Khiếu kiện tập thể

Tình hình nhiều người cùng chịu cảnh oan trái, bất công đứng chung tên trong một vụ khiếu nại tiếp tục diễn ra tại Việt Nam.

Dân oan các tỉnh miền Nam biểu tình tại Hà Nội sáng 07/12/2010. Photo courtesy of vietnamexodus.org

Dân oan các tỉnh miền Nam biểu tình tại Hà Nội sáng 07/12/2010. Photo courtesy of vietnamexodus.org

Các đại biểu Quốc hội Khoá 12 trong kỳ họp thứ 8 vừa rồi đã đưa vấn đề ra bàn thảo. Vậy ý kiến của các phía đối với vấn đề khiếu kiện tập thể đến nay ra sao?

Thực tế không thể chối bỏ

Trường hợp những người dân tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh có em đi nghĩa vụ quân sự và được Quân khu Bốn hứa sẽ đưa đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc sau khi giải ngũ. Tuy nhiên họ phải nộp một số tiền hơn trăm triệu đồng. Nhiều gia đình đã phải cầm cố sổ đỏ, vay mượn chạy đủ số tiền theo yêu cầu; thế nhưng rồi tiền mất mà con vẫn không được đi lao động tại Hàn Quốc. Những người có chung cảnh ngộ đó đã chung nhau khiếu kiện đến Quân khu 4 như trình bày của một phụ huynh trong trường hợp này:

“Hôm trước toàn bộ nhân dân xuống phòng Cảnh sát Hình sự Quân khu hỏi thì được cho biết vụ việc đã chuyển sang Viện Kiểm sát; nhưng rồi đến nay chưa thấy họ làm gì cả”.

Gần đây, một số người dân tại giáo xứ Cồn Dầu ở thành phố Đà Nẵng lại ký tên chung vào một đơn khiếu nại yêu cầu chính quyền đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ là được tái định cư gần nhà thờ của họ, vì chuyện giải tỏa để bán đất cho một công ty tư nhân làm dự án khu đô thị sinh thái có những điểm không phù hợp với những qui định của Nhà nước.

Hiện nay có một số đại biểu Quốc hội cho đó là quyền của người dân. Người ta cũng bàn đến nhưng đến bây giờ vẫn chưa ngã ngũ.

Luật sư Phạm Hồng Hải

“Khi có dự án, từ đầu dân đã có ý kiến. Dự án này giao cho công ty tư nhân làm khu đô thị sinh thái, như thế tất nhiên trong khu đó vẫn cho phép người dân ở; mà đó là bán cho ‘người có tiền’. Nhưng người dân vẫn thiết tha muốn được ở gần nhà thờ để thuận tiện cho việc phụng tự tôn giáo của họ. Đó thực tế là quyền lợi chính đáng mà họ đòi hỏi”.

Đó là hai trong nhiều trường hợp những người gặp chung cảnh ngộ đứng chung tên để khiếu kiện những đối tượng gây ra những điều mà họ cho là không đúng, vi phạm qui định, luật pháp Việt Nam.

Tuy nhiên việc khiếu nại tập thể lâu nay không được giải quyết bởi bị cấm bởi nghị định số 136 mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành hồi ngày 14 tháng 11 năm 2006. Đến 26 tháng 8 năm 2010, Thanh tra Chính phủ Việt Nam ra thông tư qui định qui trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Trong thông tư đó, điều 8 nêu rõ là đơn khiếu nại có họ tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đề xuất thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn và toàn bộ tài liệu đính kèm nếu có cho người gửi đơn; rồi hướng dẫn từng người viết đơn riêng.

Có vi phạm luật?

Luật sư Phạm Hồng Hải, thuộc đoàn luật sư Hà Nội, có ý kiến về những qui định pháp luật Việt Nam trong vấn đề khiếu kiện đông người:

“Khiếu nại tập thể theo Luật Khiếu nại – Tố cáo hiện hành thì không được giải quyết. Lý do được nêu ra là mỗi người có những quyền lợi khác nhau trong một vụ kiện. Nếu không đồng ý điều gì thì nêu quan điểm cá nhân thôi, tránh trường hợp hằng trăm, hằng mấy chục người cùng ghi vào một văn bản mà không thể hiện ý chí của tất cả mọi người. Một lý do khác nữa là vì chuyện khiếu kiện mà mọi người cùng liên kết với nhau gây mất trật tự công cộng, gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh trật tự.

