Phát triển ICT và Nghị định 72

Thủ đô Tallinn của Estonia. Ảnh: internet

Giá trị thị trường ICT của thế giới là 3,5 nghìn tỷ đô la. Nếu nghĩ đến chia sẻ miếng bánh đó, hãy bắt đầu như Estonia “internet access to be a human right – truy cập internet là quyền con người”.  Tầm và tâm của giới lãnh đạo trẻ quốc gia này đã giúp cho Estonia từ một nước kém phát triển ở Đông Âu thành một quốc gia giầu có với 21 ngàn đô/người/năm.

Đến bao giờ ICT Việt Nam cất cánh như Estonia, hoặc ít nhất không kém nông dân VN ít học lại xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới?

Câu chuyện phát triển ICT thần kỳ của Estonia – Internet Access to Be a Human Right

Nếu hỏi về ICT (Thông tin và Truyền thông) trên thế giới, quốc gia nào được ngưỡng mộ nhất, tôi chọn 2 nước bé tý: Singapore và Estonia. Trong 30 quốc gia đứng đầu về phát triển ICT, Singapore đứng hàng thứ 12 với dân số hơn 5 triệu, rộng cỡ Sài Gòn mở rộng, GDP cỡ 328 tỷ đô la. Estonia đứng thứ 24 về phát triển ICT, bằng 1/8 diện tích Việt Nam, dân số khoảng 1,3 triệu nhưng GDP có tới 29 tỷ đô la.

Singapore thì ai cũng biết rồi, nhưng đất nước xinh đẹp bên biển Baltic là Estonia đối với người Việt là những kẻ phản phúc trong chiến tranh Xô Đức, bởi nhiều người nhiễm thứ lịch sử được viết bởi người Xô Viết chiếm đóng.

Năm 1993 khi tôi đi làm cho UNHCR (Cao ủy LHQ về người tỵ nạn), có chút tiền mới dám mắc cái điện thoại tại nhà, giá đắt trên trời, với bao thủ tục phiền hà, khai lý lịch như xin vào biên chế.

Vào thời điểm đó, Estonia vừa độc lập được hai năm do Liên Xô sụp đổ năm 1991, quốc gia này cũng ở trạng thái tương tự. Cả nước phụ thuộc vào một điểm gọi đi quốc tế cài đặt tại vườn nhà của ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao, được kết nói với Phần Lan. Thế mà sau hai thập kỷ, Estonia trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Người dùng PC Việt Nam chắc ai cũng biết Skype, phần mềm ứng dụng internet, bao gồm audio, video, nối mạng toàn cầu, miễn phí nếu là máy tính nối với máy tính. 5 triệu người Việt khắp năm châu gọi về gia đình, nói chuyện với người thân cả tiếng mà không mất xu nào, là bởi một trong những dịch vụ do Skype cung cấp.

Năm 2005, Skype chỉ chiếm 2,9% các cuộc gọi quốc tế trên thị trường, nhưng năm 2012 đã lên tới 34%. Ngày 21-2-2011, có tới 27 triệu người dùng kết nối Skype cùng một lúc đã là khủng khiếp. Nhưng đầu năm nay, ngày 21-1-2013, đã có 50 triệu người cùng online.

Ý tưởng Skype bắt nguồn từ dịch vụ chia sẻ file trên internet, do cậu học trò bỏ học là Janus Friis (Đan Mạch) 20 tuổi và Niklas Zennström (Thụy Điển) gần 30 tuổi cùng hợp tác. Nhưng viết phần mềm cho Skype lại do Ahti Heinla, Priit Kasesalu, and Jaan Tallinn, người Estonia.

Bản đầu tiên của Skype đưa ra công chúng vào năm 2003, hơn 1 thập kỷ sau ngày độc lập của quốc gia Baltic nhỏ bé này với sự tham gia đẳng cấp thế giới của nhóm IT ở thủ đô Tallinn.

Năm 2005, Skype được bán cho eBay với giá 2,5 tỷ đô la, và Microsoft mua lại với giá 8,5 tỷ đô la vào năm 2011. Dù rằng trụ sở chính của Skype ở Luxembourg nhưng nhóm lập trình gạo cội phát triển vẫn ở Tallinn và Tartu thuộc Estonia.

Cái bánh gato ICT hiện nay giá khoảng 3,5 nghìn tỷ đô la vẫn là cơ hội cho bất kỳ quốc gia nào. Skype là một trong những ví dụ sống động về cách kiếm tiền trên internet.

Tại sao Estonia lại có thể tiến nhanh như thế sau hai thập kỷ, từ một nước lạc hậu, thành quốc gia đứng đầu về ứng dụng ICT, thu nhập bình quân đầu người 21 ngàn đô la/năm?

Phải nhớ đến công lao của ông Thủ tướng Mart Laar vào năm 1992 sau ngày độc lập nói về nền kinh tế phẳng (flat-lining economy). Ông và chính phủ cho rằng, ICT là chìa khóa tương lai trong phát triển và giúp cho chính thể minh bạch, khó tham nhũng.

Chỉ trong hai năm, chính quyền non trẻ Estonia với đội ngũ cán bộ có độ tuổi trung bình 35 đã cấp cho công dân chế độ thuế phẳng (flat income tax không biết dịch là gì – đại loại để khỏi lằng nhằng trong khai thuế, họ đưa ra vài biểu thuế đơn giản và ai cũng chấp nhận được), tự do thương mại, cấp tiền đầu tư và quan trọng nhất là tư nhân hóa.

