Tháng 2 năm nay, những cây đào Tổng Chúp, Hưng Đạo, Cao Bằng bỗng dưng đỏ loét trong cái nắng trái mùa. Trên đồn biên phòng Pha Long, Lào Cai, thật lạ, chỉ duy nhất một gốc đào đơm hoa. Còn ở pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, những cây đào khoe sắc vô duyên bên nền đá xám xịt và lau lách tùm lum của một pháo đài hoang phế đã đi vào quên lãng.
Một số phận
Trong ngôi nhà nhỏ ở dốc cầu Nà Rụa, phường Tân An, Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Quỳ cũng có một cành đào nhỏ trước ban thờ chồng, người 35 năm trước bất đắc dĩ trở thành “tù binh chiến tranh”.
Câu chuyện liên tục ngắt quãng khi đôi vai của người phụ nữ nhỏ nhắn run lên bần bật trước những hồi ức từ 35 năm trước. Chiến tranh đã lấy đi của bà một đứa con. Và sau 35 năm, vết thương ấy chưa bao giờ lành khi hàng đêm, hình ảnh đứa nhỏ tím tái chết trong mưa lạnh vẫn ùa về như một nỗi kinh hoàng không bao giờ phai nhạt.
“Cô sinh cháu và gói trong một chiếc áo. Và rồi đó cũng là chiếc áo liệm”- người cựu binh chống Mỹ khốn khổ đưa tay lên dụi mắt.
Sáng 17.2.1979, trời rất mù và lạnh. Từ thị trấn Nước Hai, bà Quỳ chỉ còn biết cắm đầu cắm cổ chạy loạn khi tiếng pháo của lính Trung Quốc “như bom Mỹ rải thảm” khắp nơi. Bệnh viện Hòa An bị đánh sập, người sản phụ khốn khổ đang mang thai đến tháng thứ 9 chỉ còn biết vác bụng lặc lè để chạy.
“Cô chạy vào núi đá Mỏ Hách. Rồi từ Mỏ Hách chạy sang Đại Tiến. Chạy ngược với tiếng pháo”. Đám người chạy loạn bị lính Trung Quốc phát hiện, truy đuổi, và lại tứ tán khắp nơi. “Chúng nó đông lắm cháu ơi! Đâu đâu cũng thấy lính Trung Quốc”.
Trong gần một tuần lễ trốn trên động đá, bà Quỳ đau đẻ trong cái đói, trong cái rét, trong trời mưa lạnh, trong tối tăm mò mẫm. Không một hạt gạo mang theo. Không một tấm chăn. Cả đám người đói khát, rét mướt và lo sợ đến hoảng loạn. Chỉ ngay phía dưới, lính Trung Quốc đông lúc nhúc, vây hãm khắp nơi.
Những con người khốn khổ lấy nước bằng cách hứng từ giọt gianh trong một tấm nilon rộng chừng 2 bàn tay. Ăn tất cả những gì mà ban đêm mấy người đàn ông mò mẫm được từ bờ cây, gốc sắn… ngay sát nơi lính Trung Quốc dựng trại.
Đến hôm đau đẻ, bà được đồng bào gom cho thìa đường cuối cùng, hòa với vốc nước “để có sức mà đẻ”. Đứa con đầu lòng được sinh ra trong hang đá nhưng 3 hôm sau thì qua đời.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó. Đêm ngày 25.2, người chồng nửa đêm đi kiếm nước uống bị sa vào tay lính Trung Quốc. Ông bị giam giữ cho đến ngày 3.6 và từ sau đó, những đồng nghiệp của ông ở Ty Thể thao Cao Bằng cho biết ông bỗng dưng có thói quen ăn cơm với nước lã.
Còn bà Quỳ, quãng thời gian trong động đá và cái chết bi thảm của đứa con đầu lòng khiến bà trở nên trầm uất suốt 3 tháng. Tuyến sữa viêm tắc khiến sau đó người phụ nữ khốn khổ phải cắt đi một bên ngực.
