Làm quan khó hay dễ

Lẽ rằng như người xưa từng nói: “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”, nhưng thời nay làm thế nào để tuyển được hiền tài ra làm quan và làm quan thế nào để xứng đáng là hiền tài cho dân nhờ thì là những việc không dễ! Bởi có những ông quan trở thành tai họa với dân lành và với nhiều kẻ giấc mộng làm quan đã trở thành ác mộng. Vậy thời nay, làm quan khó hay dễ?

“Non sông gấm vóc ngày xưa

Nay đà “lão hóa” nhưng chưa trưởng thành.

Ván bài được mất mong manh,

Tội đồ lịch sử lưu danh muôn đời!”

(Thơ của người bạn gửi TVT)

Thực tế, trong bối cảnh nguồn nhân sự và cách bầu cử đang tiến hành trong cơ chế hiện nay, chúng ta không thể tìm được vĩ nhân, lãnh tụ như Hồ Chủ Tịch, hay những người học trò xuất sắc của Bác thời xưa, có tư duy chính trị, văn hóa, năng lực, phẩm chất trí tuệ, luôn đấu tranh, biết hy sinh vì nền độc lập và quyền lợi cho dân tộc, cho đất nước.

Từ chính cuộc đời trải nghiệm của mình, có vị trưởng thượng tâm sự làm quan trong chế độ chính trị nước ta lúc này không dễ: Hoặc là bạn sẽ trở thành công cụ của một bộ máy công cụ lớn hơn mà bạn phục vụ và bạn đành chịu ngồi xổm lên trên lương tâm của chính mình, hoặc bạn sẽ bị chính cái bộ máy bạn phục vụ nghiền nát nếu như bạn có hiểu biết chút ít và muốn lương tâm của mình trong sạch.

Nhìn ra thế giới, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm thành công của các con Rồng Châu Á là nhờ (1) Có một người đứng đầu là bậc hiền tài giầu tài năng và đức độ, không bị lực cản kìm hãm hoặc hạn chế mà có tổ chức và cơ chế thuận lợi để phát huy hết tài năng và đức độ làm giầu, làm đẹp, giữ vững và mở mang bờ cõi. (2) Có một đội ngũ cán bộ gồm những cán bộ hành chính biết quản lý Nhà nước hiện đại có năng lực và hiệu quả cao. Những doanh nhân biết kinh doanh tại các doanh nghiệp công và tư đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cho bản thân, doanh nghiệp và cho đất nước. Các nhà khoa học ban đầu biết lựa chọn, tiếp thu, vận dụng tốt các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiếp đó biết tiến lên xây dựng lực lượng và sáng tạo thành tựu và công nghệ tiên tiến của chính nước nhà. (3) Có một dân tộc với một sự thông minh và tài năng được đào tạo, bồi dưỡng bởi một nền giáo dục quốc dân hiện đại có chất lượng cao.

Đảng ta đã nhận thấy một trong những vấn đề quan trọng, cốt tử liên quan đến sự ổn định và phát triển của đất nước là việc lựa chọn nhân sự của Đảng. Hội nghị Trung ương 7 khóa XI của Đảng đã bàn về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, dựa trên Đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm, vẫn đi theo “lối mòn” thì hậu quả của “hôn nhân cận huyết” là khôn lường.

Trong phạm vi nhỏ bé là gia đình kể cả những cuộc hôn nhân được tự do lựa chọn, nhưng khi sống chung mới phát hiện “nửa kia” không phải là của mình, không có hạnh phúc thì khi cần thiết vẫn phải làm cuộc thay đổi. Tất nhiên cái giá phải trả rất đắt, rất đớn đau cả về vật chất và tinh thần. Nhưng dù thế nào, những gì mình làm, không làm mình chết thì sẽ làm mình mạnh hơn (if the strong action that you take doesn’t kill you will make you stronger). Hôn nhân chỉ là một định chế (institution) là một cái khung cho gia đình, không phải là hình phạt. Hôn nhân khi đã mất hết ý nghĩa (tôn trọng, thỏa mãn, đồng hành – mutual respect, satisfaction and companionship) thì có khác nào một cái khung đã mọt ruỗng, đã rỉ sét, đã lung lay, đã hết tác dụng trụ vững cho cuộc đời mình, thì phải làm gì đây? Chỉ có cách phải quyết liệt trong định hướng thì tất cả những việc phải làm mới hợp lý và có hiệu quả.

