Lấy oán báo oán, oán oán trập trùng

(Hay là: “Lại một nỗi buồn mang tên Giáo Dục Đào Tạo”)

Nguyễn Thượng Long


”Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục”

( Thánh Phanxico)

Khi ông Nguyễn Sỹ Khiêm Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Hà Đông Hà Nội bị cô Hằng nhân viên thư viện của trường thuê một tốp thanh niên lạ mặt tấn công ông trên đường ông đến trường để đọc diễn văn nhân dịp 40 năm ngày thành lập trường, tôi đang có mặt trên cao nguyên Đà Lạt. Tin dữ đến với tôi thật bất ngờ trong một chiều mưa Liang Biang thật buồn.

Lúc đó tôi đang thai nghén bài viết “Đừng sợ”. Có thể nói sức “Hot” của sự kiện này buộc tôi phải xếp lại những lan man vô định chưa biết sẽ chấm dứt thế nào cho bài viết quan trọng và dang dở này. Trở về khách sạn Thanh Hằng, tôi phóng bút viết “Thư 20 / 11 / 2010” và lập tức cho xuất hiện trên các trang mạng. Trong bài viết đó, tôi đã bung ra tất cả những khả năng có thể là nguyên nhân đã làm bùng nổ sự kiện đặc biệt này. Từ đó đến nay, tôi luôn canh cánh một nỗi niềm như một sự mắc nợ và chưa biết sẽ tiếp cận vụ việc này theo một đường hướng nào thì tôi liên tiếp nhận được nhiều tin nhắn qua điện thoại có những nội dung liên quan đến vụ bạo hành. Và đây là một cuộc trao đổi bằng tin nhắn giữa tôi và một người lạ mặt được giới thiệu là thầy học cũ của cô Lê Thị Thu Hằng, người đang được mô tả là thủ phạm đã gây ra vụ tấn công bằng vũ lực tới ông Nguyễn Sỹ Khiêm thủ trưởng của cô ta:

  • Tin nhắn 1: Chào anh Long, tôi là thầy giáo cũ của cô Hằng đang sinh sống ở Miền Nam. Mùa đông năm nay ở ngoài đó, người ở độ tuổi anh, chắc là  khó chịu lắm?

–  Trả lời: Cám ơn anh. Nếu có thể “ Hãy gửi cho tôi một chút nắng vàng!”.

  • Tin nhắn 2: Tôi rất thích đọc những bài viết của anh. Mong anh ra tay cứu giúp cô Hằng trong vụ bạo hành ở THPT Lê Quý Đôn.

– Trả lời: Tôi thực sự mệt mỏi sau khi viết xong bài “Đừng sợ” và bài “Nỗi buồn mang tên Giáo Dục Đào Tạo”. Để viết về vụ LQĐ, thật khó  khi tư liệu về vụ này đã bị Công An thu giữ sạch trong lần tôi bị khám nhà hồi tháng 6 vừa rồi.

  • Tin nhắn 3: Anh có thể phải tìm gặp bạn bè của cô Hằng để lấy tài liệu.

– Trả lời: Cơ quan An Ninh chắc chắn họ không rời mắt  khỏi tôi. Tôi e ngại sẽ làm khó cho bạn bè cô Hằng khi tôi tìm cách tiếp xúc với họ.

  • Tin nhắn 4: Vấn đề là cô Hằng rất thiếu suy nghĩ nên sự việc trở nên phức tạp, vì thế mới cần anh ra tay. Cô Hằng có xin ý kiến anh trước khi ra tay không?

– Trả lời: Từ khi tôi nghỉ hưu (9/2007), tôi không có mối quan hệ nào với cô Hằng. Không bao giờ cô Hằng dám nói với tôi về kế hoạch sẽ tấn công ông Khiêm một cách manh động như thế. Nếu cô ấy hỏi tôi, chắc chắn không có vụ tai tiếng này. Tôi là người cầm bút, gia đình tôi là gia đình Phật tử, tôi không có chủ trương bạo lực với ai. Nay mai tôi có viết được một cái gì đó về vụ việc này thì trước hết là vì lẽ công bằng ở đời, sau là vì sự trong sáng và cao thượng của ngành nghề mà tôi đã theo đuổi. Tôi viết là vì nhiều lãnh đạo của ngành chúng tôi quá là bất xứng và tồi tệ. Tôi không viết vì cô Hằng.

