Luật sư Trịnh Minh Tân kiến nghị xem xét lại bản án hình sự phúc thẩm cho ông Trần Văn Thanh

Xung quanh vụ án thiếu tướng Trần Văn Thanh, nguyên Chánh thanh tra Bộ Công an, báo chí đã tốn nhiều bút mực. Mới đây nhất, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm, theo hướng thiếu tướng Trần Văn Thanh không phạm tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Đây là vụ án điển hình về việc chính toà án có dấu hiệu đi ngược lại quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và trái với nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật hình sự, khi toà để kết án, lại viện dẫn hai văn bản, một của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng và một của Thanh tra Chính phủ, chứ không phải của các cơ quan tố tụng theo luật định. Như thế, nguyên tắc độc lập của toà án đã bị vi phạm. Bauxite Việt Nam thường không đăng những bài nêu vấn đề quá cá biệt. Lần này, chúng tôi đăng tải hai văn bản về kiến nghị của Luật sư Trịnh Minh Tân, người bào chữa cho Thiếu tướng Trần Văn Thanh, do Luật sư trực tiếp gửi cho Bauxite Việt Nam, là vì đồng tình với nhận định của Luật sư, rằng việc làm trái luật như trên “sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm” cho nền tư pháp nước nhà.

Bauxite Việt Nam

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

————————-

KIẾN NGHỊ

xem xét lại Bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009//HSPT ngày 07-12-2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng theo thủ tục giám đốc thẩm

Kính gởi:    – Ông Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao

– Ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao

Người kiến nghị:

Họ và tên:  TRỊNH MINH TÂN, luật sư – VPLS Trịnh Minh Tân

Địa chỉ VP: 531 (số cũ 379) KPh 2, Nguyễn Thị Thập, P.Tân Phong, Q.7, TP HCM,

ĐT: 08 37750178,  DĐ:  0903709078,  Fax: 08 543333029

Thẻ luật sư số 1707/LS do Đoàn luật sự Tp. HCM cấp ngày 02.01.2009

Là luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Thanh (theo Giấy chứng nhận người bào chữa  số 344/ HS/GCN ngày 08-9-.2009 do Tòa Phúc thẩm TAND Tói cao tại Đà Nẵng cấp) tại Phiên tòa phúc thẩm ngày 07-12-2009.

Thưa Quý Ông, tại phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 07-12-2009, với trách nhiệm là luật sư bào chữa tôi đã trình bày quan điểm của mình, phân tích những tình tiết của vụ án, những lập luận thiếu cơ sở của Bản án sơ thẩm quy kết ông Trần Văn Thanh phạm tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS. Tuy nhiên bản án phúc thẩm đã không đề cập đến những lập luận, các chứng cứ do các luật sư (trong đó có tôi) đưa ra để chứng minh thân chủ của mình không phạm tội như án sơ thẩm đã tuyên, mà chỉ đưa ra các nhận định một chiều, quy kết thân chủ tôi một cách gượng ép, thiếu cơ sở.

Ông Trần Văn Thanh (vì Bản án đã có hiệu lực nên tôi không dùng danh xưng là “bị cáo” nữa) có phải là người “cầm đầu, chủ mưu, kích động, xúi giục các bị cáo khác “phạm tội” – tức gửi đơn thư sai sự thật không?

Cũng như án sơ thẩm, Bản án Phúc thẩm chỉ căn cứ vào danh sách các cuộc điện thoại giữa ông Trần Văn Thanh và Nguyễn Phí Duy Linh để quy kết ông Thanh “chỉ đạo” việc khiếu nại, tố cáo. Nội dung các cuộc điện thoại này như Linh khai là việc riêng, việc gia đình, không có nội dung khiếu nại của Sắt. Còn danh sách các cuộc điện thoại ít ỏi giữa số điện thoại của ông Thanh và Sắt thì chỉ có 2 cuộc, trong đó 1 cuộc không phải là số điện thoại của Sắt mà là của em Sắt gọi vào máy của ông Thanh. Tất cả những danh sách này chỉ là danh sách “câm”, không nói lên được điều gì liên quan đến việc Sắt khiếu nại, tố cáo.

