Con đường Điện Biên – Con đường Hoàng Diệu

Liệu có phải bước chân của dòng người trầm lắng và khoan thai lặng lẽ trên đường Điện Biên Phủ vòng về đường Hoàng Diệu để đến được ngôi nhà số 30, nơi con người huyền thoại ấy từng dồn nén suy tư về ngổn ngang việc nước cũng đang vẽ nên một bước đi của lịch sử?

Phải chăng là ngẫu nhiên mà ngôi nhà ấy ở trên con đường mang tên một vị tướng đã tuẫn tiết, biểu tỏ khí phách và phẩm cách cao thượng “nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện (Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước),và cũng để tạ lỗi với non sông? Và rồi, vị tướng ở trong ngôi nhà số 30 ấy đã kế tục và hoàn thành vẻ vang sự nghiệp của cha ông để lại, rửa được cái hận cho Hoàng Diệu, mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc. Hoàng Diệu nối với Điện Biên bằng một đường gấp khúc, con đường lịch sử đi những bước gập ghềnh, nào có mấy khi thẳng tắp?

Ngoài mọi kịch bản soạn sẵn, và e là quá bất ngờ cho mọi trù liệu tính toán quan phương, hàng chục vạn người thủ đô và người ở nhiều miền đất nước đổ về đây tự động xếp hàng chỉ để được thắp một nén hương lòng tri ân và tưởng nhớ vị tướng của lòng dân. Cùng với thủ đô, như một phản ứng đây chuyền với sức lan tỏa mãnh liệt, Tp Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Tây Bắc, Việt Bắc… các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, cuồn cuộn đổ ra đường để đến những nơi có lập bàn thờ vị lão tướng huyền thoại, để cùng tưởng nhớ và tri ân Đại tướng.

Nén tâm nhang mà họ cùng nhau thắp lên trước di ảnh của ông, trong ngôi nhà Đại tướng hay ở bất cứ nơi nào theo tâm nguyện và sáng kiến của cộng đồng, của lòng người, không chỉ là một lời tri ân, một tâm tình tôn quý, mà còn là một cái gì lớn lao hơn, vừa lung linh trừu tượng của một tư tưởng, một tâm thế, vừa cụ thể sống động của một hành động, một thái độ. Tâm tình và thái độ trước thời cuộc. Đừng quên rằng, những hành động hàng ngày của mỗi con người đều là hậu quả của những động cơ ẩn giấu mà đôi khi ta không thấu hiểu được hết.

Vả chăng, trong một đám đông được tập hợp lại, sự lan tỏa của tư tưởng và tình cảm thường rất lớn, tình cảm và sức mạnh của mỗi người như được nhân lên gấp bội. Trong một tập hợp bất ngờ và tự nguyện, khả năng lan tỏa của một cảm xúc, một tư tưởng là nhanh chóng và mạnh mẽ cũng bất ngờ như vậy. Nếu diễn đạt một cách rất cập nhật của bài viết này định để gửi cho “Diễn đàn xã hội dân sự” thì đây chính là một hình ảnh sống động của “xã hội dân sự” rất chi là sáng tạo! Trái tim của tập hợp bất ngờ và tự nguyện ấy đập theo một nhịp không cần phải có người chỉ đạo, không cần luận thuyết, chỉ theo mệnh lệnh của chính nó. Mà mệnh lệnh của trái tim thì thường rất gần với chân lý của cuộc sống. Và cũng đừng quên rằng, trong hành động của con người, phần vô thức chiếm một tỷ lệ lớn hơn phần lý trí. Mà cái vô thức thì tác động như một lực lượng hãy còn chưa được biết rõ.

Vậy thì, cứ hãy tạm giải thích cái điều chưa biết rõ ấy thử xem, phải chăng là những người tử tế đã phải chờ đợi quá lâu để hôm nay được biểu lộ cái phần đẹp đẽ nhất ấp ủ trong tâm hồn vốn bị ô nhiễm nặng bởi những lời rao giảng dối trá đến độ bão hòa? Sự dối trá mà nhà văn Nguyễn Khải từng đau đớn thốt lên: “[…] nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra [] Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không nay có dịp bộc lộ. Hóa ra nỗi đau thương lại có thể chuyển thành sức mạnh để thanh lọc tâm hồn, đánh thức trong con người những tình cảm tốt đẹp.

Dường như ở đây câu nói “sự mất mát không gì bù đắp nổi” trong một tình huống nào đó lại trở thành sáo ngữ! Sáo ngữ không chỉ do ai đó vì quen môi mà nói, lời chỉ đưa đẩy ở cửa miệng chứ trong lòng thì nhẹ nhõm vì bớt đi một lực cản! Họ run sợ trước một biểu tượng sống động đang là điểm tựa tinh thần cho cả dân tộc, trước hết là thế hệ trẻ trong cuộc chiến đấu chống lại những thế lực hủ bại đang kìm hãm bước đi của lịch sử, những thế lực đại diện cho những “cũ kỹ, hư hỏng”. Sáo ngữ còn là vì sự ra đi của con người huyền thoại ấy đã đánh thức những cái “đẹp đẽ, tốt tươi” đang tiềm ẩn trong mỗi con người. Xin lưu ‎ý, những từ “cũ kỹ, hư hỏng” và “đẹp đẽ, tốt tươi” là của Hồ Chí Minh viết trong di chúc.

Người ta như được sống lại với những giá trị cao đẹp mà trong một thời gian dài nhìn vào những vai hề trong sự bi hài của lịch sử cứ tưởng như không còn tìm thấy lại nữa. Thế rồi, cái màn sương ngờ vực được vén lên, những mưu toan bẩn thỉu được lộ dần ra, sự hèn yếu của thói cầu an không dám đấu tranh sợ cái ghế quyền lực bị đe dọa nên đành giữ im lặng, tự dối mình “non nước thề bồi thôi xúy xóa/ quỷ thần nào chứng ở hai vai” được nhắc đến, để rồi những người dân bình thường lặng lẽ bước chầm chậm trên đường phố Điện Biên Phủ vòng về đường Hoàng Diệu đang thực sự vào vai của “non nước” và “quỷ thần” để phán xét những uẩn khúc mà con người ấy phải chịu đựng.

Nếu “thời gian làm cho mọi niềm tin nảy sinh, lớn lên, chết đi, chính nhờ thời gian, những niềm tin đạt được sức mạnh và cũng qua nó, những niềm tin mất đi sức mạnh của nó” như Gustave le Bon, tác giả của Tâm lý học đám đông từng phân tích, thì sự ra đi của vị Đại tướng trong lòng dân, niềm tin đã mất đi ấy đã tìm thấy lại trong biểu tượng tuyệt vời của con người mà “tâm trong sáng, trí anh minh, yêu thương, gần gụi, quý trọng con người, dễ tạo thân tình và sẵn sàng trao thân tình với đồng bào, đồng chí” như Việt Phương, người đã gần gũi với Đại tướng trong nửa thế kỷ đầy biến động đã viết. Cần hiểu rằng, đem lại cho con người niềm tin, đặc biệt là với thế hệ trẻ, tức là tăng sức mạnh hành động của họ lên cấp số nhân, một sức mạnh bùng phát khó mà tiên lượng!

 

Hãy nhìn vào nét mặt đăm chiêu của những chàng trai cô gái đi chầm chậm trên đường Hoàng Diệu. Hãy nhìn vào ánh mắt của họ rực sáng trước 103 ngọn nến họ thắp lên lúc 21h30 tối 10.10 trước cánh cổng ngôi nhà số 30 vừa khép lại. Nét mặt ấy, ánh mắt ấy nói lên rất nhiều điều. Nếu xã hội biết tôn trọng tuổi trẻ, tin vào tuổi trẻ, nếu những người có trách nhiệm dám tự vượt lên chính mình, vượt lên lợi ích hạn hẹp của riêng mình để tạo dựng cho tuổi trẻ niềm tin vào khát vọng, đất nước sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn. Đó là khát vọng kế tục sự nghiệp vẻ vang của cha anh họ, những người đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Máu của cha anh đã thấm đẫm trên từng thước đất để giành độc lập cho tổ quốc. Nhưng độc lập mà không có dân chủ và tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Tuổi trẻ hiểu rất rõ điều ấy. Giữ độc lập mà cha anh họ đã giành lại được và đấu tranh cho dân chủ và tự do mà độc lập mới chỉ là tiền đề, đó là sứ mệnh của tuổi trẻ. Phẩm chất, nhân cách, trí tuệ và bản lĩnh của vị lão tướng mà họ thật sự kính yêu, thành tâm tin tưởng đang cổ vũ, động viên họ.

