Trình độ học vấn, tuổi tác và giới tính của nội các Chính phủ Na Uy

Đem một Nhà nước như Na Uy so sánh với Nhà nước Việt Nam thật như đôi đũa lệch, so làm sao được. Một bên người ta đi xe hạng sang nhất nhì thế giới, hễ đi đâu giữa cái thành phố đông nghẹt người này thì hàng đoàn xe cảnh sát tuýt còi từ hàng cây số làm mọi người chạy dạt ra xa, ùn tắc hết mọi ngả đường; vận chuyển từ nước này sang nước khác thì có chuyên cơ dành riêng, từ Hà Nội vào Sài Gòn cũng đi máy bay đặc biệt, ít nhất thì cũng ngồi hạng vip mà nếu thiếu chỗ thì đuổi luôn cả vị khách Chính phủ nước ngoài đã lỡ mua phải cái vé vip đó từ trước. Có đâu phải nếm mùi xe bus hoặc gò lưng trên xe đạp đến công sở, làm thế nó xấu mặt đi.

Còn về bằng cấp ư? Người ta đang có kế hoạch Tiến sĩ hóa toàn bộ những cái ghế ở tòa Thị chính giữa Thủ đô này, nói chi đến những cái ghế trong Thủ tướng phủ và Chủ tịch phủ. Đem mấy cái bằng quèn Cử nhân, Cao đẳng, thậm chí Thợ hàn ra thì hỏi ăn ai mà cũng dám khoe.

Có giỏi thì cứ khoe nữa đi. Bệnh viện bên ấy chắc vắng teo, chẳng ma nào thèm vào, còn ở bên này a, đông nhất thế giới đấy, 3, 4 bệnh nhân chen nhau một giường, có hấp dẫn như thế nào người ta mới tranh nhau đến nghìn nghịt như vậy chứ? Và trường học nữa. Mới tuổi mẫu giáo đã phải đóng tiền đấy, nếu không thì lấy đâu ra chỗ cho các em, đâu phải như bên ấy đến hết trung học cũng còn miễn phí (ngày xưa thằng Pháp chẳng gọi khinh rẻ những bệnh viện miễn phí là nhà thương thí là gì?). Rồi nữa, nước người ta là nước trọng lao động, các cụ già tám, chín nươi đều vẫn hăng hái lao động để kiếm tiền nuôi con cháu mình (không tin cứ về tận các vùng sâu vùng xa ở nông thôn mà quan sát), chứ đâu phải như ai mới sáu mươi đã kéo nhau vào nhà dưỡng lão nằm khểnh. Quan điểm lao động thế là có vấn đề đấy.

Cứ chờ một thời gian nữa mà xem, định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ đưa dân ta đặt chân mấp mé lên bờ vực thiên đường, lúc ấy chắc Na Uy phải cho khối người sang đây mà học kinh nghiệm cũng chắc gì đã đuổi kịp.

Bauxite Việt Nam

Bài này của tác giả Nguyễn Quang Minh gửi và nhờ tôi đăng hộ để bạn đọc có thêm thông tin đa chiều. Thông tin ở đây là câu chuyện về học vấn của các Bộ trưởng bên Na Uy. Tác giả là người đã định cư ở Na Uy trên 30 năm, hiện đang làm trong lĩnh vực tài chính dầu khí và kinh tế, nên cũng biết tình hình bên đó.

Tôi cũng có vài “connection” với Na Uy và nghe nói nhiều về xứ sở tuyệt vời này. Lab [Phòng thí nghiệm] tôi từng có một chị postdoc [sau Tiến sĩ] người Na Uy làm việc 1 năm, chị ấy đã về nước, nhưng sẽ quay lại trong năm nay để theo đuổi một dự án về vitamin D. Một Bác sĩ sản khoa khác có nghiên cứu về xương cũng từ Na Uy sang Úc và làm với tôi trong vài dự án di truyền học. Mới tuần trước, một anh bạn đang làm ở Đại học Oslo rủ đi ăn tối, và anh cho biết đang hướng dẫn một Bác sĩ VN họ Nguyễn ở Na Uy học Tiến sĩ. Nghe lời mấy người này kể tôi tưởng tượng Na Uy là xứ… xã hội chủ nghĩa, có vẻ Chính phủ bên đó chăm sóc dân họ còn hay hơn so với Úc!

