“Chọn mặt gởi vàng”

Phải khẳng định, vận mệnh quốc gia dân tộc quí hơn vàng. Chỉ có người kỳ tài, kỳ đức mới đáng mặt giao cho họ giữ gìn vốn quí ấy. Bài viết này tôi luận bàn việc kén chọn người đứng ra điều hành đất nước –  nói theo ngôn từ Việt Nam ta “kén chọn cán bộ”. 

Đất nước là tài sản chung của cả dân tộc, nó thuộc quyền sở hữu toàn dân chớ không riêng của phe nhóm nào. Do vậy,  kén chọn cán bộ là việc/quyền của toàn thể nhân dân. Họ được chọn và giao nhiệm vụ trong thời gian theo pháp luật định. Theo lẽ thường tình, nếu ai không còn xứng đáng, không làm tốt chức trách sẽ bị  xử lý và bãi miễn chức vụ.

Ở Việt Nam ta, trong thể chế độc tài Đảng trị, có nghịch lý, Đảng xem đất nước VN này như của riêng mình. Từ đó, mọi việc, nhất là việc kén chọn cán bộ điều hành đất nước đều do Đảng.

Trong khi chưa có Nhà nước Dân quyền, còn phải chấp nhận nhà nước Đảng quyền, gì thì gì cũng phải đặc biệt quan tâm việc kén chọn cán bộ, vì nó quyết định tiến thoái, tồn vong đất nước.

Nên chăng, việc kén chọn cán bộ theo cách làm thông dụng của thế giới ngày nay dựa theo tiêu chuẩn “Biết làm gì và biết làm như thế nào”. Người ta phân làm 3 loại cán bộ:

1/- Biết làm gì và biết làm thế nào –  biết chủ trương và biết tổ chức thực hiện, đây là loại cán bộ ưu tú, toàn diện, nên cử vào hàng ngũ lãnh đạo (thầy).

2/- Biết làm thế nào nhưng không biết làm gì – biết tổ chức thực hiện chớ không biết chủ trương, phiến diện, chỉ làm phó trở xuống (thợ).

3/- Biết làm gì chớ  không biết làm thế nào – biết đề xuất chủ trương chớ không biết tổ chức thực hiện, phiến diện, chỉ dùng vào việc nghiên cứu, làm tham mưu cho lãnh đạo.

Các nước lựa chọn và phân công cán bộ theo kiểu này hạn chế đến mức thấp nhất sai lầm, bởi vì một tay họ nắm thầy để chủ trương, một tay nắm thợ để tổ chức thực hiện.

Ở Việt Nam ta, lãnh đạo cấp cao có quan tâm đến việc cất nhắc cán bộ kiểu này không? Tôi không biết rõ nên không dám khẳng định. Có điều, ở VN ta ngày xuất hiện càng nhiều loại cán bộ thứ tư  “không biết làm gì và chẳng biết làm thế nào”, họ tiến thân bằng luồn lách, nịnh bợ… ,chỉ làm hỏng việc.

Trong chiến tranh, khi chưa cầm quyền, gần như hầu hết cán bộ đảng viên “Anh đi bà con nhớ, anh ở bà con thương”. Thời bình,  khi đã cầm quyền “Anh đi bà con đỡ, anh ở bà con bực” – uy tín đã tuột tận đáy. 

Xét về biết làm gì (Biết chủ trương):

– Lãnh đạo mà lính “mắc bịnh” hiểm nghèo không hay biết, để bịnh di căn ra lục phủ ngũ tạng mới tá hỏa ra,  hốt hoảng hô hào “ Chỉnh đốn Đảng để bảo vệ chế độ”. Đã là bịnh hiểm nghèo, chỉ phải lôi từng bịnh nhân ra “giải phẩu”, dùng thuốc đặc trị: “ Dân chủ, pháp quyền, tam quyền phân lập” mới may ra, đàng này không “giải phẩu”, xử lý nội bộ theo kiểu nén độc vào trong , dùng thuốc  gia truyền “Phê, tự phê” thì tử vong là cầm chắc.

Người ta 4 hay 5 năm “khám định kỳ” một lần, ai “bịnh” đem ra chữa trị, thay vào đó bằng những người “khỏe mạnh”, còn VN ta không khám định kỳ, ủ bịnh thập cẩm, lây nhiễm tràn lan, không chết mới là lạ. Đảng giành quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối thì Đảng cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối trước nhân dân chớ còn đổ cho ai?

