Hy vọng rằng đây không phải là câu chuyện Cá tháng Tư – ngày hội nói dối của Tây phương. Chuyện nực cười chẳng khác nào con trong nhà thì tống cổ ra đường để rước người lạ vào trú ngụ!
Nhưng xét lại thì phải thử hỏi ngày nào mà chúng ta đưa tin không phải là ngày Cá tháng Tư có lẽ mới phải!!!
Bauxite Việt Nam
“Sẵn sàng thuê nếu trong nước còn đất trồng rừng” là tuyên bố của hầu hết các doanh nghiệp VN đang thuê đất ở nước ngoài.
Phủ xanh nhiều nước
Khi quỹ đất trồng cao su trong nước hạn hẹp, nhưng để theo đuổi kế hoạch đến năm 2015 có được 800.000 ha cao su, Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) đã phải ra nước ngoài hợp tác kiếm đất trồng. Cho đến nay, cây cao su của tập đoàn này đã có mặt ở Campuchia, Lào và tiếp tới sẽ là Myanmar, Nam Phi, Mozambique… Đặc biệt ở Campuchia, theo thỏa thuận giữa hai nước, trong năm nay VRG đã ký hợp tác trồng mới 100.000 ha cao su vào năm 2011 – 2012. Tính đến nay, diện tích cao su của VRG tại Lào là 30.000 ha và Campuchia khoảng 10.500 ha.
“VRG cũng đã bàn việc đầu tư trồng cao su ở Angola và Mozambique, nếu mọi việc tiến triển tốt chúng tôi sẽ triển khai ngay dự án”, ông Lê Quang Thung, Tổng giám đốc VRG nói. Còn dự án 200.000 ha trồng cao su ở Myanmar, vị tổng giám đốc này cho hay cũng sẽ do VRG thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp VN khác cũng “khăn gói” lên đường qua nước bạn thuê đất nhằm tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất với quy mô lớn, như dự án của Công ty CP cao su Dầu Tiếng Việt – Lào, vốn 81,9 triệu USD; dự án của Công ty CP cao su Việt – Lào, vốn 25,5 triệu USD. Năm 2004, Công ty cao su Đắk Lắk thành lập công ty con tại huyện Paksê, tỉnh Chămpasak, Lào, để thực hiện dự án phát triển 10.000 ha cao su và cây công nghiệp khác ở 4 tỉnh thuộc phía Nam nước Lào, tổng vốn đầu tư ban đầu 30 triệu USD (năm 2009 được cấp phép bổ sung lên 50 triệu USD, hiện đã giải ngân 32 triệu USD). Ông Huỳnh Văn Khiết, Giám đốc Công ty cao su Đắk Lắk, cho hay đến nay đã trồng được 141 ha rừng nguyên liệu giấy, 250 ha cây cà phê, 685 ha cây điều và 8.500 ha cây cao su.
Chi phí cao, nhiều rủi ro
Theo ông Huỳnh Văn Khiết, chi phí đầu tư trồng cao su ở Lào cao hơn ở VN, đặc biệt là thuế đất, thuế lao động… Đó là chưa kể việc giao đất chậm cũng sẽ đẩy chi phí lên cao. Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến công ty này qua Lào thuê đất là vì “ở Đắk Lắk không còn đất trồng cao su nữa”.
Ngoài chi phí cao, doanh nghiệp ra nước ngoài đầu tư trồng cao su phải đối mặt với nhiều rủi ro. Chẳng hạn như khi đầu tư vào Lào, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuyện giao đất. Nguyên nhân do công tác đền bù giải phóng mặt bằng thiếu những quy định thống nhất từ trung ương tới địa phương. Quy định phân cấp về đất đai của Lào, đối với đất diện tích trên 100 ha là trung ương cấp phép, dưới 100 ha thuộc địa phương cấp phép. Tuy nhiên khi thực hiện thường dẫn đến chồng lấn, khiến nhiều nhà đầu tư trầy trật mãi vẫn không có đất. Ngoài ra, các doanh nghiệp VN còn gặp khó khăn trong việc làm thủ tục lưu trú cho lao động VN vì lao động tại chỗ không đáp ứng được yêu cầu; thủ tục thông quan phức tạp, không thống nhất ở các cửa khẩu, mất nhiều loại phí không có trong quy định..
