Đôi điều với tác giả của “Đôi điều với tác giả …” (các phần còn lại)

Phần 2

Đây là phần 2 của bài viết nhiều kỳ của tôi nhằm trao đổi với ông/bà Trọng Đức về bài viết của ông/bà ấy trên tờ QĐND (ở đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx). Ai chưa đọc phần trước của bài này, xin đọc ở đây:http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac.html.

—————-

Thưa ông/bà Trọng Đức,

Hôm qua tôi đã viết Note đầu tiên để trao đổi với ông/bà về bài viết của ông/bà trên tờ QĐND ngày Chủ nhật 18/8 vừa qua. Như tôi đã viết trong bài trước, tôi muốn ông/bà quan tâm đến những trao đổi của tôi để bài viết của ông/bà có tính thuyết phục và hiệu quả cao hơn trong việc làm thất bại diễn biến hòa bình như tên gọi của mục báo trên trang QĐND đã nêu rõ.

Do bận nhiều công việc nên tôi chỉ mới trao đổi được điểm đầu tiên trong bài viết của ông/bà, liên quan đến việc cho phép hay không cho phép tù nhân trong thời gian thụ án có thể được tạm trả tự do để đi thi đại học. Bài viết số 1 của tôi đã đưa ra một số chứng cứ cho thấy những gì ông/bà khẳng định trong bài báo về vấn đề nói trên là hoàn toàn không có cơ sở.

Hôm nay khi mở mạng ra để viết tiếp bài trao đổi này thì tôi nhận ra, không ngoài dự đoán của tôi, rằng bài viết của ông/bà Trọng Đức đã gây nhiều tranh luận trên truyền thông lề dân (là tên gọi của những trang mạng trao đổi các vấn đề của xã hội Việt Nam theo quan điểm tự do chứ không theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như những tờ báo của Nhà nước).Và, cũng như tôi đã đoán trước, nhìn chung các tác giả lề dân đều cảm thấy bài viết của ông/bà Trọng Đức còn nhiều sơ hở và thiếu thuyết phục.

Cụ thể, tôi thấy có bài viết của blogger HoaDaiNhan với tựa đề “Mừng lắm nhưng vẫn phải nói lại với ông Trọng Đức” ở đây: http://hoadainhan.wordpress.com/2013/08/19/mung-lam-nhung-van-phai-noi-lai-voi-ong-trong-duc/, trong dó tác giả HoaDaiNhan nói lại với ông/bà Trọng Đức cả 4 điểm trong bài báo của ông/bà đăng trên QĐND, với kết luận mà tôi rất quan tâm. Xin ông/bà Trọng Đức đọc dưới đây:

Cãi nhau thì dài, chả biết bao giờ hết, có điều, TĐ gân cổ, phùng má chửi lại LHĐ với một mục tiêu là để khẳng định, về lý luận và lịch sử, đất nước này, dân tộc này chỉ có 1 Đảng CSVN là được lãnh đạo hết, lãnh đạo tuốt. Vấn đề là tại sao TĐ không dám hung hổ thách thức rằng, Đảng CSVN sẵn sàng thử nghiệm, để ai, nhóm ai có năng lực lập ra 1 đảng khác xem nhân rân có theo hay không? Mà thật ra LHĐ cũng chỉ muốn như vậy, đảng CS tự bảo mình là số 1, thế thì phải có ai đối chứng là số 2 thì người ta mới tâm phục, khẩu phục phải không TĐ?

Ngoài bài của HoaDaiNhan,  còn có một bài viết khác nhã nhặn hơn của ông/bà Trung Nghĩa. Tác giả Trung Nghĩa đã  phản biện đầy đủ và rành mạch từng điểm trong bài viết của ông/bà Trọng Đức, không hiểu ông/bà đã đọc hay chưa? Nếu ông/bà chưa đọc, xin đọc ở đây: http://www.basam.info/2013/08/20/1973-phan-bien-lai-bai-viet-doi-dieu-voi-tac-gia-bai-viet-tren-giuong-binh/.