Án Phúc thẩm (lặp lại nhận định của án sơ thẩm chỉ) căn cứ vào lời khai của Đinh Công Sắt để quy kết là phủ nhận tính khách quan của sự việc. Đinh Công Sắt vi phạm kỷ luật và bị sa thải khỏi ngành công an, việc khiếu nại kỷ luật là một việc bình thường mà bất kỳ một công chức nào khi bị kỷ luật cũng có thể làm để bảo vệ quyền lợi của mình, phù hợp với Luật khiếu nại, tố cáo.

Trong vụ án này, điểm nổi bật là các bị cáo bị truy tố về tội “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” mà hành vi của họ là trực tiếp hoặc không trực tiếp liên quan đến hành vi khiếu nại, tố cáo. Khiếu nại và tố cáo là hai khái niệm khác nhau cùng nằm trong một văn bản luật là Luật khiếu nại – tố cáo.

Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận tại điều 74 của Hiến pháp năm 1992 và được cụ thể hóa trong LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO. Đó là hiện tượng phát sinh trong đời sống xã hội, nó là một phản ứng của con người trước một quyết định, một hành vi nào đó mà người khiếu nại cho rằng quyết định hay hành vi đó là không phù hợp với các quy tắc, chuẩn mực chung, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ, hoặc tổ chức, cá nhân khác. Đứng ở phương diện  pháp lý, khiếu nại được hiểu là: “việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại, tố cáo quy định đề nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình” (Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại, tố cáo).

Trong vụ án này, Đinh Công Sắt khiếu nại kỷ luật đối với anh ta là một việc làm bình thường, vì luật đã quy định cụ thể, đúng hay sai là do cơ quan có thẩm quyền quyết định khi giải quyết khiếu nại, cần gì phải có người tố chức, xúi giục?

Khi Đinh Công Sắt khiếu nại thì quy trình thực hiện việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại theo quy định tại Quyết định số 795/2003/QĐ-BCA(V24) ngày 22 tháng 10 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lực lượng Công an nhân dân. Sau khi Sắt bị khởi tố thì quy trình này được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1371/2007/QĐ-BCA(V24) ngày 7-11-2007 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân. Quyết định này mở rộng quyền của người khiếu nại hơn và tăng trách nhiệm của cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hơn quy định cũ.

Khiếu nại của công dân là một quyền Hiến định, là một khái niệm pháp lý thể hiện qua việc công dân có thể tự định đoạt việc đưa kiến nghị, khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và đến lượt mình, các cơ quan đó phải có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại tuân theo một trình tự và thời hạn luật định. Công dân thực hiện quyền khiếu nại trước hết là nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của mình, của Nhà nước và của xã hội khỏi bị xâm hại bởi những việc làm, những quyết định mà họ cho rằng trái với chính sách, pháp luật của các cơ quan, nhân viên nhà nước và tổ chức xã hội. Điều đó cũng có nghĩa rằng, bằng việc thực hiện quyền khiếu nại của mình, công dân đã tham gia một cách trực tiếp và thiết thực vào công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các khiếu nại của công dân trước hết là nhằm bảo về lợi ích chính đáng của công dân, bằng cách đó, trực tiếp góp phần vào việc xây dựng và củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng, đối với Nhà nước, đối với chế độ. Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ cả hai phía để bảo đảm tình khách quan, kịp thời và có hiệu qủa trong việc thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Đinh Công Sắt là một công dân, anh ta có đầy đủ quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy không có chứng cứ xác định ông Trần Văn Thanh “tổ chức, xúi giục“ Sắt làm đơn khiếu nại.

Về việc Đinh Công Sắt (và những người khác) gởi đơn tố cáo: Việc tố cáo của Đinh Công Sắt có phải do ông Trần Văn Thanh tổ chức, xúi giục không? Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án tự nó đã phản bác lại quy buộc này của Bản án Phúc thẩm .