35 năm, bằng đấy thời gian chưa đủ để bà Quỳ quên đi hình ảnh đứa con đầu lòng chết tím tái. “Đau xót lắm cháu ơi. Cô đi cúng, Thầy bảo nó không có nhà, lang thang ở một gốc cây nào đó”…
Không chỉ Bệnh viện Hòa An bị đánh sập, cả thị xã Cao Bằng lỗ chỗ tổ ong như vừa trải qua “một trận B52 mặt đất”, không còn thứ gì cao quá 1 mét. Bách hóa tổng hợp, một biểu tượng của Cao Bằng bị hủy hoại đến không còn một viên gạch lành.
Chị Hoài Phương, phóng viên của Đài truyền hình Cao Bằng, năm đó 9 tuổi, đến giờ vẫn không thể quên hình những xác người bị súng phun lửa đốt cháy trên mặt đất. Khắp nơi.
Ông Nguyễn Duy, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Hòa An nhớ lại: Đến ngày 20.3, cả thị xã vẫn như một đụn khói lớn. Chiều 29.3. Không một chiếc xe, không một người dân đi trên đường. Kho lương thực còn cháy nghi ngút. Thị xã tan hoang khi lính Trung Quốc trước khi rút đã ốp mìn giật đổ từng cây cầu, từng cột điện. Cái gì lấy được thì lấy hết. Cái gì không lấy được thì phá hết.
Khi giặc đến nhà
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc đã dùng một lực lượng quân sự chính quy lên tới 60 vạn quân tấn công Việt Nam trên khắp chiều dài 1.200 km biên giới 6 tỉnh phía Bắc. Cao Bằng chính là một trong những trọng điểm đánh phá của quân đoàn 41A với sự tham gia của xe tăng và pháo binh.
Theo nhận định của Xiaoming Zhang trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí China Quarterly tháng 12.2005, cuộc tấn công của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào việc nhanh chóng chiếm được Cao Bằng.
Nhưng hai mũi tấn công không đến được mục tiêu trong vòng 24 tiếng. Khu vực đồi núi cùng kháng cự của dân quân Việt Nam tạo ra khó khăn lớn. Việc đi chậm khiến Xu Shiyou, lãnh đạo cánh quân Quảng Tây, phải hoãn cuộc tấn công vào Cao Bằng, mặc dù phó tướng Wu Zhong đã đến sát thành phố này ở mạn phía đông và nam.
Trong một bài phát biểu được nhà nghiên cứu Dương Danh Hy dịch ra tiếng Việt ít năm trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã xác nhận đó là cuộc chiến “giết gà đã phải dùng dao mổ trâu”. Cụ thể “vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là năm đánh một, sáu đánh một, chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí sáu đánh một, bảy đánh một”.
Vì sao ở Cao Bằng, chiến tranh lại đồng nghĩa với tàn phá như vậy?
Trang mạng quân sự milchina.com của Trung Quốc 3 năm trước đã cho đăng thư của một cựu chiến binh Trung Quốc từng tham gia chiến tranh biên giới 1979 phần nào giải thích lý do: “Mục đích của cuộc chiến tranh này là tàn phá, hủy hoại quốc lực của Việt Nam chứ không phải là chiếm lĩnh lãnh thổ, nên sau hai ngày đánh nhau, lính tham chiến bắt đầu chấp hành mệnh lệnh bán chính thức là “không bắt tù binh”, “không để lại cho Việt Nam một lá cây ngọn cỏ”.
Cho đến cuối cuộc chiến tranh, ở Cao Bằng “không ai theo địch, không ai đầu hàng, không ai phản bội”- giọng người cựu bí thư tỉnh ủy rưng rưng nước mắt. Bao đời nay vẫn vậy, mỗi khi giặc đến nhà thì mỗi một người dân chính là một người lính.
Ông Vương Dường Tường, nguyên bí thư tỉnh ủy Cao Bằng giai đoạn 1979-1992 nhớ lại: Bấy giờ, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm và vấn đề người Hoa đã khá căng thẳng, nhưng không ai nghĩ là chiến tranh xảy ra. Chủ trương của ta là đưa thanh niên ra biên giới tổ chức các lâm nông trường. “TƯ xác định cũng phải đề phòng, nhưng là phòng xích mích biên giới thôi”- ông Tường nói.
