Năm trước, có một bài báo “chất vấn” một tòa báo nọ vì sao không gọi người đại diện cơ quan X. là đồng chí mà lại gọi là ông. Nói thẳng ra thì bài báo ấy phê phán tờ báo nọ lập trường không rõ ràng, hoặc là mập mờ không muốn tỏ thái độ chính trị của mình.
Có lẽ vấn đề không đơn giản như thế. Từ đồng chí thời nay quả là chuyện đáng bàn.
Trước hết, xin mở Từ điển Tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1977), trang 308:
Đồng chí có 2 cách cắt nghĩa: 1- Những người cùng một chí nguyện; 2- Từ chỉ những người thuộc cùng một đoàn thể cách mạng.
Nếu chỉ vậy thì còn gì đáng bàn nữa. Cũng như từ Đồng Chí thời nhà thơ Chính Hữu sáng tác bài thơ nổi tiếng thể hiện một tình cảm đẹp đẽ thiêng liêng đã được khẳng định. Những ai từng sống thời đó, cái thời mà “Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá… Thương nhau tay nắm lấy bàn tay…“, hẳn đều có lúc bồi hồi tưởng nhớ tình đồng chí cao đẹp ấy xen một chút như ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng như không hiểu sao mình có thể sống đẹp và đơn giản như vậy; ngỡ ngàng không biết mình đã đánh mất “nó” từ bao giờ!…
Đã mấy chục năm qua! Cuộc sống biến động và phức tạp lên từng ngày. Từ đồng chí thời nay trở nên “phức tạp”, nhiều khi làm chúng ta đau đầu. Kể ra, cũng có khi “nó” giúp ta gỡ một tình thế khó xử, “nó” được dùng như là một đại từ… giống trung! Ví như gặp một người khách mà từ cách ăn mặc cho đến vẻ mặt rất khó đoán tuổi, cương vị, khó xác định nên gọi là chú hay anh, thì tiện nhất cứ chào đồng chí! Hoặc trước một thanh niên vận quần bò, tóc ngắn, cũng có khi là tóc dài, mà ta không dám chắc là trai hay gái thì từ đồng chí thật đắc dụng. Gọi bằng đồng chí cũng là cách “trung dung” mà một số cán bộ hay dùng. Trong mấy kiểu kể trên thì có trường hợp làm ta vừa bực, vừa ngượng. Ấy là lúc ta tìm hiểu được “đồng chí” nọ hóa ra là một kẻ buôn lậu đến xin miễn thuế, hoặc là một “quan” tham nhũng đang phè phỡn trên lưng chúng ta.
Dù sao thì các tình thế “giống trung” ấy cũng có chút vui vẻ, đáng cười (cười tủm tỉm hoặc là buồn cười). Điều đáng buồn thật sự là khi người ta không cùng chí hướng với nhau nữa, thậm chí thù nghịch nhau mà vẫn gọi nhau bằng “đồng chí”! Đó là trường hợp các “đồng chí” cùng một cơ quan, hội đoàn, nhưng lại chia phe này phái khác, hoặc là đang tìm cách “hất cẳng” nhau! Có tờ báo đã gọi một tên tham nhũng cỡ bự là “đồng chí”, viện cớ “đồng chí” chỉ mới bị tố cáo, đang trong giai đoạn “điều tra” chứ chưa bị tòa án kết tội! Trong khi cả nước đang tìm diệt bọn chúng như kẻ thù nguy hiểm, cách biện bạch ấy nghe khó lọt tai và làm chúng ta đau lòng!
Còn từ đồng chí khiến người ta phải đau đầu thì những ai để ý đến sự biến động trên chính trường quốc tế vừa qua hẳn đã rõ. Mới là đồng chí thân thiết đó, bỗng hóa ra “ông” và “ngài”. Và ngược lại… Đau đầu, vì cái ranh giới ấy đâu còn rõ ràng và thời điểm nào thị sự chuyển vị ấy là thích hợp? Ai có thẩm quyền định ra các chuẩn mực đó? Vậy mà đôi khi chúng ta vẫn sợ bị khiển trách. “Ây, đến lúc này mà các cậu còn gọi tay X. là đồng chí à?”, hoặc là thấp thỏm: “Chà! Không biết bây giờ đã gọi ông Y. là đồng chí được chưa?…”
Thực ra, cũng có cách giải thoát. Từ ông và bà rất lịch sự, có tự ngàn xưa và nay vẫn đắc dụng. Nhưng vì một quan niệm, một nếp quen, người ta lại chỉ muốn dùng hai từ có tính phổ biến ấy một cách hạn hẹp. Biết làm sao được! Đó là chuyện đã vượt ra ngoài lĩnh vực ngôn từ.
Cuộc sống đang biến động đến chóng mặt và trong cách sử dụng từ ngữ cũng như việc sắm đồ tiêu dùng, mỗi người có sở thích riêng. Dễ gì ai ép được ai. Chỉ mong sao đừng lầm lẫn, giả dối. Cũng mong sao đừng tráo trở. Có thể ai đó thay lòng đổi dạ, còn chúng ta, mong sao mãi mãi vẫn là đồng chí, là bạn tốt với nhau và với mọi người.
N. K. P.
Nguồn: http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Ngon-Ngu/Nghi_ve_tu_dong_chi/