Tuy nhiên, nhiều người bạn Thụy Điển của tôi cho rằng Na Uy là xứ rất giàu, nhưng rất… hà tiện. Một anh bạn Bác sĩ giải phẫu người Thụy Điển từng qua đây làm postdoc trong lab tôi 1 năm nói đại ý là: “Na Uy là nước rất giàu vì họ bán dầu hỏa, nhưng họ rất hà tiện”. Anh ta còn nói cái cầu hay đường nào đó nối liền 2 nước, chủ yếu là Thụy Điển chi tiền, chứ chính phủ Na Uy chi rất ít. Thấy tôi bán tín bán nghi, anh ấy khuyên tôi thử qua đó một lần sẽ thấy đường sá Na Uy tồi lắm, vì Chính phủ hà tiện. Chữ hà tiện được lặp đi lặp lại mãi làm tôi nghĩ đến Na Uy là nghĩ đến… hà tiện. Nay đọc bài của anh Minh thấy nói Bộ trưởng đi xe đạp thì tôi thấy chắc họ hà tiện thật, nhưng tôi rất nể phục ông Bộ trưởng này. Người ta giàu mà còn tiết kiệm thế, còn ta thì nghèo mà đòi chơi sang! Ước gì các Bộ trưởng bên ta cũng như vậy nhỉ? Nhưng thôi, đây là chuyện dài nhiều tập. Bây giờ tôi mời các bạn đọc bài của tác giả Nguyễn Quang Minh. Xin cám ơn anh Nguyễn Quang Minh.

Nguyễn Văn Tuấn

Đất nước Na Uy.

Đất nước Na Uy.

Trước hết, tôi phải cám ơn ông NVT, Tuan´s blog, tác giả bài “Trình độ học vấn của các bộ trưởng Việt Nam, Mĩ và Úc”, đăng trên www.boxitvn.net ngày 10.02.2010 đã gợi ý cho tôi viết bài này.

Xin được cung cấp một số chi tiết lý thú về Chính phủ Na Uy hiện nay, để bạn đọc có cái nhìn rộng hơn mà so sánh.

Na Uy là một nước quân chủ lập hiến. Dân số 4,5 triệu. Vua đại diện và biểu tượng cho uy quyền tối cao của quốc gia. Nhà vua không tham chính. Na Uy là thành viên khối NATO nhưng không gia nhập Liên minh Âu Châu, EU. Chính phủ Na Uy hiện nay điều hành bởi Thủ tướng Jens Stoltenberg. Đây là nội các thứ ba của ông (nhiệm kỳ 2009-2013), gồm liên minh của 3 đảng Lao động (AP), Xã hội cánh Tả (SV) và Trung tâm (SP, thường đuợc hiểu là đảng của giới nông dân). Do đó, báo chí thường gọi là chính phủ Đỏ-Xanh (xanh lá cây, red-green government).

Nội các của Thủ tướng Jens Stoltenberg gồm 20 bộ, chia đều 10 phái nam và 10 nữ. Cao tuổi nhất 68 và trẻ nhất 33.

Năm 2007, lần đầu tiên trong lịch sử Na Uy, phụ nữ chiếm đa số trong nội các Chính phủ, 10 trên 19 (Nội các Jens Stoltenberg 2005-2009).

Điều thú vị thứ nhất là không có ai có bằng Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ (nữ), hơn 2/3 Cử nhân và 2 Bộ trưởng bậc phổ thông trung học, 2 Bộ trưởng chưa xong đại học, chỉ có vài chứng chỉ vắt vai.

