Hay hơn “Bên Thắng Cuộc”

Có cái chết để ươm mầm sự sống
Có đau thương thắp lửa mặt trời

(Vũ Hoàng Chương)

1.

Ở đây không phải là một câu chuyện hư cấu, mà đã thành huyền thoại. Sâu thẳm hơn, nó là một Công Án.

Thiền sư Tetsugen Doko (1630-1682) quyết định ấn tống kinh Phật bằng Hán ngữ. Bản in tạng kinh cần phải được khắc sáu ngàn bản gỗ. Ðó là một công trình vô cùng công phu.

Tetsugen bắt đầu du hành và quyên góp tịnh tài của bá tánh thập phương. Những người phát tâm, giàu cũng có mà nghèo cũng có, tùy nghi góp ít, góp nhiều. Song thiền sư Tetsugen vẫn cảm tạ lòng bố thí của tất cả mọi người như nhau. Mười năm, Tetsugen cũng kiếm đủ số tiền để khởi công.

Bấy giờ, một trận lũ lụt xảy ra, nạn đói liền theo. Tetsugen quyết định dùng số tiền đã quyên góp vào việc cứu tế. Rồi sau lại bắt đầu đi quyên góp một lần nữa để thực hiện tâm nguyện ban đầu.

Vậy mà, những năm sau nữa, một trận ôn dịch khác tràn lan khắp nơi. Tetsugen chẳng ngần ngại phân phát hết số tiền quyên góp để cứu nhân độ thế.

Cứ thế, Tetsugen khởi sự lần thứ ba, và sau mười hai năm ông đạt được ước nguyện. Bản gỗ in bộ kinh đầu tiên hiện được trưng bày tại Tu viện Obaku ở Kyoto, Nhật Bản.

Người Nhật thường truyền tụng cho con cháu nghe rằng, Tetsugen đã làm ra ba bộ kinh, và rằng hai bộ đầu còn vượt trội hơn bộ cuối cùng. (Trích 101 Công Án Thiền)

Hôm đưa anh ra phi trường, trở về. Tôi hỏi anh có ý định viết thêm tác phẩm nào nữa không? Anh nói nếu cuộc sống được an ổn, anh sẽ viết tiếp. Tôi không muốn hỏi thêm anh định viết gì, bởi từ trong khái niệm điều anh ước ao được an ổn, đã thấy trùng trùng nỗi bất an!

2.

Hôm nay thấy anh gởi mấy tấm hình và bài viết trên facebook, khơi dậy niềm khát vọng của một dân tộc đã buồn quá lâu. Tôi không thể bày tỏ hết điều mà mình muốn nói, bởi sợ vết thương chưa lành, còn âm ỉ rát. Ai đó xát lên nó một liệu thuốc mong chữa trị, thì phản ứng tất nhiên của con bệnh là rúm người lại, rồi ngờ vực cả thiện chí.

Mẹ và vợ trong lễ truy điệu thiếu tá Nguyễn Thành Trí, lúc này bà Thanh đang mang thai người con thứ hai được hai tháng rưỡi. (Hình: Huy Ðức) 

Dầu sao thì cũng phải bắt đầu từ điểm nghi ngờ như vậy, không thể khác hơn được. Như người thiếu nữ thất thân trên biển Thái, thu mình khóc ấm ức trong một góc đời âm u. Càng đến gần, vỗ về, càng đau thêm! Chỉ có nàng mới hiểu sự mất mát to lớn dường nào! Cho đến khi đời sống trả lại cho mình những giá trị làm người, không phải là tài vật, mà là nhân cách. Người ta mới tin rằng nơi đây có một ý nghĩa khác nữa, không chỉ sống tạm bợ cho qua hết tháng ngày buồn tủi quá khứ, mà còn phải hòa mình xây dựng một xã hội chí ít, từ đây trở về sau, thế hệ con cháu mình được sống trong hòa bình!

Giờ này đã có quá nhiều giấy mực tả oán về quá khứ không thay đổi được nữa. Nhưng tương lai thì có thể làm mới lại thâm tình bằng những hành động thiện chí. Kỷ niệm Hoàng-Trường Sa không nhằm kể lại những chiến công lịch sử để tự mình thỏa mãn lòng tự ái dân tộc trước đế quốc xâm lược, mà từ trong sâu thẳm mình thấy có một trách nhiệm trên và trước hết, là bảo vệ Tình Tự Dân Tộc Việt Nam. Cái gì làm cho nỗi đau mất biển đảo linh thiêng trong lòng của chúng ta đến như vậy? Nếu không phải vì máu và nước mắt của chính Cha, Ông mình thấm tràn lên đó.