Sở dĩ tôi nhắc như vậy là vì trong phần kết của bài viết trên tờ QĐND ông/bà có nêu ở phần cuối rằng ông/bà “cũng còn nhiều điều nữa muốn trao đổi với ông. Trong khuôn khổ của một bài báo nên chỉ có thể trao đổi một vài điều như vậy”. Câu nói trên cho thấy ông/bà thực sự muốn có một cuộc tranh luận về những vấn đề mà ông Lê Hiếu Đằng nêu ra, và tôi thấy phải cám ơn ông/bà về điều này. Việc tranh luận tự do – với thái độ hòa nhã trong tinh thần tôn trọng sự thật và tôn trọng lẫn nhau – là điều rất cần thiết cho Việt Nam lúc này, có lẽ ông/bà cũng đồng ý với tôi như vậy?

Cũng xin lỗi ông/bà Trọng Đức là tôi viết hơi chậm để ông/bà phải chờ. Việc viết chậm là do tôi muốn tìm chứng cứ để có thể tin được những lời khẳng định của ông/bà, vì bài viết ấy có rất nhiều khẳng định mang tính khái quát cao độ nhưng lại hoàn toàn không có chứng cớ nào cả. Hôm trước tôi đã chứng minh rằng ông/bà đã sai khi khẳng định hầu như chẳng có nước nào cho phép tù nhân được ra tù để đi thi trong khi đang thụ án. Trong bài này tôi muốn xem xét lời khẳng định là không có nước nào cho phép thành lập Đảng của những người làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài. Chính vì vậy mà tôi không thể viết nhanh được.

Với thời gian ít ỏi đã bỏ ra và chỉ tìm trên mạng Internet, quả thực tôi chưa tìm thấy có một đảng nào giống như ông/bà Trọng Đức đã nêu. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng chưa tìm thấy không có nghĩa là không có. Mặt khác, những gì tôi tìm thấy lại càng giúp khẳng định trong tôi niềm tin rằng các nước tư bản phương Tây mà lý luận chính thống của ta thường cho là dân chủ giả hiệu, và là những kẻ thù địch chống phá chính quyền Việt Nam – vốn dân chủ gấp vạn lần họ – hình như lại dân chủ hơn chúng ta nhiều vạn lần (?).

Ví dụ, khi ông/bà nhìn vào danh sách các đảng phái chính trị ở Mỹ (ở đây: http://www.politics1.com/parties.htm) thì sẽ thấy họ có rất nhiều các loại đảng phái lớn nhỏ, đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị và các tầng lớp xã hội khác nhau. Trong đó, tôi rất ấn tượng về sự hiện diện – ngay trong lòng nước Mỹ –  hàng chục đảng lớn nhỏ mang tên “xã hội chủ nghĩa”, hàng chục đảng khác mang tên “đảng của giai cấp công nhân” hoặc thậm chí “đảng cộng sản”, rồi còn cả có cờ đỏ búa liềm và các dấu hiệu của cộng sản khác nữa.

Ấn tượng nhất đối với tôi là “Đảng Cách mạng Cộng sản Mỹ”, với cờ đỏ “theo truyền thống vô sản”. Đảng này có mục đích làm cách mạng đập tan những gì cũ kỹ và tạo ra một xã hội mới! Nói vắn tắt, tôi thấy ở các nước bên ấy, cụ thể là ở Mỹ, thì ai muốn thành lập đảng chính trị kiểu gì cũng được, cho dù đảng phải ấy có quan điểm ngược lại hoàn toàn với quan điểm của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước trong thời gian ấy. Miễn là mọi việc phải ở trong khuôn khổ của pháp luật, và không xâm phạm đến lợi ích chung của toàn dân.

Trong khi đó, ở VN chỉ mới đề nghị có đa đảng mà đã bị chỉ trích nặng nề như ông LHĐ trên các báo chí chính thống mà tiêu biểu là bài của ông/bà Trọng Đức, thì tôi tự hỏi làm sao một người dân thường có thể tin rằng chúng ta dân chủ hơn các nước tư bản phương tây được?