Điều thú vị thứ hai là Bộ trưởng Quốc phòng lại giao cho phái nữ, bà Grete Faremo, nguyên là một Luật sư. Nhiệm kỳ trước, cũng nội các Jens Stoltenberg, tiền nhiệm Bộ này cũng do phái nữ. Bà Anne-Grete Strøm-Erichsen, nguyên là Kỹ sư vi tính, hiện nay chuyển sang Bộ Y tế và An sinh.

Điều thú vị thứ ba về ông Bộ trưởng Bộ Viện trợ và Môi trường, Erik Solhiem, năm nay 55 tuổi. Ông Erik đã từng là Chủ tịch đảng SV năm 32 tuỗi (1987). Hình ảnh ấn tượng về ông Erik là sự đơn giản chân phương. Lưng đeo ba lô, tay trái đẩy xe em bé phía trước, tay phải dắt con, trên đường về từ nhà trẻ, vừa đi vừa trả lời phỏng vấn báo chí đài truyền hình. Ông Erik đã từng là Bộ trưởng Viện trợ và Phát triển quốc tế qua nhiều nội các. Ông Erik ăn mặc đơn giản, ít khi diện complet cravat như trong Hội nghị thế giới về khí hậu Copenhagen vừa qua.

Điều lý thú thứ tư, Bộ trưởng Tài chính, ông Sigbjørn Johnsen, năm nay 60. Năm 1990, lúc đó 40 tuổi, ông đã là Bộ trưởng Tài chính trong nội các của bà Gro Harlem. Ông Sigbjørn chỉ có trung cấp tài chính-kế toán.

Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ trước là bà Kristin Halvorsen, 50 tuổi, có vài chứng chỉ về sư phạm xã hội và phạm tội học, chưa có văn bằng tốt nghiệp đại học. Hiện nay, bà Kristin nắm giữ Bộ Trung Tiểu học và Tay nghề (dịch đúng từ, là bộ Kiến thức, gồm bậc mẫu giáo, trung tiểu học và giáo dục tay nghề chuyên môn). Bộ này là phần tách ra từ Bộ Giáo dục trước đây. Bà là Chủ tịch Đảng Xã hội cánh Tả (SV), từ khi 37 tuổi.

Hiện nay có 2 bộ phụ trách về giáo dục. Bộ Trung Tiểu học & Tay nghề và Bộ Đại học và Nghiên cứu.

Bộ Đại học và Nghiên cứu cũng do phái nữ, bà Tora Aasland, có bằng Cử nhân xã hội học, từng là Phó chủ tịch QH năm 47 tuổi. Bà Tora là người lớn tuổi nhất nội các hiện nay, sinh năm 1942, trong khi Bộ trưởng trẻ nhất là Audun Lysbakken, 33 tuổi. Ông Audun Lysbakken được bầu vào QH khi mới có 24 tuổi (2001).

Bộ Công thương do ông Trond Giske, 44 tuổi, đã từng là Bộ truởng Văn hóa & Giáo dục dưới nội các của Chính phủ Jens Stoltenberg (nhiệm kỳ 2000-2001), khi mới có 34 tuổi. Đại biểu QH năm 31 tuổi. Có bằng Cử nhân.

Bộ Giao thông hiện nay cũng do phụ nữ nắm, bà Magnhild Kleppa, 62 tuổi. Bà Magnhild trước đây là Bộ trưởng Xã hội, năm 1997, có bằng Cao đẳng sư phạm, xuất thân từ cô giáo cấp II tỉnh lẻ.