  • Tin nhắn 5: Tôi hiểu lòng anh, nhưng Hằng là người của mình nên việc cứu cô ấy là việc cần làm ngay. Trong này tôi cũng thấy thấm cái rét của Mùa Đông đất Bắc rồi, Hằng ở trại thì khổ quá!

– Trả lời: Tôi không là người của ai, cô Hằng càng chẳng phải là típ người mà tôi tìm kiếm. Tôi chỉ đơn giản là người viết báo tự do, vô tư và trung thực bênh vực những ai cần phải bênh vực, thế thôi.

  • Tin nhắn 6: Tôi chờ đợi bài viết mới của anh. Chúc anh khỏe và thành công.

– Trả lời: Xin cám ơn.

Nếu không có những cuộc trò chuyện kiểu như thế này thì một người cầm bút không vì tiền bạc, chắc chắn tôi không bỏ qua sự kiện đặc biệt nghiêm trọng này.

* * *

Tôi chưa quên, sau sự kiện gian dối thi cử của GD ĐT Hà Tây mùa thi 2005 – 2006 bùng nổ gây chấn động dư luận cả nước, với sự xuất hiện của người anh hùng Đỗ Việt Khoa, người được dư luận cả nước tôn vinh là Người Đương Thời được yêu thích nhất 2006, thì tôi “Thanh Tra David” người luôn đứng bên Đỗ Việt Khoa cũng phải tiếp nhận hàng loạt hồ sơ, đơn tố cáo những sai trái của Hiệu trưởng Nguyễn Sỹ Khiêm Hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn do thầy giáo Kiều Văn Chất và nhân viên thư viện Lê Thị Thu Hằng gửi tới nhờ tôi tư vấn và can thiệp giúp.

Thầy Kiều Văn Chất tố cáo ông Khiêm 4 vấn đề liên quan đến những bê bối cài cấy điểm cho một học sinh hư con một ông lớn theo học ở lớp 12A 29, là việc mất 21 bằng TNPT, là việc thu tiền của học sinh một cách vô tội vạ và sai quy định, là việc quản lý lao động tùy hứng…

Để hạ nhiệt, trong ĐH CNVC nhà trường năm đó, ông Khiêm đã công nhận những gì mà thầy Chất tố cáo là đúng, nhưng với lãnh đạo Sở GD ĐT, ông Khiêm lại hoàn toàn bưng bít. Các ông bà quan liêu ngày đó trên Sở chẳng biết gì về những bết bát ở trường ông Khiêm nên vẫn cứ ký xoẹt giấy công nhận trường LQĐ là trường tiên tiến xuất sắc còn ông Khiêm vẫn cứ vô tư nhận về mình mọi danh hiệu cao quý mà Sở và Tỉnh rất hào phóng ban cho.

Thầy Chất tiếp tục phản ứng bằng đơn thư với 4 nội dung đòi phải làm rõ: Hiệu trưởng Khiêm khuất tất trong việc cho thuê phòng học, khuất tất số tiền lại quả của Bảo Việt dành cho nhà trường, khuất tất trong việc mua sắm bàn ghế và quá vô trách nhiệm khi dễ dàng nhận về trường những thiết bị đồ dùng dạy học quá kém chất lượng. Những ngày đó đơn từ của thầy Chất tới tấp gửi Sở, gửi Bộ, gửi Tỉnh, gửi báo chí, gửi các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước và gửi cả cho tôi một thanh tra đã về hưu. Một vài tờ báo lề phải như tờ Thanh tra Nhà nước, tờ Pháp luật … đã lên tiếng, đưa tin yếu ớt. Thanh tra có trả lời ông Chất dăm câu ba điều vô thưởng vô phạt bằng hình thức “Lời nói gió bay” quyết không cho văn bản, rồi cũng im bặt không một tiếng vang, tất cả những địa chỉ còn lại hầu như cũng im bặt & tất cả lặng lẽ chìm xuồng.

Quá buồn bã và thất vọng và cũng là để tránh đòn trả đũa của các lãnh đạo, một thời gian sau thầy Chất quyết định bỏ nghề mãi mãi mang theo một nỗi buồn không có người chia sẻ.