Đơn sơ nén nhang cho thiếu tá Nguyễn Thành Trí. (Hình: Huy Ðức)

Tôi tin, ý chí giành lại chủ quyền biển đảo Hoàng và Trường Sa không phải ngày một mà thành tựu. Nhưng gìn giữ tâm tình biển đảo trong lòng mỗi người dân Việt là điều chúng ta có thể làm ngay được từ giờ phút này. Lúc mà chúng ta chung tay đặt xuống viên gạch đầu tiên xây dựng lại ngôi nhà cho những người Mẹ Anh Hùng Ngụy Văn Thà và Nguyễn Thành Trí v.v. Chúng ta không thể trả bù hết sự mất mát người thân vĩnh viễn của những bà Mẹ trót có con là Anh Hùng. Nhưng không ai có thể làm ngơ trước nỗi nhọc nhằn của người Mẹ đã mất con vì Tổ Quốc!

Bác tôi và Bố tôi từng là những sĩ quan hải quân VNCH, anh hai tôi cũng là một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ. Sau 1975, Bố ít kể về đời binh nghiệp của mình, ngoại trừ tôi biết do đó mà kéo lê những ngày tù trong trại cải tạo; những ngày tù vượt biên; những ngày trốn chui nhũi không hộ khẩu ở Sàigòn… Nhưng tôi biết rất rõ có một binh chủng hải quân hào hùng vì những tên gọi làm nên huyền thoại: HQ10 Nhật Tảo; trung tá Ngụy Văn Thà; thiếu tá Nguyễn Thành Trí…

Giờ đây, Huy Ðức đang viết một bộ sách mà tôi tin, ý nghĩa hơn cả tác phẩm Bên Thắng Cuộc!

3.

Xưa, người ta thắp sáng ngọn hải đăng cho thuyền ra biển lớn, bằng một que diêm nhỏ nhoi.

Ngày 7 tháng Giêng, 2014

U. N.

 

Quả phụ của hai anh hùng tử sỹ Hoàng Sa: Bà Ngô Thị Kim Thanh – vợ của đại úy hạm phó HQ 10 Nguyễn Thành Trí (truy phong thiếu tá) – và bà Huỳnh Thị Sinh – vợ của thiếu tá hạm trưởng HQ 10 Ngụy Văn Thà (truy phong trung tá). Ảnh chụp tại Sài Gòn ngày 25-12-2013.

Ba cô con gái nhỏ (7 tuổi, 5 tuổi và 3 tuổi) của trung tá Ngụy Văn Thà bên cạnh ông nội và mẹ trong ngày truy điệu cha.

Ước ao lớn nhất của bà quả phụ Ngụy Văn Thà là có một chỗ để đặt di ảnh chồng. Từ hơn 4 năm nay, sau khi chúng cư Nguyễn Kim – bà thuê ở từ trước khi chồng hy sinh – bị giải tỏa bà được hứa đền bù 546 triệu trong khi một căn hộ bà có thể mua phải từ một tỷ ba trở lên (bà đang ở chung phòng với một người em gái độc thân trong ngôi nhà cha mẹ để lại cùng gia đình của các anh, chị em). Ảnh chụp tại nơi bà Sinh đang cư ngụ sáng 26-12-2013.

Nguyễn Thị Thanh Thảo, 5 tuổi, trong lễ truy điệu cha, thiếu tá Nguyễn Thành Trí.

Cho dù đang mang trong mình bạo bệnh, với lòng kiêu hãnh của con gái một người anh hùng, cô Thảo, con gái thiếu tá Nguyễn Thành Trí nói: “Chúng tôi không muốn sống dựa vào tên tuổi cha mình”.

Khi ngồi trong căn hộ 40 mét vuông trên lầu 4 của một chúng cư – nơi ba mẹ con bà Thanh đang sống – tôi nghĩ, với sự hy sinh của thiếu tá Nguyễn Thành Trí cho đất nước, gia đình bà xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn. Chúng ta có nên chung tay vì “Mái ấm Hoàng Sa”?

Nguồn:http://nguoivietblog.com/uyennguyen/?p=13734

This entry was posted in Hoàng Sa. Bookmark the permalink.