Làm ô–sin chả biết khi nào về…
(Trịnh Hoài Giang)
Đặt bẫy người nghèo. Nguồn: Tiền phong Online
Báo Đất Việt (số ra ngày 11 tháng 4 năm 2009) có tin “Sẽ điều tra các nhóm ăn mày ở Hà Nội” với những tình tiết li kỳ:
“Sau một tháng thâm nhập thực tế, phóng viên Đất Việt ghi lại được hình ảnh kẻ ‘ngồi mát ăn bát vàng’, chuyên ‘chăn dắt’ trẻ ăn xin, bán hàng rong quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm…”
“Bức xúc trước các thủ đoạn bóc lột sức lao động trẻ em được đề cập trong các bài báo, ông Nguyễn Hữu Định (Trưởng công an quận Hoàn Kiếm và Trưởng phòng LĐ-TB&XH) khẳng định sẽ xử lý những kẻ cố tình bất chấp pháp luật, lợi dụng trẻ em để kiếm tiền”.
Hai ngày sau, cũng trên diễn đàn này, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) lên tiếng: “Những người ‘chăn dắt’ nêu trong loạt bài điều tra của Đất Việt có dấu hiệu xâm hại và bóc lột trẻ em, phải xử lý hình sự”.
Hai tháng sau nữa, Tuổi trẻ Online có loạt bài phóng sự tương tự về nạn “Ăn bám trẻ em” ở Sài Gòn. Một giới chức cao cấp khác, ông Nguyễn Văn Xê (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH) cũng bày tỏ sự “bức xúc” tương tự, và tuyên bố là sẽ đẩy mạnh phong trào “nói không với ăn xin” với “mục tiêu đến năm 2010 giải quyết cơ bản không còn người lang thang xin ăn ở TP”.
Năm 2010 đã qua, cuộc đời của “những kẻ lợi dụng trẻ em để kiếm tiền” (ở Hà Nội) cũng như những kẻ “ ăn bám trẻ em” (ở Sài Gòn) – kể như – là chấm hết, theo như… lời tuyên bố của ông nguyễn Văn Xê! Bây giờ xin được đề cập đến một vấn đề khác – cũng liên quan đến việc “ăn bám” và “chăn dắt lao động” – ở bình diện quốc gia, at national level, qua khâu xuất khẩu lao động.
Về chuyện này, cách đây chưa lâu, sau một chuyến viếng thăm tỉnh Hà Giang, nhà văn Vũ Ngọc Tiến kể lại rằng có bà cụ đã nêu ra một câu hỏi (“mà nghe như cật vấn”) như sau:
“Bác sống gần Trung ương, đi nhiều, hiểu rộng hơn mụ nhà quê, hãy chỉ vẽ cho chứ tôi thì chịu. Tôi sống gần trọn một kiếp người vẫn không hiểu nổi vì sao ba đứa con gái mình đứt ruột đẻ ra lại phải bán hết nhà cửa mới đủ tiền nộp cho công ty môi giới trên thị xã, ném con cho bà ngoại chỉ để đi làm đầy tớ bưng bô, hót cứt ở xứ người, hở giời? Ở cái xứ Đài Loan ấy làm kẻ tôi đòi cũng sướng hơn làm người tự do bên ta hay sao?”
Ý trời, đâu phải cứ bán hết nhà cửa… nộp tiền cho công ty môi giới trên thị xã, ném con cho bà ngoại chỉ để đi làm đầy tớ bưng bô, hót cứt ở… xứ Đài Loan” là “sung sướng hơn làm người tự do bên ta…!” Chuyện không “giản đơn” như vậy đâu, má ơi!
Báo The China Post – số ra ngày 20 tháng 10 năm 2009 – có bài viết (”Vietnam caretakers treated like slave laborers”) về một số công nhân Việt Nam đang bị lạm dụng sức lao động và ngược đãi bởi giới chủ nhân tại Đài Bắc. Họ khai là “phải làm 16 ngày một giờ, không trả lương phụ trội, bị tịch thu hết giấy tờ tùy thân, và bị ép buộc phải ăn ở ngay tại chỗ làm”.
Đây là tin tức gần nhất, chứ không phải là duy nhất, về tình trạng người Việt bị ngược đãi ở xứ Đài. Trong nhiều trường hợp khác, nạn nhân còn bị bạo hành hay cưỡng dâm bởi chủ nhân.
“Bà Tạ Thị Giám, 36 tuổi, rời nhà nơi làng quê nghèo nàn ở ngoại thành Hà Nội để lao động cật lực trong một viện dưỡng lão tại Đài Loan, với hy vọng có tiền cho con đi học… Bà đã bị biến thành nô lệ cho người chủ Đài Loan, bị chủ đánh đập, không cho ăn, và buộc phải làm việc cho đến khi gục ngã. Bà Giám cho biết: Họ đối xử với chúng tôi như một con vật, chứ không phải là một con người… vì biết rằng chúng tôi đã lâm đến bước đường cùng, không còn nương tựa vào ai được nữa”.