Bộ Dầu hỏa và Năng lượng do ông Terje Riss-Johansen, 42 tuổi, đã từng làm Bộ trưởng Nông nghiệp năm 37 tuổi. Ông tốt nghiệp trung cấp nông lâm, sau đó Cao đẳng nông lâm.
Điều lý thú thứ năm. Bộ Văn hóa do bà Anniken Huitfeldt, 41 tuổi, đã là Bộ trưởng lúc 38 tuổi. Bà Annikken là một trong 4 nữ Bộ trưởng, Thứ trưởng cùng sinh con khi đang tại chức trong nội các trước của Jens Stoltenberg.

Điều lý thú thứ sáu về thủ tướng Jens Stoltenberg, 51 tuổi. Tốt nghiệp kinh tế vĩ mô Đại học Oslo. Làm Thứ trưởng Bộ Môi trường năm 31 tuổi (1990), Bộ trưởng Công nghệ và Năng lượng năm 34 tuổi (1993), ông trở thành Thủ tướng năm 2000, khi vừa bước qua tuổi tam thập nhi lập, 41 tuổi. Khi không còn làm Thủ tướng, trở về QH làm việc và với cương vị Chủ tịch đảng Lao Động (AP, đảng lớn nhất, khuynh huớng xã hội và từ sau Thế chiến thứ II, đóng vai trò chủ chốt trong việc hình thành Na Uy thành một quốc gia có mô hình an sinh xã hội mẫu mực nhất thế giới như hiện nay), ông Jens vẫn thường đi làm bằng xe lửa, xe điện… Mùa hè có hôm ông đi xe đạp. Tôi nghĩ là không có một lô an ninh bảo vệ chạy theo như bên Mỹ.

Ông là một người có cung cách bình dân, thường xuyên tranh luận trên TV về đủ mọi đề tài, với đủ mọi giới, viết facebbook , có webside riêng http://www.jensstoltenberg.no/ .

Thủ tuớng và các Bộ trưởng thường xuyên tham dự các buổi tranh luận đa phuơng (báo chí, đảng đối lập và các tổ chức nghề nghiệp đối trọng hay giới chuyên môn) gay gắt trên TV về những vấn đề thời sự nóng bỏng. Qua thăm dò dư luận, cuộc bầu cử QH nhiệm kỳ 2009-2013 vừa qua, người ta bầu cho Đảng Lao động, đơn vị Olso nơi ông ra tranh cử, vỉ uy tín cá nhân của ông nhiều hơn là chính sách của đảng.

Tôi không có tài liệu thống kê hay kết luận khoa học nào cho rằng thành phần Bộ trưởng có bằng cấp cao như Tiến sĩ, Thạc sĩ , già trẻ hay đa số nam giới sẽ điều hành đất nuớc giỏi hơn.

Đại đa số các Bộ trưởng của Na Uy khởi nghiệp chính trị từ lúc còn trẻ, thành phần ưu tú từ tổ chức thanh niên của đảng.

Na Uy có 6 đảng lớn, trong đó phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo 4 đảng.

Phần đông có kinh nghiệm sinh hoạt nghị trường truớc khi làm Bộ trưởng. Vì vậy, các Bộ trưởng có khả năng đối thoại chuẩn mực, tranh luận và hòa giải rất tốt. Họ sinh hoạt và tiếp xúc với mọi giới một cách bình dân, phong cách đơn giản như trong sinh hoạt đời thường.

Điểm nổi bật họ có khuynh huớng dân chủ xã hội và công bằng xã hội qua việc điều chỉnh chính sách thuế và an sinh hàng năm. Dù không có được học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ như phần đông Bộ, Thứ trưởng Việt Nam, nhưng có có tầm suy nghĩ chiến luợc khá khôn ngoan về phát triển đất nước và ổn định “xã hội an sinh”, vốn là một gánh nặng chi phí công, dù chỉ có 4,5 triệu dân. Xin dẫn chứng thí dụ, để các nhà quyết định chính sách vĩ mô Việt Nam có thêm một thông tin cụ thể khác về thế nào và làm sao khai thác và sử dụng tài nguyên đất nuớc (dầu khí, than, bauxite, rừng…).

Na Uy là một nuớc sản xuất dầu khí khoảng gần 40 năm trở lại đây, đi trước VN khoảng vài năm. Ngân sách hàng năm tùy thuộc vào các khoản thu từ hoạt động dầu khi chiếm khoảng 30 % và tổng sản lượng quốc gia trên 35%. Hoạt đông dầu khí có một số nét nổi bật: huy động vốn đầu tư rất lớn, trình độ khoa học kỹ thuật rất cao, giá dầu thường xuyên bất ổn và tài nguyên cạn kiệt sau khi khai thác. Để giải quyết hai vấn nạn sau, họ hình thành những hướng đi sau đây.

Duy trì mức hoạt động thăm dò, phát triển mỏ và sản xuất dầu khí ở mức độ vừa phải, để có “của hồi môn” dành cho thế hệ mai sau. Tiềm năng dầu khí của Na Uy hiện nay còn rất lớn.

Mười mấy năm trở lại đây, cán cân thương mại quốc tế của Na Uy bội thu. Ngoài khoản thuế từ dầu khí (thí dụ năm 2008, chiếm 57% thu về cho ngân sách là 245 tỷ đồng norsk kroner (NOK), tương đuơng 40 tỷ USD, nhà nuớc còn tham gia vốn trực tiếp (the Stat’s direct financial interest, SDFI, thiết lập vào năm 1985) vào hoạt động dầu khí. Sự tham gia trực tiếp đã mang lại một khoản thu khổng lồ nữa, gọi là “lãi dầu khí”. Nhà nuớc Na Uy không đụng đến cái khoản lãi này, mà họ tung ra đầu tư trên thị trường tài chính thế giới. Xin nói thêm, tỷ lệ thất nghiệp tại Na Uy thấp, duy trì dưới 1%. Tình hình nhân dụng gần như bão hòa và cơ cấu ngành nghề cân đối, không thể dùng nó vào tái đầu tư nội địa.

Họ lập ra một ủy ban chuyên trách “cái quỹ” này. Truớc đây gọi là Quỹ Dầu khí, Petroleum fund, bây giờ gọi là Pension fund, Quỹ Hưu bổng-Nước ngoài (để phân biệt Quỹ Hưu bổng nội địa), cho hợp với thông lệ tài chính quốc tế. Có mấy lý do chính khi lập ra cái Quỹ này.

Tiền thu về từ hoạt động dầu khí không thuộc riêng về thế hệ hiên tại, mà thuộc về nhiều thế hệ mai sau. Thế hệ cha anh có trách nhiệm quản lý “cái đồng tiền từ vàng đen”cho thế hệ mai sau vì tài nguyên quốc gia dần dần thu hẹp do việc khai thác. Quỹ Dầu khí được hiểu như một hầu bao an toàn, bảo đảm duy trì xã hội an sinh (welfare society) và ổn định đời sống kinh tế quốc gia khi mà giá dầu khí xuống quá thấp như đã từng xảy ra.

Năm 1996, Na Uy lập ra Quỹ Dầu khí. Lúc đó, giá trị chia cho mỗi người dân đuợc 10.000 NOK (tương đuơng 1.700 USD) với dân số 4.5 triệu.

Sau 10 năm, giá trị Quỹ lên đến 1.660 tỷ NOK, vị chi 360 000 NOK đầu người (tương đương 60 000 USD). Thời điểm này, giá trị Quỹ Hưu bổng-Nuớc ngoài của Na Uy lớn nhất Âu Châu và Mỹ, vượt qua Quỹ Hưu bổng ABP dành cho giáo chức & công chức của Hà Lan và Quỹ Hưu bổng dành cho công chức tiểu bang California, Mỹ, theo báo cáo của công ty tư vấn Watson Wyatt, London, Anh Quốc. Giá trị Quỹ Hưu bổng dành cho công chức của Nhật được đánh giá là lớn nhất thế giới, 7 000 tỷ NOK (khoảng 1.116 tỷ USD) nhưng nếu tính theo đầu người, Na Uy vẫn cao hơn.