Tố cáo. Dưới góc độ pháp lý, tố cáo được hiểu là: “việc công dân theo thủ tục do Luật khiếu nại, tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.(Khoản 2, Điều 2 Luật khiếu nại, tố cáo). Như vậy, công dân dù bị ảnh hưởng trực tiếp hay không bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm pháp luật là đối tượng của việc tố cáo đều có quyền thực hiện việc tố cáo khi biết được có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống xã hội. Công dân có thể cung cấp các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật cho các cơ quan nhà nước.

Như vậy, án phúc thẩm quy buộc Nguyễn Phí Duy Linh gửi đơn khiếu nại, tố cáo là “nhằm phục vụ động cơ cá nhân người khác, cụ thể là cho Trần Văn Thanh” là một sự suy diễn gượng ép, trái với cả quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và trái với nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật hình sự.

Việc Sắt tố cáo tham nhũng khi trong tay anh ta có văn bản số 73 và 77 của VKSND TP Đà Nẵng báo cáo VKSNDTC và Bí thư Thành ủy TP ĐN với nội dung nói về hành vi tham nhũng thì có gì sai?. Đinh Công Sắt hay bất kỳ một công dân nào khác một khi đọc được nội dung của 2 văn bản này nói về nội dung vụ án Phạm Minh Thông (trong đó có nêu dấu hiệu tham nhũng của ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Năng), họ không có nghĩa vụ phải phân tích thông tin đó là đúng hay là sai, đúng sai phải do cơ quan có thẩm quyền kết luận, mà trong trường hợp nêu tại 2 công văn 73, 77 phải là Kết luận của Cơ quan tiến hành tố tụng, chứ không phải như án phúc thẩm viện dẫn 2 văn bản, một của UBKTTW và, một của Thanh tra Chính phủ để cho rằng “đây là những kết luận của các cơ quan có thẩm quyền Trung ương” để từ đó cho rằng các bị cáo cố tình tố cáo sai sự thật. Việc này Sắt chắc chắn không cần phải nhờ người khác tổ chức hay xúi giục vì bản thân anh ta là người bị kỷ luật không thể không so sánh, cho dù là sự so sánh có thể “khập khiễng”, không phải như HĐXX nhận định là bị cáo Sắt đã trở về địa phương “làm ăn yên ổn, do ông Trần Văn Thanh kích động, xúi giục” nên Sắt làm đơn khiếu nại, tố cáo (!),

Lời khai của Sắt tại CQĐT có rất nhiều nội dung bất nhất nhưng Bản án phúc thẩm thẩm vẫn căn cứ vào lời khai đó để quy buộc ông Trần Văn Thanh là thiếu khách quan.

Tại BL 1526 Sắt khai: Ngày anh Thanh vào dư hội nghị tại bệnh viện 199, buổi sáng tôi đt cho anh Thanh 1 cuộc từ máy từ máy di đông của tôi 0903500484 được biết anh Thanh đang dự hội nghị ở viện 199. tôi xin gặp anh Thanh hẹn cho gặp khi anh họp xong – từ đó đến khoảng 15 giờ chiều tôi có đt từ máy di động của tôi (0903500484) cho anh Thanh khoảng 2 – 3 cuộc để hỏi nhưng anh Thanh chỉ trả lời ngắn …

Hỏi: kết quả xác minh được biết ngày anh Thanh dư hội nghị tại viện 199 – BCA là ngày 28/11/2//6. tại list đt 0903500484 của anh trong ngày hôm đó chỉ có 1 cuộc anh điện cho di động của anh Thanh 0915319999 vào lúc 9h 33’ – với thời lượng 19 giây – ngoài ra không có cuộc gọi nào khác cho anh Thanh vậy anh giải trình lời khai anh vừa khai trên thế nào?

Đáp: có thể cuộc gọi quá ngắn, cuộc gọi bị trượt nên không thể hiện vào list” (?)

