Bốn mươi năm hải chiến Hoàng Sa
Ngày ấy, phe XHCN mà đứng đầu là “ông anh Cả” Liên Xô ra sức tuyên truyền cho học thuyết “chủ quyền hạn chế”, đặt “chủ nghĩa quốc tế vô sản” rồi “chủ nghĩa quốc tế XHCN” lên trên hết. Người ta hy vọng và mơ ước về một thế giới đại đồng, mọi người được tự do, ấm no, hạnh phúc. “Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”.
Thăm Liên Xô, trong một lần hội đàm, Mao hỏi Khơrútsốp:
– Chủ nghĩa đế quốc sử dụng vũ khí hạt nhân, liệu chúng ta có thể chờ mà không phản kích ngay?
Khơrútsốp:
– Một giây cũng không thể chờ, phải lập tức phản kích.
Mao:
– Làm sao có thể tính toán chuẩn xác, biết lúc nào thì chúng bắn?
– Có thể biết được. Khơrútsốp tiếp tục. Bất cứ một nước XHCN nào bị đế quốc tiến công, chúng tôi đều nhanh chóng đánh trả.
– Quan điểm đó không đúng. Phải xem người ta có yêu cầu không đã. Mao đáp.
Học thuyết “chủ quyền hạn chế” bị phá sản bởi lợi ích dân tộc và chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Có thể thấy, lịch sử xung đột biên giới của TQ với các nước láng giềng làm thế giới kinh ngạc và đầy lo lắng.
Với Ấn Độ, tháng 10.1962, quân đội TQ mở cuộc tấn công toàn diện vào biên giới Trung – Ấn, sau khi cho rằng quân đội Ấn Độ phát động cuộc tấn công vào quân biên phòng TQ trước.
Quân đội TQ với ưu thế về binh lực đã ào ạt vượt sông, sau đó chia thành các mũi tiến thẳng vào nơi quân Ấn xâm nhập. Quân Ấn Độ đào hào và xây lô cốt dày đặc, cố thủ với hỏa lực đan chéo mãnh liệt. Các trận đánh diễn ra ở địa hình đồi núi, tác chiến bằng đơn vị bộ binh gọn nhẹ với lựu đạn, súng tiểu liên, bộc phá, có sự yểm trợ của pháo binh.
TQ rêu rao, trong hơn một tuần, quân biên phòng TQ đã quét sạch hơn ba phần tư cứ điểm quân sự của quân Ấn Độ, đẩy lùi quân Ấn Độ về bên kia biên giới.
Tranh chấp với Liên Xô, TQ lại gây ra cuộc chiến tranh trên đảo Trân Bảo. Chỉ có diện tích 0,74 km2, đảo Trân Bảo nằm sát đường trung tâm dòng sông Usuli phân giới Trung – Xô mà TQ cho là thuộc tỉnh Hắc Long Giang TQ. Mao chọn đảo Trân Bảo làm trọng điểm phản kích đánh trả, lập Bộ chỉ huy tiền phương, chỉ thị cho quân biên phòng TQ hành động nhanh, dứt điểm, không kéo dài, sau khi giành thắng lợi thì rút về ngay. Còn nữa, bốn nguyên soái TQ còn chỉnh lý một bản báo cáo trình lên Mao mang cái tên rất kêu: “Từ cánh rừng thế giới xem xét cây Trân Bảo”. Song, TQ đã bị Liên Xô dạy cho một bài học về tranh chấp chủ quyền. Quan hệ Trung – Xô tiếp tục căng thẳng.
Các nước có chung biên giới với TQ như Mông Cổ, Lào, Miến Điện…đều có vấn đề với TQ. Xem ra, việc tranh chấp chủ quyền của các nước “XHCN anh em” không phải là chuyện hiếm.
Đặc biệt là TQ – một nước đất rộng, người đông nhưng thèm của người khác từng tấc đất. Không hiếm khi họ tạo ra những cái bẫy. Tuyên bố ngày 4.9.1958 về hải phận 12 hải lý của TQ là một cái bẫy, trong hoàn cảnh quốc tế ấy, ý thức hệ ấy buộc VNDCCH phải “ghi nhận và tán thành” và điều đó đã gây ra không ít sự phiền toái sau này cho VN.
Mặc dù tình hình phức tạp như vậy, đối với nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa (Việt Nam Cộng hòa), vấn đề chủ quyền quốc gia – bao gồm đất liền, vùng biển, vùng trời, hải đảo, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện với một tầm nhìn mà ta phải công nhận là hết sức xa rộng.
