Biết được Trung Quốc hiện đại hóa quốc phòng ra sao là điều quan trọng đối với Hoa Kỳ và cả thế giới. Phải chăng bản thân Bắc Kinh đã phóng đại khả năng quân sự của mình ? Giới chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng cần phải nhiều năm Trung Quốc mới có thể chế tạo được loại tên lửa đạn đạo tấn công tàu chiến.
Sự phát triển bộ máy quân sự của Trung Quốc là chủ đề gây lo ngại cho nhiều nước láng giềng. Trong thời gian qua, nhiều nước phương Tây cho rằng đây là một thách thức. Do vậy, biết được Trung Quốc hiện đại hóa quốc phòng ra sao là điều quan trọng đối với Hoa Kỳ và cả thế giới.
Thế nhưng, theo giới chuyên gia, dường như khả năng quân sự của Trung Quốc đã được phóng đại, không chỉ bởi các cường quốc và còn bởi chính Bắc Kinh. Theo tờ Washington Post, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc còn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, đặc biệt là của Nga.
Báo chí của Nga và các chuyên gia quốc phòng cho biết là sau nhiều năm trời phát triển, các kỹ sư của Trung Quốc vẫn chưa có thể chế tạo được động cơ máy bay quân sự. Vào tháng trước, các quan chức Trung Quốc nói với bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov là họ sẽ quay lại mua các loại vũ khí chính của Nga, sau nhiều năm gián đoạn. Trong danh sách mà Bắc Kinh muốn mua gồm có tiêm kích Sukhoi 35, các phương tiện vận tải hàng không, máy bay vận tải quân sự IL 476, máy bay tiếp liệu trên không IL 478, hệ thống phòng không S – 400, v.v.
Ông Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Công nghệ Chiến lược, đồng thời là cố vấn của bộ Quốc phòng Nga, dự báo là Trung Quốc cần một thập niên nữa để hoàn thiện động cơ máy bay trong số các công nghệ quân sự chủ chốt khác. Ông nói, “Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào chúng tôi và sẽ tiếp tục phụ thuộc như vậy trong thời gian tới” .
Năm 2009, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tiết lộ một kế hoạch đầy tham vọng hiện đại hóa quân đội, phát triển hải quân để có thể vươn ra xa hơn các hòn đảo vây quanh bờ biển Trung Quốc, xây dựng lực lượng không quân đủ khả năng phối hợp tác chiến tấn công và phòng thủ, đẩy mạnh lực lượng pháo binh bao gồm vũ khí nguyên tử và vũ khí quy ước.
Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển mạnh về tàu ngầm, một lực lượng trong hạm đội hải quân lớn nhất tại châu Á. Theo nguồn tin báo chí, vào tháng 10 năm 2006, một tàu ngầm tấn công có động cơ diesel thuộc lớp Tống của Trung Quốc đã bí mật bám theo quan sát hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Kitty Hawk và chỉ cách có 4 dặm mà không bị phát hiện. Mặc dù bộ Quốc phòng Mỹ chưa bao giờ khẳng định thông tin báo chí nhưng điều này làm dấy lên mối quan ngại là Trung Quốc có thể đe dọa các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, phương tiện chủ chốt cho phép hải quân Mỹ phát huy sức mạnh của mình.
Do bị Matxcơva từ chối, Bắc Kinh phải tự chế tạo tàu ngầm. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã chế tạo được ít nhất là một tàu ngầm, lớp Tấn, chạy bằng năng lượng nguyên tử, có trang bị tên lửa đạn đạo. Trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ có thêm 5 tàu ngầm loại này nữa.
Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ – ONI – nhận định, tàu ngầm lớp Tấn cho phép Trung Quốc có đủ khả năng đánh trả một cuộc tấn công hạt nhân với tên lửa đạn đạo tầm xa 4000 dặm. Thế nhưng, trong một báo cáo gần đây, ONI cũng nói rõ là tàu lớp Tấn gây tiếng ồn còn hơn cả tàu ngầm do Liên Xô chế tạo cách nay 30 năm. Do vậy, nó có thể bị phát hiện sớm, ngay sau khi rời cảng.
Theo ông Hans Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân, thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, “hiện nay, có xu hướng nói về Trung Quốc như một mối đe dọa quân sự lớn sẽ xẩy ra trong tương lai. Thế nhưng, các tàu ngầm Trung Quốc mang tên lửa đạn đạo lại là những mục tiêu dễ dàng” .
Tình trạng phụ thuộc kéo dài vào các nhà cung ứng vũ khí Nga cho thấy một sự thật quan trọng về bộ máy quân sự của Trung Quốc: Các lời đe dọa ồn ào về sự trỗi dậy của một siêu cường đã tỏ ra không có cơ sở, do các ngành công nghiệp quốc phòng không đủ khả năng chế tạo ra những thiết bị quân sự mà Trung Quốc cần. Mặc dù Hoa Kỳ đã phải có những thay đổi để đối phó với sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc, giới chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng cần phải nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên nữa thì Trung Quốc mới có thể chế tạo được loại tên lửa đạn đạo tấn công tàu chiến.
Đối với ông Vasily Kashin, một chuyên gia về công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, làm việc tại Bắc Kinh, thì “Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển ngành công nghiệp vũ khí, thế nhưng, các tiến bộ này đã được thổi phồng” và “Trung Quốc có truyền thống lâu đời trong việc tự đánh giá cao những khả năng của mình” .
Đ. T.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20101226-trung-quoc-phong-dai-kha-nang-quan-su