Cùng thời gian đó, cô Hằng tiếp tục gửi tôi nhiều đơn thư tố cáo ông Khiêm về những gì mà thầy giáo Kiều Văn Chất đã từng lên tiếng. Tôi mãi mãi là đắc lỗi với 2 người này. Tôi đã không làm gì để giúp đỡ họ được khi tháng 9 năm 2007, tôi đã phải nhận quyết định hưu trí, chính thức “Rửa tay cất phấn” và càng đáng tiếc hơn, trong cuộc lục soát tanh bành tư gia của tôi ngày 15 / 6 / 2010, với lý do tôi vi phạm thông tư 232 của Bộ Thông tin, toàn bộ tập hồ sơ tài liệu mà thầy Chất và cô Hằng gửi tôi cùng cả ngàn trang đơn thư của dân oan trong và ngoài tỉnh gửi tôi, CPU  máy tính, USB kỷ niệm của Đỗ Việt Khoa tặng tôi, thư từ của bạn bè, Hồi ký của các bậc lão thành cách mạng, bản thảo nhiều bài báo của tôi đang viết dở… đã bị Công an thu giữ. Đến nay dù chuyên án đã chính thức được cơ quan an ninh tuyên bố đình chỉ điều tra & chính thức tuyên hủy lệnh khởi tố bị cáo và bị can trong vụ án “Nguyễn thượng Long và đồng bọn” can tội tham gia làm báo bất hợp pháp có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi vẫn chưa được nhận lại những gì mà tôi đã bị thu giữ.

Việc lỗi hẹn với Thầy Chất và cô Hằng mãi mãi là những kỷ niệm dang dở  đối với tôi, một thanh tra nổi tiếng là mẫn cán với công việc nhọc nhằn & nguy hiểm mà chẳng mấy ai muốn làm.

Sau 4 năm rời xa bục giảng, nay tôi đã hóa thân vào công việc của người làm báo và viết báo tự do, một công việc cũng vô cùng nguy hiểm, nhất lại là ở đất nước tôi, nơi mà ngài Thủ tướng đã từng vô tư nói với người nước ngoài rằng:  “Người dân Việt Nam không thích, không cần tự do báo chí (!?)”. Một đất nước mà người dân lại chẳng biết gì về ĐỆ TỨ QUYỀN thì làm sao đất nước đó có tự do ngôn luận, tự do bày tỏ suy nghĩ thật của mình, càng chẳng thể có quyền tự do bênh vực những người đồng bào của mình gặp phải bất công và ngang trái.

Nhìn lại sự cố THPT Lê Quý Đôn Hà Đông suốt từ 2007 đến vụ bạo hành mới xảy ra với ông Khiêm Hiệu trưởng trường này, tôi tạm xin đưa ra mấy câu hỏi sau:

  • Lãnh đạo ngành, thanh tra ngành, lãnh đạo thị xã trước kia và thành phố hiện nay đã làm hết trách nhiệm của mình trước những lên tiếng rất sớm của Thầy Chất và cô Hằng gửi mình chưa? Các quý vị có thực lòng nói không với tiêu cực, với sai trái và thoái hóa ở cơ sở không?
  • Tập thể THPT Lê Quý Đôn, các đoàn thể, các hội đoàn đang hoạt động trong trường này đã thể hiện mình là một tập thể có dũng khí chiến đấu, có tinh thần đấu tranh nội bộ và đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình chưa? Hay chúng ta chỉ cố thể hiện mình là những thần dân chỉ biết cúi đầu và quỳ mọp trước trước Thiên tử (tức Hiệu trưởng và lãnh đạo) để vụ lợi, để cầu an!
  • Các cơ quan truyền thông báo chí lề phải đã từng sớm đưa tin, đăng bài lên án những sai trái xảy ra ở THPT Lê Quý Đôn như tờ Thanh tra Chính phủ, tờ Pháp luật… các quý vị có thực sự là những ngòi bút chiến đấu không hay các vị cũng dễ dàng chấp nhận mình chỉ là thứ mảnh gạch, mảnh đá xoàng xĩnh và vô hồn ném xuống mặt ao bèo?
  • Trên tất cả, tôi xin hỏi ông Khiêm: Tôi được biết năm đó, thanh tra đã khẳng định bằng lời rằng, những tố cáo của ông Kiều Văn Chất là đúng, vậy đã có những màn “Ảo Thuật” nào mà năm học đó trường vẫn là trường tiên tiến xuất sắc còn ông thì vẫn cứ vô tư được vinh danh với đủ các danh hiệu cao quý!

