Michael Bohm,The Moscow Times, số 5138, ngày 31 /5/ 2013
Nhất Phương (trích dịch)
Mọi thảo luận về đạo đức trong công việc tại Nga bây giờ cuối cùng lại trở về những câu chuyện xoay quanh thời Xô-viết, thời kỳ hủy họa thói quen làm việc hơn bất cứ thời nào trong lịch sử. Mặc dù đã khá hơn từ khi Liên Xô sụp đổ, người Nga vẫn chưa thể rũ bỏ được một số thói quen làm việc là di sản thời Xô-viết.
Sau đây là bảy thói xấu trong đạo đức công việc của thời Xô-viết.
1. Chủ nghĩa Mặc kệ (Pofigizm). Là sự kết hợp giữa thờ ơ và chủ nghĩa định mệnh, pofigizm có thể được hiểu là “cóc cần” hoặc “mặc kệ”. Quả vậy, pofigizm tồn tại như một hiện tượng mang tính quốc gia ngay cả trước thời Liên Xô. Lấy một ví dụ, nhân vật anh hùng trong truyện dân gian lâu đời của Nga là Yemelya hay Ilya Oblomov của thế kỷ 19. Cả hai là biểu tượng kết tinh tính dân tộc của thái độ “mặc kệ” bất cần. Tuy thế tác hại họ gây ra còn thua xa tình trạng đình đốn mang tính hệ thống về chính trị và kinh tế thời Liên Xô, đặc biệt thời kỳ Brezhnev, nếu muốn nói đến những yếu tố chính của nạn pofigizm – đó là sức ỳ, sự tuyệt vọng và vỡ mộng – tại mọi nơi làm việc.
Đạo đức trong công việc của người Nga có liên quan đến môi trường kinh tế chính trị bị méo mó nhiều hơn là vì “chất Nga”.
Chủ nghĩa Mặc kệ giúp giải thích tại sao mấy năm trước đây khi công nhân dựng khối bích chương lớn ở trung tâm Moscow không thèm quan tâm đến việc khảo sát nền đất nên đã ép cọc chọc thủng một toa tàu điện ngầm ngay bên dưới. “Việc gì phải bận tâm đến chuyện thăm dò? Chuyện vặt!” họ nói vậy “Cứ đóng xuống đi có khi không trúng cái gì đâu mà lo.” Pofigizm, cùng với người họ hàng gần là thói “được chăng hay chớ” (avos), vẫn là thói quen thường ngày tại nơi làm việc ở Nga.
2. Vô trách nhiệm. Vì ở Liên Xô không có sở hữu tư nhân, nhà máy và những công sở khác về hình thức là thuộc về mọi người, nhưng trong thực tế là chẳng thuộc về ai. Do vậy, người lao động không cảm thấy có trách nhiệm cá nhân đối với công việc và sản phẩm mình làm ra. Kể cả khi họ có chút quan tâm, họ cũng không có quyền gì để nâng cao chất lượng công việc và sản phẩm. Sự tắc trách cùng thái độ “mặc kệ” là căn bệnh kinh niên và là tác nhân đằng sau năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp có tính hệ thống ở Nga Xô.
3. “Nghèo như nhau”. Đảng Cộng sản muốn chữa mọi bệnh bằng cách xoa dầu cao nên sử dụng nguyên tắc “nghèo nhưng công bằng” như một phương thuốc xoa dịu đối với nhân dân để dập tắt sự ganh ghét và “đối kháng giai cấp”. Nhưng thứ duy nhất mà chính sách này dập tắt được là sự sáng tạo và động lực làm việc của người lao động.
4. Dối trên lừa dưới (mukhlyozh). Mẹo này nhằm lừa dối cấp trên bằng cách báo cáo những con số giả tạo, để cấp trên lại lừa cấp trên họ và nhà chức trách, được gọi là mukhlyozh, chứ không bằng hiệu quả lao động. Nó đã trở thành một “kỹ xảo làm ăn” vô giá suốt thời Xô-viết. Không khó khăn gì để đo lường tác hại của thói mukhlyozh đã hủy hoại đạo đức làm việc tại Nga Xô trong suốt 70 năm như thế nào.
Ngày nay, thói dối trên lừa dưới và những hình thức tham nhũng tinh vi khác vẫn được coi là “kỹ xảo làm ăn” quan trọng cần có để tiến thân. Làm cho tình hình trầm trọng thêm, sự thiếu vắng pháp quyền ở Nga là chất xúc tác cho quốc nạn dối trên lừa dưới mukhlyozh và tham nhũng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung tâm Thăm dò dư luận Levada tuần này vừa công bố 73% người dân Nga tin rằng không thể trở nên giàu có ở đất nước này bằng con đường chân chính.
5. Thiếu tham vọng. Ở phương Tây, một người tham vọng – tức là con người có động lực và sáng kiến – được xã hội coi trọng và được người sử dụng lao động đánh giá cao. Nhưng trong suốt thời kỳ Xô-viết, người có tham vọng (ambitsiozny chelovek) bị coi là kẻ theo “chủ nghĩa cá nhân” (một hình thái bị ý thức hệ tập thể Xô-viết coi là tội lỗi) và bị coi là kẻ không có chỗ đứng trong hàng ngũ người lao động Xô-viết.