Dân oan Vũng Tàu khiếu kiện tập thể. Photo courtesy of honviet.co.uk

Dân oan Vũng Tàu khiếu kiện tập thể. Photo courtesy of honviet.co.uk

Tuy nhiên hiện nay có một số đại biểu Quốc hội cho đó là quyền của người dân. Người ta cũng bàn đến nhưng đến bây giờ vẫn chưa ngã ngũ”.

Người dân cũng biết qui định này của chính quyền như phát biểu của bà Bùi Thị Thành, một người từng bị loại ra khỏi ngành giáo dục do có những đấu tranh về đáp án sai, cũng như có nhà bị cưỡng chế bất hợp lý cho biết:

“Ông Nguyễn Tấn Dũng không cho khiếu kiện tập thể, chỉ từng người một nộp đơn thôi. Nếu mà cho khiếu kiện tập thể thì người ta sẽ ký nhiều lắm”.

Một người dân khác cho rằng biện pháp đó nhằm bẻ gãy ý chí đấu tranh chống tiêu cực, chống những sai phạm của nhiều người dân trong một vụ việc như nhận định của một dân oan tại Nghệ An sau đây:

“Đơn chung thì có, nhưng nay bị cấm, nên đơn chung đó bị xé ra từng người, từng trường hợp để giải quyết. Tuy nhiên, nhưng chúng ta thường nói làm thế là để ‘bẻ đũa từng chiếc’. Tức bao giờ cũng thế: một người thì áp lực không bằng nhiều người”.

Dù biết thế nhưng những người gặp oan sai trong cùng một vụ việc vẫn tiếp tục cùng nhau đến tại các cơ quan chức năng để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ.
Tại phiên thảo luận về Luật Khiếu nại hôm ngày 5 tháng 11 vừa qua, đa số các đại biểu Quốc hội Việt Nam phải thừa nhận không thể né tránh hình thức khiếu kiện đông người.

Đại biểu Trần thị Phương Hoa, đơn vị tỉnh Nam Định, phát biểu là trong những năm gần đây do việc thu hồi đất triển khai các dự án thường liên quan đến nhiều người; dù luật không cho phép, khiếu nại đông người vẫn diễn ra và cơ quan thẩm quyền giải quyết không thể từ chối.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân, đơn vị Tây Ninh, có ý kiến về việc khiếu nại tập thể như sau:

“Việc khiếu nại tập thể vẫn được luật ghi nhận; trong quá trình thảo luận có ý kiến cho rằng không thể và không nên khiếu nại tập thể vì không rõ trách nhiệm cá nhân trong đó. Tôi ủng hộ phương án khiếu nại tập thể, nhưng từng người ký vào đơn đó phải có trách nhiệm như nhau; tức phải ý thức trách nhiệm của mình chứ không phải dựa vào tập thể để thực hiện những khiếu nại thiếu căn cứ, gây tác động xấu cho xã hội.

Việt Nam cũng chưa có luật về biểu tình nên đôi khi việc khiếu nại tập thể có thể dẫn đến hành vi gần như biểu tình. Trong khi chưa có những qui định cụ thể sẽ có xử lý những trường hợp đó.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân

Cá nhân tôi ủng hộ, nhưng trong luật hiện nay vẫn ghi chừng mực chấp nhận mọi người ký đơn như vậy, tuy nhiên khi giải quyết quyền lợi của từng người thì yêu cầu có đơn cụ thể. Tôi nghĩ đó là một vấn đề tương đối khó trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Lý do Việt Nam chưa có những luật thật sự chặt chẽ để ràng buộc.
Việt Nam cũng chưa có luật về biểu tình nên đôi khi việc khiếu nại tập thể có thể dẫn đến hành vi gần như biểu tình. Trong khi chưa có những qui định cụ thể sẽ có xử lý những trường hợp đó”.

Thống kê được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi cho thấy trong năm 2008 số lượt đoàn đông người khiếu nại tổng cộng là hơn 1000 đoàn, đến năm 2009 tăng lên hơn 2500 và năm 2010 tăng đến gần 3600.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đơn vị Lạng Sơn nêu ra trường hợp đơn kiến nghị dừng dự án khai thác bôxít Tây Nguyên đến lúc Quốc hội họp vừa qua đã hơn 2000 chữ ký. Nếu không giải quyết mà mỗi người phải làm một đơn riêng thì chắc chắn việc giải quyết sẽ phức tạp.

Ông Nguyễn Minh Thuyết đưa ra đề nghị trong luật khiếu nại nên quy định, nếu từ 10 người trở lên thì cử một đại diện để đứng ra làm việc với cơ quan giải quyết.

G. M.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/group-petition-a-reality-without-legal-status-gm-12212010155951.html

This entry was posted in Tố Cáo. Bookmark the permalink.