Blogger Người Buôn Gió
Phải chăng cô là nạn nhân của sự ngăn cản thông tin? Khi chưa có nghị định 72 mới ra vừa xong của chính phủ, cách đây vài năm, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh trên bục giảng, đã gợi ý học sinh của mình chịu khó lên mạng để tìm kiếm thông tin bổ sung cho môn học. Lập tức từ phía tuyên giáo của chính quyền nổi lên một cơn thịnh nộ. Báo Dân Trí lên án hành động này và quy kết cho đó là “đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục”.
Cô giáo Bích Hạnh bị đuổi việc, lâu dần không ai nhắc đến cô nữa.
Một chiều nắng năm 2010, tôi đến Yên Thành của đất Nghệ An, đi theo Lê Quốc Quân về quê hắn dự đám giỗ bố hắn. Quân dẫn tôi đi thăm làng quê hắn, đến một góc làng có một ngôi nhà lúp xúp thì hắn dừng lại ngó vào, qua hàng rào tre mục lưa thưa, tôi thấy một mảnh vườn phía trước trồng rau cải bắp và vài loại nữa.
Quân nói:
– Ông biết cô giáo Bích Hạnh không?
– À tôi có nghe, cô ấy ở Quảng Nam à?
Quân lắc đầu.
– Không, nhà cô ấy ở đây, cô ấy dạy học trong Quảng Nam, nhưng vì bảo học sinh tìm kiếm thông tin trên mạng, bị bọn nó đuổi dạy, giờ về nhà rồi, xin việc chẳng nơi nào nhận.
Quân đẩy cái cổng tre, chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà thấp lè tè, nền đất, trong nhà có bộ bàn ghế cũ để giữa nhà đã long tróc. Ở góc nhà có một bộ máy tính bàn sản xuất từ đời nào, một giá sách nhỏ. Tò mò tôi lại gần ngó vài thứ giấy tờ trên bàn, đó là những tờ giấy của ai đó đang soạn về một chương trình giáo dục.
Nhà chẳng có ai, ở quê người ta thường để cổng như vậy, hơn nữa thì ngôi nhà này có gì mà để trộm bõ công vào lấy. Chúng tôi ngồi ở ghế giữa nhà một lúc, thì cô giáo Bích Hạnh đi từ ngoài cổng qua sân, tay cầm thúng, tay cầm liềm. Quân cất tiếng chào, cô giáo chào chúng tôi, cất đồ vào bếp và quay lên nhà rót nước mời chúng tôi uống. Hỏi thăm công việc, cô cho biết chưa xin được nơi nào, chẳng đâu người ta nhận, giờ về nhà làm ruộng vườn cùng mẹ.
Tôi nhìn thân hình gầy gò, mảnh mai của cô, hình dung người con gái chịu khổ quyết chí học hành đến lúc có bằng thạc sĩ, vừa chớm ước mơ đứng trên bục giảng vài bữa thì bị tai họa giáng xuống. Mọi ước mơ, mọi công sức học hành giờ tan tành. Trở về nhà mẹ bên miếng ruộng, mảnh vườn tần tảo sống qua ngày.
Thế rồi dòng đời trôi, tôi cũng không gặp cô nhiều, thỉnh thoảng lại đi cùng Quân về quê. Chuyện trò hàng xóm, tiện nhắc đến cô thì biết cô vẫn ở nhà làm vườn, ruộng, viết sách gì đó.
Nghệ An xảy ra vụ án chống chính quyền của mười mấy thanh niên xứ Nghệ. Theo dõi tin tức về những người bị bắt, hoàn cảnh từng gia đình, từng con người. Họ ở khắp nơi trên tỉnh Nghệ An, có người ở tít tận cuối tỉnh giáp Lào, người giáp Thanh Hóa. Từ đầu này Nghệ An đến đầu kia hàng trăm cây số. Trên cái xe máy cà tàng tôi đến từng nhà người bị bắt, nghe chuyện gia đình họ. Người con đứa lên ba, đứa trong nôi. Người sắp cưới vợ, người đang nuôi mẹ già, người đang học hành dang dở… tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình họ, để bạn bè và những người quan tâm giúp đỡ là một phần nhỏ tôi thấy sức mình có thể làm được trong lúc họ bị tù đày.
Thế nhưng, giờ tôi thấy mình đã bỏ sót một gia đình. Đó là gia đình cô giáo Bích Hạnh. Thật sự chuyện này tôi cũng mới biết không lâu. Hóa ra trong vụ ấy, có người bỏ trốn được, anh ta đã bị phát lệnh truy nã của cơ an an ninh điều tra Bộ Công an.
Thái Văn Tự, người đã bỏ trốn, nhờ có sự bỏ trốn của anh mà cơ quan an ninh điều tra đã bế tắc không khai thác được thêm thông tin về những người khác nữa. Bây giờ thì chẳng ai biết Thái Văn Tự ở đâu.
Tự là chồng của cô giáo Bích Hạnh. Họ cưới nhau lúc nào tôi cũng không biết, dù tôi có gặp Tự trước đó vài lần. Là một kỹ sư ngành tàu biển, đang có công việc và đồng lương tốt, Thái Văn Tự bỏ việc để theo đuổi con đường mà Tự và những người bạn cùng quê hương đã chọn. Mong cho đất nước có tự do, dân chủ và bác ái.
Giờ thì Thái Văn Tự bặt tăm chim trời cá nước. Những người bạn anh vào tù được người đời nhắc đến, Thái Văn Tự ẩn dật nơi nào không ai rõ, kể cả vợ con anh ta.
Cô giáo Bích Hạnh mang thai và sinh đứa con trai khi chồng cô đang trốn lệnh truy nã, giờ bên mảnh vườn, ruộng xơ xác nắng lửa miền Trung ấy, cái căn nhà lụp xụp thấp tè cũ kỹ ấy phải cưu mang thêm một sinh linh nhỏ bé nữa.
Đằng sau những người đấu tranh, là những mảnh đời, những số phận của mẹ già, vợ dại, con thơ cùng gánh chịu những gian khó với họ.
Thế nhưng đất nước chưa bao giờ dứt những người đấu tranh. Những lớp người này vào tù ngục, lại có lớp khác đứng lên tiếp tục đòi hỏi tự do, công bằng, chủ quyền cho đất nước, cho dân tộc. Sẵn sàng đối diện với thể chế khắc nghiệt luôn đưa họ vào nhà tù hay khắc chế bằng mọi phương thức.
Cảm ơn những người phụ nữ gày gò, sớm hôm bên mảnh ruộng vườn, tần tảo nuôi con. Không một lời ca thán, dãi bày như cô giáo Bích Hạnh. Từng ấy năm qua, một mẹ một con sống nhờ mảnh vườn, ruộng, cô giáo Bích Hạnh âm thầm vượt bao khó khăn mà chưa bao giờ cô muốn kể cùng ai.
Chẳng biết bao giờ cô và cháu nhỏ gặp lại người chồng, để sống yên bình như bao gia đình khác. Con đường phía trước của cô thật mịt mờ, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh ấy vẫn tràn đầy nghị lực sống, vẫn kiên cường đối diện vật lộn với miếng cơm, manh áo hàng ngày như bao thân nhân của những người tranh đấu khác.
Cô vẫn gầy guộc như cánh hạc, giữa cuộc đời giông tố và khắc nghiệt này. Mong cho mẹ con cô vượt qua được mọi gian khó… những gian khó mà chưa ai biết được ngày nào sẽ qua.
N.B.G.
––––––––––––––––––––––––––––––––––
Cô giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet
Báo chí Việt Nam gần đây đưa tin một giáo viên dạy văn tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam, là thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh, bị cho thôi việc vì “sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà Nước.
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-06-04
Cô Hạnh còn bị buộc tội “xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục.”
Chúng tôi liên lạc với nhà giáo này để tìm hiểu sự việc. Cô cho biết, cô tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Đà Lạt với luận văn có đề tài “Hoàng Cầm Trong Tiến Trình Thơ Việt Nam Hiện Đại”. Và cô cũng nói rằng, chính cô đã chọn Quảng Nam làm mảnh đất khởi đầu cho nghề dạy học của mình. Xin giới thiệu bài phỏng vấn của biên tập viên Thiện Giao với cô Nguyễn Thị Bích Hạnh sau đây.
Quyết định này không rõ ràng. Bản thân họ, những người ra quyết định, cũng không hiểu rõ những chuyện giữa tôi và học trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh
Bị điều tra và buộc thôi việc
Thiện Giao: Xin được hỏi, các danh từ “thôi việc”, “đuổi việc”, và “ngưng hợp đồng”, danh từ nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của chị?
Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi nghĩ không có danh từ nào phù hợp với hoàn cảnh của tôi cả.
Tôi nghĩ tôi làm việc với tinh thần nghiêm túc và với tâm huyết của một nhà giáo. Quyết định của Sở Giáo dục làm tôi không hài lòng.
Quyết định này không rõ ràng. Bản thân họ, những người ra quyết định, cũng không hiểu rõ những chuyện giữa tôi và học trò. Họ chỉ nghe thông tin từ học trò, từ công an và từ những người khác. Họ làm việc với nhau rất lâu, và rồi đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi.
Tôi thấy rằng hành động của họ là vi phạm quyền dân chủ và không tôn trọng nhân quyền. Họ xử lý công việc liên quan đến tôi mà không hỏi ý kiến tôi và ngay khi công an điều tra sự việc, họ cũng không gặp tôi. Họ chỉ áp lực sang Sở và Sở đưa đến quyết định như vậy.
Thiện Giao: Cơ quan nào có tiếng nói quyết định trong vụ của chị?
Nguyễn Thị Bích Hạnh: Cơ quan có tiếng nói quyết định trong sự thôi việc tôi là Sở Giáo dục. Nhưng trước đó thì Sở không biết điều gì cả. Công an điều tra trước, điều tra học trò rất kỹ, rất lâu. Sau đó thì họ gặp Hiệu trưởng, làm việc với Giám đốc Sở, và Sở đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi.
Thiện Giao: Giữa chị và trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có hợp đồng làm việc không?
Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi về tỉnh Quảng Nam theo diện thu hút nhân tài. Sở Giáo dục phân tôi về trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
****
Quý vị đang theo dõi cuộc phỏng vấn Đài chúng tôi với cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Bích Hạnh, người vừa bị cho thôi việc tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vì “xuyên tạc đường lối của Đảng … truyền bá trang web phản động …” Thạc sĩ Bích Hạnh cho biết cô khuyến khích học trò chuyên của mình bớt chơi game mà nên dành thời gian tìm kiếm tri thức trên mạng. Cô đã giới thiệu với học trò các website, chẳng hạn talawas, Hợp Lưu, Tiền Vệ. Liên quan đến luận văn thạc sĩ, cô Bích Hạnh cũng nhận định “Nhân Văn Giai Phẩm cùng nhóm Sáng Tạo là 2 nhóm có khả năng cách tân thơ, cách tân nền văn học Việt Nam. Tiếc rằng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã bị dập tắt nhanh chóng…”. Xin tiếp tục theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.
***
Khi dạy xong theo phân phối chương trình, tôi có nói rằng các bạn về nhà, đào sâu, tự nghiên cứu, tự tìm tòi thêm về tác phẩm. Các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu trên mạng vì hiện nay trên mạng có nhiều bài viết đăng tải thông tin rất thú vị.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh
Tuyên truyền chống Nhà nước?
Thiện Giao: Báo chí nói chị có những bài giảng không đúng đường lối chính sách luật pháp của Nhà Nước. Theo trí nhớ, chị có nói những điều như vậy với học trò của mình?
Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi có nói, nhưng với nội dung thế này. Khi lên lớp, tôi dạy bài “Hai Đứa Trẻ”, một bài tiếng Việt, một bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.
“Hai Đứa Trẻ” là bài giảng văn rất hay, nhưng thời lượng không cho phép. Khi dạy xong theo phân phối chương trình, tôi có nói rằng các bạn về nhà, đào sâu, tự nghiên cứu, tự tìm tòi thêm về tác phẩm. Đây là một tác phẩm hay, các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu trên mạng vì hiện nay trên mạng có nhiều bài viết đăng tải thông tin rất thú vị.
Tôi cũng nói không phải bài viết nào trên mạng cũng hay. Có những bài hay, nhưng cũng có những bài chúng ta đọc và chọn lựa thông tin.
Tôi có nói các bạn cần cẩn thận với thông tin trên mạng, vì gần đây “cô đọc một bài viết trên mạng của giáo sư Lê Hữu Mục nói rằng Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác Hồ”.
Tôi nói các bạn cần cẩn thận khi xử lý thông tin. Lúc đó, một em học sinh phát biểu rằng Bác Hồ là thần tượng của cả dân tộc, tại sao lại có thông tin như vậy. Tôi trả lời, rằng “cô tin sự thật, cái đẹp, chân lý luôn luôn tồn tại, cho dù ai đó có tìm cách phủ nhận, nó vẫn tồn tại”.
Tiếp theo, tôi dạy tiết “phỏng vấn và trả lời phỏng vấn”. Tôi nói với học trò, cách trả lời phỏng vấn rất quan trọng. Nó cho người ta biết người trả lời phỏng vấn có kiến thức bao nhiêu, văn hóa như thế nào, văn hóa ứng xử ra sao.
Khi đưa ra quyết định, họ kết tội tôi hạ bệ lãnh tụ và cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài để làm diễn biến hòa bình.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh
Tôi có lấy một ví dụ bên lề, là khi Nông Đức Mạnh ra nước ngoài, có người hỏi “ở Việt Nam nhiều người nói ông là con Bác Hồ, ông nghĩ sao về điều này”. Tôi nói với học sinh, tôi nghe phong phanh ông ta không nói có, cũng không trả lời không, chỉ trả lời “ở Việt Nam, ai chẳng là con, là cháu bác Hồ”.
Tôi chỉ dạy học trò cách trả lời phỏng vấn. Tôi không có ý định nói Bác Hồ có con riêng hay chuyện này chuyện kia. Nhưng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam nói cô Hạnh nói Bác Hồ có con riêng, và Tuyên Ngôn Độc Lập và Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác. Đồng thời còn có một nội dung trong đó cô nói không nên thần thánh hóa Bác Hồ.
Tôi không nói là không nên thần thánh hóa bác Hồ. Tôi nói rằng mọi thiên tài đều là con người. Trước khi nhìn nhận là một thiên tài, hãy nhìn nhận họ dưới góc cạnh một con người để thấy chất người trong con người của họ. Tôi không hề có ý định hạ bệ lãnh tụ hay xuyên tạc, phản động. Nhưng Ban Tuyên giáo kết luận tôi nói 4 nội dung như thế.
Khi đưa ra quyết định, họ kết tội tôi hạ bệ lãnh tụ và cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài để làm diễn biến hòa bình.
Thiện Giao: Bây giờ chị định như thế nào?
Nguyễn Thị Bích Hạnh: Khi nhận quyết định, tôi nghĩ tội này là tội của một ai đó chứ không phải tội mà người ta gán ghép cho tôi. Vì vậy, tôi có ý định viết bài, đăng báo và gởi đơn khiếu kiện lên Sở, yêu cầu Sở giải trình nguyên do dẫn tới buộc thôi việc tôi.
Thiện Giao: Xin cám ơn thời gian của chị.