Kiến kiện khoai: Vẫn cứ làm!

1. Những khó khăn thấy trước

Nhiều người nói với tôi “chuyện kiện chủ các nhà máy thủy điện là chuyện kiến kiện khoai”, tôi cũng thấy vậy. Phần lớn các nhà máy thủy điện do EVN, một công ty nhà nước 100% đầu tư, như vậy kiện EVN khác nào kiện một đội bóng mà trọng tài là chủ đội bóng? Nếu nhà máy thủy điện không do EVN đầu tư thì rất có thể các vị tai to mặt bự địa phương hoặc trung ương sẽ có cổ phần trong đó, không họ thì người thân của họ. Sự kết hợp mafia giữa tiền, quyền để tạo thành “lợi ích nhóm” trong các thủy điện là điều có thể. Nhiều người nhận xét đó là thực tế chứ không chỉ là có thể, tôi tin vào nhận xét này. Đây là điều khó khăn thứ nhất.

Điều khó khăn thứ hai là nền tư pháp Việt Nam không độc lập, hoàn toàn không có tam quyền phân lập ở xứ sở này. Hệ thống tư pháp ở đây này rất dễ bị tiền và quyền lực lũng đoạn. Nếu ai quan sát hệ thống tư pháp VN làm việc thì sẽ thấy hệ thống này được lập ra không chỉ để bảo vệ công lý mà còn là công cụ để bảo vệ các chủ trương đường lối của đảng. Viễn cảnh hệ thống tư pháp đứng về người dân bị thiệt hại do các thủy điện xả lũ bừa bãi là không cao.

Ngoài những khó khăn đến từ giai tầng trên, thì những người bị thiệt hại ở tầng lớp dưới cũng không thuận lợi cho vụ kiện. Họ là những người thấp cổ bé họng, nghèo khó; họ sống rải rác ở vùng quê, công việc mưu sinh hằng ngày đã làm cho họ tối tăm mặt mũi. Sự quan tâm và hiểu biết về luật pháp của họ rất yếu.

Quá trình thu thập chứng cứ cho vụ kiện cũng là vấn đề nan giải, ngoài những hình ảnh kinh hoàng và số người thiệt mạng do báo chí, các trang mạng đưa tin, việc xác minh lấy chứng cứ cụ thể cũng sẽ vô cùng khó khăn. Đó là chưa nói sự cản trở chắc chắn sẽ có của các cấp chính quyền khi chúng ta tiếp cận người thiệt hại. Rồi tình huống người nghèo bị mua chuộc, bị gây sức ép mà không cộng tác trong quá trình kiện hay phản bác lại,…

Rồi tài chính cho vụ kiện, luật sư, kinh nghiệm trong việc kiện tụng,… tất cả đều không thuận lợi.

2. Những thuận lợi và khả năng có thể làm được

Nếu nhắm mục đích kiện và thắng kiện như các phiên tòa thông thường, chắc chắn rằng vụ này khó đạt được. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta cứ kiện vì có thể sẽ đạt được những mục đích sau:

– Vụ kiện sẽ tạo ra một dư luận rộng lớn, chú đến những vấn đề bất công, khuất mắt tồn tại trong tiến trình phát triển đất nước. Các tầng lớp lãnh đạo, nhận thầu, quản lý các công ty quốc doanh,… thường lý luận các công trình được xây lên nhằm phục vụ cho nhân dân, cho đất nước. Đó chỉ là lớp sơn bên ngoài, ẩn sâu bên trong là động lực lợi ích của các bên liên quan. Nhiều trường hợp những lợi ích này mâu thuẫn, chống lại, chà đạp lên lợi ích của đa số người dân. Tầng lớp trên vừa có quyền, vừa có tiền, vừa khôn ngoan nên họ che dấu điều này rất tốt. Tiếng nói công lý vang lên tại tòa sẽ giúp quảng đại người dân thấy đâu là chân tướng sự việc, đâu là ảo ảnh dối trá. Nếu chưa đạt được tiếng nói tại tòa thì quá trình vận động kiện tụng cũng giúp người dân thấy được phần nào.