Từ phạm vi gia đình nhìn ra xã hội với vô số những đề án, đường lối, chính sách do một nhóm người tự đưa ra và tự chấp nhận, tự cổ vũ, tự khen ngợi như thế, thì chắc chắn sẽ mắc nhiều lỗi và có nhiều sai lầm. Các cụ ngày xưa rất có lý khi đã răn dạy: Có kẻ thù thông minh hơn là có bạn ngu dốt”. Mà với một đất nước, một dân tộc thì đường lối, chính sách là bậc vĩ mô, “sai một ly sẽ đi cả dặm” do đó, các cấp lãnh đạo, giới chức sắc cần nghiêm túc và thật lòng khi thăm dò ý dân, hòa nhã nghiêm túc khi nghe người dân phản biện .

Không có con đường nào đến vinh quang là dễ dàng cả. Mỗi người phải tự lượng sức để tìm cho mình con đường đi và cách đi phù hợp. Con đường có thể dài, ngắn khác nhau nhưng quan trọng nhất là phải có mục đích, có quyết tâm và dù trong hoàn cảnh nào cũng không đánh mất mình.

Có lẽ một trường hợp cần được tìm hiểu kỹ hơn là trường hợp Thủ tướng Ấn Độ bổ nhiệm người đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức cuộc cách mạng trắng (phát triển chăn nuôi và chế biến sữa). Nhờ có con mắt tinh đời của Thủ tướng, hiểu rõ năng lực của cộng sự, người được bổ nhiệm là một chuyên gia cao cấp về lĩnh vực sắt thép. Lúc đầu, ông từ chối vì không phải là lĩnh vực chuyên ngành của ông ấy. Thế nhưng Thủ tướng Ấn Độ thuyết phục được ông là hiện nay Ấn Độ cần sữa hơn là sắt thép. Vậy là ông ấy đã nhận trách nhiệm và thực hiện thành công cuộc cách mạng trắng này. Vì sao ông ta lại thành công là một điều cần tìm hiểu kỹ để rút ra bài học không “giáo điều” về công tác nhân sự.

Công tác nhân sự là một trong những việc nội bộ nhất của bất cứ đảng chính trị nào. Các đảng chính trị đều nhận là mình đại diện chân chính cho quyền lợi của dân tộc, của quốc gia. Nhưng không có đảng chính trị nào, ở mỗi kỳ đại hội đảng, cũng như thường xuyên trong từng nhiệm kỳ, lại mang công tác nhân sự ra thành một việc hoàn toàn công khai, bàn bạc đầy đủ trên báo chí, và hỏi ý kiến của toàn dân. Một hội nghề nghiệp, một tổ chức từ thiện cũng không làm như vậy.

Muốn biết đầy đủ cách thức làm công tác nhân sự của một đảng chính trị, với mọi “đầu giây mối dợ” thường phức tạp và có khi ngoắt nghéo, thì phải thật sự là người trong cuộc. Dù không thật sự trong cuộc, thì người dân vẫn thấy được cái phần bên ngoài của công tác nhân sự, và có thể nhận xét, đánh giá, nêu yêu cầu hoặc kiến nghị về cái phần bên ngoài ấy.

