Không biết là do tình cờ, hay là do sắp đặt cố ý, mà hôm nay bàn về chuyện tử tế, bên cạnh người dắt dẫn câu chuyện còn có ba diễn giả – và thành phần diễn giả này chính là chỗ tôi muốn nêu vấn đề xem có phải là cố ý hay vô tình: (1) một nghệ sĩ điện ảnh, có nhiệm vụ chà xát bằng ẩn dụ vào vết thương tinh thần của con người tử tế và không tử tế; (2) một nhà báo có nhiệm vụ theo dõi trạng thái mưng mủ hoặc mức độhoại thư hoặc sự liền da của vết thương tinh thần kia; và (3) một người ôm mộng cải cách nền giáo dục, những mong một ngày nào đó sẽ gây dựng được một nền văn hóa biết xấu hổ, để con người sẽ tử tế hơn lên nhờ biết tránh và biết chữa điều không tử tế.
Trước hết nói về người nghệ sĩ và chuyện tử tế.Chúng ta đều biết rằng, khác với “đạo đức”, “tử tế” không phải là một khái niệm khoa học. Có người ngờ rằng theo từ nguyên thì chữ “tử tế” có dính dáng đến chữ “tế tử” nghĩa đen là “con rể”. Trong xã hội cổ truyền, “dâu là con, rể là khách”. Nàng dâu về nhà chồng thì lăn xả vào gây dựng cơ nghiệp nhà chồng. Còn chàng rể, nếu không quá khổ sở đến độ phải ở nhờ nhà vợ để chịu cảnh “trai ở nhà vợ như chó ở gầm chạn”, thì nhất định phải duy trì tư thế “ông khách”. Vì là ông khách nên ông con rể tế tử kia cũng cần đối xử tử tế với mọi người. Nhưng chuẩn mực của sự tử tế là ở đâu? Chuẩn mực của đối xử tử tế là hành vi bề ngoài, trong khi động cơ đạo đức bên trong của sự tử tế thường là khó hoặc rất khó nắm bắt.
Hình như trước khi bộ phim “Chuyện tử tế” ra đời, cách chúng ta vài ba ngàn năm, các nhà triết học vô danh Hy Lạp cổ đại đã bịa ra chuyện Oedipe lên làm vua xứ Thebes để cảnh báo người đời.Chàng Oedipe vô tình mà phạm tội giết vua là cha mình, và lấy hoàng hậu là mẹ mình.Khi Oedipe biết được sự thật này, chàng đã lấy chiếc trâm trên đầu hoàng hậu để chọc mù mắt mình.Cả việc giết được con quái vật cứu dân lẫn việc tự chọc mù mắt mình đều là hành vi của người tử tế. Có điều là hành vi của người tử tế luôn luôn cho thấy họ thiếu một nguyên lý đạo đức mang tính chất khái niệm đạo đức học.
Những người tử tế trong bộ phim của Trần Văn Thủy cũng vậy, hình như họ hoang mang trước việc họ thiếu một định hướng đạo đức học nào đó.Những nhân vật ấy hoang mang như tác giả đang hoang mang vậy. Tôi đồ chừng rằng, cho tới hôm nay, ba mươi năm sau khi “Chuyện tử tế” ra đời, rất có thể đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn còn hoang mang khi đi tìm một định nghĩa đạo đức học cho con người. Ấy thế nhưng, cái vĩ đại của người nghệ sĩ chính là ở chỗ họ nói được cái hoang mang ấy một cách chân thành. Chúng ta khó mà có thể thống kê xem đã có bao nhiêu người coi phim Trần Văn Thủy xong và đã trở thành người tử tế. Nhưng chúng ta hoàn toàn thấy và kính phục MỘT người nghệ sĩ chân thành, khắc khoải trước vấn nạn người tử tế trong cuộc đời – cái cuộc đời mà theo định nghĩa chính thức chỉ bao gồm những người tử tế – cuộc đời ra ngõ gặp anh hùng, cuộc đời đi tới đâu cũng gặp rặt những em bé làm nghìn việc tốt.
Sứ mệnh của nghệ sĩ là tạo ra một ẩn dụ, và chúng ta đừng đơn giản đòi hỏi ẩn dụ đó làm một nhà đạo đức học nhặt từ trong tay áo mình ra những học trò sẵn sàng trở thành anh hùng vì từ tấm bé đã biết chuyên tâm làm nghìn việc tốt. Tùy góc độ tiếp nhận văn bản, mỗi người coi phim “Chuyện tử tế” của Trần Văn Thủy sẽ rút ra câu trả lời cho riêng mình, mà ngay cả sự bế tắc cũng có thể đã là một câu giải đáp hết sức trung thực.