Dự báo vào cuối năm 2009, giá trị tăng lên đến 3.000 tỷ NOK (= 500 tỷ USD), trong đó, chỉ riêng năm nay, quỹ mang lại lợi nhuận là 529 tỷ NOK (= 88 tỷ USD). Giá trị Quỹ chia đầu người là 670.000 NOK (= 110.000 USD).

Hiện nay, tại Việt Nam đang bàn tới việc lập Quỹ Bình ổn lúa gạo. Đây là một chiến luợc khôn ngoan, cần thiết cho một nuớc xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới.

Truớc khi chấm dứt bài viết, tôi xin phép đuợc tản mạn hai câu chuyện duới đây, tuởng chừng rời rạc và nghịch lý nhưng thực ra là một.

Câu chuyện thứ nhất. Thực ra, cũng có Bộ trưởng có học vị Tiến sĩ trong nội các trước đây không lâu. Ông tên Victor D. Norman, sinh năm 1946. Tốt nghiệp BA ưu hạng và MA đại học Yale cùng năm 1969. Ông lấy Ph.D. tại Massachusetts Institute of Technology năm 26 tuổi (1972). Ông là một Giáo sư kinh tế danh tiếng và nguyên là Hiệu trưởng một trường kinh tế cũng danh tiếng nhất Na Uy. Ông là tác giả nhiều tài liệu giá trị và sách vở về kinh tế. Chưa từng tham gia nghị trường. Ông phụ trách Bộ Lao động nhưng điều hành không nổi bật như ông dạy học. Ông xin từ chức giữa nhiệm kỳ vì một chuyện cỏn con. Số là, ông quên hẳn bài học Tài chính công nhập môn. Dư luận báo chí và phe đối lập phê phán văn phòng Bộ của ông chi tiêu hoang phí. Hóa đơn dành cho tiếp tân, ăn uống đắt tiền tại các nhà hàng sang trọng quá mức, trong khi chi phí tiếp tân bộ Ngoại giao chỉ bằng 20%. Thêm một “tai nạn” nhỏ khác, có bé xé ra to. Thú tiêu khiển của ông là chơi đàn piano. Nhà của ông ở thành phố khác, khi lên Oslo làm việc, ông muốn có 1 cây đàn piano. Thì mua, tiền ngân sách, tiêu chuẩn dành cho Bộ trưởng. Nhà công sở và đồ đạc trong nhà thuộc về công sở, đàn piano cũng chẳng thuộc về cá nhân ông. Bộ trưởng này đi thì nhiệm kỳ khác, Bộ trưởng khác hưởng thôi. Họa vô đơn chí, báo chí và phe đối lập lại đè ông ra “cạo”. Sự nghiệp chính trị của ông gãy cánh giữa đuờng. Ở khu vực kinh tế tư nhân, chuyện ăn uống, tiếp tân sang trọng hay piano thì chẳng có vần đề. Của đáng tội, tiền ngân sách nhà nuớc là tiền thuế của dân.

Câu chuyên thứ hai, kể về một ông Bộ trưởng mà tôi có cơ may để ý. Câu chuyện có vẻ vụn vặt.

