Chống tham nhũng ở Việt Nam không mang tính hệ thống?

Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Rủi ro Chính trị và Kinh tế (PERC) Robert Broadfoot

Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Rủi ro Chính trị và Kinh tế (PERC) Robert Broadfoot

Công ty Tư vấn Rủi ro Chính trị và Kinh tế (viết tắt là PERC) có trụ sở ở Hong Kong mới đây đã xếp Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách các nước xảy ra tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất ở châu Á – Thái Bình Dương năm 2010. Trong bảng xếp hạng 16 nước trong khu vực lần này, Việt Nam chỉ đứng sau hai quốc gia khác là Indonesia và Campuchia. Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ đã phỏng vấn ông Bob Broadfoot, Giám đốc Điều hành PERC để tìm hiểu thêm về bảng xếp hạng này. Trước hết ông Broadfoot cho biết cách thức tiến hành điều tra về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam:

Trong khoảng thời gian từ tháng Mười hai năm 2009 tới tháng Hai năm 2010, chúng tôi đã tiến hành khảo sát hơn 2.100 giám đốc cấp cao và cấp trung bình của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có hơn 100 người đang làm việc tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nhân phương Tây lẫn châu Á.

Theo thang điểm từ 0 tới 10, trong đó 0 là mức điểm tốt nhất cho thấy mức độ tham nhũng thấp nhất và 10 là mức tồi tệ nhất, Việt Nam được đánh giá 8.07 điểm xét về mức độ tham nhũng trong hệ thống chính trị. Chúng tôi đã tiến hành đánh giá vấn đề tham nhũng liên quan tới các lãnh đạo chính trị và công nhân viên chức ở cấp độ quốc gia và địa phương. Còn nếu đánh giá về tình trạng tham nhũng ảnh hưởng ra sao tới môi trường kinh doanh và đầu tư, tình hình có khả quan hơn khi Việt Nam nhận được 7.13 điểm trên thang điểm 10.

Nếu để tìm một điểm gì đó khả quan hơn về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam thì đó chính là khả năng huấn luyện các nhân viên của các công ty nước ngoài nhằm kiểm soát tình trạng tham nhũng nội bộ. Việt Nam được đánh giá 4.61 điểm.

VOA: Thưa ông, có điểm đáng chú ý nào về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam?

Ông Bob Broadfoot: Theo tôi vấn đề lớn nhất liên quan tới tình trạng tham nhũng là việc các công ty nhà nước quản lý thiếu hiệu quả tài sản và tài chính, tức là các nguồn vốn được mang đi đầu tư vào những lĩnh vực họ không nên thực hiện. Tôi nghĩ rằng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam không phát triển nhanh và theo kịp với mức tăng trưởng kinh tế.

Một trong các lý do của vấn đề này liên quan tới các quyết định trong lĩnh vực nhà nước, và đây cũng chính là nguồn gốc gây ra tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Trong khi kinh tế phát triển mạnh, các công ty nhà nước được hỗ trợ vốn, và thay vì phát triển cơ sở hạ tầng, họ đem ra đầu tư vào bất động sản.

Lấy ví dụ ở Trung Quốc, quốc gia này bỏ ra những khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng, và điều đó duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.

VOA: Với vị trí đứng thứ ba ở cuối bảng xếp hạng, các doanh nhân nước ngoài đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh nói chung ở Việt Nam?

Ông Bob Broadfoot: Trong vài năm trở lại đây, môi trường kinh doanh ở Việt Nam khá khó khăn vì tình trạng lạm phát cũng như một số vấn đề khác. Tuy nhiên, Việt Nam dường như vẫn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Nước này nằm trong các quốc gia đã mở cửa thị trường và tăng trưởng nhanh.

Trừ hai năm vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam khá tốt. Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư vẫn còn quan tâm tới Việt Nam, đặc biệt nếu so sánh với Philippines và Thái Lan.

VOA: Thưa ông, Chính phủ [VN] bấy lâu nay đã thể hiện quyết tâm bài trừ tình trạng tham nhũng, nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong số các nước có tình trạng tham ô nghiêm trọng, như theo xếp hạng của PERC. Vậy công ty của ông đánh giá ra sao về nỗ lực của Hà Nội?

Ông Bob Broadfoot: Tôi nghĩ đúng là họ đã thể hiện quyết tâm. Đảng Cộng sản Việt Nam biết rằng họ cần phải củng cố quyền lực và biết rằng họ cần phải cho dân chúng thấy quyết tâm chống tham nhũng. Nhưng nguồn gốc vấn đề là nhiều vụ tham nhũng xảy ra ở cấp cơ sở Đảng, thế nên nếu họ tiến hành một phương thức chống tham nhũng một cách có hệ thống, tức là truy tố và trừng phạt ở bất cứ cấp nào, điều đó sẽ làm suy yếu cơ cấu và quyền lực của Đảng.

Chính bởi lẽ đó, họ đã tạo ra các vụ án nổi bật để chứng tỏ với dân chúng là nhà nước có hành động. Khi họ quyết tâm tấn công ai đó, sự trừng phạt rõ ràng nghiêm khắc hơn ở các nước Tây Phương. Nhưng họ chỉ xử lý các vụ việc đơn lẻ, không theo hệ thống.

Nguồn:  VOA 17/3/2010

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.