Chính Sắt cũng đã khai: “việc tôi viết đơn tố cáo cụ thể các ông trên là do Linh hướng dẫn trực tiếp cho tôi, chứ không phải do anh Thanh hướng dẫn cho tôi tại cuộc đt ở bưu điện Hòa Minh như tôi đã khai trước đây” (BL 1526). Thế nhưng án phúc thẩm lại căn cứ vào lời khai không đúng của Sắt trước đó để quy kết ông Trần Văn Thanh. Án phúc thẩm viết: “Đinh Công Sắt khai khi điện thoại gặp Thanh vào ngày 03/12/2006, tại bưu điện Hòa Mỹ (Hòa Minh chứ không phải Hòa Mỹ, án phúc thẩm viết chưa chính xác-ls), Thanh đã bảo Sắt làm đơn tố cáo …”. Đây là sự suy diễn trái với cả lời khai của Đinh Công Sắt mà án sơ thẩm cũng như phúc thẩm đã cho rằng Sắt “thành khẩn nhận tội”.

Ngược lại, những lời khai mà Nguyễn Phí Duy Linh, Dương Tiến phủ nhận lời khai trước đó mà họ khai là do bị ép buộc thì không được HĐXX xem xét (diễn biến tại phòng xử án khi HĐXX PT vào nghị án là một tình huống có lẽ chưa từng xảy ra khi bị cáo – trung tá Công an Dương Tiến chỉ thẳng vào mặt điều tra viên để tố cáo việc điều tra viên đã đánh anh ta khi tiến hành hỏi cung, tại phiên tòa Dương Tiến cũng khai là bị điều tra viên đánh – vấn đề này cần phải được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ).

Đối với việc tố cáo, cần xác định việc tố cáo có phải là tố cáo sai sự thật không thì mới xử lý người tố cáo. Việc này phải căn cứ vào quy định của pháp luật, không thể chỉ dựa vào một vài văn bản không chính thức để quy buộc là người tố cáo đã tố cáo sai sự thật để truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc làm tùy tiện sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường là làm oan người vô tội.

Khoản 3 Điều 38 NGHỊ ĐỊNH số 136/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 quy định:Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan nhà nước các cấp, các ngành nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trù dập, trả thù thì phải có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ, có biện pháp bảo vệ người tố cáo, ngăn chặn và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật người có hành vi đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo.” Tại khoản 3 Điều 44 Nghị Định này quy định: “Trong trường hợp hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát để giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.”

Trong vụ án này, các đơn tố cáo chưa được cơ quan có thẩm quyết giải quyết. thay vào đó là các Cơ quan THTT Đà Nẵng đã truy cứu trách nhiệm hình sự người tố cáo là chưa đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

Nếu chỉ căn cứ vào hai văn bản:

Một là Báo cáo kết luận Thanh tra theo đơn khiếu tố của một số công dân TP ĐN số 905 ngày 10/5/2007 của Thanh tra Chính phủ do Phó tổng Thanh tra Mai Quốc Bình ký (BL 1587 – 1599): chỉ đề cập khiếu nại các dự án, không có vụ Phạm Minh Thông (cũng là đúng, vì Thanh tra cũng không có thẩm quyền kết luận vụ này, mà phải do các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận mới đúng thẩm quyền).

Hai là THÔNG BÁO số 94/TB/KTTW ngày 25/4/2007 của UBKTTW “Thông báo kết quả giải quyết tố cáo đối với đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng

THÔNG BÁO được đóng dấu MẬT, nhưng lại do người không có thẩm quyền chứng thực sao y trên bản photo là trái với qui định của pháp luật về quản lý tài liệu thuộc bí mật nhà nước độ MẬT, cụ thể là vi phạm NGHỊ ĐỊNH số 33/2002/NĐ-CP  ngày 28 – 3 – 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Lẽ ra văn bản này các CQTHTT không được phép sử dụng, vì đây là văn bản chỉ được phép sử dụng trong nội bộ tổ chức Đảng, trừ những tài liệu mang dấu vết của tội phạm hoặc là chứng cứ trong một vụ án hình sự thì mới được sử dụng để chứng minh tội phạm. Đây là một vi phạm nghiêm trọng trong việc quản lý và bảo quản mật tài liệu của cơ quan Đảng, vì tài liệu này chưa được giải mật, thậm chí chưa được hạ độ mật nhưng nó đã được đưa vào hồ sơ vụ án thì đã là tài liệu được công khai nội dung trước Tòa như các tài liệu điều tra khác. Vi phạm nghiêm trọng của bản án phúc thẩm là đã viện dẫn cả THÔNG BÁO số 94 của UBKTTW để làm căn cứ buộc tội ông Trần Văn Thanh và những người khác. Việc làm này nếu không được chấn chỉnh sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, có thể làm mất uy tín Cơ quan Kiểm tra của Đảng. Bởi lẽ, nguyên tắc, nội dung, phương pháp Kiểm tra của Đảng và xử lý kỷ luật đảng chỉ được thực hiện trong tổ chức đảng, còn các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc phạm tội phải được tiến hành điều tra, xác minh và kết luận theo các quy định của Tố tụng tư pháp nói chung và tố tụng hình sự nói riêng (nếu là tội phạm). Do đó, Chỉ riêng việc vi phạm này của Bản án phúc thẩm cũng đã đủ cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.

Thông báo trên có ghi: “Tóm lại, nội dung sự việc thư tố cáo nêu là có. Nhiều nội dung được UBND thành phố đã giải quyết, có nội dung được Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng Trung ương đã kết luận, có việc đã được Tòa án nhân dân xét xử, không thấy đồng chí Nguyễn Bá Thanh có liên quan hoặc sai phạm các nội dung này”. Điều này cũng cho thấy Thông báo của UBKTTW là đúng mực trên cơ sở chức năng của Cơ quan Kiểm tra của Đảng, vì bản án vụ Phạm Minh Thông không đề cập đến hành vi đưa và nhận hối lộ như trong công văn 73 và 77 của VKSNDTP Đà Nẵng đã nêu. Như vậy, cứ giả sử cho rằng việc Bản án phúc thẩm viện dẫn Thông báo của UBKTTW để quy buộc tội ông Thanh và các người khác phạm tội là đúng về mặt hình thức thì nội dung của văn bản đó cũng không nói lên đều gì, càng không phải là căn cứ để phủ nhận nội dung công văn 73, 77 mà cho đến nay vẫn chưa có được kết luận chính thức từ phía các Cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu hai công văn đó là sai thì ai là người chịu trách nhiệm?

Văn bản 73 và 77 của VKSNDTP ĐN không có bản chính, không có bản sao trong hồ sơ. Vậy tính xác thực của văn bản này ai xác nhận?

Các CQTHTT cấp sơ thẩm cũng đã rất thận trọng trong việc xác định tính xác thực của văn bản, nên CQ ĐT đã 2 lần yêu cầu VKSND TP ĐN cung cấp bản chính của 2 văn bản nêu trên. VKSND TP ĐN đã trả lời tại Công văn số 82/KSĐT ngày 27/7/2007 (BL 14) như sau:

“Công văn số 73/KSĐT-KT ngày 31/10/2000 và công văn số 77/KSĐT-KT ngày 1/11/2000 do VKSND-TPĐN ban hành (thể hiện trong sổ theo dõi công văn của phòng KSĐT án kinh tế và sổ công văn đi của văn thư VKSND-TPĐN thời kỳ đó).

Căn cứ vào QĐ số 481/2004QĐ – BCA(A11) ngày 27/5/2004 của Bộ Công an thì đây là tài liệu “MẬT” của ngành KSND. Song để đảm bảo có căn cứ pháp luật thì 2 công văn trên cần phải được giám định có kết luật của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Nhưng qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại kho lưu trữ của cơ quan, VKSND-TPĐN đã không tìm thấy 2 công văn nêu trên, nên việc chuyển giao 2 công văn trên (bản gốc) cho cơ quan an ninh điều tra là không thực hiện được.