Qua những gì mà tôi còn nhớ được, trong bài nói mà cô Hằng đã đọc trong ĐH CNVC nhà trường ngày 14/10/2009 cô đã đề cập tới một chi tiết thật buồn. Tôi không biết dựa trên những cơ sở giáo học pháp nào? Cơ sở tâm lý giáo dục nào? Những nguyên tắc sư phạm nào đã cho phép một Hiệu trưởng có thể phê bình thực ra là xỉ mắng đồng nghiệp của mình trước học sinh toàn trường trong tiết chào cờ chỉ vì đồng nghiệp đó đi muộn vài phút. Buồn hơn nữa là sau này những đồng nghiệp đó lại sám hối trước ông Khiêm rằng họ cám ơn ông đã sỉ nhục họ, họ không hề nhờ cô Hằng nói gì trước Đại hội. Với một mái trường mà toàn là những nhân cách như thế thì hèn gì ít năm tháng sau khi ông lên ngôi từ lúc là một Phó Hiệu trưởng xuất sắc nhất, đệ tử số 1 được Nhà giáo ưu tú nổi tiếng Bùi Hoàng dày công dìu dắt và đào tạo…ông Khiêm đã hóa thân thành một nhà độc tài cũng số 1 của GD ĐT Hà Nội những ngày cả làng giáo phải tụng ca bài “Hai Không !?”.

Tôi nghĩ rằng “Giọt nước làm tràn ly” đã dẫn đến cơn kịch phát không kiểm soát nổi, dẫn đến một sai lầm quá lớn khi cô Hằng quyết định ra tay với ông Khiêm chính là việc ông Khiêm cứ khăng khăng chỉ xác nhận cô Hằng là một nhân viên hành chính của trường. Với lời xác nhận như thế thì ngoan ta sẽ cho làm kế toán, làm thủ quỹ…còn cứ chống ta thì ta sẽ cho đun nước, quét nhà, trông xe, đánh trống chứ gì?…

Tôi biết, nhiều năm trước khi tôi vẫn còn tại vị trong ngành, ông Khiêm đã từng thất bại khi bắt cô Hằng đi đun nước và quét nhà, chỉ vì cô Hằng hơn 20 năm đi với giáo dục là hơn 20 năm cô làm nhân viên trông coi thư viện (Thủ thư). Suốt từ những ngày làm việc ở Chương Mỹ đến nay cô vẫn đang làm nhân viên trông coi thư viện ở trường ông Khiêm. Không chỉ là một nhân viên thư viện có thâm niên, cô Hằng còn lặng lẽ nêu một tấm gương vượt khó, tự học, tự bỏ tiền túi ra để nâng cao nghiệp vụ công tác thư viện của mình. Tôi được biết, khi chuyển từ một thư viện ở Chương Mỹ ra Lê Quý Đôn, nhà giáo ưu tú Bùi Hoàng đã đón nhận cô và tạo điều kiện để cô Hằng sớm có được bằng cấp chính quy, nay điều đó đã trở thành hiện thực. Việc làm đó không khen ngợi, không giúp đỡ người ta thì thôi sao lại nỡ phũ phàng với nhau theo một cung cách bất nhẫn đến như vậy! Chẳng lẽ cô Hằng, thậm chí cả Trường PTTH Lê Quý Đôn nhất nhất phải cúi cổ trước mệnh lệnh: “Phải tao cho đi học thì mày mới là nhân viên thư viện, còn mày tự đi học, kể cả ông Bùi Hoàng cho mày đi học thì cũng bằng vô ích, mày có học đến Thạc sĩ thậm chí tới Tiến sĩ thư viện thì với tao mày cũng chỉ là một con nhân viên hành chính giẻ rách mà thôi !?”.

Hãy nghe nhà báo T. Hoa nói gì trên HNMO (Hà Nội mới online):

“Sau thời gian về công tác tại trường với nhiệm vụ được giao là trông giữ kho sách (!?), cuối 2006 Hằng tự ý đi học cao đẳng thư viện tại Trường Cao đẳng Nội vụ. Khi nhà trường yêu cầu các học viên phải có xác nhận của nơi công tác là cán bộ thư viện, Hằng đã làm đơn đề nghị nhưng không được ông Khiêm chứng thực”.