– Đất nước ta có chiều dài hơn 2 ngàn km, chiều ngang chỗ hẹp nhất 40 km, nằm dọc theo bờ biển như nước Chi-Lê ở Nam Mỹ, thế mà chủ trương lập dự án làm đường xe lửa cao tốc xuyên Việt, chia đất nước ra làm 2 mảnh (Đông và Tây), muốn qua lại giữa hai phía phải làm ít nhất 1.600 cây cầu (mỗi cây số 1 cây cầu) chui hoặc vượt, tiêu tốn biết bao tiền của trong khi nợ nần đang chồng chất.

– Người ta khóc lóc lạy tiễn biệt điện hạt nhân thì ta lại hào hứng lập dự án lạy rước điện hạt nhân với chi phí khủng, bất chấp hậu quả.

– Về đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Việt, đoạn đã làm không hiệu quả kinh tế, đoạn dự định làm phải xuyên qua thung lũng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, qua sông Tiền, sông Hậu. Đó là chưa nói đoạn lộ nầy có chiều dài khoảng 300 ngàn thước, chắn lượng nước khổng lồ từ Miến Điện, Lào, Thái, Campuchia và Tây Trường Sơn đổ xuống, cao lũ tối thiểu 3 m tính theo mặt đồng. Chưa hết, phải làm ít nhất 100 cây cầu thoát lũ, không thì nếu lộ không vỡ, các nước bạn ở thượng nguồn cũng đâu để ta yên và cả Tây Nam Bộ (tính từ Long An đến Cà Mau) chịu chết vì nạn thiếu phù sa, bị phèn, mặn và sâu rầy do không có nước lũ hằng năm vào.

– Người ta ngại ô nhiễm môi trường, bảo lưu tài nguyên, mình lại cho họ đến nước mình khai thác tùm lum, nhất là bauxite Tây nguyên. Đó là chưa nói  khai thác tài nguyên đem bán mà chỉ có lỗ.

– Dường như lãnh đạo mắc bịnh nóng vội, không biết lượng sức mình, thứ gì cũng quyết liệt, té riết rồi liệt luôn. Làm kinh tế mà không tập trung khai thác thế mạnh của mình mà đua đòi, ai làm gì mình làm nấy, công nghệ kém, không có đầu ra như xe hơi chẳng hạn.

– Nghèo muốn sặc máu mũi, không tập trung xây dựng cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho người thất nghiệp mà tập trung mỡ rộng Thủ đô, hiện đại hóa trụ sở làm việc. Trung ương làm, địa phương bắt chước làm theo còn nói được ai?!

– Giành độc quyền thương mại xuất nhập khẩu các những mặt hàng thiết yếu chẳng hạn như xăng dầu, khí đốt, điện, nước, lương thực… mua rẻ, bán đắt mà luôn mồm than lỗ để nâng giá lấy lãi cao, chia chác cho nhau với mức lương khủng – kiểu thợ rèn có dao ăn trầu, v.v.

Xét về biết làm thế nào (biết tổ chức thực hiện):

Về việc nầy, tôi không kể lằng nhằng sợ phiền lãnh đạo và độc giả, bởi vì lãnh đạo phân công cán bộ tổ chức thực hiện mà dường như họ không biết làm thế nào, rớ vào đâu nát đó. Có lẽ đa phần trong số họ thuộc loại thứ tư như nói ở trên “Không biết làm gì và chẳng biết làm thế nào”.

Để kết thúc bài viết, tôi phân tích một chi tiết chuyện Tàu, trong Tam quốc Diễn nghĩa:

Sau Đào Viên kết nghĩa, Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi là những người chỉ biết làm thế nào chớ không biết làm gì, do vậy luôn lận đận, không tạo dựng được cơ nghiệp. Cả ba mới băng rừng lội suối tìm người biết làm gì. Khi được nhà mưu lược Khổng Minh giúp, họ mới đánh đâu thắng đó, dựng nên cơ nghiệp. Khi cả 3 anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi qua đời, Khổng Minh cầm quân đánh đâu thua đó, thân bại danh liệt ,do ông không biết làm thế nào… 

Nói thế để thấy tầm quan trọng trong việc lựa chọn bố trí, phân công cán bộ.

18/10/2013

  T.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.