Xin trích nguyên văn phần giới thiệu đảng này từ trang web nói trên:

REVOLUTIONARY COMMUNIST COMMUNIST PARTY USA – The RCP is based upon the teachings of the late Chinese Communist Party Chairman Mao Zedong (Tse-tung) — a form of rigid communism derivative of Leninist-Stalinist Marxism. The party strongly denounces capitalism and advocates a “Marxist-Leninist-Maoist Programme” as “a battle plan for destroying the old and creating the new [and] is a kind of road map for how to win the revolution.” Even the RCP’s logo is consistent with the proletarian revolutionary theme (i.e., note the red flag flying from a rifle bayonet). The RCP clearly advocates change through revolution (and various popular front groups), not elections — so don’t look for any RCP candidates on the ballot. The RCP’s most visible activity is running several branches of a store called Revolution Books. RCP Chairman Bob Avakian and his writings also receive extensive coverage on the party’s official site. With Avakian currently hiding underground (he believes the US government is out to kill or jail him), Maoist activist C. Clark Kissinger seems to be running the day-to-day operations of the RCP.  

Tất nhiên, theo những lập luận quen thuộc mà tôi đã được học và được nghe trong suốt gần 40 năm sống và làm việc trong chế độ của ta, tôi nghĩ ông/bà sẽ nói đây có thể là sự dối trá! Nhưng tôi nghĩ, chúng ta không có quyền phỏng đoán và áp đặt điều chúng ta nghĩ lên tư duy của người khác (đặc biệt là người dân ít học hơn chúng ta) mà phải đưa lập luận thuyết phục và chứng cứ chứng minh và phản bác rõ ràng, thì mới có thể làm cho dân tin, và “làm thất bại chiến lược ‘diễn biến hòa bình'” của bọn thế lực thù địch, phản động được, phải không ông/bà Trọng Đức?

Vẫn xin hẹn ông/bà ở những Note sau của tôi.

Phần 3

Thưa ông/bà Trọng Đức,

Tôi đã viết 2 bài khác nhau để trao đổi với ông/bà về bài viết phản biện ông Lê Hiếu Đằng của ông/bà, được đăng trên báo QĐND vào Chủ nhật 18/8, tại đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx.

Lẽ ra, tôi muốn trao đổi kỹ với ông/bà từng điểm một, nhưng do bận rộn, và cũng không muốn làm mất nhiều thời gian của ông/bà, nên tôi xin chốt lại bằng cách nêu những nhận xét góp ý của tôi cho bài viết của ông/bà. Mong được ông/bà xem xét và trao đổi.

Xin nêu luôn ở đây những ý kiến của tôi về bài phản biện của ông/bà. Tôi cho rằng bài viết ấy rất thiếu sức thuyết phục và vì thế không có tác dụng “làm thất bại chiến lược ‘diễn biến hòa bình'” như ông/bà mong muốn, mà trái lại sẽ gây ra tác dụng ngược, có thể làm cho người đọc càng mất niềm tin vào chế độ.

Có hai lý do tôi khiến tôi có những nhận định như trên:

1. Bài viết của ông/bà đưa ra nhiều lời khẳng định mạnh mẽ nhưng hoàn toàn không có chứng cứ, thậm chí là những lời khẳng định sai.
2. Nhiều lập luận trong bài viết không thuyết phục do mơ hồ, lòng vòng và/hoặc thiếu logic.

Dưới đây tôi xin chứng minh hai nhận định nói trên của tôi.

1. Những khẳng định không có chứng cứ, hoặc hoàn toàn sai:

– Liên quan đến việc học hành của tù nhân, ông/bà Trọng Đức đã viết: “trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học”.

Trong bài viết đầu tiên của tôi (ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac.html), tôi đã đưa ra nhiều dẫn chứng ngược lại với điều ông/bà Trọng Đức đã viết. Ngoài ra, ông/bà cũng nên đọc thêm bài viết này của anh Nguyễn Văn Tuấn, một Việt kiều ở Úc, tại đây: http://tuanvannguyen.blogspot.com/2013/08/tu-nhan-va-tu-do-hoc-hanh_19.html.