Năm 2007, Estonia là quốc gia đầu tiên cho phép bầu cử online với giải băng thông rộng và nhanh nhất thế giới. 1,3 triệu người có thể trả phí đỗ xe trên phố bằng cellphone. Khai và trả thuế cũng online, chỉ mất khoảng 5 phút.  Đăng ký mở công ty, dịch vụ hoàn toàn trên internet, không còn cảnh nằm chờ như thời Liên Xô tối tăm.

Một chính phủ điện tử, văn phòng không giấy (paperless office), ra đời từ những ý tưởng của người có tầm nhìn xa vài thập kỷ, bởi thế hệ lãnh đạo trẻ tin vào ICT, vào Internet, là công cụ cho phát triển. Và họ đã không nhầm.

Theo báo cáo của World Bank năm 2011 có hơn 14.000 công ty mới được thành lập ở Estonia, tăng 40% so với năm 2008. Công nghệ cao chiếm tới 15% GDP, khoảng gần 5 tỷ USD.Giáo dục online đã biến thế hệ trẻ từ chỗ muốn thành sao trên sân khấu những năm 1980, nay mơ ước là doanh nhân trong công nghệ.

Chính phủ trẻ trung Estonia có ý tưởng tuyệt vời là “internet access to be a human right – truy cập internet là một quyền con người”. Wifi miễn phí khắp nơi, những con dấu thô kệch đã bị thay đi, không còn cảnh giấy tờ đánh máy vương vãi trong văn phòng các bộ. Mọi chính sách đều dựa trên sự tiện lợi cho công dân hơn là sự dễ dàng cho người quản lý và tạo kẽ hở cho tham nhũng bởi cán bộ nhà nước, sẵn sàng tha hóa nếu có dịp.

Vài suy nghĩ về Nghị định 72

Về chính trị, xin tránh bàn về tính pháp lý của nghị định và những hệ lụy đối với xã hội, và cả hình ảnh quốc gia đối với thế giới, vì đã có quá nhiều ý kiến rồi. Trong bối cảnh, Việt Nam muốn làm đối tác chiến lược của nhiều nước, kể cả chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang gần đây, với cam kết thảo luận về nhân quyền, thì những nghị định kiểu này chỉ làm cho lòng tin của đối tác suy giảm. Chưa kể tính thực tiễn của nó và kiểu cấm dân có sẵn trong não trạng quan trí thấp.

Về kinh tế, Nghị định 72 sẽ làm ICT của Việt Nam khó mà tiếp cận với thị trường quốc tế.  Ai sẽ nhờ công ty Việt lập trình cho những phần mềm có ứng dụng mang tầm quốc tế nếu internet bị kiểm soát tại nước này. Chia sẻ thông tin online cũng phải xin phép ai đó thì đúng là kiểu đóng cửa tự đốt nhà. Điều gì sẽ xảy ra với Skype và đội ngũ lập trình viên Estonia nếu họ đưa một nghị định tương tự?

Nếu nghĩ đến việc chia sẻ thị trường ICT giá 3,5 nghìn tỷ đô la, hãy bắt đầu như Estonia “internet access to be a human right”.

Việt Nam có hai thế mạnh, nông nghiệp và ICT. Nông nghiệp có hàng ngàn đời ở đất nước này, ICT non trẻ nhưng lực lượng lao động trí thức này đang bị phí hoài.

Đội ngũ BKAV. Ảnh: Bkav web.

Nông nghiệp bị trói suốt mấy chục năm bởi cơ chế hợp tác xã và làm chủ tập thể. Nghèo đói và rách nát đến nỗi lãnh đạo quốc gia đi xin từng bao mỳ nước người cho bò ăn, mang về cứu đói dân. Từ năm 1986 bỏ cái vòng kim cô đó, Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.

Bài học đó có thể dùng cho quản lý internet. Muốn ICT thành mũi nhọn vươn ra biển lớn như nông nghiệp đã đạt được trong vài thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách hãy vì dân thì lối ra của ICT sẽ khác.

Lẽ nào kể từ thời người viết bài này đặt cái điện thoại đầu tiên, đã 2 thập kỷ trôi qua, Việt Nam có xuất phát điểm không khác Estonia về công nghệ, nhưng hiện nước này đã bỏ xa VN tới 20 lần về thu nhập đầu người GDP. Còn ICT thì thua xa bởi tư duy phát triển không khác thế kỷ trước.

“Không quản được thì cấm” là kiểu tư duy lạc hậu, tầm nhìn không vượt qua ngọn cỏ, chẳng đưa quốc gia về đâu, như nông dân xứ này từng trải qua đói khổ, dù sở hữu miền đất giầu có nhất nhì thế giới.

Bao giờ ICT Việt Nam cất cánh? Câu trả lời không thuộc về giới công nghệ, nó nằm ở trong tay những người ngồi salon máy lạnh với những nghị định trên trời.

HM. 7-8-2013

Bài viết có tham khảo thông tin về Estonia trên tờ Economist.

Nghị định 72 quản lý Internet trên trang Chính phủ

Nguồn: http://hieuminh.org/2013/08/06/how-did-estonia-become-a-leader-in-technology/

 

 

 

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.