Tọa đàm giao lưu Mười thế kỷ một hành trình văn học

Ảnh: Trần Văn Trọng – Khương Việt Hà

clip_image002

2 giờ chiều ngày 19-9-2013 tại Hội trường lớn Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace) Hà Nội, 24 Tràng Tiền, đã diễn ra cuộc tọa đàm giao lưu Mười thế kỷ một hành trình văn học do Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh phối hợp với Trung tâm văn hóa Pháp đồng tổ chức, nhân dịp NXB Giáo dục cho ra mắt cuốn sách Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của GS Nguyễn Huệ Chi. Khoảng 250 người đã đến dự, trong đó có nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, sinh viên các trường đại học và đông đảo bạn đọc các lứa tuổi.

clip_image004

clip_image006

 

 

Ông Bí thư Đại sứ quán Pháp Gavois Jean-philippe đến rất sớm và ngồi dự cho đến hết buổi. Số sách khiêm tốn mang đến bán tại hội trường không đủ cung cấp cho người mua. Một không khí sôi nổi trao đổi về nội dung cuốn sách và đối thoại với tác giả kéo dài cho đến tận khi phòng họp tuyên bố hết giờ mà vẫn còn hào hứmg muốn nói thêm.

clip_image008

Ông Gavois, Bí thư thứ nhất ĐSQ Pháp đang xem sách

clip_image010

Nhà văn Văn Chinh trong số những người mua sách

GS Huệ Chi và học trò TS Thu Hương bên quầy sách

Mở đầu cuộc họp là những lời chúc mừng của ông Giám đốc Trung tâm Patrick Girard, chúc thính giả có một chuyến đi thật thú vị xuyên suốt mười thế kỷ văn học Việt Nam thông qua 4 vấn đề chính: (1) Chủ nghĩa nhân văn trong văn học cổ điển Việt Nam; (2) Khát vọng tự do và khát vọng giải phóng dân tộc; (3) Các trường phái và các tiến trình văn học; (4) Tư duy nghệ thuật phương Đông trong mối quan hệ so sánh giữa Đông và Tây.

clip_image012

Ông Patrick Girard chúc quý thính giả có một chuyến đi thật thú vị xuyên suốt mười thế kỷ văn học Việt Nam

clip_image014

Chủ trì cuộc tọa đàm, Nhà khoa học Chu Hảo chỉ định GS Nguyễn Khắc Phi, người có dịp đọc bản thảo trước khi sách công bố, nay ở trong 4 người trên bàn chủ tọa, phát biểu trước tiên. Bằng một bản thuyết trình dài và tỉ mỉ, “châu phê” là chính nhưng thỉnh thoảng cũng nhặt những hạt sạn mà theo ông, là một cách “cà khịa” với tác giả bạn mình, ông đề cập đến 3 phương diện mình tâm đắc: 1. Nhìn nhận về con người Nguyễn Huệ Chi thể hiện qua các công trình khoa học, một người thực sự tài năng, đúng như ý kiến của GS Vũ Khiêu “tài hoa, uyên bác”, có tư duy nghiên cứu lô gích và minh xác, có khả năng nêu vấn đề, khả năng lập luận thấu đáo trên những dữ liệu khách quan và thuyết phục, bản lĩnh bảo vệ các luận điểm học thuật nhiều khi đến mức quyết liệt. Tố chất khoa học còn ở chỗ có tư duy phản biện, có thể ít nhiều mang màu sắc “hiếu biện” (đối thoại với mình là chính nhưng cũng dối thoại với những ai và những gì mình thấy cần lên tiếng), mặt khác lại là người chân thành, thực sự cầu thị và khiêm tốn, biết tiếp thu nghiêm chỉnh những góp ý đúng đắn của người khác và kiên trì bảo lưu những gì mình chưa thông; 2. Công trình này đã có những đóng góp lớn cho nhiều chuyên ngành khoa học xã hội: văn bản học, Hán Nôm học, văn hóa học, từ điển học, lý luận và phê bình văn học, văn học so sánh… và chủ yếu là nghiên cứu văn học. Người viết không giới hạn trong những phương pháp cổ điển mà có ý thức vận dụng nhiều phương pháp mới của nghiên cứu khoa học hiện đại, nhờ thế đã góp phần đưa tới thành công, tuy cũng có những phương pháp vận dụng chưa hết mức. Nhiều bài viết sắc sảo và phân tích sâu, toàn diện, cuốn hút người đọc, nhưng cũng có bài cá biệt đáng ra có thể dùng so sánh để làm nổi thêm ý mình muốn đề xuất, hoặc thay đối tượng so sánh này với một đối tượng so sánh khác thì còn ý vị hơn; 3. Nguyễn Huệ Chi đã mở ra một quy trình nghiên cứu ngữ văn học cổ rất nhiều triển vọng, cụ thể là với 2 tập Thơ văn Lý – Trần do ông chủ biên từ những năm 70 – 80 thế kỷ trước, mà nay vẫn chưa xong hẳn, nên cái gánh để lại cho ông còn rất nặng, và tuy tuổi đã nhiều nhưng nhà nghiên cứu vẫn phải gánh, không ai thay thế được ông. Văn học cổ là rất quan trọng mà hiện lại đang bị quên lãng, ông càng không thể thoái thác.