“Một phụ nữ khác, 34 tuổi, đang sống ở trung tâm lánh nạn cho biết chị đã bị cưỡng hiếp, nhưng không bao giờ dám công khai nói chuyện đó ra. Chị sợ hai con ở nhà sẽ đau lòng và sợ bị chồng bỏ… Chị nói trong nước mắt: Tôi vét sạch cả tiền của gia đình để đi… Tôi không thể trở về Việt Nam trắng tay được. Tôi phải tranh thủ cơ hội ở đây” (K. Oanh Ha. “Taiwan Shelter Helps Abused Vietnamese Workers” Mercury News 12 Dec 2006).
Trên tạp chí Bốn phương (phát hành tại Đài Loan, vào ngày 22 tháng 7 năm 2009) người ta đọc được một lá thư – song ngữ, Việt/Hoa – của Linh mục Nguyễn Văn Hùng, kêu gọi giúp đỡ cho một công nhân vừa bị tai nạn. Xin chỉ ghi lại nguyên văn (phần tiếng Việt) để rộng đường dư luận:
“Kính thưa anh chị em công nhân, cô dâu Việt Nam tại Đài Loan!
Tôi xin quý anh chị em công nhân và cô dâu người Việt hãy rộng tay giúp đỡ cho trường hợp của chị Dương Thị Toàn”.
“Sau khi người thân của anh Hùng, chồng chị Toàn, liên lạc với Văn phòng nhờ giúp đỡ, Văn phòng đã cho nhân viên xã hội lên bệnh viện thăm anh Hùng. Nếu anh Hùng không phải trả một số tiền khổng lồ cho môi giới Việt Nam, thì có lẽ anh đã không phải trốn ra ngoài để đi làm kiếm tiền trả nợ mà đã về đoàn tụ với vợ con gia đình. Vì số tiền môi giới quá lớn đã trói chặt anh vào số phận lao động nô lệ, biến anh thành nạn nhân của tệ nạn bóc lôt và buôn bán con người”.
“Chính phủ Việt Nam vẫn làm ngơ trước những hành vi bóc lột công nhân qua số tiền môi giới phải trả trước khi rời Việt Nam! Bao giờ Chính phủ Việt Nam chưa có luật pháp chế tài đối với các trung tâm môi giới hút máu người qua việc thu tiền lệ phí quá cao thì những trường hợp thương tâm như anh Hùng vẫn còn xảy ra hàng ngày”.
“Gia đình anh nay mất con, vợ mất chồng và con mất cha, dù anh vẫn còn đó, sống chết dật dờ. Nhưng chúng ta vẫn còn đây! Với tình đồng bào cùng cảnh ngộ xa quê hương sống nơi đất khách quê người. Trong tinh thần ‘lá rách đùm lá nát’, tôi kính xin quý anh chị em, mỗi người, của ít lòng nhiều giúp đỡ cho chị Toàn có thêm kinh phí để lo cho chồng trong lúc hoạn nạn”.
“Mọi đóng góp, xin quý anh chị gửi về sổ tài khoản của Văn phòng. Xin ghi rõ tên người gửi và người nhận. Xin chân thành cám ơn. Nguyện xin ơn Trên ban mọi ơn lành cho quý anh chị em và gia đình”.
Giám đốc Văn phòng Trợ giúp công nhân cô dâu Việt Nam”.
Tình trạng bị bóc lột sức lao động, ngược đãi, hãm hiếp của những người đi làm việc ở nước ngoài – cuối cùng – rồi cũng được giới hữu trách lưu tâm. Ông Đào Văn Bình (Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội) đã lên tiếng về chuyện “cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho những người bị lừa XKLĐ” (trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 23 tháng 10 năm 2009) như sau:
“… thời gian gần đây, trước sự gia tăng nhu cầu tìm việc làm trong, ngoài nước của người lao động và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều ‘người cần việc’, một số trung tâm giới thiệu việc làm ‘trá hình’ đã xuất hiện… Rất nhiều người ‘tiền mất tật mang, lỡ dở vì những trung tâm, doanh nghiệp kiểu này”.