Tỉnh ủy Cao Bằng bấy giờ chủ trương đưa một số bộ đội về một số xã để củng cố đội ngũ cán bộ. Quân đội không có ở Cao Bằng. Lực lượng công an vũ trang chỉ có ở cấp tỉnh chứ cấp huyện là không có người. Cả thị xã bấy giờ chỉ có 1 một trung đoàn bộ đội địa phương (E567), nhưng cũng chủ yếu là làm kinh tế. Đến đội ngũ dân quân tự vệ, “có thì có đấy, căng thì căng như thế nhưng đã được phát súng đâu”. Thậm chí khi chiến tranh đã nổ ra, có thêm một sư đoàn được thành lập, nhưng lúc đó cũng chưa có quân”.
Chính ông Hùng là một trong những người đầu tiên chạy bộ đạp lá sa mộc đến bên xác xe tăng còn nghi ngút khói.
“Chúng tôi chỉ có 3 khẩu súng AK để bảo vệ trận địa”, ông Hùng nói, “về sau, khi lính Trung Quốc lên quá đông, đơn vị đã phải tháo súng (pháo) để rút”.
Theo Xiaoming Zhang, đến ngày 23.2, Trung Quốc mới chiếm được Cao Bằng sau khi nhận ra nơi này chỉ có một số lượng nhỏ quân Việt Nam cố thủ. Nhưng sự chậm chân khi chiếm Cao Bằng đã ngáng trở kế hoạch ban đầu của Trung Quốc, vốn nhấn mạnh việc tác chiến nhanh và quyết liệt.
Cao Bằng có gì để chống lại 6 sư đoàn chính quy với xe tăng và pháo binh yểm trợ?
“Dân Cao Bằng sẵn biết Trung Quốc rồi. Ở đâu cũng đánh, gặp đâu cũng đánh, ai cũng đánh. Một, hai người cũng đánh. Chặn khắp nơi”- ông Vương Dương Tường nói.
Ở Hòa An, dù lúc đó mất hoàn toàn liên lạc, một nhóm cựu binh vẫn tự tập hợp nhau lại lập chốt đánh địch. Nhặt được cái gì thì đánh được bằng cái đó. Ở Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Hà Quảng đều có những chốt đánh địch như vậy.
Người Cao Bằng sau phút bất ngờ đã chủ động trở lại. Cho đến cuối cuộc chiến tranh, ở Cao Bằng “không ai theo địch, không ai đầu hàng, không ai phản bội”- giọng người cựu bí thư già rưng rưng. Bao đời nay vẫn vậy, mỗi khi giặc đến nhà thì mỗi một người dân chính là một người lính.
Tháng 2 năm nay, trên nền bách hóa tổng hợp bị đánh sập năm xưa, một siêu thị mới đã được dựng lên, cho dù người Cao Bằng vẫn gọi đó là Tổng Hợp Đổ.
Còn người nữ cựu binh Nguyễn Thị Quỳ, đến giữa câu chuyện, bỗng bất ngờ hỏi lại chúng tôi: “Sao các cháu không hỏi vì sao tháng 2 năm ấy cô không đi tìm một cây súng? Và rồi, bà quả quyết tự trả lời: “Năm xưa, cô phải chạy giặc vì lúc đó đang mang bầu, không muốn ảnh hưởng đến anh em đồng chí. Còn nếu bây giờ giặc đến nhà, cô sẽ tìm một khẩu súng. Nếu cô già yếu không đánh được, những đứa con của cô sẽ cầm súng”.
Con gái bà, một cô gái niềng răng sinh năm 1988 sau đó nói sẽ đưa chúng tôi vào Tổng Chúp, dù ở Cao Bằng, không còn nhiều người biết đến những gì xảy ra tại Tổng Chúp 35 năm trước, dù theo lời cô bé: “Nơi đó giờ đã hoang vắng lắm rồi anh ạ”.
Đ.T.
Nguồn: http://motthegioi.vn/xa-hoi/bai-1-bien-gioi-hoi-uc-35-nam-44879.html