Lịch sử đang đi những bước chậm rãi nhưng chất chứa nhiều tiềm ẩn khó lường. Nếu lịch sử là con người nhân với thời gian, thì con đuòng lịch sử mà ta đang nói đây, con đường nối quá khứ với hiện tại ấy được thăng hoa trong biểu tượng Võ Nguyên Giáp. Đây chính là ánh phản chiếu của của sức mạnh tiềm ẩn trong lòng dân, trong tâm hồn và khí phách của tuổi trẻ. Hơn nữa, chính thời gian đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, ý tưởng mà từ đó nảy sinh tư tưởng của một thời đại. Nói như tác giả của Tâm lý học đám đông vừa dẫn ở trên: “Chúng không bỗng dưng nảy mầm, nhú hoa, những chiếc rễ của mỗi tư tưởng đều cắm sâu vào một quá khứ dài lâu. Khi chúng đơm hoa, thời gian đã chuẩn bị cho mùa nở...”. Thế hệ trẻ hôm nay “không bỗng dưng” tìm thấy niềm tin của mình, sức mạnh của mình trong nhân cách và sự nghiệp của vị lão tướng huyền thoại.

Trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người Việt Nam, luôn ấp ủ một một đốm lửa của niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước và tinh thần bất khuất. Đốm lửa ấy có thể bị vùi kỹ trong tro tàn nhưng chưa bao giờ tắt. Khi đống tro nguội lạnh được khơi mở, ngọn lửa lại nhen nhóm và sẵn sàng bùng lên. Trong huyết quản của những người Việt trẻ tuổi luôn lưu chảy dòng máu cha ông. Nhiệt huyết của họ bị nguội lạnh vì bị dìm trong tăm tối của sự ngu muội, bảo thủ và giáo điều kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm thui chột năng lực sáng tạo của tuổi trẻ.

Sự ra đi của người đang là biểu tượng của niềm tin còn lại và khát vọng chưa bị dập tắt đã đánh thức trong họ niềm tin từng bị phôi pha, lý tưởng từng bị phản bội. Bởi vậy, từ tấm gương nhân hậu và trí tuệ của vị lão tướng huyền thoại họ nhận ra một cách rành rọt hơn những lừa mị, nói vậy mà không phải vậy, và thể hiện bằng hành động rất cụ thể những điều mà họ dồn nén trong tim. Liệu có phải đây chính là “những chiếc rễ của mỗi tư tưởng đều cắm sâu vào một quá khứ dài lâu”?

Vì thế, vị đại tướng được nhiều sử gia thế giới cho là huyền thoại ấy bỗng trở nên gần gũi, thân thiết với họ. Vì thật ra, “không có huyền thoại nào lớn lao hơn huyền thoại do đời sống dựng nên” mà người kể chuyện cổ tích hay nhất thế giới, Andersen từng nói rất đúng. Vì, nói cho cùng thì huyền thoại chỉ là những sự kiện, những hiện tượng lịch sử được thăng hoa theo cảm xúc và sức tưởng tượng phong phú của con người. Với thời gian, câu chuyện về vị lão tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp của chúng ta hôm nay rồi cũng sẽ trở thành chuyện cổ tích, một trong những chuyện cổ tích hay nhất trong kho tàng văn hóa Việt Nam ta.

Nhưng có lẽ điều gần gũi hơn, sống động hơn là con đường mà “bước chân của dòng người trầm lắng và khoan thai lặng lẽ trên đường Điện Biên Phủ vòng về đường Hoàng Diệu để đến được ngôi nhà số 30” đang vẽ nên bước đi chậm rãi của lịch sử nói ở trên, cần phải được trân trọng xây đắp thêm, mở rộng ra để “biến con đường nhỏ hẹp này thành đại lộ của tư duy”, theo cách mà Kant, nhà triết học Đức vĩ đại từng mơ ước!

Chính “đại lộ của tư duy” ấy được khởi đầu từ hành động cứ tưởng như bột phát của dân, nhất là của nhóm người tuổi trẻ, đã tự nguyện và trầm lắng bước chậm rãi trên con đường Điện Biên -Hoàng Diệu kia.

 

T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.