm mục đích gì. Tính chất không chính danh của các hành vi là con đẻ của những “hội kín”.

Hay hoạt cảnh này do “cha con thằng Bờm” hoặc “vợ thằng Đậu” đề xuất và dàn dựng? Chúng bày quần áo ra “làm bộ” để bán, nam nữ tuổi sồn sồn, và một số thanh niên (có lẽ của Đoàn Thanh niên gì đó) ôm nhau nhảy múa, và bài ca Tàu “Con bướm xinh” cất lên vang động, chỉ để chiếm không gian quảng trường, gây ồn ào, nhằm phá rối lễ tưởng niệm.

Một sự kiện đã gây sốc cho dư luận trong nước và vượt đại dương, tạo nên bất mãn, lời nguyền rủa và cuộc ném đá đa diện.

Riêng tôi cảm thấy vui, vì ngày 17 tháng 2 năm nay hơn hẳn mấy mươi năm qua! Vì các lẽ sau.

Từ sau Hội nghị Thành Đô (9/1990), sự kiện trọng đại của 30 ngày chiến đấu oanh liệt, đánh đuổi bọn xâm lược Bắc Kinh, đã bị giấu kín, bị nhấn chìm trong bóng tối của một sự phản bội, bia đá bị đục, tượng bị xóa, với chiến sĩ và đồng bào hy sinh, thân nhân và những người yêu nước phải lặng lẽ kín đáo đi thăm, sử sách bị ém nhẹm không được ghi chép, phổ biến, báo chí không được loan tin, nếu lỡ đăng lên thì lập tức bị gỡ xuống…

Ai đã cố vùi lấp cuộc chiến đấu anh dũng, sự hy sinh cao cả và nỗi đau khôn nguôi này của dân tộc suốt mấy mươi năm nay?

Một cựu chiến binh hôm nay đã nói với người anh mình: “Chúng tôi đi đánh Tàu này, anh có biết không, nhục như con chó. Không thằng nào nhớ tới hết”. Một câu nói ấy đủ khái quát về tính chất đặc biệt của một cuộc chiến xâm lược bẩn thỉu do Trung Quốc cộng sản tiến hành, và một cách đối xử rất đáng nghi ngờ của Việt Nam Cộng Sản với cuộc kháng chiến oanh liệt và đẫm máu của chính dân tộc mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định lập trường che giấu này 24 năm qua, đã dùng nhiều biện pháp bạo lực đối với những công dân không chấp nhận tư tưởng và cách đối xử này. Và không có một cách giải thích, biện hộ nào có thể thuyết phục được người dân. Ngay cả ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, người chủ trì cuộc đề kháng quyết liệt đối với Trung Quốc cộng sản, cũng bị vùi dập uy danh sau đó. Họ luôn nêu cao khẩu hiệu “Tình hữu nghị đời đời bền vững”, và tin vào “16 dây treo cổ bằng vàng”, và “4 cái vít tốt bắt vào chân ghế”?

Nay chỉ trong vài tuần, sự áp chế bị bung vỡ, sự thật được phát lộ, bao nhiêu bài viết, văn, thơ, tài liệu, hồi ký về cuộc chiến tranh chính nghĩa đã xuất hiện một cách chân thực, mạnh mẽ và toàn diện, gây xôn xao mọi người. Họ nghe, biết và lan truyền trong nhân chúng, từ trí thức, đến thanh niên, sinh viên, học sinh, và thế giới càng biết. Dù “tình hữu nghị” và “lập trường kiên định” đến đâu thì bàn tay có là “chín ngón” cũng không thể nắm được gió, không che được ánh sáng mặt trời, không ngăn được đường truyền internet và tiếng thổn thức của một giai đoạn lịch sử đặc biệt về tư tưởng “ý thức hệ anh em”… Là một sự bùng nổ thông tin về cuộc chiến tranh vệ quốc 1979 chống xâm lược Tàu, để hôm nay sự kiện lịch sử đó như mở nắp quan tài mà đứng dậy, ý nghĩa của nó được lan truyền nhanh chóng cũng nhờ một phần cuộc nhảy múa sống sượng ở tượng đài Lý Thái Tổ.

Cuộc nhảy múa đã biểu thị chính thức và chính xác thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 24 năm qua, đối với cuộc chiến, đã minh họa mối quan hệ bất bình đẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà ở đó sự phụ thuộc có tính tự nguyện là của phía Việt Nam, mà người dân không ngần ngại gọi là hèn nhát, chịu nhục để cầu vinh. Cái nhục cho nước thì đã rõ, nhưng cái “vinh” cho bản thân ấy là gì? Là sự “mang ơn Trung Quốc”, “cuộc nhảy múa”, và cái “sổ hưu”?

Sự thật được bộc lộ, sao không vui?

Họ chỉ chiếm lĩnh một không gian nhỏ ở tượng đài, nhưng tác dụng ngược thì vang lên nhanh chóng truyền đi khắp nơi. Đó là một bước thắng lợi của lòng yêu nước và lẽ phải! Tôi tin từ nay, mỗi năm đến ngày 17 tháng 2 sẽ là ngày lễ tưởng niệm không còn bị ai ngăn cản, sẽ công khai và đàng hoàng diễn ra trên toàn đất nước, cũng sẽ không còn những cái nhảy nhót lạc loài dị hợm kia. Và cũng từ nay, Lý Khắc Cường, hay Tập Cận Bình chớ mong chi một sự bưng bít dân chúng, lấp liếm đi đêm với một thứ chủ nghĩa con tắc kè mà từ lâu nhân dân Việt Nam đã không còn mơ hồ.

