Báo cáo vị báo cáo

Những báo cáo và chiến lược quan trọng nhất của đất nước, thay vì đi thẳng vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng của đời sống, lại chỉ tập trung tô vẽ cho chính mình để đạt đến độ “hoàn hảo giả tạo”, trở thành những Báo cáo vị báo cáo, Chiến lược vị chiến lược nên khô cứng sáo mòn và xa lạ với cuộc sống. Tính bất khả thi của những báo cáo và chiến lược này vì thế là tất yếu.

Đọc lại những văn bản quan trọng nhất của đất nước trong thời gian gần đây, dù đã được trình hoặc đang ở dạng bản thảo lấy ý kiến của nhân dân, thì cảm tưởng sáo mòn, xa rời cuộc sống dội lên đến tận cùng. Cụ thể là những lập luận, nhận định, định hướng… thường không có cơ sở và logic chặt chẽ, quá đỗi chung chung và sáo mòn đến mức nhàm chán.

Từng câu từng đoạn khi để tách rời thì rất đúng, rất khó bắt bẻ nhưng khi kết hợp lại thành một tổng thể thì như một cái xác không hồn và lộn xộn đến mức khó chấp nhận. Đơn cử như trích đoạn trong “Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, một văn bản đang được trình lấy ý kiến của nhân dân như sau:

“Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đạt được những thành tựu nêu trên là nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị – xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia.”

Người đọc có lý trí bình thường, khi đọc đoạn văn bản này không khỏi có ý nghĩ về logic của văn bản và trình độ của những người soạn thảo:

  • Nếu “Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều…” thì vì sao ‘Các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng”? Thay đổi ở đây, như vậy, là thay đổi gì?
  • Nếu đã “phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị” thì vì sao kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc”? Sức mạnh toàn dân tộc, năng động sáng tạo của toàn quân toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị có lẽ nào chỉ mang lại những kết quả yếu kém như trên? Nếu đúng thì dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống chính trị đó cần xem lại mình. Còn nếu sai thì nội dung của đoạn trích dẫn trên là hoàn toàn vô nghĩa.
  • Nếu đất nước được vận hành “dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước” thì vì sao “những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng”, “sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc”, “các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc”, “môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng”? Sự lãnh đạo như vậy có được gọi là đúng đắn, sự quản lý như vậy có được gọi là hiệu quả?
  • V.v.

Chỉ một đoạn văn bản ngắn như vậy mà đã chứa vô số những lập luận và nhận định lủng củng thì cả một văn bản dài, chưa kể hàng trăm văn bản mang tính chỉ đạo khác sẽ ra đời từ văn bản này, sẽ chứa đựng biết bao nhiêu củng lủng lầm sai?

Giật mình: Đây là một đoạn trong một văn bản quan trọng bậc nhất của đất nước hiện nay: Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020. Nếu văn bản này được thông qua, trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động quản lý và điều hành đất nước trong 10 năm tới thì hậu quả sẽ như thế nào?

  • Sẽ đẻ ra một đất nước lủng củng và phi logic như đoạn văn bản đã trích dẫn ở trên?
  • Và để đối phó với những lủng củng phi logic đó, sẽ lại ra đời hàng trăm văn bản lủng củng phi logic khác để hợp thức hóa, logic hóa những lủng củng và phi logic đã có?
  • Và một hệ thống phương tiện đủ loại đủ kiểu sẽ đi vào hoạt động hết công suất để đảm bảo cho việc hợp thức hóa, logic hóa được thành công?
  • Và để chấp nhận chúng, con người phải được huấn luyện để trở thành lủng củng và phi logic một cách tương ứng?
  • Nếu không, họ sẽ phải làm gì? Tự cắt bỏ khả năng tư duy và cảm nhận để trở nên vô cảm hay sẽ lao vào bài bạc, vũ trường, thuốc phiện… để quên đi cái lủng củng và phi logic của thực tế?
  • Một xã hội suy đồi và một đất nước suy vong khi đó có còn xa?

Nhức nhối:

  • Chúng ta sẽ đi về đâu dưới sự chỉ dẫn của những chiến lược này?
  • Chúng ta phải làm gì với mớ bòng bong này?

G. V. D.

Nguồn: http://www.giapvan.net/2011/01/bao-cao-vi-bao-cao.html

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.