Đặng Đình Cung
Kỹ sư tư vấn
Trước tình cảnh đau thương của người dân, hậu quả của nạn đập vớ và xả lũ, nhiều quan chức yêu cầu điều tra để truy trách nhiệm, ra lệnh xử lý nghiêm những trường hợp xả lũ, và đưa ra những phương án khắc phục hậu quả của tai nạn xả lũ. Lẽ cố nhiên là phải truy trách nhiệm và phải xử lý nghiêm. Lẽ cốt nhiên là phải cứu trợ người bị nạn. Nhưng đây chỉ là những chuyện “dã tràng xe cát Biển Đông”. Vấn đề thực tiễn là làm thế nào để mỗi năm lũ nhân tạo không còn chồng lên lũ tự nhiên với hậu quả tai hại của chúng.
Trong bài này chúng tôi xin trình bày phương pháp của bộ môn quản lý chất lượng tìm hiểu nguyên do nạn lũ nhân tạo chồng lên lũ tự nhiên để suy ra giải pháp thanh toán nó. Phương pháp có thể dễ dàng được chuyển sang các nạn khác như là ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, tai nạn lao động,… hoành hành ở nước ta.
Nguyên do
Khi năm khi mười họa mới có một công trình thủy lợi phải xả lũ hay bị vỡ thì có thể coi đó là một sự ngẫu nhiên đáng tiếc. Nhưng năm nào cũng có nhiều vụ xả lũ và đập vỡ như năm nay thì có nghĩa đây là một tình trạng bất bình thường. Đổ tội cho bão hay một thiên tai nào khác hay là biến đổi khí hậu là không đúng.
Dân tộc ta đã biết sống với lũ, từ thời Sơn Tinh Thủy Tinh cho tới nay, từ Nam Quan cho tới Cà Mau. Đây là một thiên tai chúng ta không thể tránh được. Xả lũ hay đập vỡ làm trầm trọng thêm hậu quả của lũ tự nhiên. Khi đã quyết định xây một công trình thì phải tính tới tác động của thiên tai. Tùy hậu quả của tai nạn, người ta định một xác suất tai nạn trong một năm có thể chấp nhận được và người ta thiết kế công trình tương ứng với xác suất đó. Như thế sẽ không cần phải xả lũ và đập sẽ không vỡ trong mọi điều kiện khí hậu.
Có người biện luận rằng công trình đã được thiết kế và xây dựng trước khi được lệnh tính thêm tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng biến đổi khí hậu không phải là lý do giảm trách nhiệm của con người trong nạn lũ nhân tạo chồng lên lũ tự nhiên. Dù không tính đến biến đổi khí hậu thì khi thiết kế người ta đã nhân mọi thông số ảnh hưởng đến an toàn lên một hệ số gọi là hệ số an toàn. Tỷ dụ, để xây một đập, thông số ứng suất dùng để tính công trình bằng ba lần ứng số thực tế. Biến đổi khí hậu có thể sẽ gia tăng ứng số thực tế đó nhưng sẽ không nhân nó lên đến ba lần. Những công trình thiết kế và xây dựng mà không tính thêm tác động của biến đổi khí hậu sẽ có xác suất bị vỡ tăng lên một chút. Nhưng sự gia tăng này không chứng thực được số trường hợp quá nhiều đập bị vỡ hay phải xả lũ để cứu đập như ở nước ta.
Để tránh một công trình ở trong tình trạng bất bình thường thì phải (a) tính đến tác động của thiên tai, (b) tính hệ số an toàn đủ lớn, (c) áp đặt một xác suất không xảy ra tai nạn đủ cao, (d) thiết kế đúng, (e) thực hiện đúng theo thiết kế, (f) bảo trì nghiêm chỉnh và (g) vận hành đúng chỉ đạo. Chúng tôi xin gọi sau đây bảy điều kiện này là bảy điều kiện cơ bản.
Một công trình thủy lợi có chức năng cắt lũ, nghĩa là giữ nước mưa trong mùa mưa để sử dụng vào mùa khô. Nếu phải xả lũ vào mùa mưa thì có nghĩa là công trình không thỏa mãn chức năng của nó. Vậy trên nguyên tắc thì một công trình thủy lợi không phải xả lũ. Suy ra, phải xả lũ là bất bình thường.