Có lần tôi đọc ở đâu đó câu chuyện ngụ ngôn về một con ếch hạnh phúc, thông minh. Nếu bị thả xuống thùng nước sôi, ngay lập tức con ếch quyết định nhảy ra và thoát chết. Nhưng nếu lại lấy đúng con ếch ấy và quẳng nó vào một thùng nước lạnh, đặt thùng nước lên bếp và đun thùng nước nóng dần lên, con ếch cảm thấy hết sức thoải mái. Một vài phút sau nó tự nhủ: “Ở đây ấm thật, chẳng tội gì mà mình phải nhảy ra”và chẳng mấy chốc ta sẽ có món ếch chín. Câu chuyện kể trên phản ánh quy luật của sự thay đổi và cách mà mọi người ứng phó với sự thay đổi. Công tác nhân sự cũng thế. Nếu không sớm nhận ra được sự thay đổi thì cũng giống như con ếch kia, trước khi kịp hành động mọi việc đã trở nên quá muộn.

Ngay từ trước Đại hội Đảng khóa XI, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề cơ chế và văn hóa của người Việt, đòi hỏi người đương chức, đương quyền tự đổi mới mình là việc rất khó. Suy cho cùng cái “thói quen” (như Lenin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền. Muốn có giống nòi tốt, những hạt nhân để quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì phải đổi mới cơ chế bầu cử, cơ chế nhân sự, có tranh cử thực sự, hay nói theo cách khác là phải từ bỏ một tập tục “lấy nhau” trong đảng, giống như tập tục lấy nhau giữa những người cùng huyết thống. Cách làm cán bộ lãnh đạo cũ chọn hay chỉ định cán bộ mới ra để bầu cử, không phải tranh cử, tức là chọn những người giống mình, cùng suy nghĩ như mình, tệ hơn là sẵn sàng “hẩu” với mình. Cách chọn người lãnh đạo như thế thì dù có để mọi người bầu hay đại biểu bầu cũng thế thôi bởi vì sẽ không thể loại được cái gọi là sự xuống cấp của gene. Do chọn lựa trong nhóm quá nhỏ bé, và nếu phải gene tồi thì cái xã hội nhỏ bé đó sẽ lập lại cái gene tồi đó ở mức cao hơn và rộng hơn. Ở một xã hội rộng lớn hơn thì gene mạnh sẽ đánh bật gene yếu theo thuyết Darwin. Ở một tập thể ngày càng teo lại thì làm gì có gene mạnh để được tuyển chọn.

Đất nước ta, từ xưa đến nay, lúc nào cũng có nhiều người tài, tuy nhiên tùy từng thời kỳ, từng lúc mà nguồn hiền tài đó được khơi ra như thế nào. Có nghĩa là khi được quan tâm, trọng dụng thì hiền tài sẽ có, tri thức sẽ nhiều. Người có học vấn thường có khả năng phán đoán và nhận định tình hình sáng suốt hơn người thường.

Thời phong kiến, ở nước ta đã có biết bao bài học khi biết trọng dụng trí thức thì công cuộc bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm và xây dựng đất nước phát triển rất hiệu quả nhờ tầng lớp trí thức lãnh đạo biết khơi dạy, hòa đồng cùng với nhân dân xả thân vì nghiệp lớn. Hồ Chí Minh đã dạy: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý”. Người đã làm công tác cán bộ trên cơ sở dựa vào thành ý và minh tâm của dân để tuyển chọn và sử dụng người tài, chứ không cho rằng công tác tổ chức là chỉ thuộc về Đảng, làm trong nội bộ Đảng rồi đưa ra thuyết phục, thường là áp đặt, để dân chấp nhận.

Về bầu đại biểu dự Đại hội các cấp

Bầu đại biểu dự đại hội các cấp cho đến Đại hội toàn quốc của Đảng, bầu Ban chấp hành Trung ương, bầu Bộ Chính trị, Ban bí thư, bầu Ban chấp hanh các cấp, bầu Ban thường vụ các cấp của Đảng, cho đến bầu ban chấp hành cấp cơ sở (chi bộ) của Đảng cần thực hiện việc ứng cử. Khuyến khích ứng cử. Không lập danh sách riêng của những người ứng cử, đặt sau cùng, ở dưới danh sách những người được ban chấp hành sắp hết nhiệm kỳ giới thiệu. Bỏ quy định giữ 1/3 uỷ viên Ban chấp hành hết nhiệm kỳ trong Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Tổ chức tranh cử. Người ứng cử và người được giới thiêu, từng người phải trình bày, luận giải, bảo vệ công khai dự định về chương trình hoạt đồng của mình nếu đắc cử trong nhiệm kỳ mới. Bỏ cách hiệp thương tại Mặt trận Tổ quốc, thực chất là những người đang cầm quyền sàng lọc, lưa chọn trước trong những người ứng cử và những người được giới thiệu.