– Liên quan đến sự tồn tại của các đảng phái trong một nền kinh tế đa thành phần, ông/bà Trọng Đức đã viết: “chẳng có nước nào cho phép […] tồn tại “Đảng của những người làm trong khu vực kinh tế nước ngoài” để bảo vệ quyền lợi cho thành phần kinh tế ấy.” Đây là một ví dụ khác của lời khẳng định không có căn cứ trong bài viết.

Theo tôi, để thuyết phục được người đọc, ông/bà cần đưa ra những dẫn chứng cụ thể, ví dụ các quy định cấm thành lập Đảng của những người làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài, hoặc ít ra cũng phải là những bảng liệt kê các đảng phái chính trị của các nước (chỉ cần một số nước tiêu biểu, những nước thuộc nhóm mà ông/bà cho rằng tự xem mình là khuôn vàng thước ngọc của dân chủ) trong đó cho thấy không hề có đảng phái nào của những người đang làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài. Nếu ông/bà chưa làm điều đó thì lời khẳng định của ông/bà chỉ là lời khẳng định vu vơ, không có giá trị.

Ngược lại, trong bài viết thứ hai của tôi (ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac_20.html), tôi đã đưa ra dẫn chứng về sự đa dạng của các đảng phái chính trị ở Mỹ, trong đó có rất nhiều đảng phái thuộc nhiều quan điểm chính trị và thành phần xã hội khác nhau. Tôi chưa có thời gian để tìm ra được một đảng của những người hoạt động trong khu vực kinh tế nước ngoài, nhưng giả dụ nếu quả thật là không có thì điều đó cũng chỉ cho thấy hiện nay người ta không có nhu cầu, chứ không có nghĩa là không được phép thành lập một đảng như vậy. Chi tiết xin ông/bà xem ở bài viết mà tôi đã dẫn link ở trên.

– Cũng liên quan đến sự tồn tại của các đảng phái chính trị tại Việt Nam, ông/bà đã viết: “Những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều do “tự giải tán” sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có hành động gì gọi là “bức tử” những đảng đó.” Tuy nhiên, cũng như hai ví dụ nêu trên, ở đây ông/bà lại một lần nữa chỉ khẳng định khơi khơi mà không có chút chứng cứ nào để thuyết phục dư luận.

Trong khi đó, tôi biết rất nhiều người dân Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, vẫn đang rất thắc mắc về trường hợp ông Hoàng Minh Chính (đã quá cố) vốn trước đây là Tổng thư ký Đảng Dân chủ. Theo các thông tin rất phổ biến trên mạng thì ông Hoàng Minh Chính đã từng muốn phục hồi đảng Dân chủ nhưng không được Nhà nước VN cho phép. Nếu như Đảng CSVN không “bức tử” Đảng Dân chủ, và khi họ xin giải tán là do họ tự nguyện, thì nay khi họ tự nguyện muốn phục hồi lại thì họ cũng phải được quyền làm điều này chứ?

Xin ông/bà giải thích rõ hơn, và vui lòng cung cấp các chứng cứ. Về phần tôi, tôi xin dẫn lại ở đây một bài viết đã đăng trên Vietnamnet vào năm 2008 liên quan đến đám tang của ông Hoàng Minh Chính để cho thấy quanh vụ Hoàng Minh Chính rõ ràng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng mà nhiều người dân muốn được hiểu rõ hơn: http://vnexpress.net/tin-tuc/ban-doc-viet/doi-dieu-can-trao-doi-qua-dam-tang-anh-hoang-minh-chinh-2107729.html.

– Tiếp tục bàn về đa đảng và mối liên hệ của nó với vấn đề dân chủ, ông/bà Trọng Đức đã viết “Về vấn đề “đa đảng và dân chủ”, báo chí gần đây đã phân tích khá kỹ cả về lý luận và thực tiễn. Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào”.

