Tổng thống Barack Obama ‘có kế hoạch nêu vấn đề nhân quyền’ khi tiếp lãnh tụ Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuần này
Báo Mỹ cũng đưa tin đây là lần đầu tiên, một Tổng thống Hoa Kỳ tiếp nguyên thủ quốc gia của một nước đang giam cầm người được giải Nobel Hòa bình.
Không chỉ vì các giới vận động nhân quyền kêu gọi Tòa Bạch Ốc phải có thái độ với Trung Quốc, mà nhân quyền nay đã là một phần trong chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ.
Do đó, dù đối thoại nhân quyền với Trung Quốc dịp này là một cách làm ‘khá rủi ro’, theo báo Washington Post, Tổng thống Obama vẫn có kế hoạch nêu ra.
Ủng hộ nhân quyền
Tờ báo Mỹ cũng đưa tin hôm thứ Năm tuần qua, ông Obama lần đầu tiên tiếp một lúc năm nhà vận động nhân quyền cho Trung Quốc, trong đó ba người sinh ra tại Trung Quốc.
Một trong số họ là bà Tra Kiến Anh, hiện giảng dạy tại Hoa Kỳ nhưng là người ký Hiến chương 08, kêu gọi cải cách chính trị ở Trung Quốc.
Truyền thông Hoa Kỳ trích lời nguồn từ Tòa Bạch Ốc nói ông Obama “sẽ nêu nhân quyền và tự do dân sự” với Chủ tịch Hồ của Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu vừa qua, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng phát biểu, nhắc rằng “là một trong các quốc gia sáng lập Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã cam kết tôn trọng các quyền con người cơ bản”.
Bà Clinton cũng nói “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lên tiếng và hối thúc (press) Trung Quốc khi nước này kiểm duyệt các bloggers, cầm tù các nhà vận động”.
Phát biểu của bà Clinton ngay trước chuyến thăm cấp nhà nước của ông Hồ Cẩm Đào sang Hoa Kỳ, bắt đầu ngày 19/1 này, là chỉ dấu rõ ràng nhất rằng Tòa Bạch Ốc sẽ không vì các chủ đề khác như Bắc Hàn hay Iran mà nhượng bộ Trung Quốc.
Các báo Âu Mỹ nhắc rằng trong chuyến thăm Trung Quốc hồi 2008, Tổng thống Barack Obama bị Bắc Kinh đón tiếp với con mắt khinh thị.
Một số nhà bình luận tin rằng thái độ của Trung Quốc đến từ chỗ họ tưởng rằng ông Obama là một ‘Tổng thống yếu’ nên cần ‘lấn sân tối đa’.
Tuy thế, Hoa Kỳ không tỏ ra quá e dè với các mục tiêu của Trung Quốc, và vẫn quyết định các chuyện khiến Bắc Kinh bực bội như bán hơn 6 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, đưa hàng không mẫu hạm vào vùng biển gần Trung Quốc.
Bản thân Tổng thống Obama đã tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma, bất chấp TQ phản đối.
Tòa Bạch Ốc cũng yêu cầu thả ông Lưu Hiểu Ba, nhà vận động dân chủ được Nobel Hòa bình tháng 10/2010, mà hiện chính quyền TQ vẫn cầm tù.
Hàn gắn quan hệ
Chuyến thăm nay là dịp ông Hồ Cẩm Đào ‘hàn gắn’ quan hệ để ổn định mối bang giao vốn bị coi là ‘xuống thấp chưa từng thấy’ trong năm 2010.
Bên cạnh các vấn đề như Biển Đông, Điếu Ngư Đài và Nam-Bắc Hàn, quan hệ hai bên hiện ‘đầy nghi kỵ’ cả về ngoại giao, quốc phòng và thương mại.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Gates được mô tả là không vui về cách ứng xử của TQ trong chuyến thăm bốn ngày vừa qua.
Các trang mạng TQ khoe ra một mô hình phi cơ tiêm kích ‘tàng hình’ ngay trước khi ông Gates tới thăm, như để gửi một thông điệp rằng giới quân sự TQ không hề sợ Mỹ.
Được biết phía Trung Quốc cũng cố gắng để làm sao chuyến đi thật ‘thành công’ theo cách hiểu của Bắc Kinh.
Lần trước, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chỉ là ‘chính thức’ (official visit) nhưng báo chí TQ nhất quyết gọi là cấp nhà nước (state visit).
Lần này, như để thỏa mãn nhu cầu thủ tục đó từ phía Trung Quốc, Tổng thống Obama sẽ khoản đãi ông Hồ bằng ‘quốc yến’ (state dinner).
Nhưng truyền thông phương Tây cũng bình rằng nếu Hoa Kỳ nêu ra các vấn đề gai góc trong một chuyến thăm trang trọng như vậy thì phía Trung Quốc cũng khó lòng mà trách rằng họ bị đối xử ‘không công bằng’.
Quan điểm của Mỹ là Trung Quốc vì đã là một cường quốc nên cần có trách nhiệm tương xứng với thế giới, như trong vấn đề tỷ giá tiền tệ, và với chính người dân của họ, như trong việc tôn trọng nhân quyền.
Trái lại, Trung Quốc thường nói họ vẫn là một quốc gia đang phát triển với truyền thống văn hóa khác, và mô hình chính trị – xã hội phương Tây không hoặc chưa thích hợp.