Hãy nghe phóng viên Công Dũng nói gì và viết gì trên tờ Pháp luật (Thứ Hai ngày 6/12/2010):

“Lê Thị Thu Hằng là nhân viên thư viện của trường PTTH Lê Quý Đôn…”.

Như thế là báo lề phải cũng đã xác nhận cô Hằng là nhân viên thư viện rồi, can cớ gì mà chỉ mỗi một mình ông Khiêm là cứ khăng khăng chỉ xác nhận cô Hằng là nhân viên hành chính (!?).

Chúng ta đang phải sống trong những ngày bão hòa và bội thực những điều phi lý. Xung quanh vụ ông khiêm cứ khăng khăng chỉ xác nhận cô Hằng là nhân viên hành chính, không ai có thể cấm được người khác đặt ra một khả năng: Cái suất biên chế làm thư viện ở trường Lê Quý Đôn đã có chủ rồi. Chắc chắn suất đó là của con cái các quan chức nào đó nên ông Khiêm mới khăng khăng như thế chứ. Cái gì đã diễn ra trong bóng đêm của thế gian và bóng tối của lòng người! Chỉ có ông Khiêm, các lãnh đạo của ông Khiêm và Đức Chúa Trời là được biết mà thôi.

Bình tĩnh và lùi ra xa khỏi vụ bạo hành ở Lê Quý Đôn một chút, tôi thấy cái sai, cái ác, cái phạm pháp luật là phải lên án, nhưng cũng cần phải có một sự cẩn trọng nhất định. Tại sao một người phụ nữ chưa hết xuân sắc, lại thành đạt, có một gia đình hạnh phúc… lại là tác giả của một cú ra đòn quyết liệt đến như thế!? Tôi nghĩ, tất cả những gì mà công luận đang xôn xao… chỉ là mới nhìn thấy phần QUẢ, phần NỔI của cả một tảng băng chìm. Vậy thời phần NHÂN, phần CHÌM đang còn nằm ở đâu? Câu hỏi đó xin để dành cho Cơ Quan Điều Tra, xin dành cho các vị Quan Tòa. Tôi cũng nghĩ: Không phải cứ việc gì cũng phải gặp nhau ở Tòa Án. Có việc ra đó là có lợi, có việc ra đó thì lợi bất lợi mà lại cập hại cũng nên. Theo tôi vụ khủng hoảng đáng tiếc ở THPT Lê Quý Đôn chỉ nên xử lý hành chính trong nội bộ của ngành GD ĐT là vừa.

Tôi xúc động trước tình cảm mà người đồng nghiệp của tôi đã dành cho cô Lê Thị Thu Hằng học trò của ông ấy. Tôi cũng đã từng dùng ngòi bút để bênh vực học trò của mình, nhưng nếu tôi thực sự có tội với dân tộc, với đất nước của ông bà… thì chẳng học trò nào có thể cứu được tôi.

Cuộc sống là một chuỗi dài những vận động không ngừng nghỉ và  biết rằng không một tín điều nào có thể trơ gan cùng tuế nguyệt, mọi hóa thạch trong những tầng đất đá, mọi xác ướp trong những lăng tẩm, nhà mồ… rồi cũng sẽ trở về nơi cát bụi mà thôi. Cuộc sống có thể xô đẩy mỗi người vào những chân trời góc biển khác nhau… thì vẫn có những thời khắc “Ta nhìn nhau mà rưng rưng muốn khóc !”. Điều đó vẫn không thiếu, không bao giờ băng hoại được và điều đó đã được nhân loại gọi là TÌNH NGƯỜI.

Qua vụ bạo hành nghiêm trọng ở THPT Lê Quý Đôn, tôi tin rằng khái niệm TÌNH NGƯỜI ở mái trường này, thực ra là ở toàn ngành GD ĐT Hà Nội, và có thể rộng hơn nữa,  là có vấn đề. Theo tôi, để có được vụ đó, 1/3 “Công Lao” là thuộc về ông Nguyễn Sỹ Khiêm Hiệu trưởng, 1/3 thuộc về cô Lê Thị Thu Hằng nhân viên thư viện của mái trường này, 1/3 còn lại xin chia đều cho cán bộ công nhân viên trong trường, cho “Thanh Che” lãnh đạo Sở và các cơ quan truyền thông lề phải. Nói  vụ này là một thứ Lỗi Hệ Thống! Tôi nghĩ nói thế cũng chẳng có gì là sai.

