Người dịch: Ngọc Thu
Quy định mới ban hành trước khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu chiến Mỹ và tàu hải quân Trung Quốc không lâu.
Trung Quốc đã ra lệnh cho các tàu đánh bắt cá nước ngoài phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương trước khi đánh bắt cá hoặc khảo sát ở 2/3 khu vực trên Biển Đông, tạo khả năng cho các cuộc đối đầu mới giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng về các tuyên bố chủ quyền trên biển ở các đảo tranh chấp.
Lệnh mới đã có hiệu lực ngày 1 tháng 1 [năm 2014] sau khi được các nhà chức trách chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành hồi cuối tháng 11.
Theo quy định mới, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài quá cảnh vào khu vực hành chánh mới trên biển ở Hải Nam — khu vực gồm 2/3 vùng biển nằm trong 1,5 triệu dặm vuông trên Biển Đông — phải được sự chấp thuận của các nhà chức trách Trung Quốc.
Các biện pháp mới được áp đặt ngày 29 tháng 11 và công bố ngày 3 tháng 12 qua các phương tiện truyền thông nhà nước, là một phần trong chính sách thực thi luật thủy sản của Trung Quốc.
Luật pháp Trung Quốc nói rằng, các tàu vi phạm quy định lệnh đánh bắt cá sẽ bị buộc rời khỏi khu vực, thủy sản đánh bắt được sẽ bị tịch thu và phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 82.600 Mỹ kim. Trong một số trường hợp, các tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một yêu cầu pháp lý rõ ràng đối với ngư trường tranh chấp mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và các nước khác trong khu vực tuyên bố chủ quyền.
Một tàu tuần tra hàng hải Trung Quốc tấn công một thuyền đánh cá Việt Nam hôm 3 tháng 1 gần quần đảo Hoàng Sa là sự cố đầu tiên theo quy định mới, theo truyền thông nhà nước Việt Nam. Trung Quốc sử dụng súng điện và dùi cui để đánh các ngư dân và tịch thu 5 tấn [thủy sản] của họ cùng các thiết bị đánh bắt cá. Vụ việc đã được loan tải trên trang web Câu chuyện Ngư dân (Fishermen Stories).
Các quy định đánh bắt cá ở Biển Đông chưa được tiết lộ công khai ngoài Trung Quốc.
Bị đe dọa trong cuộc tranh chấp là những vấn đề quan trọng của tự do hàng hải quốc tế, và nỗ lực của Trung Quốc là nắm bắt và kiểm soát vùng biển được biết có ngư trường lớn và có lượng dự trữ dầu khí chưa được khai thác.
Tháng trước, Trung Quốc tạo ra tình trạng rắc rối quốc tế với Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn và Hoa Kỳ qua tuyên bố khu vực nhận diện phòng không (DIZ) ở gần vùng Biển Hoa Đông. Nhật Bản bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với khu vực phòng không. Lầu Năm Góc đã cho hai máy bay ném bom hạt nhân B-52 bay qua khu vực để thách thức đối với những tuyên bố của Trung Quốc.
Tháng trước, một tàu tuần tiễu của Hải quân Mỹ với tên lửa dẫn đường gần như đụng độ với một tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông gần đảo Hải Nam, khi tàu USS Cowpens của Mỹ quan sát Trung Quốc diễn tập hải quân.
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không có bình luận gì. “Một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc không có lời bình luận ngay lập tức”.
Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry nói ở Manila ngày 17 tháng 12 rằng, Hoa Kỳ muốn các tranh chấp hàng hải trong khu vực được giải quyết một cách hòa bình. Ông nói: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của ASEAN với Trung Quốc để nhanh chóng ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử, như là chìa khóa để giảm nguy cơ các tai nạn hoặc tính toán sai lầm”.
“Trong quá trình đó, chúng tôi nghĩ rằng các bên tranh chấp có trách nhiệm làm rõ yêu cầu của mình và làm cho yêu cầu của mình phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ông Kerry nói, khu vực phòng không trên Biển Hoa Đông không nên thực thi và cảnh báo Trung Quốc “kiềm chế những hành động đơn phương tương tự ở những nơi khác trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã loan tải rằng, do phản ứng dữ dội của quốc tế trên vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc không tuyên bố một khu vực phòng không tương tự ở Biển Đông.
Các khu vực cấm đánh bắt cá ở 2/3 trên Biển Đông dường như là nỗ lực của Trung Quốc để củng cố tuyên bố chủ quyền hàng hải của họ trên vùng biển này.