Chỉ có hai trường hợp mà người ta cố ý tháo nước từ trong hồ: mười năm một lần, trong khuôn khổ của chương trình quan trắc bảo quản định kỳ, hay khi có nghi ngờ gì đó về an toàn. Lúc đó người ta tháo hết nước trong hồ chứa để kiểm tra tính bền vững của công trình. Nếu phải tháo nước như vậy thì người ta chọn cuối mùa khô để chỉ xả một lượng nước tối thiểu và người ta phối hợp với cư dân ở hạ lưu để tận dụng nước cho nông nghiệp. Đây là một việc làm đã được tính toán trước và được kiềm chế chặt chẽ nên không gây thiệt hại gì.
Ở nước ta, nhiều nhà máy thủy điện ngưng không quay ráo vào mùa khô vì thiếu nước và xả lũ vào mùa mưa vì thừa nước. Điều này do thiết kế và vận hành không đúng. Thiết kế công trình chỉ là một bài toán bồn nước với hai máy nước mà mọi người đã học ở trường tiểu học: tính một dung tích tối thiểu để nước không bao giờ tràn ra khỏi bồn nước và tính một lưu lượng tháo nước để bồn nước không bao giờ cạn. Vận hành không đúng vì quy trình tích lũy và quay ráo nước không đúng hay là vì cấp thừa hành đã không theo đúng chỉ đạo.
Đê đập là những loại công trình xây dựng vững chắc nhất của nhân loại. Chỉ có thiếu sót của con người mới làm chúng bị vỡ. Chúng tôi xin không vào chi tiết những phương cách xây dựng một công trình vững chắc. Các trường đại học của nước ta đã đào tạo một đội ngũ kỹ sư xây dựng hùng hậu và thư viện của ba trường đều có sách hướng dẫn thiết kế, thực hiện và bảo trì các công trình như vậy.
Nếu nước trong hồ lên mà người vận hành công trình thấy có tiềm năng đập vỡ thì người ấy sẽ xả nước để cứu công trình. Có khi đập vỡ trước khi người vận hành công trình xả nước. Nguyên do là đã không xây đập đủ vững để có thể chịu được áp suất của nước khi hồ chứa đầy. Nguyên do một công trình không đủ vững là nó không hội đủ bảy điều kiện cơ bản trình bày ở phần trên.
Phương pháp
Khi một công trình có sai sót ở một trong bảy điều kiện cơ bản nêu trên thì có khả năng một ngày nào đó công trình sẽ phải xả lũ hay bị đập vỡ.
Theo mô hình nhân quả của Ishikawa thì mỗi sai sót có bốn nguồn gốc gọi là 4M: nhân lực (manpower), thiết bị (machine), phương pháp (method) và nguyên liệu (material). Khi kiểm tra một công trình thì kiểm tra viên (auditor) sẽ đặt năm câu hỏi cho mỗi điều kiện cơ bản:
‒ việc này đã được thực hiện đầy đủ chưa?
‒ những người đã thực hiện việc đó có đủ kỹ năng nghiệp vụ để làm việc đó không?
‒ những thiết bị đã được dùng để thực hiện việc đó có thích hợp không?
‒ việc đó đã được thực hiện đúng theo các tiêu chuẩn của Nhà Nước và của các tổ chức ngành nghề chuyên môn không?
‒ những nguyên vật liệu đã được dùng để thực hiện việc đó có thích hợp không?
Những sai sót tiềm ẩn sẽ được phát hiện khi bên được kiểm tra (auditee) không thể trình được những chứng minh cụ thể để trả lời cho năm câu hỏi trên.
Sai sót chia ra làm ba loại: sai phạm, sai lầm và thiếu sót kỹ thuật.
Sai phạm là việc cố ý làm trái với quy định. Một sai phạm sẽ được đưa ra pháp luật xử lý. Sai lầm là sai sót do người thi hành không có kỹ năng nghiệp vụ, làm việc ở một môi trường không thuận tiện hay dưới áp lực tinh thần quá mạnh. Người ta có thể đặt thêm nhiều câu hỏi vè nguyên do của sai lầm (Tại sao lại để một người không có kỹ năng làm việc đó? Tại sao không huấn luyện người đó trước khi giao việc?). Nếu rút cục nguyên do của sai lầm là một sai phạm nào đó (bằng giả, chạy chức,…) thì theo quy trình xử lý của một sai phạm. Thiếu sót kỹ thuật do kiến thức của nhân viên xí nghiệp chưa đầy đủ nên nhóm nghiên cứu thiết kế đã dùng sai một tiêu chuẩn kỹ thuật, đã chọn một quy trình thực hiện sai hay đã sáng chế một quy trình mới chưa có tiền lệ và đã không dẫn đến kết quả mong muốn.