clip_image016

GS Nguyễn Khắc Phi đang “châu phê”, và cũng đang… nhặt sạn

Ý kiến của GS Nguyễn Khắc Phi gợi lên nhiều tiếng nói hưởng ứng hoặc trao đổi tiếp theo. PGS Trần Thị Băng Thanh cho rằng trong việc nghiên cứu bộ sách lớn là Thơ văn Lý – Trần anh Huệ Chi có cái được và có cái còn “nợ” chưa trả xong, vì quá cầu toàn, nhưng theo chị, trong việc chỉ đạo chung đối với Nhóm Lý  Trần mà chị là một thành viên trong hơn 40 năm, ưu điểm đáng kể của người phụ trách là nghiên cứu cổ văn không chỉ trên văn bản mà còn biết dẫn dắt anh chị em đi khảo sát thực địa, như một sự tìm hiểu địa – văn hóa, và bám sát thực tiễn đời sống, nên từng góp phần lên tiếng giữ lại được nhiều di sản quý, như khu vực Yên Tử nay là một di tích văn hóa nổi tiếng, không bị phá đi để khai thác than như một số nhà chính trị thiên về kinh tế thời bấy giờ đề nghị.

clip_image018

Thạc sĩ Đào Tiến Thi: “Mỗi tác giả như Nguyễn Du, Lê Hữu Trác, Phan Bội Châu… người viết đều đưa ra một đáp số cụ thể, đặc thù, giúp bạn đọc tiếp cận sâu vào những gương mặt trữ tình phong phú, đa dạng, tuyệt không ai giống ai. Đó là cái nhìn không sa vào “phản ánh luận” mà sớm biết hướng tới chủ thể sáng tạo, tri âm tri kỷ với năng động tính của chủ thể. Chứng tỏ phương pháp nghiên cứu của tác giả không cũ, trái lại, đã vận dụng rất nhuần nhuyễn nhằm thích ứng với từng đối tượng riêng của mình”.

clip_image020

ThS Đào Tiến Thi phát biểu về vai trò của chủ thể sáng tạo trong quan điểm nghiên cứu của NHC

PGS Đặng Anh Đào thì nêu 4 câu hỏi đề nghị tác giả giải đáp. Bốn câu tuy có vẻ không to tát nhưng lại buộc phải lần sâu vào từng khái niệm, như “văn hóa”, “mã nghệ thuật”… nên người viết đành xin sẽ trả lời riêng, khỏi làm loãng điều mọi người đang quan tâm.

