(Phát biểu tại Tọa đàm “Làm thế nào thực hiện thông điệp của Thủ tướng?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 15.01.2014)
Không ai cho rằng cải cách thể chế nói riêng và hiện đại hóa đất nước nói chung là việc dễ dàng. Nhưng cũng không thể bảo đó là việc quá sức người hay không có tiền lệ, bởi nhiều nước đã thành công, kể cả trong những điều kiện không kém ngặt nghèo. Hiểm họa ngoại xâm, vật lực ít ỏi, tài nguyên cạn kiệt chưa hẳn là trở lực, có khi lại là nhân tố thúc đẩy cải cách để tự cứu nhờ biết dựa vào sự tự cường từ chính chất lượng con người của đất nước mình. Như lịch sử nhiều nước cho thấy, “đại canh tân” thành công thường là kết quả của cuộc đại vận động đến từ sự khao khát mãnh liệt của đại đa số nhân dân, sự thức tỉnh sâu sắc của các giới tinh hoa, tài năng và uy tín của người cầm quyền. Không phải ngẫu nhiên khi vận mệnh đất nước trong thời điểm ấy được so sánh với giây phút hiểm nguy, thử thách của chiếc máy bay: cất cánh hoặc gục ngã. Bên cạnh những gương thành công, tiếc thay, cũng không thiếu những vết xe đổ do thiếu thực tâm và bất tài.
Có những quốc gia buộc phải tiến hành cuộc “đại vận động” nói trên một cách chậm chạp, gian khổ, bằng máu và nước mắt. Cũng có nước may mắn đi vào “hiện đại” với giá phải trả không quá đắt. Cũng có nước bất hạnh bị lịch sử bỏ lại phía sau như nhận định thống thiết của Nguyễn Trường Tộ: “lỡ một bước chân, thành hận ngàn đời” (“nhất thất cước thành thiên cổ hận”). Nhưng nhìn chung, độc lập với nguyện vọng hay ý đồ cá nhân, yêu cầu hiện đại hóa là khách quan, có động lực nội tại, và, tùy trường hợp, sớm hay muộn sẽ dẫn đến một trong ba trường hợp nói trên. Trong trường hợp thành công, tức để có thể cải biến xã hội một cách nghiêm chỉnh và thực chất, hầu như ở đâu cũng cần đến điều kiện tiên quyết là một cuộc “đổi mới tư duy” sâu rộng, toàn diện, làm lay chuyển ý thức xã hội. Hiện nay, ở nước ta, đó là đổi mới tư duy chính trị, như đã từng bước đầu đổi mới tư duy kinh tế trước đây. Thiếu đổi mới tư duy chính trị (tư duy pháp quyền là bộ phận của tư duy chính trị), mọi việc sẽ dậm chân tại chỗ, mang tính đối phó, vá víu, dùng cái sai này để chữa cái sai khác, gây thêm hoài nghi, xung đột, bất hòa.
Đổi mới tư duy chính trị sẽ giải tỏa được nhiều mắc mứu, bế tắc về lý luận, đường lối, mở đường cho những chính sách nhất quán, thông suốt, giải trừ những tệ đoan do tư duy cũ gây ra như đã từng trải nghiệm trong quá trình đổi mới tư duy kinh tế, xã hội.
Như đối với mọi cuộc đổi mới tư duy (chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học…), thảo luận và công luận tự do, ôn hòa là biện pháp và môi trường không thể thiếu được. Do đó, báo chí, xuất bản, nghiên cứu, giảng dạy là thước đo và dung mạo đầu tiên (tất nhiên, không phải duy nhất!) của ý chí và viễn kiến cải cách đích thực. Lạc quan hoặc bi quan, tùy thuộc vào bước đột phá này.
Sau đó mới có cơ sở và bầu khí xã hội thuận lợi để cùng nhau đề ra một “lộ trình” hợp tình hợp lý cho các lĩnh vực khác. Một “lộ trình” minh bạch như thế là cần thiết biết bao để không chỉ khẳng định sự cam kết lịch sử mà còn thắp sáng con đường đi lên của dân tộc, nhất là trong lòng thế hệ trẻ trước nhiều vận hội đã bị bỏ lỡ.
“Long Mã Tinh Thần” là bốn chữ tôi muốn ước nguyện cho đồng bào, đất nước, trước thềm năm mới Giáp Ngọ.
B. V. N. S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.