Thậm chí ngày nay, nội hàm tiêu cực của từ “tham vọng” vẫn ám ảnh người Nga. Hầu hết người Nga coi “người có tham vọng” là kẻ kiêu ngạo, ngang tàng và giả dối và là kẻ dám làm bất cứ điều gì – kể cả lừa đảo và phản bội – để vượt lên trước những người lao động khác.
6. Thiếu văng môi trường làm việc cạnh tranh. Mặc dù cạnh tranh thấm vào hầu hết các nơi làm việc ở phương Tây và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sáng tạo và tiến bộ trong hệ thống tư bản, ý thức hệ Xô-viết bôi nhọ khái niệm cạnh tranh của phương Tây cho nó là độc ác và vô nhân đạo. Hệ thống tuyên truyền Cộng sản cho rằng cạnh tranh ở phương Tây là làm hỏng đạo đức làm việc bằng việc khiến người nọ cạnh tranh với người kia trong một thế giới người ăn thịt người. Ngược lại, chủ nghĩa cộng sản Xô-viết cấp việc làm suốt đời cho mọi người, mà theo họ sẽ dẫn đến xã hội hài hòa, sự mãn nguyện về nghề nghiệp và có năng suất lao động cao.
Đáng chú ý là nhiều người Nga, mà tôi phỏng vấn trong công trình nghiên cứu 5 năm của tôi về đạo đức trong công việc tại Nga, vẫn có cái nhìn tiêu cực về cạnh tranh trong công việc. Trong nghiên cứu của tôi, tôi thường gặp những người Nga cảm thấy thất vọng vì công việc bế tắc, lương thấp. Tôi động viên họ thử 10 hoặc 15 phỏng vấn với các công ty có phong cách Tây phương mà khả năng của họ có thể phù hợp. Câu trả lời đầu tiên tôi nghe được là: “Phỏng vấn việc làm hả? Chẳng ích gì,” và thường bổ sung bằng câu: “Nhỡ họ khước từ tôi thì sao?”
7. Quan hệ. Mặc dù một số thói xấu của đạo đức công việc thời Xô-viết đã giảm bớt cùng ý thức hệ Cộng sản và sự xuất hiện của khu vực tư nhân có động cơ là lợi nhuận trong vòng 20 năm qua, blat, tức là “mối quan hệ” vẫn là đặc tính ngày càng tồi tệ tại nước Nga hậu Xô-viết. Người ta có thể sử dụng mối quan hệ để tìm việc, nhưng tại Nga, hiện tượng này đáng sợ hơn bất cứ xã hội phương Tây nào.
Thậm chí Thủ tướng Dmitry Medvedev đã lên tiếng về nạn quan hệ này, thừa nhận rằng hệ thống tìm việc và thăng tiến quá tệ đối với một đất nước muốn phát triển một nền kinh tế hiện đại theo phong cách phương Tây. Một khi mối quan hệ và chủ nghĩa gia đình trị ngự bao trùm xã hội Nga, thì tệ nạn này sẽ là thảm họa cho nền đạo đức trong công việc của đất nước này. Nhưng một điều chắc chắn những tiêu cực trong đạo đức công việc của người Nga có liên quan đến môi trường kinh tế và chính trị bị méo mó nhiều hơn là vì “tính cách Nga” và những đặc tính dân tộc. Bằng chứng rõ nhất là những người Nga định cư tại Âu-Mỹ có phong cách làm việc tích cực.
Thói quen làm việc của họ thay đổi khá nhiều khi họ sống trong môi trường chính trị, kinh tế và pháp luật lành mạnh ở phương Tây vì họ thấy mình được làm việc trong môi trường khuyến khích sáng tạo cá nhân, có động lực và chịu cải tiến. Trong khá nhiều trường hợp, những “tên người Nga không có đạo đức làm việc” nhanh chóng trở thành những người làm việc có đạo đức một khi họ được trả lương cao hơn và được đối xử tốt hơn, một khi họ được trả hưu bổng và bảo hiểm tốt hơn, mọt khi luật pháp bảo vệ quyền lợi của họ và tài sản cá nhân của họ, một khi nạn tham nhũng tại chốn làm việc được giảm thiểu, và một khi có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và thăng tiến trong công ty trên cơ sở năng lực và hiệu quả công việc.
Vậy đạo đức trong công việc của Nga hiện nay đang đứng ở đâu?
Mặc dù một số tệ nạn của đạo đức làm việc thời Xô-viết vẫn tồn tại ở nơi làm việc, người ta đã thấy một số tiến bộ. Trước hết, khu vực kinh doanh tư nhân tương đối phát triển đã xuất hiện trong 20 năm qua. Thứ hai, cạnh tranh thị trường tự do và động cơ lợi nhuận đã khiến những công ty này tăng cường cải tiến, năng suất lao động, động lực và hiệu quả, ít nhất để đứng vững. Thứ ba, nhiều người Nga được học các khóa quản trị doanh nghiệp MBA ở nước ngoài đã mang về cho Nga những bài học vô giá, các kỹ năng và kỹ thuạt quản lý cho các công ty Nga.
Nếu Putin làm được nhều hơn nữa để ngăn chặn nạn dối trên lừa dưới, “chủ nghĩa Mặc kệ” và nạn tham nhũng thì không những có thể cải thiện được đạo đức trong công việc mà còn cải thiện được môi trường đầu tư.
M. B.
Michael Bohm là người phụ trách mục Dư luận của Thời báo Moscow.
* Tiêu đề do người dịch đặt.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.