Ông Bộ trưởng này từng nắm Bộ Tài chính (1986), rồi Bộ Nội vụ (1992). Ông Gunnar Berge. Nay ông đã về hưu rồi, năm nay chẵn 70. Đây là những bộ “nặng ký” nhưng ông ấy chỉ học đến thợ. Thợ hàn. Hành nghề hẳn hoi từ năm 17 tuổi đến 26 tuổi (1957-1966). Mới 17 tuổi mà đã đi “học” làm thợ, có lẽ ông ấy chưa tốt nghiệp trung học phổ thông đâu. Ấy là tôi đoán mò như thế vì truớc năm 1990, trẻ em Na Uy 7 tuổi bắt đầu lớp 1, hệ 12 năm. Từ năm 1967, ông hoạt động toàn thời trong phong trào nghiệp đoàn và chính trị cho Đảng Lao động (AP) tại địa phương. Ông được bầu vào QH năm 1969, lúc đấy 29 tuổi. Ông Gunnar đuợc đánh giá là thành công và đuợc kính nể của chính giới. Làm phát ngôn viên chính thức của đảng về chính sách tài chính, ông Gunnar có ảnh huởng khá mạnh trong Đảng Lao động, cánh tay phải của bà Thủ tướng Gro Harlem.

Khoảng đầu những năm 1990, thỉnh thoảng tôi có đi chung chuyến bay. Vì ông ở cùng một tỉnh lẻ và tôi có công việc tại Oslo. Đầu tuần “bay” lên Thủ đô. Thứ sáu, cuối tuần “bay” về. Tôi thấy ông đứng xếp hàng phía sau truớc gate để chờ vào máy bay như mọi người. Cung cách bình thường, không thấy dáng vẻ một quan chức cao cấp đi công tác. Sở dĩ tôi để ý đến ông vì thấy khuôn mặt quen xuất hiện thuờng xuyên trên TV. Dạo đó, Na Uy hủy bỏ ghế business cho tất cả chuyến bay nội địa, ai lên trước chọn trước, chứ không phân số ghế như bây giờ. Tôi thấy ông bao giờ cũng ngồi hàng ghế sau và là một trong những hành khách ra sau cùng. Có hôm thấy vợ ông ấy ra đón. Nhiều lần ông ấy đón xe bus về. Rất hiếm đi taxi. Thỉnh thoảng cuối tuần gặp ông trong cùng siêu thị. Ông ấy cũng đẩy xe ngó ngó, xem xem, chọn chọn các món hàng, tay thì cầm tờ giấy listing các món hàng (chắc vợ ông dặn mua như phần đông đàn ông khi đi chợ một mình). Sau một thời gian ông tuyên bố rũ áo từ quan, bỏ chốn kinh kỳ hoành tráng về tỉnh nhà vì muốn dành nhiều thời gian gần gũi gia đình. Ông được chỉ định làm TGĐ Tổng Nha Dầu Khí (NPD). Cơ quan NPD đóng tại tỉnh nhà. Ông còn kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban Phát Giải Hòa bình Nobel. Ông đã trao giải Hòa bình Nobel cho TT Hàn Quốc Kim Đại Trọng năm 2000, TTK LHQ, ông Kofi Annen và chủ tịch ĐHĐ LHQ, ông Han Seung-soo năm 2001 và cựu TT Mỹ Jimmy Carter năm 2002. Thỉnh thoảng có việc đến NPD, tôi thấy ông đứng sắp hàng vào cantin ăn trưa, tự chọn thức ăn, tự lấy café, sữa, trả tiền…rồi bưng khay tìm ghế trống …rồi tự kéo nghế và rồi tự dọn khay….bình thuờng. Tại Na Uy, ai cũng như ai, về khoản này. Năm 2007, ông về hưu, dù ông có thế làm việc đến 70 (độ tuổi 62 có thể về hưu). Vài năm gần đây, xuân thu nhị kỳ, tôi bất chợt nhận ra ông Gunnar trong siêu thị, cũng vẫn đẩy xe ngó ngó, xem xem, chọn chọn các món hàng nhưng với động tác chậm rãi hơn.

NQM
Stavanger, 20.02.2010.
(*) Tỷ giá 1 USD = 6 NOK vào thời điểm hiện nay, để độc giả tiện so sánh.

Nguồn: tuanvannguyen.blogspot.com

This entry was posted in quốc hội, Tản Mạn and tagged , , . Bookmark the permalink.