Cứ theo như lời ông Bình thì mọi trách nhiệm đều thuộc về “những trung tâm giới thiệu việc làm trá hình”. Tuy nhiên, theo phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình trạng buôn người ở Việt Nam (năm 2006) thì sự việc khác hẳn:
“Bộ Lao động có văn phòng bảo vệ quyền lợi công nhân và giải quyết những tranh chấp nơi sở làm tại 9 nước đứng đầu về tiếp nhận công nhân lao động Việt Nam, nhưng họ ít khi điều tra những lời khiếu nại của nhân viên bị lạm dụng hoặc bị ép buộc lao động trái với ý muốn của mình. Trong năm vừa qua, theo văn phòng thống kê tội ác, có 182 vụ truy tố và 161 vụ kết án liên quan đến tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. Mặc dù có những nhân viên chính quyền địa phương làm giàu về tệ nạn buôn người, không một nhân viên chính quyền nào bị truy tố về tội đồng lõa với những kẻ buôn người.” (Translated by VietACT from the 2006 Trafficking In Persons Report by the State Department).
Sở dĩ không có “nhân viên chính quyền nào bi truy tố về tội đồng lõa với những kẻ buôn người” vì có quá nhiều giới chức, cũng như ban ngành, liên quan đến tệ nạn này – kể cả ngành truyền thông. Bài báo sau đây, viết về mức lương năm ngàn Mỹ Kim hàng tháng cho công việc hái cam hay cắt cỏ ở xứ người (được đồng loạt phổ biến trên những cơ quan thông tin của lề bên phải như Saigonnews, Cố đô, Bình Dương, VnEconomy, ethitruong …) là một minh chứng cho vấn đề này. Xin trích dẫn vài đoạn chính:
“Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC và Trung tâm XKLĐ Viracimex vừa được Bộ LĐTB&XH đồng ý đưa lao động sang Mỹ làm việc thí điểm, các nghề thợ hàn, cắt cỏ và hái cam… “
“Lương 5.000 USD/tháng, thời hạn 1-3 năm
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC, Công ty đã có một vài đơn hàng với đối tác đưa lao động sang Mỹ làm việc ở lĩnh vực hàn, cắt cỏ, trang trại (hái cam)…
Để đủ tiêu chuẩn sang Mỹ làm việc, lao động phải trong độ tuổi từ 20-40, đã lập gia đình. Lương tháng của lao động từ 5.000 USD trở lên, chi phí đi XKLĐ tùy thuộc vào mức lương. Đặc biệt, trong một nhóm lao động cùng quốc tịch, cùng làm một nơi thì chỉ cần 1, 2 người biết tiếng Anh để phiên dịch cho cả nhóm…”
“Ngừa LĐ bỏ trốn: Đặt cọc lên tới trên 15.000 USD!
Theo ông Đặng Mạnh Sức – GĐ Trung tâm XKLĐ Viracimex, 2 DN cùng Bộ LĐTB&XH, Lãnh sự quán Việt Nam và nhiều Việt kiều tại San Francisco (Mỹ) đã mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu, thăm dò và xúc tiến việc đưa thí điểm lao động Việt Nam sang bang này làm việc…
Theo bà Nhàn và ông Sức, 2 DN và Bộ LĐTBT&XH cũng đã có những giải pháp phòng ngừa việc bỏ trốn. Đó là đề ra mức đặt cọc cao (15.000 USD trở lên), yêu cầu gia đình làm cam kết, kết hợp với chính quyền địa phương…”
Có lẽ nhờ vào những bản tin “lạc quan” như trên nên dù kinh tế toàn cầu suy thoái, nạn thất nghiệp phổ biến khắp nơi, số lượng người Việt xuất khẩu lao động không hề suy giảm. Theo Cục Quản lý lao động: “Cả nước đã đưa được 6.576 người đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9, nâng tổng số lao động đi XKLĐ từ đầu năm đến nay là 52.210 người.”
Để có được hơn năm vạn người đi xuất khẩu lao động trong năm 2009 đã có bao nhiêu thửa ruộng bị cầm cố, bao nhiêu căn nhà bị thế chấp? Sau đó là bao nhiêu mảnh đời lở dở, bao nhiêu kẻ “tiền mất tật mang”, và bao nhiêu gia đình tan nát chỉ vì những thông tin “trớ trêu” như vừa dẫn – qua hệ thống truyền thông chính thức?
Phóng viên Lê Anh Đạt coi đây là cách “đặt bẫy người nghèo”. Còn tác giả Lê Diễn Đức thì mô tả đây là “sự đểu cáng thời vươn ra biển lớn”. Ở thời buổi “vươn ra” này mà phóng viên báo Đất Việt vẫn bỏ cả tháng trời để “thâm nhập những băng nhóm ăn mày ở Hà Nội”, và phóng viên báo Tuổi trẻ vẫn thức trắng nhiều đêm để làm phóng sự về nạn “Ăn bám trẻ em” ở Sài Gòn thì e cách tác nghiệp này chưa… ngang tầm thời đại!
TNT
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
HT biên tập.