Theo tôi, lời khẳng định này của ông/bà phạm cả hai lỗi mà tôi đã nêu, tức vừa thiếu chứng cứ vừa sai logic. Về logic tôi sẽ bàn sau. Riêng xét về chứng cứ, tôi muốn ông/bà minh họa cho lời khẳng định của mình bằng thực tế của các quốc gia cụ thể, như ông/bà đã khẳng định: “trên thực tế”. Chẳng hạn, xin ông/bà cho biết những quốc gia nào độc đảng mà dân chủ, những quốc gia nào đa đảng mà độc tài, và những tiêu chí khách quan nào để đánh giá tính dân chủ trong một quốc gia. Có như thế thì những lời khẳng định của ông/bà mới có giá trị chứ không phải là những lời khẳng định khơi khơi, vô căn cứ.

– Về vai trò của quốc hội, ông/bà Trọng Đức đã hai lần khẳng định rằng đó là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Cụ thể, ông viết: “Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân. Và “Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân”.

Cũng vậy, như cách viết quen thuộc của ông/bà, đây chỉ là những khẳng định không có căn cứ và cũng không có lý luận. Về lý luận tôi sẽ trao đổi sau, nhưng riêng về chứng cứ, để thuyết phục xin ông/bà đưa ra những số liệu cụ thể và để chứng minh rằng tuyệt đại đa số nhân dân đã được hỏi và đồng ý với việc duy trì Điều 4 Hiến pháp. Và, theo tinh thần khoa học, được áp dụng trên toàn thế giới trong mọi lãnh vực, để số liệu được khách quan cần có một bên thứ ba đứng ra thu thập số liệu để ngăn ngừa tình trạng “conflict of interest” – tức là bên có quyền lợi liên quan can thiệp để có được những số liệu có lợi cho mình.

Cách làm gần đây của VN – do chính quyền tổ chức, thông qua hệ thống tổ dân phố – là chưa đảm bảo được tính khách quan này. Tuy nhiên, trong trường hợp không có thông tin khác, xin ông cũng cứ cho biết kết quả của đợt lấy ý kiến vừa qua, với những thông tin rõ ràng như phát ra bao nhiêu phiếu, thu lại bao nhiêu, kết quả của từng địa phương, từng thành phần dân số, giới tính, độ tuổi vv. Những thông tin này sẽ giúp cho mọi người tin vào lời khẳng định ở trên của ông/bà, đồng thời cũng giúp Đảng và Nhà nước hiểu rõ nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ dễ dàng hơn trong việc “làm thất bại chiến lược ‘diễn biến hòa bình'” của các thế lực thù địch như lập luận mà mọi người đã rất quen thuộc.

Xin tạm dừng ở đây, và hẹn ông/bà ở kỳ chót.

Phần 4

Thưa ông/bà Trọng Đức,

Xin được trao đổi với ông/bà những ý cuối cùng liên quan đến bài viết của ông/bà trên tờ QĐND ngày Chủ nhật 18/8 vừa qua (ở đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx).

Trong bài trước (bài 3, ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac_5448.html) tôi có đưa ra nhận định rằng bài viết của ông/bà thiếu thuyết phục vì hai lý do, đại ý: (1) các lời khẳng định trong bài viết đa số không có chứng cứ, thậm chí sai hoàn toàn; (2) lý lẽ trong bài viết rất yếu, vì lòng vòng, mơ hồ, hoặc sai logic. Tôi đã nêu ra 4 ví dụ về những lời khẳng định sai hoặc vô căn cứ của ông/bà, mong được ông/bà phản hồi lại.

Dưới đây tôi xin tiếp tục với ý thứ hai, và đưa ra những dẫn chứng cho nhận định rằng bài viết của ông/bà rất yếu về lý lẽ nên không thể thuyết phục được người đọc.

