Quốc hiệu nên khiêm nhường và phù hợp với thời kỳ quá độ

1- Vẫn loay hoay công nghiệp hóa, không nên cứ vỗ ngực tự xưng XHCN

Đoạn kết của CƯƠNG LĨNH khẳng định THỜI KỲ QUÁ ĐỘ sẽ dài, rất dài.

Khung dưới đây ghi lại nguyên văn đoạn kết đó. Xin gạch dưới các ý được coi là quan trọng.

Đoạn kết: gồm 3 câu mang tính kết luận (nguyên văn)

1- Cương lĩnh của Đảng là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta trong những thập kỷ tới. 2- Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, nước nhà nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc. 3-  Đảng kêu gọi tất cả đảng viên của Đảng, toàn thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài mang hết tinh thần và nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, vững bước đi tới tương lai.

– Câu đầu có 2 ý: a) Tuy chiến đấu xây dựng rất ngược về nghĩa, nhưng việc “xây dựng” CNXH phải thực hiện dưới ngọn cờ “chiến đấu” (tức là quyết liệt, gian khổ); b) Dù huy động tổng lực, thời kỳ này vẫn phải đi từng bước; đo bằng những thập kỷ.

Câu giữa: Nêu điều kiện: Phải thực hiện xong Cương Lĩnh quá độ, ta mới có CNXH.

Câu cuối: Lời kêu gọi, 3 ý: a) Đối tượng kêu gọi không trừ ai: toàn đảng, toàn dân (cả kiều bào); b) Họ phải mang hết tinh thần và nghị lực phấn đấu thực hiện Cương Lĩnh; c) Hoài bão: Nhanh kết thúc thời kỳ quá độ, từ đó mới “vững bước đi tới tương lai”.


2- Chớ nói, chớ làm khác cụ Mác

Mác dạy: Tiền đề của chế độ XHCN chỉ xuất hiện khi phương thức sản xuất TBCN đã phát triển hết mức. Chế độ tư bản thay thế chế độ phong kiến cũng theo quy luật này.

– Điều không lạ: Cách mạng 1789 mở ra thời kỳ chế độ tư bản thay thế chế độ phong kiến; văn minh công nghiệp thay cho văn minh nông nghiệp.

– Nhưng điều lạ: Lẽ ra phải “tiến lên” chế độ tư bản, thì số ít nước lại nóng vội “xông thẳng” lên một chế độ… cao hơn tư bản. Càng lạ: Càng lạc hậu, lại càng nóng vội. Có nước, sức kéo toàn là trâu bò; công nghiệp cận số “không”; giai cấp công nhân chưa ra hình hài gì… vẫn cứ tưởng CNXH không còn xa (càng lố bịch, khi cái nước Libya độc tài kia, lại tự xưng là XHCN)…

Tất yếu, các nước này phải trải qua thời kỳ quá độ, mà một nội dung là công nghiệp hóa để nền kinh tế đạt tới độ cao “hết mức”… Thời kỳ quá độ, do vậy, không thể ngắn, khiến những nhà cách mạng càng cấp tiến, lại càng sốt ruột. May thay, có Lê nin.

Cụ Lênin sinh đúng lúc, làm thỏa lòng những nhà cách mạng giàu viễn tưởng. Lý luận về thời kỳ quá độ của cụ hấp dẫn vì đã vạch ra cách rút ngắn tối đa thời kỳ này (một kiếp người là đủ). Thế nhưng… lịch sử cho thấy, mọi nỗ lực “rút ngắn” đều đưa đến thảm họa: Dân thì đẫm mồ hôi, sôi nước mắt (và sôi cả máu); đảng cách mạng thì thành độc đoán, phủi bỏ lý tưởng, tự diễn biến hòa bình thành mục nát, tham nhũng, nhóm lợi ích lớn mạnh, vươn cao. Và sụp đổ dây chuyền.

3- Thời kỳ quá độ có mấy bước (?) và dài bao lâu (?) Có mà… Trời biết

– Điểm xuất phát quá thấp khiến thời kỳ này càng dài (năm 1945 VN thua xa trình độ phát triển của Nga năm 1917). Đây là yếu tố khách quan, con người có thể lường được.

– Đường lối: là yếu tố chủ quan, có chữ “nếu”, nên Trời cũng khó lường. Nếu càng vội vã, tả khuynh, sẽ càng khủng hoảng (tập thể hóa kinh tế dẫn đến mười năm đêm đen: 1975-1985). Sau đó, Trời cũng không đoán được Đổi Mới đến đâu thì… ngừng. Còn hiện nay, tả khuynh đã đưa đến tổn thất dễ thấy (từ các tập đoàn kinh tế và từ “sở hữu toàn dân” về đất đai). Điều khó thấy ngay, là tả khuynh trước sau sẽ dẫn đến mất dân chủ, độc tài, mục nát…

Trước mắt: Dự Thảo sửa Hiến pháp cho thấy xu thế tả khuynh còn rất mạnh. Chưa nói tới đã xuất hiện những thoái hóa, biến chất.

4- Ngay “bước đầu tiên” đã dài bằng nửa (hoặc 2/3) đời người

“Bước” này, được tính từ 1976 – khi mà VN tự nhận là nước XHCN (thay quốc hiệu).

– Mục tiêu đã công bố: Đến 2020 VN sẽ cơ bản thành một nước công nghiệp. Như vậy bước đầu dự tính 44 năm. Nay, 2013, đã trải 37 năm – bằng nửa đời người (tuổi thọ hiện nay: 74), nhiều mặt đồng loạt suy thoái. Câu hỏi: Đến 2020 liệu có thực hiện nổi những mục tiêu đề ra?