clip_image022

PGS Đặng Anh Đào nêu lên 4 câu hỏi khiến tác giả nghe cũng muốn toát mồ hôi

clip_image024

PGS Phạm Vĩnh Cư đứng lên tuyên bố thì giờ eo hẹp quá nên nhường mọi người nói, vì ông phải nói dài. Khi chúng tôi đến phỏng vấn ông thì ông nói sẽ có một bài viết tỉ mỉ nêu rõ cống hiến khoa học của GS Huệ Chi trong việc đi đầu, mở ra những thao tác của ngành ngữ văn học có tính chất hàn lâm mà thế giới từ lâu đều tuân thủ. Tiếc là những việc đó như con én báo hiệu mùa xuân đã không được học giới tiếp tục nhân lên, trái lại có khi còn bị bỏ qua, đến nỗi không ít công trình về sau lộ ra nhiều sự kém cỏi, người đọc nghiên cứu không dùng được, nhất là hệ thống bảng tra cứu rất công phu, chuẩn mực của ông hầu như đã không được tiếp nối. Đó là điều cần lên tiếng báo động, bởi không thể để học thuật… “đi bước lùi”.

Học giả dương Danh Dy, với âm giọng cuồn cuộn, đã làm sôi động phòng họp: “Nãy giờ khen thế tưởng cũng đủ rồi. Lão già này đạp xe từ xa tới đây chỉ mong được hiểu từng bài cụ thể hay như thế nào trong cuốn sách, xin các anh chị chỉ ra cho. Chưa có sách mà đọc nên mong điều đó lắm”. Cử tọa giật mình, nhiều người ngơ ngác nhìn ông.

clip_image026

Lão già này đi từ xa đến đây, chưa được đọc sách nên muốn nghe giải thích cái hay của từng bài trong sách – Dương Danh Dy

Sau yêu cầu của ông Dương Danh Dy, có ngay nhiều người giơ tay xin đăng đàn: Nhà văn Vũ Ngọc Tiến nhận xét một chương mục trong sách: “GS Huệ Chi đã chỉ trúng tim đen của Hoàng đế Minh Thành Tổ khi ông ta ban ra 2 đạo sắc bắt quân lính đốt hết sách vở của “An Nam”. Thâm tâm ngài ngự “thiên triều” chỉ muốn dân VN đừng tư tưởng nữa, và không tư tưởng, đầu óc rỗng không, thì có nghĩa là không tồn tại”.

clip_image028

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến đăng đàn

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng phát biểu một ý ngắn gói trong 5 phút: “Phát hiện ra Trần Tung của anh Huệ Chi làm cho một vị Hòa thượng làng Thiền thuộc loại danh tiếng trong nước gần đây vẫn còn phải chữa lại chú dẫn trong sách của mình, và một nhà tiểu thuyết lịch sử cũng rất quen tên, cách nay vài mươi năm đã phải vứt bỏ 300 trang sách đã viết xong. Những phát hiện như thế quả không tầm thường chút nào cả”.

clip_image030

Nhà văn Hoàng Quốc Hải tuy có một tham luận dài nhưng cũng chỉ dám gói gọn trong 5 phút để còn nhường lời cho TS Nguyễn Xuân Diện xin chia với mình 5 phút

Ở tư cách một người chuyên về triết học, PGS Khiêm Ích rất tâm đắc với bài “Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein”. Theo ông, so với phần dẫn luận cuốn sách của GS Cao Xuân Huy năm 1996 thì đây là một bước tiến lớn trong quan niệm đổi mới tư duy tiếp cận học thuật của GS Nguyễn Huệ Chi, đã tiến gần những trường phái hiện đại nhất, tuy chưa đầy đủ.

clip_image032

PGS Phạm Khiêm Ích, bạn cùng học đại học với GS Huệ Chi

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, bằng lối nói nhỏ nhẹ, đưa ra một gợi ý lý thú, có giá trị đúc kết phong cách nghiên cứu của GS Huệ Chi: “Ở Viện Văn có đến mấy dòng phong cách trong nghiên cứu, anh Huệ Chi, tôi nghĩ, có thể đặt vào dòng tiếp nối Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Huy Đỉnh”.

clip_image034

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người đã khôi phục lại giá trị nhà văn hóa Phan Khôi bằng những pho sách dày mà thao tác văn bản học cũng không kém vất vả