Vậy VKSND TP ĐN phúc đáp để cơ quan ANĐT có căn cứ giải quyết.”

Kết quả xác minh tại VKSND Tối cao được thể hiện trong Báo cáo kết quả xác minh ngày 8/6/2007 (BL 15) do ông Huỳnh Kim Như, Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan ANĐT CA TPĐN cùng với ông Nguyễn Duy Dụ, Vụ phó vụ 1 thực hiện tại VKSND Tối cao.

Nội dung báo cáo: “đồng chí Dụ cho biết: hai công văn trên hiện nay vụ 1 không còn lưu giữ tại vụ 1,

Vậy chúng tôi lập biên bản nầy để làm cơ sở cho việc xem xét giải quyết”

Ký tên đóng dấu: kiểm sát viên Nguyễn Duy Dụ

Ký tên người xác minh báo cáo: Huỳnh Kim Như

Việc Án phúc thẩm quy kết ông Trần Văn Thanh chỉ dựa vào tài liệu duy nhất là bút tích của ông Thanh sửa trên tờ đơn nháp do Nguyễn Phí Duy Linh thảo ra. Tuy nhiên, cơ quan THTT cũng không xác định được đơn này có được gửi đi hay không (?), vì không thu được đơn từ các cơ quan tiếp nhận đơn nên không thể kết tội một người viết đơn cũng như người sửa đơn khi mà không xác định được nó có được gửi đi để tố cáo sai sự thật một ai đó. Hơn nữa, dù lá đơn có được gửi đi thì cũng phải xử lý theo đúng trình tự của Luật khiếu nại tố cáo.

Việc Án phúc thẩm (cũng như án sơ thẩm) quy buộc ông Trần Văn Thanh xúi giục Đinh Công Sắt bỏ trốn, đưa bà nội, bà ngoại của Sắt là 2 Bà Mẹ Viện Nam anh hùng ra Hà nội kêu oan cho Sắt sau khi Sắt bị khởi tố cũng hoàn toàn không có căn cứ. Cụ thể là bản án không đưa được một chứng cứ nào ra để chứng minh việc này, thậm chí cũng không viện dẫn được một bút lục nào trong hồ sơ để chứng minh mà chỉ phân tích chung chung. Trong khi đó có những lời tự trình bày của những người có liên quan về việc này lại không được đề cập đến, đó là lời tự trình bày của ông Nguyễn Pháp (cậu ruột Sắt) trước CQĐT: “Sắt bảo tôi soạn 1 lá đơn yêu cầu trả lời. Do đó tôi viết nháp đơn thư yêu cầu trả lời – Nội dung nhẹ nhàng khiêm tốn. Viết xong tôi đưa Sắt xem.Sắt bảo viết ri không được. ….. Tôi nói: thôi mày viết đi, khi Sắt soạn xong rồi, tôi xem qua. Thấy nội dung có khác một đoạn “….Hai bà mẹ Việt Nam anh hùng, sẵn sàng ra Hà Nội tự thiêu trước văn phòng chính phủ để làm trong sạch Đảng…” xem xong tôi không đồng ý và nói với Sắt: Đảng làm cái gì mà mi đòi làm trong sạch Đảng. nói vậy không được đâu. Sau một hồi tranh luận tôi sửa lại đoạn trên là: hai bà mẹ Việt Nam anh hùng sẵn sàng ra Hà Nội, tự thiêu để làm sáng vấn đề của Đà Nẵng. khi sửa xong tôi đi vi tinh và phô tô ra khoảng 4 đến 5 tờ. Khi trở về nhà Sắt nói: trời mưa quá, thôi cậu đưa bà ngoại điểm chỉ, còn bà nội cậu lấy ngón tay khác của bà ngoại in đại vào. Tôi nói công an họ biết liền. Sắt bảo kệ nó. Tôi làm theo lời và đi gởi” (BL 1709)