Pháp luật chỉ truy trách nhiệm và xử lý những sai phạm. Nếu không phải là một sai phạm thì chỉ có trách nhiệm dân sự chứ không có trách nhiệm hình sự. Xí nghiệp – chứ không phải là nhân viên gây ra sai lầm – sẽ bồi thường nếu sai sót đã gây ra thiệt hại cho người khác. Đây là quyền được sai lầm của mọi nhân viên. Nếu không có quyền được sai lầm đó thì sẽ không có ai dám làm bất cứ một việc gì cả.
Nạn lũ nhân tạo chồng lên lũ tự nhiên đâu phải chỉ có đập thủy điện, đâu phải chỉ có những đập đã xả lũ và đã gây thiệt hại. Tất cả các hồ chứa nước và những chất lỏng khác như là phế liệu sinh học và hóa học mà không hội đủ bảy điều kiện cơ bản đều tiềm tàng có tai nạn đập vỡ hay phải xả. Gần đây báo chí có đăng chuyện hồ chứa bùn đỏ của một nhà máy tuyển quặng titan bị vỡ. Đây là một tai nạn có hậu quả rất trầm trọng có thể xảy ra ở bất cứ một khu mỏ nào.
Trong chiến lược cải thiện liên tục (kaizen), người ta không chờ có sự cố thì mới kiểm tra. Người ta có một chương trình kiểm tra định kỳ và làm theo chương trình đó dù biết rằng, hay tưởng rằng, mọi việc đều hoàn hảo.
Vậy phải kiểm tra định kỳ mỗi năm một lần tất cả các công trình hồ chứa có một dung tích tối thiểu nào đó. Khi công trình được kiểm tra lần đầu tiên thì các kỹ sư quản lý chât lượng sẽ kiểm tra tất cả bảy điều kiện cơ bản. Sau đó, trong những cuộc kiểm tra định kỳ tiếp, họ sẽ đơn giản kiểm tra hai điều kiện (f) bảo trì nghiêm chỉnh và (g) vận hành đúng chỉ đạo. Họ sẽ bắt đầu bắng những công trình lớn nhất (Sơn La, Hòa Bình,…) rồi tiếp tục theo thứ tự dung tích chứa nước giảm dần cho tới khi không còn công trình nào đủ lớn để có thể đe dọa sinh mạng và tài sản của cư dân sống ở hạ lưu.
Kết luận
Kiểm tra toàn bộ là một việc tốn nhiều công lao nhưng là một việc phải làm. Thực ra thì cũng không phải là một việc khủng khiếp lắm mà lại có nhiều công dụng:
– phát hiện những kẻ phạm pháp để đưa ra trước pháp luật,
– phát hiện những sai lầm để quản lý nhân sự tốt hơn,
– xác định những hồ nguy hiểm những hồ không để bố trí sẵn những phương tiện cứu trợ một cách hợp lý,
– thu gom một lượng lớn số liệu về các sai sót để nghiên cứu và đóng góp cho tiến bộ khoa học – kỹ thuật của ngành xây dựng hồ chứa.
Sau một vài năm khắc phục những sai sót (sửa chữa những hồ chứa có thể sửa chữa được, bắt ngưng hoạt động những hồ không thể sửa được), nạn lũ nhân tạo chồng lên lũ tự nhiên sẽ được thanh toán.
Phương pháp chúng tôi đề nghị này gọi là xoay vòng tròn Deming, một công cụ quản lý chất lượng rất hữu hiệu. Hãng Toyota nổi tiếng là liên tục dùng công cụ này ở mỗi cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ, cơ sở kinh doanh, cơ sở hành chính. Nhờ lối làm ăn bảo đảm chất lượng như vậy mà từ một phân xưởng sửa chữa xe vận tải nhỏ đầu thập niên 1950 họ đã trở thành công ty ô tô hàng đầu thế giới. Những người có may mắn được lái xe Lexus của họ sẽ hiểu ngay vòng tròn Deming cụ thể mạnh đến đâu.
Đ. Đ. C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.