Các nhà phân tích nói rằng các quy tắc đánh cá mới của Trung Quốc có khả năng tạo ra các tranh chấp lớn giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.
“Điều này rất quan trọng, nhưng không bất ngờ”, ông John Tkacik, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao và là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc cho biết.
Ông Tkacik nói rằng, tuyên bố về vùng biển mới ở Hải Nam dường như là một phần trong chính sách của Trung Quốc để dần dần xiết chặt kiểm soát trong khu vực. Trước đó, Bắc Kinh đã tuyên bố toàn bộ khu vực Biển Đông là lãnh thổ của họ qua “đường chín đoạn đứt khúc” mơ hồ, bao gồm vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế.
Ông nói: “Bắc Kinh hiện nay đang đẩy mạnh sự mơ hồ trước đây về tình trạng pháp lý của ‘đường chín đoạn đứt khúc’, ban hành một ‘phương sách cấp tỉnh’ để xem phản ứng [của các nước trong khu vực] ra sao”.
Tuyên bố khu vực đánh cá mới ở Hải Nam cũng cho thấy [Trung Quốc] từ từ buộc các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Hoa Kỳ chấp nhận sự xâm chiếm biển của Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần đụng độ quân sự trong 30 năm qua về quần đảo Hoàng Sa, quần đảo nằm trong khu vực mới [mà Trung Quốc đưa ra]. Tàu Trung Quốc đã bắn vào hai tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2005, giết chết 9 người. Video từ Việt Nam đăng tải trên mạng cách đây vài năm cũng cho thấy tàu tuần tra Trung Quốc bắn súng máy vào ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, các tàu hải quân Trung Quốc đã đối đầu với Philippines về tuyên bố của họ ở quần đảo Trường Sa, cũng nằm trong khu vực cấm đánh cá mới của Hải Nam.
Các tranh chấp đánh bắt thủy sản khác trong khu vực đảo Hải Nam gồm bãi ngầm Macclesfield Bank, nằm phía đông Parcels, và bãi cạn Scarborough, gần đảo Luzon của Philippines.
Trung Quốc cũng đã quấy rối tàu thu thập thông tin tình báo của Mỹ ở Biển Đông trong nhiều năm qua.
Biển Đông là nơi diễn ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc hôm 5 tháng 12, khi tàu đổ bộ xe tăng của Hải quân Trung Quốc khởi hành và dừng lại khoảng 100 mét trước mặt tàu sân bay USS Cowpens, một tàu tuần tiểu có tên lửa dẫn đường.
Ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói, nỗ lực của Trung Quốc để ngăn chặn tàu Cowpens là “vô trách nhiệm” và cho biết vụ việc có thể gây ra một thách quân sự lớn hơn.
Ông Tkacik nói các nước Đông Nam Á có thể thách thức khu vực cấm đánh bắt cá mới [của Trung Quốc đưa ra] thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Ông nói: “Rõ ràng là Trung Quốc đang coi thường [công ước] qua thông báo này”.
Bắc Kinh có thể sẽ làm lệch những lời chỉ trích khu vực cấm đánh bắt cá bằng cách tuyên bố quy định này do chính quyền địa phương khởi xướng, và do vậy lệnh này không phải là một phần của chính sách quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc không có vẻ muốn hủy bỏ các lệnh đó và có thể bắt đầu hạn chế đánh bắt cá tương tự ở Biển Hoa Đông.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ có vẻ tin rằng Hải quân Hoa Kỳ đủ sức duy trì và bảo vệ quyền lợi hàng hải của Mỹ theo luật pháp quốc tế, không cần Công ước LHQ về Luật Biển, ông Tkacik nói, lưu ý rằng trong khi Nhật Bản đã ký công ước này nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa ký. Ông nói: “Khi Hải quân Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và Hải quân Hoa Kỳ thu nhỏ lại, các lựa chọn của Washington sẽ không còn nhiều trong một vài năm”.
Ông nói thêm: “Tôi không biết bất kỳ người nào ở Washington, hoặc là ở Bộ Ngoại giao hoặc ở Lầu Năm Góc, nghĩ rằng thách thức này sẽ vượt khỏi [tầm kiểm soát] trong một năm. Đó là nỗi bất hạnh của Mỹ, rằng họ không còn bất kỳ một nhà chiến lược hàng hải thật sự nào nữa”.
B.G.
Nguồn bài gốc: The Washington Free Beacon
Nguồn bài dịch: http://basam.info/2014/01/08/tq-khong-cho-cac-tau-danh-ca-nuoc-ngoai-di-vao-hau-het-cac-khu-vuc-tren-bien-dong/