Người viết bài này không dám đề cập tới vai trò và thân phận của báo chí trước câu hỏi lớn về sự tử tế ngay từ trước khi phim Trần Văn Thủy ra đời cùng như hiện nay khi sự tử tế đang vừa bị đe dọa thủ tiêu lại vừa đang lên men thơm lừng hứa hẹn những mẻ sản phẩm lạ.
Tôi vừa nói đến vai trò và thân phận của báo chí. Nếu ta nhớ lại thì thấy một Trần Văn Thủy chỉ mới tung ra một ẩn dụ mà đã nếm đủ mùi đòn roi cả về vật chất lẫn tinh thần ra sao. Các nhà báo sẽ sống tử tế dễ dàng hơn người nghệ sĩ, hay là sẽ còn điêu đứng đến bao nhiêu nếu thực thi nhiệm vụ báo chí là diễn đàn không để nói ra những ẩn dụ mà là nói trắng ra những sự thậttrần trụi.
Đọc sách “Chuyện nghề của Thuỷ” ta thấy một nghệ sĩ bị bóp nghẹt tự do sáng tạo – thế nhưng dẫu sao ta vẫn thấy được một con người tự do vùng vẫy để thỏa mãn cái khát vọng tự do có thật của mình. Đọc báo chí ngày nay, hình như ta khó hình dung ra những người viết báo tình nguyện đem tính mạng nghìn cân của mình treo bằng sợi tóc – điều ta từng thấy ở một chàng thanh niên từ chiến trường ra một thân một mình chất lên xích lô những hòm chứa ẩn dụ – chàng thanh niên gầy tong teo ôm những hộp phim đem dânglên những thần chết không tên với cả rừng lưỡi kéo kiểm duyệt làm thay công việc của chỉ một lưỡi hái huyền hoặc.
Nghĩ tới đây mới lại càng thấy thêm thấm thía chuyện thương cho những ai và tội nghiệp cho những ai!
Và bây giờ xin trở về với vai trò một nhà giáo trước câu hỏi về chuyện tử tế. Từ khi ra đời vào cuối năm 2009 đến nay, nhóm Cánh Buồm không nói ra nhưng bao giờ cũng thấy sứ mệnh của mình trong việc làm một điều tích cựcđểxây dựng một nền văn hóa của sự tử tế.
Nhóm Cánh Buồm tìm cách đưa phương pháp học đến tay học sinh từ bậc tiểu học, thậm chí từ tiết học đầu tiên của lớp Một, hy vọng đó sẽ là những công dân tử tế từ trong cốt lõi là lao động học của các em. Trẻ em từ tấm bé mà học không tử tế, chỉ chạy theo hư vinh, thì không sao có nổi một xã hội của những người tử tế!
Nhờ học có phương pháp, học sinh sẽ đến với bản chất của tư duy khoa học, của tình cảm nghệ thuật và của phong cách sống cộng đồng – ba mặt của công cuộc tự khám phá đời sống theo lối trường quy, hy vọng những công dân tử tế đó sẽ không biến nghệ thuật thành tuyên truyền thô kệch, không biến khoa học chỉ còn lại là những công thức vụ lợi, và không coi đạo đức như là những tín điều. Một xã hội của những công dân tử tế phải bắt đầu bằng những giá trị thực – một xã hội với những giá trị giả trá không thể có những công dân tử tế.
Nhóm Cánh Buồmsoạn nội dung học cho trẻ em, hy vọng người lớn tuổi cũng học theo được những điều căn bản họ chưa từng được học. Xưa nay họ quen áp đặt trẻ em vào cái khuôn xã hội vốn phù hợp với người lớn tuổi.Sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm hy vọng cải tạo cả những người rất khó cải tạo ấy – những kẻ quen ngạo ngược một mình một chợ và càng quen nghề bắt nạt trẻ cọn.
Có lẽ trong ba mục tiêu của nhóm Cánh Buồm thì mục tiêu thứ ba là ảo tưởng nhất và khó thực hiện hơn cả. Nhưng người lớn tuổi thì rồi sẽ hết dần, còn tương lai xa bao nhiêu thì cũng là của con trẻ, học sinh và công dân mới của dân tộc – và đó chính là lý tưởng tử tế của nhóm Cánh Buồm.
P. T.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
[1] Bài viết chuẩn bị cho cuộc tọa đàm nhân 30 năm bộ phim “Chuyện tử tế” của nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy.