Chưa thấy “sự cần thiết khách quan” ư?

Gần đây, sau khi TS luật Cù Huy Hà Vũ lên tiếng rằng thời đại Hồ Chí Minh là thời đại đa đảng, hai chữ “đa đảng” bỗng được bàn đến nhiều, thậm chí một vị quan chức không mấy khi thấy đề xuất được một vấn đề lý luận gì cho hẳn hoi cũng nói đến “đa đảng”. Cởi mở thay!

Nhưng câu chuyện “đa đảng” không phải là một cái cớ cho ai đấy nói năng không nghiêm túc, hoặc gượng gạo chống chế, mà cần có chủ thuyết và có cả thực tế kiểm nghiệm trong lập luận. Bài viết dưới đây là một ý kiến riêng của tác giả, mong góp phần soi tỏ vấn đề, nhìn ở thời điểm hiện tại với nhiều điều ngôn ngang, bức xúc.

Bauxite Việt Nam

Trả lời phỏng vấn trong chuyến công du Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu một câu lập tức thu hút dư luận: Hiện ở Việt nam, xã hội ổn định, phát triển đạt kết quả, đời sống nhân dân được cải thiện, đất nước đang đi lên, quốc hội ngày càng dân chủ, chế độ một đảng vẫn là hiệu quả nhất. Ông kết luận: riêng tôi, tôi nghĩ không phải nhiều đảng thì nhiều dân chủ, tôi chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng.

Lời phát biểu này của ông Nguyễn Phú Trọng  thực ra chỉ là nhắc lại một câu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh 20 năm trước, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 2 năm 1990.

Ông Linh đã viết:” Về nguyên tắc, Cộng sản và Đa nguyên đa đảng không loại trừ nhau. Liên xô trước đây, Việt nam trước đây đã từng Đa đảng.  Nhưng trong điều kiện Việt nam hiện nay cũng như trong tương lai, KHÔNG CÓ SỰ CẦN THIẾT KHÁCH QUAN  nào để tạo dựng nên các đảng phái chính trị đối lập…”

Câu nói của ông TBT thuở ấy đã được Hà Sĩ Phu phân tích từ cách nay mười mấy năm rồi (Thư viện Hà Sĩ Phu, http://hasiphu.com/ll3.html , Phần IV : Đổi mới là tự vượt qua mình).

Không chấp nhận đa đảng vì không thấy có sự cần thiết khách quan, đó là “luận cứ” cơ bản, có vẻ tôn trọng khách quan, để Đảng CSVN bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối, rõ ràng không phải của riêng ông Nguyễn Phú Trọng. Ở cương vị phải bảo vệ nguyên vẹn sự lãnh đạo của Đảng thì khó lòng có thể nói khác !

Tính chất không chính đáng của lập luận này là ở chỗ: chính người của Đảng độc quyền lại nói rằng ngoài Đảng của mình ra không cần có đảng nào khác, thì đấy là ý kiến rất chủ quan nhưng lại làm như căn cứ theo “nhu cầu khách quan”.

Chuyện độc đảng không phải là cái gì bất biến, đa đảng lại càng không phải điều nguy hiểm cấm kỵ. Vào thời Hồ Chí Minh thì nước ta là đa đảng rồi sau đó mới chuyển thành độc đảng đấy chứ. Dẫu đa đảng thời ấy có những điều làm ta không vừa ý thì cũng phải nói cụ Hồ đã có viễn kiến, ít nhất là về mặt tâm lý. Vậy trong bối cảnh rất mới của thế giới hôm nay, hãy thử xem đã có “sự cần thiết khách quan” phải xét lại nền chính trị mác-xít độc đảng hay chưa?

Trong điều kiện một đảng đã nắm quyền tuyệt đối từ rất lâu, ý kiến một chiều đang làm chủ xã hội, muốn biết “nhu cầu khách quan” thế nào thì phải khảo sát xã hội một cách chân thực, phải hỏi những người ngoài Đảng, những người có ý kiến khác với Đảng, những người là nạn nhân của tình trạng tham nhũng và phi dân chủ mà chế độ độc đảng tạo ra, những người chỉ vì yêu nước và phê phán hậu quả của đảng độc quyền mà bị trừng trị, phải hỏi đông đảo dân chúng Việt Nam (với điều kiện được phát biểu tự do)… Xin thưa, những tiếng nói phản biện đã rất nhiều, nhưng đối với các quan chức của Đảng thì những tiếng nói ấy hoàn toàn không phải là “sự cần thiết khách quan” từ trong dân chúng, bởi quý vị đã đẩy những ý kiến ấy ra ngoài phạm vi dân chúng, quy thành “những luận điệu sai trái và thù địch”.

Cứ cho rằng những ưu điểm xã hội ổn định và đang có tiến bộ như ông Chủ tịch Quốc hội kể ra là có thật, nhưng còn một lô vấn đề ở mặt trái, còn những vấn nạn như tham nhũng, nạn không dân chủ trong Đảng và trong xã hội, nạn mua quyền bán chức, nạn dối trá và suy đồi đạo đức, nạn đổi biên cương và tài nguyên đất nước để thu lợi riêng nhất thời (mà dân chúng không ai ngăn cản được), nạn đưa đất nước trở lại vòng tay của kẻ xâm lược truyền kiếp ở một số người nào đó, nạn làm cho dân tộc bị tủi nhục…, tất cả những tha hóa do quyền lực bị tập trung và độc chiếm mà ra, dân cũng trở thành một thứ “dân bù nhìn”, thì sao?

Những vấn nạn ấy gây ra chính do tình trạng độc đảng, phát xuất từ lý thuyết “chuyên chính vô sản” (một lý thuyết đến nay đã bị vượt qua) cho thấy nhu cầu phải có nhiều hơn một đảng để dân chọn lựa đã là nhu cầu cấp thiết trước mắt. Nhu cầu khách quan này chẳng những đã có mà đã tích lũy, đang tồn đọng, dồn nén như một “nút cổ chai” đòi được giải tỏa để lưu thông. Còn như nói có nước nhiều đảng vẫn không dân chủ thì câu trả lời quá đơn giản: đa đảng dứt khoát là một điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện đủ, cần những nhân tố khác nữa.

Không thể cứ một mặt “bóp chết” sự xuất hiện của bất cứ tổ chức nào có thể cạnh tranh với mình, rồi một mặt lại bảo: đấy ngoài đảng của tôi ra có thấy xuất hiện lực lượng nào có khả năng đâu?

Tóm lại, thật nực cười khi một TÁC NHÂN lại nói thay NẠN NHÂN một cách “khách quan” rằng tôi thấy cứ như thế này là hợp lý rồi, là tốt nhất rồi! Nạn nhân lớn nhất ở đây chính là toàn dân tộc và vận mệnh đất nước.

Ta chưa cần phê phán sự cố thủ quyền lực mà hãy cười cho sự kém minh mẫn của người nói, đánh tráo chủ quan thành khách quan, bởi người nói lại chính là người đang nắm quyền lực.

Không có cái thứ hai, thứ ba để đối chứng mà cứ tự tiện kết luận “chế độ một đảng vẫn là hiệu quả nhất thì mọi khoa học đành chịu thua.

Có ai đó trên một trang mạng nào đó đã mạnh dạn mô tả tình trạng quyền lực “cùng đinh lưu manh cấu kết với trí thức nửa mùa”, nói như thế có hơi sỗ sàng nhưng cũng thật đáng cho nhau… đau lòng – bình tâm , suy nghĩ, bởi thuốc đắng bao giờ cũng dã tật.

VQU (3-3-2010)

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Đảng CSVN and tagged . Bookmark the permalink.