2. Những lập luận mơ hồ, lòng vòng và/hoặc thiếu logic

– Bàn về mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, ông/bà đã viết: “cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng gắn bó với nhau theo hình chóp xuôi. Không phải cơ sở hạ tầng có cái gì thì kiến trúc thượng tầng cũng phải có cái ấy“. Điều ấy có thể đúng, nhưng quá tổng quát, và không thể là cơ sở để kết luận: “vì vậy, chỉ một mình Đảng Cộng sản là có thể tồn tại”. Giả dụ nếu tôi kết luận rằng: “vì vậy, chỉ có đảng nào không phải là Đảng Cộng sản mới có thể tồn tại”, thì có được không? Nếu không, thì tại sao?

Không những yếu về lý lẽ, ông/bà còn bộc lộ rằng mình không nắm vững quan điểm của Marx về các đảng phái chính trị. Marx không hề tuyên bố là chỉ có một mình đảng cộng sản được phép tồn tại, mà ngược lại, trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx đã viết rõ ràng rằng “Những người cộng sản không tạo ra đảng phái chính trị riêng, đối lập với các đảng phái của giai cấp công nhân  khác” (Chương 2, Những người vô sản và những người cộng sản, trích theo trang web marxist.org, đọc ở đây, ngay từ những dòng đầu tiên: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1848/communist-manifesto/ch02.htm).

Trích dẫn ở trên có nhiều điểm đáng chú ý và cần diễn giải kỹ lưỡng hơn, nhưng ít ra nó cho thấy Marx không hề chống đa đảng. Tại sao hiện nay đa đảng lại trở thành một điều dường như cấm kỵ tại Việt Nam, mong ông/bà giải thích rõ hơn.

–  Quay trở lại những gì ông/bà đã viết về vấn đề dân chủ, xin được bàn về phát biểu sau của ông/bà: “dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào”.

Quả thật tôi không hiểu được logic của phát biểu trên. Theo định nghĩa của Đại từ điển tiếng Việt (NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 1998) thì “dân chủ” là “một chế độ chính trị trong đó nhà nước thuộc về nhân dân”. Tôi hiểu nhân dân ở đây đồng nghĩa với toàn dân, chứ không riêng một giai cấp nào. Nhưng theo phát biểu của ông thì dân chủ lại đồng nghĩa với việc chế độ cầm quyền có phục vụ đúng giai cấp nào đó (chưa rõ là giai cấp nào) hay không.

Vậy xin được hỏi ông/bà: một chế độ phục vụ giai cấp nào thì mới được xem là chế độ dân chủ? Mà nếu như thế, liệu nó có giống chế độ phong kiến không, vì chế độ này cũng chỉ phục vụ giai cấp quý tộc phong kiến mà thôi? Ngoài ra, xin ông/bà cho biết chế độ ta (dân chủ gấp vạn lần tư bản) hiện đang phục vụ giai cấp nào vậy? Công nhân? Nông dân? Tiểu tư sản? Tư sản (đỏ)? Tư sản nước ngoài? Tôi băn khoăn lắm, thưa ông/bà Trọng Đức!

– Bàn về Quốc hội, ông/bà đã viết:

Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vừa có quyền lập hiến, lập pháp, vừa có quyền giám sát tối cao, vừa có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. 

Theo tôi, phần này của ông/bà có nhiều điều mơ hồ, khó hiểu, hoặc trái với những logic thông thường. Trước hết, theo tôi hiểu thì ở các nước mà theo lời của ông/bà là “tự cho mình là khuôn vàng thước ngọc của dân chủ”, tỷ lệ các thành phần dân số trong Quốc hội phải đảm bảo tương đối tỷ lệ các thành phần dân số trên toàn dân. Tôi nghĩ điều này là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì nguyên tắc này đã không được áp dụng. Tỷ lệ đảng viên hiện đang chiếm tuyệt đại đa số trong Quốc hội, mặc dù chỉ đại diện cho có vài phần trăm dân số. Trong khi đó, lá phiếu của mỗi đại biểu khi biểu quyết các vấn đề lớn đều có giá trị như nhau. Như vậy, nếu có sự khác biệt trong quan điểm giữa những người không phải là đảng viên và những người là đảng viên thì khi biểu quyết phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về đa số, tức là các đảng viên. Vậy, điều gì đã và đang được thực hiện để đảm bảo quyền đại diện bình đẳng trong Quốc hội khi biểu quyết? Nếu không làm gì, thì dựa vào đâu mà ông/bà vẫn khẳng định là  các tầng lớp nhân dân đều có đại diện của của mọi tầng lớp nhân dân trong Quốc hội, mong ông/bà cho biết.

Ngoài ra, theo Hiến pháp 1992 thì ĐCSVN giữ vai trò lãnh đạo toàn thể xã hội Việt Nam, nhưng bài viết của ông/bà lại khẳng định (xem đoạn trích ở trên) rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Xin ông/bà giải thích cho sự khác biệt này, và xin xác định rõ quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là như thế nào – nói nôm na là ai cao hơn ai?

Tôi còn khá nhiều điều cần bàn về lý lẽ, lập luận trong bài viết của ông/bà Trọng Đức, nhưng viết tiếp e rằng làm mất quá nhiều thời gian của ông/bà và mọi người và của chính tôi nữa. Vì vậy, sau đây tôi xin chỉ phân tích một ý cuối cùng nữa thôi, cũng là ý cuối cùng của ông/bà.

– Bàn về tự do, ông/bà đã viết (xin phép được trích dài cho đủ ý):

Ông Đằng cũng nói, “con người khác con vật ở chỗ là có tự do”. Thiết nghĩ, nếu nói cho đúng hơn phải là “con người khác con vật ở chỗ biết xác lập quyền tự do trong khuôn khổ có sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc và của nhân loại”. Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể “thích làm gì thì làm” như con vật. 

Thực sự tôi rất thất vọng về cách lập luận chụp mũ của ông/bà. Theo tôi hiểu thì ông LHĐ đang nói về tự do thành lập đảng, một điều mà theo ông LHĐ thì Hiến pháp đã cho phép và pháp luật không cấm. Không ở chỗ nào trong bài của ông LHĐ cho phép tôi hoặc ông/bà gắn vào đó ý “tự do cắn xé đồng loại” cả. Với cách hiểu như trên (tự do = tự do thành lập đảng) thì tôi đồng ý hoàn toàn với ông LHĐ; vả lại, chính Đảng và NN ta (mà ông/bà đang cố gắng bảo vệ) cũng đã thừa nhận quyền tự do này

Nếu điều này là không đúng, xin ông/bà hãy đưa ra lập luận và/hay chứng cứ để phản bác điều ấy, chứ không nên bẻ quẹo sang một vấn đề mà người ông/bà phản biện không hề nói, theo kiểu chụp mũ như vậy. Vì làm như thế, dù vô tình hay cố ý, cũng là tạo điều kiện để thế lực thù địch nói xấu chế độ ta đấy ông/bà Trọng Đức ạ.

Phần trao đổi đã rất dài, tôi xin ngưng ở đây, mong ông/bà Trọng Đức dành thời gian đọc và phản hồi đến các bạn đọc. Ngoài ra, tôi xin đề nghị ông/bà chỉnh sửa lại bài báo trước khi có thêm nhiều người phản ứng, hoặc nếu ông/bà thấy không thể chỉnh sửa lại được nữa thì đề nghị hãy rút hẳn bài báo, và xin ông/bà lần sau khi viết thì nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn để tránh tác dụng ngược như bài viết lần này.

Rất mong nhận được phản hồi từ ông/bà, và xin chân thành cám ơn ông/bà Trọng Đức vì đã khơi ra một vấn đề lý thú để trao đổi. Sự trao đổi thường xuyên giữa các quan điểm khác nhau chắc chắn sẽ góp phần vào tiến trình dân chủ hóa VN mà tôi tin là cả tôi lẫn ông/bà đều mong muốn.

V.T.P.A.

Nguồn: http://bloganhvu.blogspot.com/

 

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.