Tác giả tự hỏi: “Điều gì khiến ngành điện trở nên bất khả xâm phạm như vậy?”. Nói đúng hơn, đây là một trò “điền vào ô trống cho hợp nghĩa” quen thuộc của học trò, có dạng “Điều gì khiến X bất khả xâm phạm như vậy?”, mà ở đất nước ta, X là vô khối chuyện. Chẳng hạn: “Điều gì khiến Ngân hàng Nhà nước bất khả xâm phạm như vậy?”, “Điều gì khiến các dự án sân golf bất khả xâm phạm như vậy?”, “Điều gì khiến việc khai thác Bauxite Tây Nguyên bất khả xâm phạm như vậy?”, “Điều gì khiến việc kiểm duyệt báo chí bất khả xâm phạm như vậy?”, “Điều gì khiến chủ trương kiên định con đường xã hội chủ nghĩa bất khả xâm phạm như vậy?”, “Điều gì khiến các phương châm 4 tốt, 16 chữ vàng bất khả xâm phạm như vậy?”, “Điều gì khiến Bộ Chính trị bất khả xâm phạm như vậy?”, “Điều gì khiến Điều 4 Hiến pháp bất khả xâm phạm như vậy?”, vân vân và vân vân.
Than ôi! Đối với những người có trách nhiệm, đó những “câu hỏi lớn không lời đáp” (Huy Cận). Và trong cơn say quyền lực, có khi họ không thèm tìm kiếm lời đáp cho nhân dân. Không những thế, chừng nào còn nắm quyền lực một cách tuyệt đối, chừng ấy họ còn quay sang gán tội suy thoái tư tưởng cho tất cả những ai cố gắng đi tìm lời đáp.
Họ đóng sập cửa trước mọi cải cách? Thì cứ xem Hiến pháp có thay đổi gì không, Luật Đất đai có thay đổi gì không, là biết!
Bauxite Việt Nam
Với khoản nợ các ngân hàng tính đến cuối tháng 7.2013 lên tới gần 120.000 tỉ đồng, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trở thành “con nợ” lớn nhất trong số các tập đoàn – tổng công ty nhà nước. Ấy vậy mà Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 đã được kiểm toán của EVN lại cho thấy, “con nợ” này vẫn có tiền mang đi cho vay rồi sau đó lại đi… vay lại chính “con nợ” của mình.
Để có thể hình dung, tạm phác thảo lại đường đi ra – đi vào dòng vốn của EVN từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán như sau: EVN vay vốn Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, sau đó năm 2006, tập đoàn này “trích” 6.900 tỉ đồng cho Công ty CP Nhà máy nhiệt điện Phả Lại (PPC) vay. Lúc này, EVN đóng vai trò “chủ nợ” của PPC. Đến năm 2010, trong khi vẫn đang là”chủ nợ”, EVN lại quay sang vay của PPC 2.350 tỉ đồng và vừa là chủ nợ, vừa là con nợ…
Điều không rõ ràng là chỉ cách đây hơn 1 tháng, phản hồi trước kết luận của Thanh tra Chính phủ, EVN còn phân trần, do nhu cầu vốn đầu tư các công trình điện rất lớn, mỗi năm EVN đầu tư hơn 60.000 tỉ đồng. Riêng năm 2013 kế hoạch đầu tư của tập đoàn này cho các công trình điện là 106.600 tỉ đồng, trong khi đó khả năng thu xếp vốn không đáp ứng được nhu cầu đầu tư, nên lúc nào EVN cũng thiếu vốn đầu tư trầm trọng. Thiếu vốn trầm trọng là lý do ngành điện liên tục tăng giá nhằm đảm bảo đủ vốn đối ứng để có thể vay vốn đầu tư dự án. Vậy thì tại sao EVN lại phải “ngắt” gần 7.000 tỉ đồng từ vốn vay để cho PPC vay lại? Ngoài PPC, liệu EVN còn cho công ty nào khác vay nữa không?
EVN cho PPC vay vốn với lãi suất ưu đãi 2,42%/năm cộng với chi phí cho vay lại là 0,2%/năm. Vậy PPC cho EVN vay với lãi suất bao nhiêu? Nên nhớ năm 2010, năm “chủ nợ” EVN bỗng dưng chuyển sang vay tiền của PPC là năm diễn ra cuộc chạy đua lãi suất khốc liệt giữa các ngân hàng với lãi vay trên thị trường được đẩy lên 18 – 20%/năm. Khả năng EVN cho vay giá rẻ nhưng vay lại giá cao là rất lớn. Tất nhiên, chi phí này, người cuối cùng phải “gánh” vẫn là người tiêu dùng.
Năm có lãi vẫn không chịu giảm giá; năm lỗ lớn vẫn lương cao, thưởng lớn; hạch toán vào giá điện cả việc xây biệt thự, sân tennis, mua xe sang; chịu lỗ thay doanh nghiệp nước ngoài; đầu tư 42 dự án thì có tới 20 dự án chậm tiến độ gây thiếu điện và dẫn tới tăng chi phí đầu tư… và tới giờ là nhập nhằng vốn vay đi – vay lại với PPC. Với bảng “thành tích” này, rất khó hiểu khi EVN lại được trao quyền tự quyết tăng giá không quá 10% thay vì 5% như hiện nay. Và với khung giá bán lẻ điện bình quân mới ban hành, giá điện có thể sẽ tăng tới 22% vào năm 2014.
“Bộ Công thương có “làm ngơ” tiêu cực của EVN?” – là câu hỏi được Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đặt ra với Bộ trưởng Bộ Công thương trong văn bản chất vấn. Còn với người dân, những người đã gánh 9 lần tăng giá trong 7 năm qua và sẽ phải chấp nhận việc điện tăng giá mạnh ngay khi những sai phạm, khuất tất chưa được làm rõ, câu hỏi lớn hơn là “điều gì khiến ngành điện trở nên bất khả xâm phạm như vậy?”.
N. H.
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131126/tu-mu-von-dien.aspx
(*) Nhan đề của BVN