Các vấn đề kinh tế của Việt Nam là do tăng trưởng thiếu kiểm soát

Tính ổn định của nền kinh tế Việt Nam được xem xét kỹ lưỡng giữa lúc quốc gia này đương đầu với lạm phát leo thang, tình trạng thâm hụt gia tăng, đồng nội tệ suy yếu, và nguồn quỹ dự trữ ngoại hối đang sa sút. Theo các nhà phân tích chính trị và tài chính, đây là những “triệu chứng” của sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam. Thông tín viên VOA Daniel Schearf tường trình từ Bangkok.

Hình: REUTERS Kinh tế Việt Nam thường được ca ngợi là một trong những nền kinh tế nhiều hứa hẹn nhất ở Châu Á

Hình: REUTERS Kinh tế Việt Nam thường được ca ngợi là một trong những nền kinh tế nhiều hứa hẹn nhất ở Châu Á

Nền kinh tế Việt Nam thường được ca ngợi là một trong những nền kinh tế đang lên nhiều hứa hẹn nhất tại Châu Á. Trong năm 2010, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,5%, tiếp tục một thập niên tăng trưởng mạnh.

Thế nhưng Việt Nam đang phải vật lộn với các vấn đề nghiêm trọng, trong đó có tình trạng thâm hụt mậu dịch lên tới 12 tỷ đô la trong năm.

Thâm hụt mậu dịch và nạn lạm phát do sự tăng trưởng kinh tế đã tạo áp lực lên đồng nội tệ của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam, vốn kiểm soát chặt chẽ tiền đồng, đã phải 3 lần phá giá tiền đồng trong 13 tháng qua.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn tiếp diễn, với giá cả tiêu dùng trong năm tăng vọt 11%.

Một phần để chống đỡ cho đồng nội tệ, Việt Nam đã chi nguồn dự trữ ngoại hối, khiến mức này hạ giảm từ cao điểm 24 tỷ đô la trong năm 2008 xuống còn 14 tỷ đô la trong tháng 9 năm nay.

Ông Tom Byrne, phó chủ tịch cấp cao của công ty đánh giá tín nhiệm Moodys Investors Service ở Singapore, cho rằng tiền đồng ngày càng chịu áp lực đi xuống, và nếu dự trữ bị hạ giảm thêm nữa thì nguy cơ của một cuộc khủng hoảng thanh toán nợ nần sẽ gia tăng.

Ông Byrne nói: “Nếu tỷ giá ngoại hối suy yếu thêm, dĩ nhiên sẽ dẫn tới các hình thức lạm phát ngắn hạn và thậm chí có thể sẽ khiến thêm nhiều nguồn vốn bay rời khỏi Việt Nam. Nhưng về lâu về dài, nó sẽ giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh. Nhưng vấn đề chính là dù chính quyền Việt Nam có biện pháp gì chăng nữa, theo chúng tôi, yếu tố giúp nâng cao mức đánh giá là sự ổn định kinh tế vĩ mô hơn nữa. Vâng tăng trưởng mạnh, nhưng có lẽ đừng mạnh quá đến mức dẫn tới lạm phát cao.”

Vẫn theo ông Byrne, các chính sách của nhà nước Việt Nam thiên về tăng trưởng nhanh, có lợi cho công ăn việc làm của người dân và sự phát triển kinh tế ngắn hạn, chứ không phải là sự bền vững.

Nhiều người e rằng tiền đồng của Việt Nam có thể sẽ suy yếu thêm nên họ đầu tư bằng vàng và Mỹ kim. Điều này lại càng gia tăng áp lực lên tiền đồng.

Công ty Moodys và các cơ quan đánh giá khác hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam trong tháng này vì các dữ liệu kinh tế mất cân đối và vì có thông báo rằng một công ty đóng tàu quốc doanh không trả nổi một khoản vay nước ngoài.

Vinashin, một trong những công ty lớn nhất của Việt Nam, không chi trả nổi món nợ 600 triệu đô la. Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã yêu cầu Vinashin tái cơ cấu.