– Tả khuynh và dân chủ không thể đồng hành – cho dù đảng thật bụng muốn thực hiện dân chủ. Lẽ đơn giản, tả khuynh trái với quy luật phát triển bình thường, do vậy phải thực hiện bằng ép buộc. Muốn cho cái cây non mọc nhanh lại dùng cách cầm ngọn kéo lên (đứt rễ). Do vậy, chỉ có thể thuyết phục mọi người bằng cách nêu những triển vọng, những lời hứa hẹn có cánh…

Các bước tiếp sau sẽ dài bao lâu? Khó đủ óc viễn tưởng để hình dung. Ví dụ, bước 2 phấn đấu đuổi kịp các nước công nghiệp có thu nhập gấp 20 lần ta. Rồi bước 3: ngang ngửa với G7 – có thu nhập gấp 40 lần ta… Bước 4: Vượt G7, đường hoàng nhận tên XHCN… Có cần “trối” lại?

5- Ví dụ, tả khuynh trong giáo dục: Quá sớm hay không tưởng?

Danh ngôn: Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN.

– Do vậy, từ 1976, mục tiêu GD là đào tạo con người XHCN – để họ toàn tâm, toàn ý xây dựng CNXH. Đến nay, khoảng 30 – 40 triệu học sinh đã vào đời từ mái trường XHCN, nhưng họ không dám “xây” VN theo cái mô hình Liên Xô – như loạt bài của THỜI NAY trên báo Nhân Dân điện tử đã phân tích. Vì đó là thứ CNXH đáng kinh hãi.

Còn mô hình ở nước ta? Dường như nó mới chỉ được chấm phá mờ ảo trên giấy, đầy tính ước vọng. Vậy là, mấy thế hệ “con người XHCN” cứ loay hoay với bước đầu tiên của thời kỳ quá độ. Tâm lực của họ hiện nay (2013) đang dồn cho việc giải quyết mâu thuẫn giữa Giá và Thu Nhập, trong giai đoạn suy thoái kinh tế còn kéo dài.

Hai câu hỏi: 1) Liệu có quá sớm khi đề ra mục tiêu đào tạo “con người XHCN” ngay từ thời kỳ quá độ dài trăm năm? (giống như đào tạo nhà du hành vũ trụ khi chưa xuất hiện máy bay)?

2) Liệu có không tưởng, về cái khái niệm “con người XHCN”? Nếu Mác đúng (ý thức sinh ra từ vật chất) thì con người XHCN chỉ có thể xuất hiện khi nào có hiện thực XHCN, chứ không thể ngược lại. Ấy thế mà “bao giờ có CNXH” lại đang là câu hỏi của 90 triệu người đang “khát vọng”.

6- Sức hấp dẫn kỳ lạ của CNXH – dù nó chưa xuất hiện

Khó mà phấn đấu cả trăm năm, nếu CNXH không có sức hấp dẫn đến mức truyền từ đời ông-cha tới cháu-chắt – dù nó mới được tả trên giấy. Hấp dẫn sẽ tạo nên khát vọng. Cương lĩnh (chương II, mục 2), có câu: Đi lên CNXH là khát vọng của toàn dân ta. Vậy, lo lắng của thế hệ hiện nay là làm cách nào truyền lại nguyên vẹn cái khát vọng cháy bỏng này cho các thế hệ sau, và sau, sau nữa… Câu hỏi: Cứ giữ tên nước XHCN phải chăng là cách truyền khát vọng cho đời sau? Ý này hay đấy! Vậy mà chưa thấy vị dân biểu nào nghĩ ra, để phát biểu trước Quốc hội.

7- Quốc hiệu trong thời kỳ quá độ

Rất cần khiêm tốn, gọi đúng hiện trạng. Liệu tên nước ta có nên đeo đẳng tiếp (hàng kiếp người nữa) cái tính từ sặc sỡ “XHCN” – đang rất mờ ảo, xa xăm, nếu nhìn từ thời kỳ quá độ?

– Bảo rằng quốc hiệu XHCN đã đi vào tâm thức nhân dân? Té ra nhân dân ta có cái thứ tâm thức vĩ cuồng vậy sao? Và, thế thì sao ý kiến muốn “bỏ” vẫn mạnh quá vậy? Thế thì sao không thử trưng cầu ý dân trên vài tờ báo (không cần Luật vẫn làm được).

Bảo rằng bỏ XHCN trong quốc hiệu sẽ gây tốn kém? Có tốn kém bằng các khoản chi phí và thất thoát do tả khuynh từ 1976 đến nay (đo được)? Và không đo được: ví dụ, thất thoát lòng tin?

Bảo rằng vấn đề chưa bức xúc? Đứa trẻ “chưa đỗ ông Nghè” mà đã kiêu ngạo dán trên trán hai chữ “ông Nghè” (!). Ngang phè thế, lại “chưa thấy bức xúc”?

Bảo rằng, thế giới đã quen và công nhận quốc hiệu ta? Chẳng qua, ta tự nhận tên gì, mọi người sẽ gọi (xã giao) tên ấy. Luật pháp VN cho phép cá nhân đổi tên khai sinh, nếu cái tên phản cảm.

– Hiện thế giới vẫn có tới… 3 nước XHCN? (wikipedia): (Việt Nam; Sri LankaLibya Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Vĩ đại). Quả là VN không đơn độc. Tiếc rằng, 2/3 số nước trong nhóm này không cùng chủ nghĩa với ta. Tiếc nữa, cái nước “vĩ đại” trong nhóm đã xa rời mục tiêu (do dân kém giác ngộ XHCN?).

N.N.L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.