PGS Nguyễn Phạm Hùng là người nói cuối cùng, đã cuốn hút cử tọa với 5 điểm nổi bật làm nên một Nguyễn Huệ Chi nhà khoa học nổi danh, từ “Khảo luận văn bản Thơ văn Lý – Trần” đến người chủ trang mạng BVN trong 4 năm nay. Không thể coi “Khảo luận văn bản” là một nghiên cứu văn bản học đơn thuần; đó là một công trình phương pháp luận hiện đại, đặt lý thuyết cơ bản cho nghiên cứu văn học theo thể loại.

clip_image036

Khảo luận văn học Lý – Trần là một chuyên khảo phương pháp luận nghiên cứu văn học theo thể loại – Nguyễn Phạm Hùng

Cuộc họp sôi nổi cho đến tận khi người phụ trách phòng họp của Trung tâm văn hóa Pháp giơ tay báo hết giờ, vì đã vượt quá thời gian cho phép đến 45 phút. Cuối cùng thì GS Nguyễn Huệ Chi, tác giả của cuốn sách mà hôm nay bạn đọc đưa ra những lời trao đổi, mổ xẻ, đứng lên nói mấy lời cám ơn.

Ở chặng đầu của cuộc giao lưu, ông đã nói vài lời tâm sự dí dỏm về những thuận lợi và những khó khăn của mình trong thời gian mới bước chân vào con đường nghiên cứu. Thời ấy không khí dân chủ trong học thuật ở các bậc học giả đàn anh còn thể hiện rất rõ, ông đã chịu ơn họ (như việc ông và bạn ông đã phê bình rất nặng ông Văn Tân, vậy mà nhà học giả ấy đăng ngay lên tờ tập san Văn sử địa do mình làm Chủ bút sau khi nhận được bài. Rồi khi đến nhận tạp chí và nhuận bút, chính ông Văn Tân thân ra tiếp và nói những điều khích lệ khiến hai anh sinh viên mới vào nghề cảm động đến ngạc nhiên). Nguyễn Huệ Chi cũng đã phải vượt rất nhiều thử thách sau khi được các cụ Đặng Thai Mai và Hoài Thanh phân công sang mảng văn học cổ mà theo các ông là có vị trí rất quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Để chuyển từ việc cố tìm nghĩa đen nhiều khi gượng ép trong văn bản – chỉ có giá trị thông báo bề ngoài: xã hội, chính trị – đến việc hiểu ra được các tầng nghĩa ẩn, những giá trị tu từ, những thông báo thẩm mỹ, dòng tư tưởng nghệ thuật… do nhà văn, nhà thơ gói vào từng con chữ của họ, là cả một quá trình dài phải trả giá bằng những bài viết xoàng mà ngày nay đọc lại vẫn còn cảm thấy thẹn, tuy bấy giờ được các vị lãnh đạo khích lệ, vì quý mến lớp trẻ. Nói như Stéphane Mallarmé: “La poésie… c’est une hésitation prolongée entre le sens et le son” (Thơ ca… đó là một sự ngập ngừng kéo dài giữa nghĩa và âm thanh). Khi thật ngấm được điều đó ông mới vượt thoát dần các thất bại để có được những gì như bạn đọc thấy hôm nay.

clip_image038

Nhiều người còn đứng nán lại, quây quanh các vị trên bàn chủ tọa vừa bước xuống để hào hứng hỏi và trao đổi thêm. Một vài bức ảnh chụp chung với bạn bè tri kỷ như Phạm Toàn, Nguyễn Khắc Mai…, và người vợ quyết định thành công của mình, học trò, biên tập viên… sao lại không cần thiết cơ chứ.

clip_image040

Trong dòng người ra về, bất chợt nhìn thấy những gương mặt quen thuộc: KTS Trần Thanh Vân vừa đi vừa gọi điện thoại cho xe đến đón, học giả Nguyễn Trung vừa đi vừa mỉm cười như đang nghiệm ra một điều gì…

clip_image042

Trời Hà Nội đã chuyển thu và hôm nay đúng là ngày rằm tháng Tám, mọi người hòa ngay vào dòng người đông đúc trên đường phố Tràng Tiền.

Đ.T.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Một phần đã đăng trên Facebook Đặng Hảo

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.