35 năm trước, Đặng Tiểu Bình đã “dạy Việt Nam một bài học”. Bài học ấy, chính là sự ngây thơ tin vào một thứ ý thức hệ không bình thường, ảo tưởng về một thứ “tình cảm anh em” không đúng chỗ. Tuy nhiên, quân dân Việt Nam đã cho lại chúng một bài học về cái giá phải trả cho sự tham lam và tính phản trắc. Nay Tập Cận Bình lại một lần nữa dạy cho Việt Nam một bài học, bài “khiêu vũ” ở quảng trường Lý Thái Tổ. Dù lần này, quân dân Việt Nam không tốn máu xương, nhưng có người lại thấy cái nhục là quá lớn. Nhưng là cái nhục của ai? Chỉ thấy tiếc cho ai đó thôi. Từ vũ điệu bạo lực (dùi cui, khiêng, đạp mặt, đánh sưng mặt, bẻ tay, chất lên xe về trại phục hồi nhân phẩm…), đến vũ điệu quấy rối (cưa đá, ném mắm tôm, cướp dải băng vòng hoa tang…), nay là vũ điệu tự quấy rối mình, tự làm xấu mình, mà nhà thơ Thái Hữu Tình gọi tên là “Vong Quốc Vũ” (bài múa mừng mất nước…). Như thế, họ đã chuyển từ hình thức bạo lực thô thiển sang bạo lực “văn hóa”, từ vật quyền (theo nghĩa vật lộn) chuyển đến “nhân quyền” trong vòng quay lẩn quẩn của “suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống” của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trịnh trọng nêu lên từ Đại hội Đảng XI.

 

‘Nhảy múa cản trở người tưởng niệm 1979’

Xin hỏi Tổng Bí thư: “Nhảy trong bối cảnh như thế, không phải suy thoái là gì?”

Họ giả ngơ để lập luận rằng nhảy múa chỉ là nhảy múa thôi, không phải nhằm phá rối lễ tưởng niệm, mà là thực hiện theo phái chủ trương “ngoại giao mềm dẻo”, và lả lướt nữa, của thân phận nước nhỏ, tránh khiêu khích nước lớn – riêng Trung Quốc thôi đấy (*) – chứ không theo phái “ngoại giao là ngoại-giao-hòa-bình, mà lịch sử là lịch sử” theo cách phát ngôn của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ngày xưa có câu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nay có sự việc xẻ dọc nền ngoại giao, xẻ dọc lịch sử, và xẻ dọc bộ máy từ Trung ương đến địa phương, và cả trong một bộ phận dân chúng, thành hai loại tư tưởng, hai loại hành động. Bấy nhiêu đấy “là quá đủ cho một âm mưu!” của kẻ xâm lược. Chúng xui ta hăng hái tích lũy rơm khô, để chúng chờ mong một cơn gió nhẹ, một tia lửa nhỏ.

Những người đấu tranh cho “quyền làm chủ của nhân dân”, chống xâm lược Tàu, và tri ân chiến sĩ đồng bào, chớ nên phiền lòng vì cái “khó coi’ đó thuộc về ai, chứ không phải mình.

“Bài học khiêu vũ” ở tượng đài Lý Thái Tổ, được ai đó dạy đã không làm cho nhiều người dân ưa thích, nếu không nói là một trời phẫn nộ, nên chiến lược “lấy lại lòng tin” trong dân chúng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng trở nên xa vời.

Sử dụng biện pháp bạo lực đối đầu với đấu tranh hòa bình, bất bạo động, bằng các phương châm kích động: “thế lực thù địch”, “bọn phản động” lợi dụng, “diễn biến hòa bình”… không còn tác dụng. Nhưng đối phó bằng “văn hóa khiêu vũ” nham nhở kiểu này, thì còn đâu là văn hóa? Điều mong muốn thật đơn giản, và thực sự văn hóa: Trả lại lịch sử giá trị của lịch sử, và sòng phẳng với xương máu của Nhân Dân!

Mọi người, kể cả các dân tộc miền núi, cũng cần phải cảnh giác để ngăn chận, nếu mai kia các “chợ tình” độc đáo ở Sapa, ở Khau Vai, ở Tây Nguyên lại bị những người “nhảy múa” cải biên và tổng hợp thành “chợ tình” ở vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Cuộc sống đang lướt đi, sự kiện mới sẽ dồn dập, bài học khiêu vũ phải dừng lại. Chỉ còn một điều tồn đọng nhỏ, nhưng rất quan trọng và ray rứt:

Cần phải truy tìm ai là tác giả của kịch bản “lấy lại lòng dân” kiểu này? ./.

19-2

H. Đ. N.

(*) Nước lớn chỉ là Trung Quốc, vì khi cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi sang Trung Quốc đều cúi đầu rất thấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì bắt tay khép nép thân tình trong khi du hành sang các nước khác, các vị luôn đĩnh đạc và đứng thẳng như con số 1.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.