Có người nói, vậy tuyên bố nổi tiếng: “Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” của Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa nên hiểu như thế nào? Và trên thực tế, có phải biên giới Hoa Kỳ thực sự kéo dài đến vĩ tuyến 17 hay không? Dĩ nhiên là không. Không có gì khó khăn để thấy rằng, đó là lời tuyên bố trong một cuộc chiến ý thức hệ, nói lên sự hiện diện của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ “thế giới tự do”. Lịch sử cho thấy Hoa Kỳ chưa hề chiếm đất của ai bao giờ. Cái mà Hoa Kỳ làm trên thế giới, đó là tạo ra thế và lực cho mình.
Các kiểu xâm lấn đất của TQ thì quá đa dạng và lắm thủ đoạn. Dời cột mốc là một thủ đoạn quen thuộc và đơn giản mà họ thường làm. Từ xâm canh xâm cư đến chiếm đất là một khoảnh cách gần. Họ lợi dụng xây dựng các công trình hữu nghị, đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ VN. Lợi dụng việc VN nhờ vẽ bản đồ, họ sửa đường biên giới lấn vào đất VN.
TQ không ngần ngại gây nên xung đột vũ trang để chiếm đất mà đỉnh cao là việc đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH năm 1974.
Bấy giờ, hai miền Nam Bắc chưa thống nhất, dù Hiệp định Paris đã ký kết gần một năm. Người Mỹ đã ra đi – hơn thế nữa, họ còn thỏa thuận bí mật với TQ trên lưng đồng minh của họ, bỏ mặc Hoàng Sa cho TQ xâm chiếm. Dù sao, bảo vệ Hoàng Sa là chính sách nhất quán của VNCH, không những được thể hiện bằng lời nói mà chủ yếu – bằng nhiều hành động trên thực tế.
Ngày 26.5.1956, Chính phủ VNCH chính thức tuyên bố quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (mà TQ gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc lãnh thổ Nam Việt Nam và thông qua bộ máy truyền thông của mình, loan tin ra cả thế giới.
Cho dù ngay lập tức TQ ra tuyên bố nói rằng “quyết không cho phép xâm phạm chủ quyền của TQ đối với quần đảo Tây Sa và các đảo khác thuộc về TQ, yêu cầu VNCH phải đình chỉ ngay mọi hoạt động khiêu khích”, VNCH vẫn tiếp tục tiến hành trinh sát, đưa quân đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đó, quân đội VNCH bắt tay vào việc đào chiến hào, xây dựng lô cốt, dựng cột mốc chủ quyền, ghi rõ những đảo này thuộc lãnh thổ Nam VN. Phải công nhận, đó thực sự là tầm nhìn xa rộng – tầm nhìn Hoàng Sa.
Ngày 13.7.1961, Tổng thống VNCH ra sắc lệnh số 174, trong đó ấn định: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chánh”.
Trong 18 năm, từ 1956 đến 1973, VNCH đã tiếp tục thực hành chủ quyền trên 6 đảo đá của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 9.1973, VNCH lại tuyên bố sẽ đưa hơn 10 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa vào địa phận quản lý của tỉnh Phước Tuy.
Giữa tháng 1.1974, 4 tầu chiến VNCH, trong đó có khu trục hạm “Trần Khánh Dư”, tuần dương hạm “Trần Bình Trọng”, “Lý Thường Kiệt” và hộ tống hạm “Nhật Tảo” tiến vào vùng biển Hoàng Sa. TQ đã giương bẫy chờ sẵn, cộng với so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho TQ, trận hải chiến Hoàng Sa kết thúc với việc từ đây TQ đã ăn cướp toàn bộ Hoàng Sa.
Tầm nhìn Hoàng Sa của VNCH không những thể hiện bằng các tuyên bố, sắc lệnh, Nghị định mà còn bằng việc chiếm hữu trên thực tế, thực hiện quyền chủ quyền của mình tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục, công khai, hòa bình.
Chấp nhận giao chiến với TQ cho dù so sánh lực lượng không có lợi, dù bối cảnh quốc tế phức tạp đan xen bởi mưu đồ của các nước lớn, tầm nhìn Hoàng Sa của VNCH vẫn sáng ngời, là tiếng nói của chúng ta cất cao trước thế giới: chủ quyền của VN là bất khả xâm phạm, không một ai có thể thủ đắc bằng vũ lực.
Tầm nhìn Hoàng Sa, sau 40 năm, dường như đã làm người Việt trên toàn thế giới xích lại gần nhau hơn, mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong việc giành lại quần đảo thiêng liêng của chúng ta.
Tầm nhìn Hoàng Sa, sau 40 năm, càng khẳng định một chân lý: kẻ thù không ở đâu xa, nó luôn ở sát nách chúng ta và chỉ có sự quyết tâm, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, trí thông minh của cả dân tộc mới có thể đưa Hoàng Sa trở về trong lòng Tổ quốc.
L. M.
Nguồn: http://lemaiblog.wordpress.com/2014/01/17/tam-nhin-hoang-sa/