Tại bản tường trình ngày 8/5/2009 (sau ngày Sắt bị bắt), ông Nguyễn Pháp viết: “cũng trong thời gian này tôi có ghé vào chỗ chú Hiền hai lần. Tôi nói với chú Hiền …….chú Hiền bảo …tính làm sao đưa hai bà vào thăm nuôi, để xem xét tình hình thử coi” (BL1718)

Các đãn chứng trên cho thấy Đinh Công Sắt và người nhà của Sắt hoàn toàn chủ động việc đưa hai Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ra Hà Nội khiếu nại kêu oan cho Sắt, không hề có một tình tiết nào thể hiện ông Trần Văn Thanh liên quan trong việc này. Ngay cả việc Đinh Công Sắt phát tán 2 văn bản 73, 77 của VKSND TP ĐN được coi là nghiêm trọng nhất, là cơ sở trước tiên để khởi tố vụ án cũng là hành động độc lập của Sắt, ông Thanh không biết việc này, hồ sơ vụ án cũng không có tài liệu nào thể hiện ông Thanh có liên quan đến hành vi của Sắt. Vậy mà, án phúc thẩm vẫn quy kết ông Trần Văn Thanh là “chủ mưu”, “tổ chức”, “xúi giục” các bị cáo trong vụ án thực hiện hành vi phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại điều 258 BLHS.

Qua những phân tích có dẫn chứng trên, tôi xin khẳng định:

  1. Án phúc thẩm không đưa ra được chứng cứ chứng minh ông Trần Văn Thanh có hành vi tổ chức, xúi giục Nguyễn Phí Duy Linh, Đinh Công Sắt viết đơn, thư khiếu nại cũng như đơn tố cáo.
  2. Dựa trên các yếu tố cấu thành tội phạm cho thấy ông Trần Văn Thanh cũng như  hành vi của Dương Tiến, Nguyễn Phí Duy Linh và Đinh Công Sắt không cấu thành “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư cũng đã phân tích các dấu hiệu đặc trưng của tội danh này, đối chiếu với hành vi được mô tả trong bản án thì không thì không có tội phạm này xảy ra, vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là loại tội phạm cấu thành vật chất, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi đó đem lại.
  3. Chỉ còn duy nhất hành vi phát tán văn bản 73, 77 của VKSND TP ĐN do Đinh Công Sắt thực hiện. Đây là việc làm độc lập của Sắt nên chỉ mình Sắt chịu trách nhiệm. Hành vi đó đã phạm tội hay chưa thì các CQTHTT có trách nhiệm làm rõ. Việc Dương Tiến cung cấp cho Sắt 2 văn bản này chỉ là bản photo, không có bản chính để đối chiếu, so sánh. Hơn nữa, Tiến cũng không “xúi giục” Sắt đi photo thành nhiều bản để phát tán nên không thể coi Tiến là đồng phạm với Sắt nếu hành vi này của Sắt cấu thành một tội danh nào đó.

Kính thưa Quý Ông, ông Trần Văn Thanh là một sĩ quan Công an nhân dân, cả gia đình ông đã công hiến cho cách mạng, những người ruột thịt, kể cả người mẹ yêu quý của ông cũng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bản thân ông tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, lớn lên và được rèn luyện trong chiến tranh, trưởng thành trong sự nghiệp bảo vệ an ninh và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, lẽ nào ông lại phải chịu nghịch cảnh này? Những phân tích trên đây của tôi – một luật sư bào chữa cho ông Trần Văn Thanh – cũng là tiếng kêu than thay cho thân chủ của mình mong tìm được công lý mà bản thân ông lúc nằm trên giường bệnh, khi tiếp xúc với luật sư đã uất nghẹn không nói được nên lời!

Với tư cách là luật sư bào chữa cho ông Trần Văn Thanh tai phiên tòa phúc thẩm, tôi xin thỉnh cầu ông Chánh án TANDTC, ông Viện trưởng VKSNDTC xem xét lại bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 07-12-2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án, giải oan cho người vô tội.

Xin gởi đến Quý Ông lời chào kính trọng!

Tp Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 01 năm 2010

Người kiến nghị

Luật sư Trịnh Minh Tân


This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.