Lê Thị Thu Hằng

Lê Thị Thu Hằng

Buồn thay! “Hòn Gạch” đã ném đi, “Hòn Chì” đã ném lại… tất cả đã thành sự đã rồi. Hình như giới chức lãnh đạo GD ĐT Hà Nội vẫn đang ru mình trong TAM VÔ (Vô Can – Vô Cảm – Vô Sự). Cô Lê Thị Thu Hằng thì đang gặm nhấm những ngày tháng buồn trong lao lý. Ông Khiêm thì cũng đã bình phục sau những đau đớn thân mình, ông vẫn đứng trên bục cao rao giảng đạo đức cho mọi người và nghe nói ông đã tìm được thú vui mới sau ngày lâm nạn là ngày ngày ông Download rất nhiều những bài báo lề phải bênh che cho ông, lại kèm theo cả hình cô Hằng đầu tóc xoã xượi … để làm gì nhỉ?… tôi không hiểu, bạn bè tôi cũng không hiểu gì về tin đồn này. Nếu điều đó lại là sự thật, thì xin nói với ông: Không một người đàn ông đích thực nào lại sung sướng khi cố hạ nhục một người đàn bà đã ngã ngựa. Sẽ không là thừa khi tôi nhắc nhở ông: “Người ta chỉ chính thức có tội khi đối diện với lời tuyên án của Tòa ”. Vậy mà trong ngành chúng ta có quá nhiều người không hề ý thức được điều giản dị đó.Thế thì chắc chắn họ chưa thể ngộ được cái sâu sắc của lời răn : “Lấy oán báo oán ! Oán Oán trập trùng”, còn “Lấy Ân báo Oán….” thì sao? Mong ông và mọi người tự tìm hiểu.

Không biết câu chuyện thù oán thê thảm này rồi sẽ còn trập trùng đến bao giờ? Câu trả lời xin dành cho những ai vẫn thực lòng với GD ĐT.

Lời cuối cùng cho câu chuyện buồn.

Bài viết này đúng là một chứng cớ để kết luận tôi lại tiếp tục đi ngược chiều gió thổi. Biết rằng nói và viết không theo lề phải là nguy hiểm vô cùng, là chẳng lợi lộc gì cho gia đình, vợ, con, người thân, bè bạn… vậy mà tôi vẫn cứ như là kẻ bị mộng du, bị ma ám! Trong mỗi lần bị rơi vào trạng thái đó, là một lần quá vãng đau buồn của ngày 15 / 6 / 2010, ngày hàng vài chục con người thực ra tôi cũng chẳng thù hận gì họ kể cả lúc này, đã tràn ngập ngôi nhà nhỏ bé của tôi và họ đã mang đi của tôi những gì chỉ để phục vụ cho việc tôi sẽ nói với đồng bào tôi rằng: Chúng ta đang sống những ngày như thế nào?  Một lần khác, tôi lại thấy tôi bị một tốp người lôi tôi ra pháp trường trong mầu áo “Juventus” với 2 bàn tay bị còng số 8 nghiến chặt và lạ lùng thay, tôi lại hát ! Bài hát đó có những câu thật buồn:

“Tôi hát! Tôi hát bài hát về cố hương tôi,

Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm.

Kiếp này tôi là người, kiếp sau xin làm vật.

Với kiếp sau: Tôi xin làm con chó nhỏ …

Để canh giữ nỗi buồn báu vật cố hương tôi.”

( Sự mất ngủ của lửa – Nguyễn Quang Thiều)

15- 01-2011

Hà Đông những ngày cuối năm Canh Dần

NTL

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

–           Nguyên giáo viên dậy Địa Lý của Hoà Bình & Hà Tây.

–           Nguyên Thanh tra Giáo Dục kiêm nhiệm của Hà Tây.

–           Chỗ ở Thôn Văn La – Phường Phú La – Hà Đông – Hà nội.

–           ĐT 0433521066 & 0953298198.

–           Email: nguyenthuonglong571@gmail.com

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.