Như chúng ta đã biết, khi đó, Mỹ đã bí mật triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, sát với Liên Xô. Liên Xô đã kịch liệt phản đối, nhưng Mỹ coi như “việc đã rồi”. Vì vậy, Khơrúpxốp sau đó cũng quyết định bí mật triển khai tên lửa mang đầu đạt hạt nhân ở Cuba. Sau khi máy bay do thám Mỹ phát hiện việc Liên Xô đang xây dựng căn cứ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba, Mỹ đòi Liên Xô rút tên lửa ra khỏi Cuba. Liên Xô cũng yêu cầu Mỹ rút tên lửa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Tranh cãi căng thẳng trên mọi diễn đàn. Còn trên thực tế, loài người khi đó đã đứng trước sự hủy diệt. Cả hai bên đều hiểu rằng, chỉ cần sử dụng 1/14 tiềm năng hạt nhân của Liên Xô và Mỹ cộng lại đã có thể tạo ra “mùa đông hạt nhân” trên toàn bộ hành tinh này của chúng ta. Chắc chắn, cả Mỹ và Liên Xô đều hiểu rằng, không có kẻ thắng, người thua, mà cả Mỹ và Liên Xô đều thua.
Xuất phát từ mục tiêu chiến lược “không thể thua” giống nhau này, hai bên đã chấp nhận giải pháp số 0 – cùng rút tên lửa. Nhưng Khơrúpxốp và Kenedy đã thỏa thuận ngầm với nhau: Liên Xô công khai rút tên lửa (mới) khỏi Cuba, còn Mỹ bí mật rút tên lửa (đã cũ) khỏi Thổ Nhĩ Kỳ (việc này thì nhiều người không biết).
Như vậy, nhìn từ bên ngoài, Khơrúpxốp đã phải xuống thang công khai, còn thực tế bên trong thì Kenedi cũng phải bí mật đeo mặt nạ cho mặt mình được “sạch”. Khi đó, dư luận đã hết lời khen ngợi Kenedi. Phía Liên Xô hành xử theo tư duy của mình là “mục tiêu biện hộ cho phương thức”. Khơ rúpxốp coi việc Mỹ đưa tên lửa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu chiến lược đã thành công.
Thực tế cho thấy: Nhìn từ bên ngoài, hình như trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, Mỹ đã “thắng” và Liên Xô đã “thua”. Kenedi đã đánh lừa được dư luận thế giới. Dư luận thế giới gần như công nhận việc Mỹ có quyền đặt tên lửa ở bất cứ đâu mà Mỹ muốn, còn Liên Xô thì không thể. Đó chính là mục tiêu chiến lược riêng của Kenedi. Nếu không bị ám sát, Kenedi chắc chắn sẽ thắng cử liên tục nhiều nhiệm kỳ.
Như vậy, để giải quyết cuộc khùng hoảng hạt nhân này, hai nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ đã phải có lòng tin chiến lược. Chỉ có điều cần phân định, đó là lòng tin chiến lược với nhau hay là lòng tin chiến lược vào chính bản thân mình (vào việc mình làm).
Rõ ràng, sự kiện trên cho thấy chỉ có lòng tin chiến lược với nhau nếu các bên có chung mục tiêu chiến lược (tránh thảm họa hạt nhân) vẫn chưa đủ. Ngoài mục tiêu chiến lược chung thì việc giải quyết các cuộc khủng hoảng đòi hỏi mỗi bên phải có lòng tin chiến lược vào mục tiêu chiến lược riêng của mình (tức là lòng tin chiến lược vào chính bản thân mình).
Sau này, khi Mỹ triển khai tên lửa ở Châu Âu, thì Liên Xô cũng đáp trả bằng việc triển khai tên lửa ở vùng lãnh thổ giáp với Châu Âu của phe mình. “Đáp trả” hay “có đi, có lại” là nguyên tắc bất di bất dịch trong quan hệ quốc tế (không phân biệt lớn nhỏ) đã dẫn đến việc kéo dài cuộc chạy đua vũ trang trước đây và biến nó thành cuộc chạy đua hạt nhân hiện nay trên thế giới.
Vấn đề hạt nhân hiện nay lên quan đến Iran và Triều Tiên vẫn có thể được giải quyết một cách đơn giản nếu hai bên có những người như Kenedi và Khơrúpxốp (có lòng tin chiến lược vào chính bản thân mình và có mục tiêu chiến lược của mình) để chấp nhận giải pháp (ý tưởng) đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra cách đây vài chục năm theo nguyên tắc “phi hạt nhân hóa khu vực”. Với nguyên tắc này, Triều Tiên và Hàn Quốc đều không được có vũ khí hạt nhân. Tương tự, Israel không có vũ khí hạt nhân thi Iran cũng không có vũ khí hạt nhân. Nguyên tắc này đảm bảo lòng tin chiến lược với nhau. Nhưng tại sao vấn đề không được giải quyết? Câu trả lời rẩt rõ là vì, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng giống như giữa Iran và Israel chưa có mục tiêu chiến lược chung, nên chưa có lòng tin chiến lược./.
N. T. S.
(*) Về mặt ngữ pháp, động từ tin, đòi hỏi phải có bổ ngữ (tin vào cái gì).
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.