Năm 2005, Công ty kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã trồng khoảng 5.000 ha rừng tại đất nước Uruguay. Theo ông Võ Trường Thành – Tổng giám đốc, công ty chọn một nơi xa xôi để trồng rừng lấy nguyên liệu vì thủ tục thuê đất trong nước quá lâu. Chờ đợi 1 năm, 2 năm nhưng vẫn chưa được nên bắt buộc ông phải đi xa hơn để tìm đất trồng rừng. Song dự án trồng rừng ở Uruguay cũng đã được sang nhượng. Lý do vì chi phí quản lý, khai thác quá cao cũng như môi trường kinh tế chưa ổn định nên Trường Thành không dám mạo hiểm.
Theo ông Thành, các công ty đi thuê đất ở nước ngoài để trồng rừng hay trồng cao su chủ yếu vì thủ tục thuê đất ở Việt Nam quá nhiêu khê và quá lâu. Vì nếu tính đến các loại chi phí như quản lý, khai thác và vận chuyển thì cũng không thể rẻ hơn như trồng ngay tại Việt Nam. Ông kể, một doanh nghiệp trong ngành gỗ mấy năm trước thuê được đất trồng rừng ở một tỉnh miền Trung.
Diện tích đất này vốn là khu rừng đã được khai thác từ lâu nhưng bỏ hoang hóa và không ai quan tâm đến. Khi doanh nghiệp này được giao đất bắt đầu vào phát hoang lau lách để trồng cây thì gặp cơn bão lớn quét qua nên phải chịu thiệt thòi do mất cây giống, chi phí nhân công… Tuy nhiên, điều oái ăm là doanh nghiệp này bị cơ quan quản lý địa phương kêu lên giải trình vì có dư luận cho rằng “do doanh nghiệp vào khai hoang gây ra bão lụt”. Sau đó, doanh nghiệp này đành phải sang nước ngoài để thuê đất trồng rừng thay cho dự án trong nước vì sợ lại bị “đổ thừa”.
N.Trần Tâm – Mai Phương
VN đang đứng vị trí thứ nhất trong số các nước đầu tư vào Lào, với gần 200 dự án, tổng vốn trên 2 tỉ USD. Trong đó, trồng cao su và cây công nghiệp được các nhà đầu tư VN quan tâm hàng đầu với 36 dự án. Nhiều dự án trồng cao su có diện tích lớn như dự án 15.000 ha cao su của Hoàng Anh Gia Lai, vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, hiện đã trồng được hơn 8.000 ha. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho biết, vào năm 2011 – 2012 công ty sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến và sản xuất sản phẩm từ cây cao su để tạo thêm giá trị gia tăng ngay tại đất Lào. Được biết, Hoàng Anh Gia Lai đã tài trợ cho Chính phủ Lào 19 triệu USD (4 triệu viện trợ không hoàn lại, 15 triệu cho vay không lấy lãi) để xây dựng công trình Làng vận động viên SEA Games 25. Ngoài dự án ở Lào, Hoàng Anh Gia Lai còn đầu tư 73 triệu USD trồng cao su ở Campuchia.
“Diện tích đất trồng rừng, đặc biệt là rừng cao su không còn nhiều. Hiện nay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã phải đi tìm thuê đất ở các nước lân cận. Cụ thể như ở Lào tôi có 25.000 ha, ở Campuchia có 20.000 ha, trong khi ở VN chỉ khoảng 6.000 ha. Chúng tôi cũng đang xúc tiến tìm hiểu để thuê đất tại Myanmar với cây trồng chủ lực là cao su. Nhưng nói đúng ra thì trồng cao su tại VN vẫn có nhiều lợi thế hơn về mặt địa lý, lao động, ngôn ngữ, văn hóa… Tại các nước khác thì mình phải hoạt động uy tín, có nhiều đóng góp cho nước của họ thì mới được giao đất chứ họ cũng không giao tràn lan. Nếu VN còn đất thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư để phát triển cây cao su” – ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Quang Thuần (ghi)
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201014/20100329232613.aspx