Việc Vinashin vỡ nợ làm dấy lên các mối quan ngại rằng chính phủ Việt Nam giờ đây có lẽ ít khả năng hỗ trợ tài chính cho các công ty quốc doanh có nợ lớn.

Thế nhưng, ông Carl Thayer, giáo sư chính trị học thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Australia cho rằng quyết định của chính phủ Việt Nam trong vụ này dường như mang tính chính trị hơn là kinh tế. Ông Thayer nói giới lãnh đạo cấp cao có lẽ quyết định tái cơ cấu Vinashin như một cách biểu hiện thái độ không hài lòng với các chính sách tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Thayer cho biết: “Vinashin từng là một nét phô diễn của Thủ tướng. Cho nên tôi không thể không nhận thấy vấn đề này mang tính chính trị. Tôi thật sự không nghĩ rằng giới lãnh đạo Việt Nam đã có một lập trường đạo đức táo bạo và tuyên bố rằng các công ty quốc doanh hãy tự lo liệu cho mình. Ý tôi là tinh thần đó có, nhưng nó không chiếm ưu thế vì làm như vậy là tự đưa mình vào thế kẹt bởi chính phủ Việt Nam dựa vào các công ty quốc doanh. Họ muốn các doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả và họ đã dung dưỡng che chở cho các cơ sở ấy, nhưng không thể làm được việc này đối với công ty Vinashin vì nó quá lớn.”

Tháng rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ Vinashin. Các khoản nợ của công ty này ước tính lên tới 4 tỷ rưỡi đô la.

Giáo sư Thayer cho rằng Đại hội đảng trong tháng Giêng tới đây có phần chắc sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố quan trọng nào về mặt kinh tế.

Và vẫn theo lời ông, mặc dù bị chỉ trích về mặt kinh tế, Thủ tướng Dũng của Việt Nam có phần chắc sẽ duy trì vị trí vì không có đối thủ phù hợp.

Ông Thayer nói: “Thậm chí khi ra trước cuộc họp của các nhà tài trợ trong năm, mặc dù bị chỉ trích mà tôi đang phản ánh một vài điều trong số đó, Thủ tướng Việt Nam vẫn khẳng định rằng chúng tôi cùng lúc có thể tăng trưởng, có thể ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì ổn định chính trị. Ông Dũng đang tung hứng 3 quả bóng cùng lúc và có khả năng là 1 trong 3 sẽ bị rớt. Và đó có thể là sự ổn định kinh tế vĩ mô.”

Các nhà phân tích tài chính và khu vực cho rằng các vấn đề gần đây của Việt Nam, trong đó có vụ vỡ nợ của Vinashin, có thể khiến một số nhà đầu tư nước ngoài không dám vào Việt Nam. Thế nhưng phó chủ tịch cấp cao của công ty đánh giá tín nhiệm Moodys Investors Service, ông Byrne, nhận xét triển vọng kinh tế về lâu về dài của Việt Nam vẫn tích cực.

Ông Byrne nói rằng: “Việt Nam đã có những biện pháp và thực hiện các bước để mời chào các nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và tôi cho rằng điều này thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Yếu tố khuyến khích Việt Nam là thỏa thuận mậu dịch song phương với Hoa Kỳ được ký kết cách đây vài năm, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận với thị trường Mỹ.”

Theo ông Byrne, ngoài việc cân đối chi trả, Việt Nam cần phải cải thiện tính minh bạch về các dữ liệu và chính sách kinh tế. Một ví dụ mà ông Byrne chỉ ra là các số liệu cập nhật về quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam thường được công bố rất trễ so với các nước khác có trong giai đoạn bậc phát triển.

Ông Byrne cho rằng nhiều thông tin hơn về tình trạng nợ nần và sự hậu thuẫn dành cho các công ty quốc doanh cũng sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư cho Việt Nam.

Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-economy-12-29-2010-112615879.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.