– Tạo cho người dân ý thức được dân quyền. Trong một đất nước mà người dân không ý thức được quyền của mình, tầng lớp cầm quyền nói sao thì nghe vậy, chắc chắn dân nước đó là nô lệ. Thời gian qua, người dân miền Trung chịu không biết bao nhiêu là tai họa từ việc xả lũ của các thủy điện nhưng chưa thấy ai gây ra tai họa đó ngồi tù hay bồi thường. Không thấy một tiếng nói phản kháng, kiện tụng nào từ người thiệt hại. Thân phận người dân nước ta thật đáng thương.

– Vụ kiện cũng sẽ đặc ra vấn đề quyền con người – quyền được chính quyền bảo vệ cuộc sống an toàn – trong công cuộc phát triển đất nước. Hình ảnh thường thấy ở các nước kém dân chủ như VN, TQ,… là phát triển bằng mọi giá để đạt thành tích GDP làm hài lòng nhà cầm quyền, còn quyền sống an toàn cho người dân, việc bảo vệ môi sinh bị xem nhẹ. Vụ kiện này sẽ cho công chúng thấy quyền con người là yếu tố phải được tính đến, bảo vệ hàng đầu, có như vậy quá trình phát triển mới nhân văn, mới mang lại lợi ích cho quảng đại quần chúng nhân dân. Vụ kiện sẽ thúc đẩy một ý niệm mới trong công chúng “Quyền con người”.

– Vụ kiện sẽ tập dượt cho người dân, người vận động dân chủ có kinh nghiệm với việc sử dụng một công cụ rất quan trọng trong nhà nước pháp quyền là luật pháp và tòa án. Có thể vụ kiện này khởi đầu đầu gian nan nhưng nó sẽ là bàn đạp cho những vụ kiện sau. Từ vụ kiện này sẽ hình thành và lớn mạnh một phong trào xã hội dân sự chuyên đi kiện tụng để đồi công lý cho người nghèo, người thấp cổ bé họng trong xã hội.

– Tại ra một công luận rộng khắp để kéo quảng đại quần chúng nhân dân quân tâm đến thực trạng chính trị, kinh tế, “lợi ích nhóm”,… của đất nước. Từ việc đồng cảm với những nỗi đau, nỗi bất công người miền Trung gánh chịu, chúng ta sẽ dẫn dắt công luận đi đến những vấn đề to lớn hơn của đất nước.

Tôi tin rằng, vụ kiện này chúng ta sẽ thắng lợi không mặt này thì mặt khác vì chúng ta có tiếng nói chính nghĩa, có lương tâm của người lương thiện trước sự mất mát đau thương của đồng bào.

3. Tiến trình vụ kiện*

 Tiến trình của vụ kiện chủ các nhà máy thủy điện xả lũ bừa bãi như sau:
– Bước 1. Vận động dư luận trên mạng.
– Bước 2. Tìm kiếm người đồng hành, tạo ra một nhóm theo đuổi vụ kiện.
– Bước 3. Huy động nguồn lực: con người, thiết bị, tài chính. Thuê mướn chuyên gia, luật sư.
– Bước 4. Tìm người thiệt hại, thuyết phục họ ủy quyền. Về mặt pháp luật, đây là vụ kiện tập thể những người thiệt hại, nguyên tắc chỉ họ mới có quyền kiện.
– Bước 5. Đệ đơn kiện.
– Bước 6. Gây dư luận.
– Bước 7. Hầu tòa.
Theo các bạn ổn ko?

Góp ý xin gửi về:   dankienthuydien@gmail.com

Xin cảm ơn.

N.V.T.

Nguồn: http://www.kienthuydien.org/2013/11/kien-kien-khoai-van-cu-lam.html

và:  http://www.kienthuydien.org/2013/11/tien-trinh-vu-kien.html

* BVN gộp hai bài thành một để dễ theo dõi

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.