Suốt cả tuần nay, kể từ khi hay tin người tù lương tâm Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải tuyệt thực để phản đối sự đàn áp, cưỡng ép đầy bất công, bắt ký vào biên bản nhận tội của Trại giam số 6 (Thanh Chương – Nghệ An) thì tôi thường nghĩ đến một bài hát. Đó là bài: NGƯỜI CHIẾN SĨ ẤY.
Bài hát ra đời cách đây vài thập kỷ và đã vang lên trong tâm trí biết bao người con dân đất Việt với những lời ca “ Người chiến sĩ ấy, ai đã gặp anh, không thể nào quên, không thể nào quên!” Cả bài hát toát lên cái thông điệp mà những người từng khoác áo lính được nhân dân ghi ơn bởi “ suốt đời tận trung với nước với dân ”…
Lịch sử của nước Việt là lịch sử của những cuộc chiến tranh cứ tiếp nối nhau với bao đớn đau và những người con nước Việt cũng nổi tiếng “có lòng nồng nàn yêu nước”. Các anh đã không tiếc máu xương, sẵn sàng cầm súng ra trận khi tổ quốc cần. Người tù lương tâm Điếu Cày cũng một thời khoác áo lính (từ 1971-1976). Anh từng là người lính của Sư đoàn 3 Sao Vàng – QĐND VN có mặt trên các chiến trường thuộc bên kia vĩ tuyến 17. Trong cuộc chiến tranh ấy có hàng triệu người chiến sĩ đã ngã xuống, nhiều người đến nay vẫn không tìm thấy xác nên: “ Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ có tuổi 20 thành sóng nước/ vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
Ngày thống nhất đất nước, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải năm xưa không còn là “người chiến sĩ ấy” theo cái nghĩa là cầm súng đánh giặc bảo vệ tổ quốc mà chúng ta lại được chứng kiến một hình ảnh khác của anh khi cái gã kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc là Trung Cộng đã hiện nguyên hình là một kẻ bành trướng nham hiểm. Anh là một trong những người đầu tiên loan tin Việt Nam bị mất Thác Bản Giốc, mất Mục Nam Quan ở biên giới, mất quần đảo Hoàng Sa, mất đảo Gạc Ma, đảo Len Đao… thuộc quần đảo Trường Sa ngoài Biển Đông. Rồi anh thức tỉnh mọi người khi tham gia biểu tình chống Trung Cộng ngay từ năm 2007. Hình ảnh một Điếu Cày (và bè bạn) hiên ngang đứng trên thềm Nhà hát thành phố, tay cầm biểu ngữ bằng 2 thứ tiếng Việt – Trung: HOÀNG SA – TRƯỜNG SA VIỆT NAM CHỦ QUYỀN và TÂY SA – NAM SA TRUNG QUỐC NGỤY XƯNG là một tiếng chuông ngân vang chủ quyền của dân tộc.
Không những thế anh còn là người đi tiên phong trong việc ngăn cản lễ rước đuốc ở TP HCM trước thềm thế vận hội Bắc Kinh 2008. Anh thể hiện tình yêu của mình cho MẸ Việt Nam bằng nhiều cách. Chúng ta thấy một Điếu Cày khi thì mặc áo thun trắng mang dòng chữ: VIỆT NAM MUÔN NĂM, giữa là hình tổ quốc với chữ S, dưới là dòng chữ: BỌN TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC HÃY CÚT KHỎI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA. Hay hình ảnh anh đội chiếc nón bảo hiểm (miệng cười tươi), chiếc mũ in đậm dòng chữ HOÀNG SA và TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM. Đấy, người chiến sĩ Điếu Cày đã truyền đi thông điệp về chủ quyền biển đảo quê hương bằng mọi phương tiện. Thế thì thử hỏi Điếu Cày có yêu nước không? Hỏi cũng chính là trả lời.
Lúc này, khi tôi – nước mắt nhòe kính – đang gõ những dòng chữ về anh, thì anh Điếu Cày của chúng ta đang chịu cảnh đọa đầy, mạng sống chỉ còn tính từng giờ… Anh Điếu Cày ơi! Tất cả những ai đã từng nhìn thấy anh trên Internet, những công dân mạng có lương tâm thì đều là những người “ai đã gặp anh, không thể nào quên, không thể nào quên” anh ạ. Vâng, làm sao quên được khi anh là người đầu tiên (và rất quyết liệt) cất tiếng cảnh báo về sự xâm lăng bờ cõi của ông bạn hàng xóm phương Bắc tham lam xấu bụng này. Có lẽ anh đã rất nhạy cảm và tỉnh táo để sớm nhận thấy cái bộ mặt tốt giả đểu thật của Trung Cộng mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết: “Đất nước đang treo trên sợi chỉ mành /sợi chỉ mành 16 chữ vàng và dối lừa 4 tốt/ có kẻ rước giặc lên bàn thờ/ xì xụp lạy khấn tàn nhang chủ nghĩa/ những giáo điều làm cơm nguội bơ vơ”…
Nhớ anh, tôi đọc lại bài thơ “Đau đáu Hoàng Sa”, để một lần nữa khẳng định những việc làm của anh là hành động của người con yêu của tổ quốc. Điếu Cày của chúng ta mãi mãi là một vầng thái dương tỏa sáng, soi đường cho thế hệ trẻ tiếp bước. Bởi cái chân lý “người yêu nước có thể bị giết nhưng tình yêu tổ quốc của một dân tộc là bất diệt”. Và bài thơ Hoàng Sa cứ văng vẳng trong tôi: “ Hoàng Sa ơi! Đảo Hoàng Sa ơi! Một mảnh giang sơn đã mất rồi/ta như mất cả phần da thịt/ Tổ quốc còn đau một góc trời/ vẫn nhớ Hoàng Sa! Ôi Hoàng Sa/ trận chiến năm xưa máu lệ nhòa/ sao không giăng trận cầu phao cũ/ chôn xác quân thù trận Đống Đa/ Hoàng Sa! Hoàng Sa! Ta vẫn đau/biển như còn đó máu loang màu/ máu ai thắm giữa lòng hải đảo/ xương trắng ai chìm giữa biển sâu?/ Hoàng Sa! Hoàng Sa! đã mấy trăng?/sao không là sóng dậy Bạch Đằng!/ sao không báu kiếm, lời sát Thát!/ sao sóng muôn trùng không thét vang???
Sài Gòn 7/2013
K.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN