Anh Đằng ơi,
50 năm trước, ở lứa tuổi 20, anh đã lên đường tiếp bước các bậc đàn anh, theo tiếng gọi của trái tim yêu nước, vì lý tưởng một Tổ Quốc độc lập thống nhất, một dân tộc tự do dân chủ hạnh phúc.
Anh đã cùng tuổi trẻ cả nước cất cao tiếng hát lên đường. Một bài hát hơn nửa thế kỷ trước từ thành thị đến thôn quê đâu đâu cũng hát, và hơn nửa thế kỷ sau, ở lứa tuổi anh, người người đều thuộc.
Tuổi trẻ thời nào cũng vậy, sẵn sàng lên đường dâng hết đời mình cho niềm tin, cho lý tưởng, cho các thế hệ mai sau.
Anh cũng vậy. Mà còn mong muốn dâng hiến nhiều hơn, gấp đôi nếu được, và thật sự anh đã dâng hiến đến hai lần.
Mà lần này là khi đời đã xế bóng, khi phải nằm liệt giường đấu tranh chống lại cơn bệnh hiểm nghèo, anh đã không ngần ngại lên đường một lần nữa. Vì niềm tin một THAY ĐỔI phải đến với đất nước.
Bởi sự thật, trong đời sống một đất nước, có một lúc nào đó mà mỗi người đều phải lựa chọn: hoặc tiếp tục phục tòng bạo lực, tiếp tục ngó lơ, cúi mặt; hoặc chống lại, chiến đấu để bảo vệ những quyền làm người căn bản nhất của mình và của đồng bào mình.
Bởi im lặng trước việc không thể chấp nhận được ít nhất cũng là một thứ bảo chứng cho nó.
Bởi mọi thay đổi, cả vận mệnh đất nước, cả vận mệnh mỗi người, không phải từ đâu đến, hay từ trời. Càng không đến từ những lời hứa ảo, dối trá của bạo quyền. Mà từ mỗi người, từ trong suy nghĩ và hành động của mỗi người.
Bởi tự do không là quà biếu của bất cứ ai, càng không là của cái chế độ “xin cho” này. Mà phải đòi. Và khi đã lên tiếng đòi… là đã tự do ngay từ trong cái đầu của mình rồi.
Bởi, sau một đoạn đường dài cống hiến suốt mấy mươi năm cho lý tưởng tự do dân chủ độc lập của Tổ Quốc, không ai có thể chịu đựng được sự phản bội của một nhóm kẻ cơ hội vụ lợi đã độc chiếm hết công lao xương máu giành độc lập của dân tộc, lại còn nhẫn tâm cướp hết các quyền làm dân, các quyền làm người, áp đặt chế độ thống trị thực dân bản xứ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại lên đa số đồng bào mình.
Anh đã từng hơn một lần góp sức tấn công vào mọi biểu tượng của xiềng xích. Nhưng lần này, ngoài việc tấn công vào những biểu tượng của bạo lực, anh còn phát pháo tấn công vào thành trì của dối trá, tráo trở… vô đạo nhất lịch sử dân tộc.
Anh đã dâng hiến đời anh đến hai lần. Hai lần cách nhau hàng nửa thế kỷ.
Hàng nửa thế kỷ đã trôi qua, xã hội đã có nhiều thay đổi. Và một lần nữa dân ta lại bị chia đôi. Không phải do bàn tay ai khác hơn là của một tối thiểu số phản bội, âm mưu nô lệ hóa tuyệt đại đa số đồng bào mình. Một lần nữa dân ta lại bị đè đầu. Không phải do một chế độ thực dân nước ngoài, mà là do một chế độ thực dân bản địa.
Có chế độ thực dân nước ngoài đã từng dạy dân ta rằng tổ tiên ta không là người Việt. Có chế độ đã từng buộc dân ta muốn yêu nước phải yêu cái chủ nghĩa ngoại lai nào đó, mà trăm, ngàn năm trước dân ta không hề biết, và trăm, ngàn năm sau dân ta cũng không muốn biết. Và giờ đây có chế độ lại âm mưu đặt lên đầu dân ta 16 cái chữ vàng cùng bốn cái tốt gì gì đó được phương Bắc ban cho.