Phải thay đổi cách làm về công tác nhân sự và tổ chức nghĩa là phát huy dân chủ, để các đại biểu tham dự đại hội Đảng các cấp bầu trực tiếp bí thư (kể cả Tổng bí thư) và nên sáp nhập vị trí bí thư và chủ tịch để tập trung trí lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế vì nhiều nước phương Tây không quan niệm Tổng bí thư là nguyên thủ quốc gia nếu không kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước. Đến tận ngày nay, chúng ta mới thực hiện “2 trong 1” nhưng mới chỉ ở dạng thí điểm ở cấp cơ sở. Đây là điều dễ hiểu vì bất cứ sự thay đổi nào cũng có 2 mặt của vấn đề, nhất là khi tác động đến những thói quen, nếp nghĩ đã thành ý thức hệ. Nhưng thời gian không chờ đợi ai, nhất là với chế độ toàn trị!

Về bầu các cơ quan quyền lực Nhà nước

Bầu các cơ quan quyền lực Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương) và về bầu các cơ quan lãnh đạo các đoàn thể (Mặt trận Tổ quóc, Công đoàn, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp hôi khoa học và công nghệ, Liên hiệp hội văn học nghệ thuật cấp toàn quốc và các cấp) cũng phải dân chủ. Đảng có hơn 3 triệu đảng viên trong chừng 90 triệu dân của toàn dân tộc, mà chiếm đến khoảng hơn 90% số đại biểu Quốc hội là quá nhiều.

Bài toán ngược

Để thực hiện “Ý Dân lòng Dân” thì phải làm bài toán ngược với cơ chế bầu cử hiện nay. Trong công tác nhân sự, cách đơn giản nhất là tổ chức bầu cử các cơ quan và chức danh Nhà nước trước ở tất cả các cấp: Ở cấp Trung ương thì bầu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Chánh án toà án tối cao, sau đó mới họp Đại hội Đảng bầu Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, bầu Tồng bí thư. Sự tín nhiệm và kết quả bầu cử của dân là căn cứ rất vững chắc cho Đảng bầu cử các cơ quan và người lãnh đạo của Đảng.

Vĩ thanh

Các ý kiến nói trên có tính khả thi đến đâu và như thế nào là phù thuộc vào nhiều yếu tố, không dễ dàng tuy không quá khó. Chúng ta tin vào sức năng động tự thân của dân tộc, sự sáng tạo và bền bỉ của giới trí thức như ngọn lửa bùng lên để những người có trọng trách biết suy nghĩ, trọng dụng, quy tụ, sử dụng đội ngũ trí thức tâm huyết có kinh nghiệm, bản lãnh hiến kế cho tiến trình xây dựng đất nước.

Chúng ta tin tưởng vào dân tộc ta, trong đó có những người đang cầm quyền, tin tưởng vào tiền đồ không xa quá của đất nước ta, sẽ lựa chọn được người hiền tài ở mức thấp là không mất mình mà được người. Mức cao là tung hoành mình mà phát huy nguời. Hai mức ấy đều là thành tựu, với chất lượng có khác nhau, của lý trí và tình cảm, hoặc nói cách khác là của trí tuệ và tấm lòng, được hòa quyện thống nhất thành bản lĩnh trong “năng lực người” vì sự tồn vong của dân tộc, của đất nước.

Tài liệu tham khảo

– Một số ý kiến lĩnh hội từ chỉ dẫn của ông Võ Văn Kiệt lúc sinh thời.

– Nỗi lo nhân sự hình thức hôn nhân cận huyết (Tô Văn Trường)

– Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Tô Văn Trường)

T.V.T.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.