Có chế độ thực dân nước ngoài đã từng tận dụng khai thác các nguồn tài nguyên nước ta đưa về mẫu quốc. Bè nhóm các tập đoàn thực dân bản xứ thời nay, và nước ngoài câu kết, đang âm mưu lần lượt biến toàn dải giang sơn nước ta thành cái sân sau, toàn thể vùng biển Tổ Quốc ta thành cái ao nhà của bọn bành trướng phương Bắc.
Cái độc đáo và độc địa của chế độ thực dân bản địa ở đây là đã móc ngoặc được hai thứ tưởng chừng không thể móc ngoặc được: cái thứ tư bản và cái thứ xã hội chủ nghĩa. Nó vừa chạy theo kinh tế thị trường, tức bãi bỏ kế hoạch hóa, vừa giữ chặt định hướng xã hội chủ nghĩa, tức giữ chặt mấy thứ quy hoạch. Cốt lõi là giữ chặt cái quy hoạch đất đai để tiện lấy đất và chia cắt ruộng đất của toàn dân cho guồng máy đô hộ và cho các tập đoàn tài phiệt trong ngoài nước. Và ưu tiên là quy hoạch cán bộ để muôn đời ngồi trên trị vì đất nước. Chế độ thực dân nước ngoài ngày trước đã từng mở trường bảo hộ ở mẫu quốc, để đào tạo các tên chánh tham biện đưa sang làm chủ các tỉnh ở Nam Kỳ thuộc địa. Còn thực dân bản địa ngày nay thì chú ý coi trọng quy hoạch cán bộ từ thấp đến cao, bồi dưỡng các con cháu truyền nhân từ trong trứng, rồi cho đi du học ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước thực dân đế quốc cũ mới, để khi về nước không phải chỉ đứng trên đầu tỉnh mà ngồi trên đầu cả nước. Cho đến muôn đời.
Ngày xưa thực dân nước ngoài chia dân “của họ” ra làm hai loại: công dân ở mẫu quốc, được hưởng mọi thứ quyền, và thần dân thuộc địa, chỉ được cúi đầu làm nô lệ. Như thần dân Nam Kỳ, thần dân An Nam. Thực dân bản địa ngày nay không phân chia dân Việt Nam ra như vậy. Đối với họ, ngoài họ ra thì là Nhân Dân hết, là Nhân Dân tuốt. Cá nhân đi hỏi việc ở các cơ quan cũng phải chứng minh mình là nhân dân. Công An bắt trộm hay đàn áp biểu tình cũng là nhân dân. Tòa án xử tội cũng là nhân dân. Thậm chí tờ báo của ai đó, do ai đó viết, mà dân không biết, không đọc cũng là Báo Nhân Dân… Nhân dân đã bị dựng thành một thứ bình phong, một thứ công cụ tập thể, nhập cục thành một khối không hình thù, không màu sắc, không chánh kiến, không tổ chức,hay tổ chức “cuội”, tay bị xiềng, miệng bị khớp, mọi thứ tự do đều chỉ là những cái bánh vẽ để “nhai ngồm ngoàm”, dù muốn hay không muốn, như một nhà thơ đã từng viết.
Vậy mà anh Lê Hiếu Đằng và các bạn của anh lại đòi xây dựng ở đây một xã hội dân sự Việt Nam, một xã hội công dân dân chủ tại Việt Nam, thì hơi làm khó cho cái chế độ thực dân bản địa ở đây rồi.
Anh Đằng ơi,
Có người nói: “Mục đích của hành động không quan trọng bằng con đường hành động”. Nhưng bạn bè anh đều thấy: mục đích và con đường anh hành động, vào cuối đời, đều rất quan trọng và có ý nghĩa như nhau.
Sáng hôm qua, khi nhìn anh chuẩn bị nằm vào áo quan để chuẩn bị lên đường lần cuối, bạn bè anh đều ghi rõ nét bình thản trên mặt anh. Bởi anh tin chắc: mục đích anh theo đuổi và con đường anh đi sẽ không bao giờ bị bỏ dở. Cho đến khi nào mỗi người và mọi người dân Việt không ai bị xích xiềng nữa, bởi bất cứ ai ./.
Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, ngày 24/01/2014
H. N. N.